Khi tiền không còn rẻ: Lời cảnh báo “lạnh gáy” từ chứng khoán Trung Quốc
Chỉ số CSI 300 của chứng khoán Trung Quốc đã sụt 15% sau khi đạt đỉnh 13 năm vào tháng trước, do nỗi lo về chính sách tiền tệ thắt lại…
Ảnh minh họa – Ảnh: Bloomberg.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang cho thế giới thấy điều gì sẽ xảy ra khi các ngân hàng trung ương và chính phủ bắt đầu rút khỏi các biện pháp kích thích tăng trưởng vượt đại dịch Covid-19. Và điều này chẳng hề dễ chịu chút nào.
Theo hãng tin Bloomberg, chỉ số CSI 300 của chứng khoán Trung Quốc đã sụt 15% sau khi đạt đỉnh 13 năm vào tháng trước, do nỗi lo về chính sách tiền tệ thắt lại thay thế cho lạc quan về phục hồi kinh tế.
Cũng giống như ở nhiều thị trường khác, đà tăng lên đỉnh của chứng khoán Trung Quốc đã được thúc đẩy bởi việc các nhà đầu tư săn lùng một số ít mã cổ phiếu, trong đó có những nhà đầu tư gia nhập thị trường vào lúc gần đỉnh. Trong tháng 3 này, CSI 300 “đuối” so với chỉ số MSCI của chứng khoán toàn cầu với một khoảng cách tụt hậu rộng nhất kể từ năm 2016. Cùng với đó, những quỹ tương hỗ (mutual fund) đình đám nhất trên thị trường chứng khoán Trung Quốc lao đao theo.
Sau một năm chống chọi với Covid bằng những đợt cắt giảm lãi suất mạnh tay và hàng nghìn tỷ USD bơm vào nền kinh tế, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã đến lúc phải tính đến việc đảo ngược các chính sách ứng phó khủng hoảng này. Một số như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố tiếp tục giữ chính sách siêu nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng, nhưng số khác buộc phải hành động gấp vì rủi ro lạm phát lớn. Tuần trước, Brazil trở thành nền kinh tế G20 đầu tiên tăng lãi suất, tiếp đó là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Na Uy cũng đang thể hiện một lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn hơn.
Video đang HOT
Hồi tháng 2, giới đầu tư toàn cầu bắt đầu phản ánh vào giá cổ phiếu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn và giá cả tiêu dùng tăng lên ở Mỹ, theo đó đẩy nhanh kỳ vọng về thời điểm Fed buộc phải nâng lãi suất. Điều này dẫn tới sự điều chỉnh kỹ thuật ở những chỉ số đã bị đẩy lên quá cao như Nasdaq, nhưng không một chỉ số chủ chốt nào của chứng khoán toàn cầu có mức giảm sâu như CSI 300.
“Biến động thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể cho thấy thách thức đối với việc rút lại các chính sách kích cầu trên toàn cầu, bởi Trung Quốc là nước đầu tiên xảy ra đại dịch và cũng là nước đầu tiên khống chế được đại dịch”, chuyên gia kinh tế Peiqian Liu thuộc Natwest Markets nhận định.
Diễn biến lao dốc kinh hoàng của chỉ số CSI 300.
Trung Quốc có lý do để rút lại các biện pháp kích cầu nhanh hơn so với các nền kinh tế lớn khác, trong đó phải kể đến việc nước này kiểm soát Covid tốt hơn, chủ trương giảm nợ trong nền kinh tế của Bắc Kinh, và việc người dân nước này không có nhiều kênh đầu tư để lựa chọn. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng “ nóng”nhất thế giới kể từ khi Covid-19 được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán.
Khi Covid bắt đầu lan rộng ở Trung Quốc trong 2 tháng đầu tiên của năm 2020, CSI 300 sụt 12%, trong khi thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục lập đỉnh mới. Vài tuần sau đó, khi chỉ số MSCI All-Country World Index bắt đầu lao dốc trong bối cảnh virus lây lan trên toàn cầu, chứng khoán Trung Quốc đã bắt đầu bật tăng trở lại nhờ kỳ vọng của nhà đầu tư vào các biện pháp kích cầu sắp sửa được triển khai. Đến tháng 7/2020, Trung Quốc đã trở thành một trong những thị trường chứng khoán nóng nhất thế giới. Khi đạt đỉnh vào ngày 10/2/2021, CSI 300 đã tăng 65% kể từ mức đáy của năm ngoái. Sau đó, chỉ số bắt đầu lao dốc.
Tuần này, các nhà phân tích tại Credit Suisse Group cắt giảm khuyến nghị đối với cổ phiếu Trung Quốc về ngưỡng tương đương “bán”, cho rằng thị trường Trung Quốc có thể để tuột mất thành quả tăng đạt được trong thời gian đại dịch ở mức độ nhiều hơn so với các thị trường khác. Đây là lần thứ hai trong vòng 5 tuần Credit Suisse cắt giảm khuyến nghị đối với chứng khoán Trung Quốc.
