Khi thẩm phán khuyến khích người ta khóc
“Bình thường tôi sẽ không để đương sự khóc tại tòa vì sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Nhưng trong vụ án này, người mẹ đó cần phải khóc, khóc cho vơi nỗi đau quá lớn của mình trong bao năm qua”.
Đó là tâm tư của vị thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xử vụ Ong Đức Danh giết người mới đây.
Phiên tòa hôm ấy thật đặc biệt vì không có bị cáo mà trước HĐXX chỉ có những bậc làm cha mẹ.
Ảnh minh họa
Vụ việc xảy ra đã lâu, Nguyễn Thành Trung cùng nhóm bạn và Danh đều là sinh viên Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm (quận 6). Khi học chung trường, nhóm Trung nhiều lần tỏ thái độ không thích cách cư xử của Danh. Cạnh đó, nhóm Trung nhiều lần có ý định đánh Danh cho… bõ ghét. Sợ bị đánh, Danh mua hai con dao Thái Lan, dùng băng keo quấn lại giấu vào chân mỗi khi đến trường nhằm thủ thân.
Ngày 10-12-2008, nhóm Trung đến lớp Danh để tìm đánh nhưng không gặp. Trưa hôm sau, nhóm Trung ngồi trước cổng trường tiếp tục đợi Danh. Trung phát hiện Danh đang đi vào cổng trường liền chạy theo đánh vào lưng và nắm đầu Danh đập vào cạnh tường. Tức thì Danh cúi người lấy dao đâm nhiều nhát vào người Trung rồi bỏ chạy. Trung được người dân đưa đi cấp cứu nhưng chết tại bệnh viện. Còn Danh bị thương ở đầu, được người thân đưa đi bệnh viện để điều trị và bị bắt sau đó.
Trong quá trình điều tra, Danh có biểu hiện tâm thần nên cơ quan điều tra đã đưa đi giám định. Qua đó cho thấy trước, trong và sau khi gây án, bị cáo Danh có bệnh rối loạn nhân cách và hành vi thực tổn sau chấn thương sọ não. Cho đến ngày ra tòa, Danh vẫn còn biểu hiện rối loạn phân ly trại giam (hội chứng Ganser).
Video đang HOT
Xử sơ thẩm cuối năm 2014, TAND TP.HCM nhận định vụ án có phần lỗi của nạn nhân nên tuyên phạt Danh sáu năm 18 ngày tù (bằng thời gian tạm giam). Tòa tuyên bố trả tự do cho bị cáo ngay tại tòa.
Cha mẹ nạn nhân kháng cáo, yêu cầu tòa xử tăng hình phạt bị cáo.
Đứng trước tòa phúc thẩm hôm đó, cha mẹ nạn nhân quyết liệt đòi tăng mức hình phạt đối với bị cáo Danh, bạn học của con trai mình. Theo họ, chính cách hành xử của gia đình bị cáo đã khiến họ không thể nào chấp nhận được. Bởi đã hơn sáu năm kể từ khi vụ án xảy ra, gia đình bị cáo không một lần qua hỏi thăm, xin lỗi họ.
HĐXX tuy bác kháng cáo của gia đình nạn nhân (vì nhận định án sơ thẩm đã phù hợp) nhưng tòa ghi nhận trong bản án việc cha bị cáo nhận những thiếu sót của mình trong việc đối nhân xử thế. Cha bị cáo hứa sẽ qua nhà người bị hại cho đúng phép và sớm khắc phục bồi thường như án tòa đã tuyên nhằm xoa dịu phần nào nỗi đau của cha mẹ nạn nhân.
Tại phiên xử, khi mẹ nạn nhân bật khóc, chủ tọa đã an ủi: “Bà cứ khóc đi, khóc cho vơi phần nào nỗi đớn đau, mất mát”. Mọi thứ như vỡ òa. Nút thắt căng thẳng của phiên tòa được mở. Cha bị cáo cũng nhận ra mình đã cư xử không đúng dù trước đó gia đình cũng đã nộp tiền khắc phục một phần hậu quả…
Bản án phúc thẩm có thể không có ý nghĩa nhiều về mặt pháp lý nhưng nó có giá trị cao về mặt tinh thần. Nó giúp cho người mẹ mất con vơi đi phần nào nỗi đau và khiến cha mẹ bị cáo phải tự nhìn lại mình, phải biết chia sẻ, đồng cảm với nỗi đau của gia đình người bị hại.
Không có điều khoản nào trong luật tố tụng gợi ý chủ tọa khuyến khích mẹ người bị hại khóc, giáo trình nghiệp vụ thẩm phán cũng không có dòng nào nói về chuyện này. Nhưng trái tim của quan tòa đã mách bảo ông thực hiện một hành vi nhân văn như thế.
Theo Hoàng Yến ( Pháp luật TP.HCM)
Vì sao Tòa án áp dụng hình phạt tù nhiều hơn phạt tiền, án treo?
Nhận thức của xã hội và cả thẩm phán về mục đích áp dụng hình phạt là nhằm trừng trị, răn đe hơn là giáo dục phòng ngừa.
Luật hình sự quy định 7 loại hình phạt chính, gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất (hình phạt không tước quyền tự do), tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình. Vậy nhưng trong thực tế xét xử, các tòa án thường áp dụng hình phạt tù, còn các loại hình phạt chính khác từ cảnh cáo đến cải tạo không giam giữ rất ít khi được áp dụng.
