Khi tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam bị dè bỉu vì màu da nâu
Tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê là một nhan sắc khác với hầu hết người chiến thắng các cuộc thi những năm qua. Và sự khác biệt dẫn đến hàng loạt bình luận đầy định kiến.
Lần này, chưa ai chửi bới rằng cô ấy học dốt, sửa mũi, làm mặt, kéo chân hay độn mông. Nhưng có không ít cư dân mạng cợt nhả làn da nâu và nguồn gốc của H’Hen Niê. Trên dòng trạng thái của mình, một Facebooker gọi đùa tên hoa hậu là Cô Hen.
Anh ta nói rằng khi làm người của công chúng, hoa hậu sẽ phải chịu sự châm chọc cũng tương tự như sự nổi tiếng được ban tặng. Rồi anh ta mô tả da của cô là “làn da thâm màu… (từ ngữ thô tục)” và mô tả việc cô đăng quang là “không cần đuôi có thể đàng hoàng vào rừng hú mà không bị kiện bản quyền”.
Anh nhắm vào làn da của cô, một phụ nữ dân tộc không thuộc dân tộc Kinh – với sắc da sậm hơn những thí sinh khác đứng cạnh cô trên sân khấu chung kết.
Ám ảnh Á Đông
Hành động của người đàn ông này làm tôi nhớ đến những phụ nữ tôi gặp trong đời. Các cô dùng đủ mọi cách để trắng hơn. Kem trộn ngập tràn nông thôn. Đó là những tuýp kem giá 20.000-50.000 đồng mà các cô bé gái chừng 12 tuổi bắt đầu bôi trát lên mặt, khi họ mới biết rung động và mong chờ sự chú ý của người bạn trai mình mến.
Các em bị cuốn theo những quảng cáo làm trắng 10 phút, làm trắng 2 giờ, trắng không bị đen lại.
Tôi đi khắp miền Tây, đôi lúc giật mình gặp các em gái bị phản ứng da vì xài kem trộn, gương mặt nổi mụn đỏ đầy, lấy khẩu trang che kín mặt khi đến trường cùng bạn bè trung học. Vì đâu các em muốn trắng đến vậy?
Tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam là người dân tộc Ê Đê và có làn da nâu khỏe mạnh.
Vì đâu những đứa trẻ sớm tủi hổ phải dùng đến những cách đầy nguy cơ nhất để được trắng hơn bất chấp đe dọa sức khỏe và tổn thương da mặt từ sớm. Trên tay các em là những hot girl được tán tụng trên mạng xã hội với làn da trắng xóa được cà bằng mấy lớp chỉnh màu.
Trên TV là những băng quảng cáo phát đi phát lại về da trắng hồng, trắng muốt, trắng dịu, trắng sáng… bên cạnh các cô gái mỉm cười – thành công – có một cuộc đời tươi sáng hơn vì đoạt hoa hậu với làn da trắng và được xã hội tôn vinh.
Trong cuộc đời trước mặt, người ta nói về những cô gái tẩy da, phẫu thuật thẩm mỹ, trở thành hoa hậu trắng muốt và sau đó… cưới được chồng đại gia. Một tương lai hấp dẫn đầy liên quan tới màu sắc da khiến bất cứ đứa bé gái nào cũng tự gieo vào đầu mình ngay từ thuở niên thiếu. Đó là trắng chắc chắn tốt hơn đen.
Cái đẹp công nghiệp được thế giới giải trí choàng lên cổ các cô gái Á Đông. Nó làm chính những cô gái với làn da nâu khoẻ mạnh cũng đi tẩy da, làm trắng, tự còng lên cổ mình ước vọng chiếm được ánh nhìn khao khát của người khác phái và được xã hội thừa nhận.
Cô bạn người Hàn Quốc của tôi kể thế hệ của cô lớn lên là ám ảnh với làn da trắng, thật trắng và gương mặt đẹp hệt như các ngôi sao điện ảnh Hàn. “Mọi ngôi sao đều có da trắng, mịn. Tất cả chúng tôi cũng ước ao thế. Trẻ con mới 6 tuổi, như mấy em họ tôi, đã bắt đầu xem quảng cáo làm trắng da và son dưỡng”, cô kể.
H’Hen Niê là nhan sắc rất khác biệt so với các người đẹp từng lên ngôi tại Việt Nam.
Trên Instagram ở Hàn Quốc, tôi xem thấy những đứa trẻ 7-8 tuổi bắt đầu trở thành người review bình luận mỹ phẩm, trát lên mặt mình thật nhiều lớp dưỡng và làm trắng – một tín hiệu cực đoan về cái đẹp trong suốt đời phụ nữ phải chấp nhận.
Hệ quả cực kỳ dễ thấy là các cô bé gái không có cơ hội chạy theo làn sóng “làm trắng” bị nhấn chìm xuống bằng sự dè bỉu, ái ngại và thất vọng khi không bằng chúng bạn.