“Chúng tôi đã chốt lời đối với cổ phiếu A của Trung Quốc vào đầu tháng 2, xét tới khả năng thắt chặt các chính sách vĩ mô trong nước”, Giám đốc đầu tư khu vực châu Á-Thái Bình Duong Jean-Louis Nakamura của Lombard Odier Darier Hentsch viết trong một báo cáo.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có lý do để lo ngại về sự kích cầu quá tay. Khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, Trung Quốc sử dụng biện pháp mở rộng tín dụng ồ ạt để vực dậy nền kinh tế. Một hệ quả là một khối nợ khổng lồ để lại cho tới tận hiện nay, đe dọa sự ổn định hệ thống tài chính của Trung Quốc. Dòng vốn chảy vào thị trường cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc trong năm ngoái cũng khiến giới chức Trung Quốc lo ngại về sự bóp méo giá trị tài sản, nhất là khi những dòng vốn này lại bắt đầu chảy đi.
Những bài học từ quá khứ đồng nghĩa với việc Trung Quốc chú ý nhiều hơn những rủi ro từ sự dư thừa thanh khoản quá mức, cả ở trong và ngoài nước. Chính phủ nước này đã tái khởi động một chiến dịch giảm nợ bị tạm gác trong thương chiến với Mỹ, cũng như những nỗ lực nhằm hạn chế ảnh hưởng của những dòng tiền nóng.
“Việc rút lui khỏi chính sách kích cầu của Trung Quốc vẫn là một trong những bấp bênh lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế và thị trường tài chính của nước này trong thời gian tới”, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của Citigroup, ông Li-Gang Liu, nhận định trong một báo cáo mới đây.
Chứng khoán Hong Kong rớt đậm ngày
Chứng khoán Hong Kong hôm 23/2 rớt điểm mạnh nhất khu vực trong ngày chào đón tân binh Baidu - "gã khổng lồ tìm kiếm" được mệnh danh "Google của Trung Quốc".
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong rớt 1,34% trong ngày giao dịch 23/3. Ảnh: AFP
Chỉ số Hang Seng chiều nay đóng cửa mất 1,34% còn 28.497,38 điểm. Cổ phiếu công nghệ tiếp tục là tâm điểm trên thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương. Thương vụ niêm yết thứ cấp của Baidu trên thị trường Hong Kong hôm nay trở nên mờ nhạt. Cổ phiếu Baidu chào sàn Hong Kong tăng hơn 1% trong phiên sáng nhưng đóng cửa đi ngang so với giá chào bán. Trước đó, nhiều công ty công nghệ của Trung Quốc cũng có động thái tương tự, đáng chú ý là hai "ông lớn" thương mại điện tử Alibaba và JD.com.
Chứng khoán Trung Quốc đại lục chiều nay cũng đóng cửa "đỏ sàn", với chỉ số Shanghai Composite giảm 0,93% xuống 3.411,51 điểm, còn Shenzhen Compnent rớt 1,117% xuống 13.607,27 điểm.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 kết thúc ngày giao dịch giảm 0,61% xuống 28.995,92 điểm, trong khi chỉ số Topix mất gần 1% xuống còn 1.971,48 điểm. Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi hôm nay để mất 1,01% và đóng cửa với 3.004,74 điểm.
Chứng khoán Australia cũng không tránh được sắc đỏ khi chỉ số S&P/ASX 200 trượt nhẹ 0,11% xuống 6.745,40 điểm. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) hôm nay giảm 0,62%.
Cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hôm nay vẫn "đỏ lửa" bất luận cổ phiếu của các đối tác niêm yết tại Mỹ đêm qua khởi sắc. Cổ phiếu của Tập đoàn công nghệ Softbank (Nhật Bản) mất 0,9% trong khi cổ phiếu LG Electronics của Hàn Quốc lao dốc 6,13%. Trên thị trường Hong Kong, cổ phiếu Tencent trượt 0,79% trong khi cổ phiếu của đế chế giao đồ ăn Meituan trượt sâu tới 5,24%.
Cổ phiếu của nhiều tập đoàn công nghệ niêm yết tại Mỹ đêm qua khởi sắc khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sụt giảm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite đóng cửa tăng 1,23% lên mức 13.377,54 điểm. Các chỉ số quan trọng khác trên Phố Wall đêm qua cũng đi lên. Trong đó, chỉ số S&P 500 tăng 0,7% lên 3.940,59 điểm, còn chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones bật tăng 103,23 điểm lên 32.731,20 điểm.
Sau lập đỉnh 14 tháng vào tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm 5 điểm cơ bản xuống còn 1,68% (1 điểm cơ bản bằng 0,01%). Ở lần cập nhật gần đây nhất, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đứng ở mức 1,647%.
Trên thị trường tiền tệ, đồng bạc xanh mạnh lên đáng kể so với tuần trước. Cụ thể, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác tăng lên 92,013, từ mức dưới 91,5 thiết lập tuần trước. Đồng yên Nhật Bản hôm nay suy yếu và trao tay 108,74 JPY đổi 1 USD, còn đô la Australia cũng trượt giá xuống 1 AUD đổi 0,7692 USD, so với mức trên 1 AUD/0,78 USD trong tuần trước.
Giá dầu giao dịch theo giờ châu Á chiều nay sụt giảm. Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn rớt 1,32% xuống mức 63,77 USD/thùng, còn giá dầu thô giao sau của Mỹ cũng giảm cùng mức 1,32% về 60,75 USD/thùng.
Châu Á trở nên hấp dẫn với các quỹ đầu cơ quốc tế Kết quả cuộc khảo sát của Credit Suisse với hơn 200 quỹ đầu cơ sở hữu 812 tỷ USD cho thấy châu Á - Thái Bình Dương là khu vực họ quan tâm nhất. Khảo sát cho thấy nhu cầu đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương lên tới 55%, cao nhất trong hơn một thập kỷ. Ngược lại, nhu cầu...