Nghe nội dung bài viết tại đây:
Ảnh minh họa
Theo thống kê của Toà án Nhân dân tối cao, hàng năm tỷ lệ người phạm tội bị kết án phạt tù chiếm khoảng 90%, trong đó có khoảng 20% là người bị kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Số bị cáo bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tiền, cảnh cáo chỉ chiếm khoảng 0,6%. Đa số các trường hợp phạm tội mà trong Luật hình sự quy định hình phạt chính là cải tạo không giam giữ, phạt tiền hoặc phạt tù thì hình phạt tù gần như đương nhiên được các thẩm phán áp dụng
Vì sao các hình phạt không tước quyền tự do (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ) lại ít được các Tòa án áp dụng trong thực tiễn xét xử? Lý giải vấn đề này, từ thực tiễn hoạt động nghề nghiệp của mình, ông Trần Văn Độ - nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương chỉ rõ: Trước hết là do Luật Hình sự của ta luôn coi trọng hình phạt tù hơn các hình phạt không tước quyền tự do, điều này thể hiện rõ ở việc quy định hình phạt tù đối với hầu hết các tội cụ thể, hình phạt tiền và cải tạo không giam giữ luôn đi kèm với hình phạt tù. Cùng với đó là nhận thức của xã hội và cả thẩm phán về mục đích áp dụng hình phạt là nhằm trừng trị, răn đe hơn là giáo dục phòng ngừa.
"Bên cạnh đó, các thẩm phán còn có tâm lý nếu áp dụng hình phạt ngoài tù thì sợ bị nghi ngờ liên quan tiêu cực nên thường áp dụng phạt tù để an toàn và án ít bị sửa, hủy hơn", ông Độ cho biết.
Ở một góc nhìn khác, nhiều chuyên gia và luật sư cho rằng: Hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ ít được áp dụng bởi thông lệ và tập quán xét xử chúng ta thường đi theo cách làm cũ của các thế hệ trước; các thẩm phán thường có tâm lý sợ sự nghi ngờ và phản ứng của dư luận và nhằm đảm bảo an toàn cho chính mình, tránh án bị sửa bị huỷ.
Luật sư Lê Văn Phất - Trưởng văn phòng Luật sư An Phát Phạm nói: "Việc áp dụng hình phạt chính mà không phải hình phạt tù rất ít được áp dụng, theo tôi là do thông lệ áp dụng pháp luật. Các thẩm phán của ta thường làm theo những gì trước đó đã làm... Một vụ án, một trường hợp cụ thể luật quy định rõ có thể phạt tiền từ 1-5 triệu đồng hoặc phạt từ 3 tháng đến 3 năm tù chẳng hạn thì thẩm phán hoàn toàn có thể tuyên phạt tiền, nhưng thẩm phán sợ trách nhiệm nên chỉ tuyên phạt tù".
Bà Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo lại chỉ ra một nguyên nhân khác làm cho Tòa án ít áp dụng hình phạt tiền hay cải tạo không giam giữ đó là việc theo dõi thi hành án đối với các bị án không tước quyền tự do chưa được tổ chức thực hiện tốt nên hiệu quả trừng trị, cải tạo đối với bị án cũng như giáo dục phòng ngừa chung của loại hình phạt này chưa thật sự có tác dụng.
"Phạt tiền, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ là hình phạt chính có tác dụng rất tốt cho xã hội và cả người bị án trong cải tạo giáo dục nếu tổ chức thực hiện tốt nhưng thực tế ít áp dụng vì việc theo dõi, thi hành các hình phạt này chưa tốt (từ cả bị án đến chính quyền địa phương)...Từ đó mà Toà tìm lối thoát bằng cách tăng cường áp dụng án treo như một giải pháp hạn chế tước quyền tự do...", bà Lý nêu ý kiến.
Các hình phạt chính không tước tự do có vai trò quan trọng không chỉ bảo đảm nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự và cá thể hoá hình phạt mà còn thể hiện được rõ chính sách nhân đạo của Luật Hình sự. Việc tăng cường hiệu quả của các hình phạt không tước tự do là một trong những vấn đề đang được đặt ra trong quá trình sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 1999 nhằm tiếp tục tăng cường chính sách nhân đạo, tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội đã được thể hiện trong Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, để hình không tước tự do có thể được áp dụng và phát huy được hiệu quả nhiều hơn trên thực tế, pháp luật hình sự Việt Nam cần đưa ra các quy định cụ thể về điều kiện, đối tượng áp dụng, trách nhiệm thẩm phán trong quyết định hình phạt cũng như trách nhiệm của chính quyền và các cấp, các ngành trong quản lý giáo dục đối với bị án./.
Tiến Anh
Theo_VOV
Hội trường UBND xã chật cứng trong ngày ông Chấn được xin lỗi công khai Sáng nay (17/4), tại UBND xã Nghĩa Trung (huyện Việt Yên, Bắc Giang), ông Ngô Hồng Phúc, Phó Chánh tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đã chính thức đọc lời xin lỗi cải chính công khai đối với người bị kết án oan 10 năm Nguyễn Thanh Chấn. Đại diện Công an tỉnh Bắc Giang, Viện kiểm sát nhân dân...