Còn những cô gái có điều kiện tự biến mình thành búp bê tốn thật nhiều tiền bạc để chiều chuộng ánh nhìn đầy áp lực của người khác.
Video đang HOT
Và ác ý rõ ràng hơn là cách những người như Facebooker nói trên nhìn vào tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Họ thậm chí dùng những từ ngữ rất thô tục, vô văn hóa để bình phẩm về làn da của cô. Họ xem phụ nữ như một vật phẩm tình dục.
Hay sự kỳ thị hoa hậu?
Thời đại học, tôi học chung lớp với một người đẹp. Bạn vào học từ năm thứ 3 khi chuyển công tác vào Sài Gòn. Trong một giờ giảng, một giảng viên (là đàn ông) đã nói là có một ai đó là người đẹp nổi tiếng, vô lớp mà chưa chào thầy.
Bạn ngay ngắn đứng lên nói rõ là bạn vào trễ, bạn xin lỗi, và hôm nay là buổi đầu tiên, bạn định học xong giờ sẽ lên chào thầy. Câu trả lời vô cùng đàng hoàng và rõ ràng của bạn đã làm tôi suy nghĩ khác đi về mọi người đẹp sau đó tôi gặp trên đời.
Hoa hậu – người đẹp – họ là sinh vật người, cũng như tôi và 100 đứa bạn cùng lớp thời bấy giờ. Họ lớn lên với thân thể được cha mẹ ban cho (có tuyệt vời hơn đôi chút vì họ có thành tự về nhan sắc).
Vẻ đẹp khỏe khoắn của H’Hen Niê.
Nhưng họ cũng đầy cảm xúc, sự bất an khi trưởng thành, tham vọng khi bước vào sự nghiệp (có đứa nào tuổi 19 lại không tham vọng về cuộc đời mình?), sợ hãi khi bị tấn công và gồng mình như một chú sói nhỏ trước những nanh vuốt của đời sống.
Bạn người đẹp cùng lớp cho tôi thấy cuộc sống của cô sau đó. Đi học đầy đủ, xin phép khi nghỉ, đôi lúc đưa nguyên bộ mặt trang điểm đầy phấn vào lớp vì vừa đi diễn về xong, không khác gì thằng bạn cùng lớp mặc nguyên bộ đồ phụ quán ăn vào lớp vì trễ giờ.
Tất cả chúng tôi khi ấy là thanh niên mới lớn, tham vọng làm việc, ước vọng thành đạt, cố gắng làm nhiều hơn để giỏi hơn, nổi tiếng hơn và có con đường thênh thang hơn.
Và cũng vì học chung với một người đẹp, tôi hiểu rằng họ không… nằm ngửa ra mà có danh hiệu. Họ diễn. Tập. Làm việc. Sau đó cũng đến lớp học, bị điểm xấu, đạt điểm tốt, diễn kịch, đi cắm trại cùng bạn bè ngang lứa tuổi.
Sau này khi trở thành người viết, tôi rất dè chừng khi bình phẩm một hoa hậu là sửa mũi, sửa mặt, nằm ngửa ăn tiền đại gia, mua giải, bởi tôi là một khán giả chẳng có chút bằng cớ nào về các “tội trạng” đó của họ.
Thế nhưng người ta luôn có đủ mọi lý do để kỳ thị và ác miệng với một hoa hậu chỉ vì cô ta lỡ… là hoa hậu. Họ kỳ thị làn da cô, mũi cô, miệng cô, tóc cô, những câu trả lời ngô nghê hay những ứng xử lóng ngóng của tuổi 19 -20 đầy bỡ ngỡ trước đủ loại sàn diễn và loại người.
Là người nổi tiếng khác với đứa vô danh. Họ được đám đông yêu thích. Và vì thế đám đông có quyền phê bình họ. Nhất là về nhan sắc. Nhưng sự nổi tiếng của cô H’Hen Niê và những cô gái đẹp khác đã xuất hiện với chiếc vương miện trên đầu không nên là lý do để ta sỉ nhục nhân phẩm của họ hay kỳ thị họ như một sinh vật khác chủng loài.
Tân Hoa hậu và các đối thủ cạnh tranh trong đêm chung kết.
Ta hoàn toàn có thể thất vọng nếu thấy bảng điểm họ học dốt. Ta cũng có thể không vui biết cô đã phẫu thuật quá nhiều để đoạt giải. Ta cũng có thể cười nếu cô trả lời ứng xử quá kỳ quặc và thiếu kiến thức. Chuyện đó hoàn toàn dễ hiểu khi làm khán giả.
Nhưng chuyện ta kết tội một người đẹp là ngủ với ai đó để mua giải, hay cười chê làn da của cô ấy chỉ là một cách chứng tỏ đầy ác ý với nhân phẩm của phụ nữ. Màu da là một đặc tính tự nhiên cô sinh ra được hưởng từ gia đình và dân tộc, một khác biệt gần như không khiến cô xấu đẹp hơn ai, trong đêm diễn chung kết đó.
Một phụ nữ dù đeo vương miện, cũng vẫn là phụ nữ.
Cái cách đàn ông cợt nhả màu da nâu của một cô gái Á Đông trên thực tế chỉ thể hiện quan niệm đầy kỳ thị, phân biệt giới tính về phụ nữ, coi phụ nữ chỉ là công cụ tình dục da trắng mà thôi.
Khải Đơn
Theo Zing
H'Hen Niê: Hoa hậu dành 70% tiền thưởng làm học bổng cho bản làng Ê Đê
H'Hen Niê là cô hoa hậu có tính cách chân thật và câu trả lời ứng xử đều đến từ trái tim. Đó là khẳng định của Á hậu Thiên Lý, giám khảo Xuân Trang, Á hậu Hoàng My...
Tháng 11/2017, trò chuyện với Zing.vn bên lề bán kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Á hậu Dương Trương Thiên Lý - Giám đốc quốc gia của cuộc thi - đã nhắc đến tên H'Hen Niê khi được hỏi về thí sinh khiến cô ấn tượng.
Thiên Lý điểm vài cái tên, người thì xinh đẹp, người thì trưởng thành cứng cáp và đã "rửa hết phèn" trong showbiz, nhưng riêng với H'Hen Niê, cô dùng từ "chân thật". "H'Hen Niê khiến tôi xúc động khi trong vòng phỏng vấn, cô ấy nói về những điều muốn làm cho bản làng của mình", Thiên Lý nói.
Đó không phải là suy nghĩ của riêng Thiên Lý. Trưởng ban giám khảo (BGK) Võ Thị Xuân Trang, cựu giám khảo Hoàng My hay thí sinh thân thiết Lê Thu Trang có chung ý nghĩ này.
'Cô ấy rất chân thật'
"Ban giám khảo không hề bất ngờ vì kết quả này", bà Võ Thị Xuân Trang, nói với Zing.vn. "Vì chúng tôi gặp cô ấy từ vòng sơ khảo rồi bán kết, chung kết, rồi ở cả những hoạt động của cuộc thi. Ngay từ đầu, ban giám khảo đã rất hài lòng với cách suy nghĩ, lối ứng xử và tâm hồn của H'Hen Niê. Cô ấy rất chân thật".
Hoa hậu H'Hen Niê trong phần thi áo dài đêm chung kết. Ảnh: Nguyễn Thành.
Có thể thấy khi nói về tân hoa hậu, cả Á hậu Thiên Lý và chuyên gia Xuân Trang dùng chung một từ. Bà Xuân Trang nói thêm: "H'Hen là người Ê Đê nên sự chân thật đó biểu hiện rõ ràng hơn các thí sinh khác".
"Những câu nói của cô ấy đều là từ trái tim, nên sẽ đến được với trái tim của khán giả. Câu trả lời ứng xử của cô ấy có thể truyền cảm hứng, từ nội dung cho đến giọng nói mộc mạc".
Á hậu Hoàng My, cựu giám khảo của chương trình, cũng viết trên trang cá nhân, rằng cô và BGK "chấm giống nhau quá", khi cùng đặt niềm tin vào một cô gái.
Còn Lê Thu Trang, thí sinh vào đến top 10 năm nay, chia sẻ với Zing.vnvề tình bạn cô và H'Hen Niê: "Thật hạnh phúc khi người bạn, người chị của mình có thể đi tới đỉnh cao cuối cùng của cuộc thi. Hai chị em từng hứa với nhau rằng sẽ nắm tay nhau đến chặng cuối, nhưng tôi đã lùi lại. Tôi rất mừng cho thành công của chị".
H'Hen Niê cũng là thí sinh duy nhất mà mỗi lần được xướng tên vào top 15, top 10, top 5 rồi top 3, cô đều quay sang ôm thí sinh ở gần mình nhất. Có thể đó là cử chỉ mang tính "hoa hậu thân thiện", nhưng cũng diễn ra tự nhiên, gần như là bản năng. Điều này cũng rất có lý khi nghe những nhận xét về cô.
Lời hứa dành 70% tiền thưởng làm học bổng
Trả lời phỏng vấn Zing.vn trước đêm chung kết nói về khả năng đoạt ngôi hoa hậu, H'Hen Niê : "Tôi chưa tính xa đến như thế, cái đầu tiên và gần nhất tôi muốn làm là muốn thăm trại trẻ mồ côi tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Tôi rất đồng cảm với những trẻ em bị bỏ rơi".
Hoa hậu tương lai kể thêm: "Có lần, tôi cùng đoàn thí sinh Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đi thăm trại trẻ mồ côi. Một người phụ trách ở đó là cô đang nuôi 7,8 đứa cùng lúc. Trại trẻ đó có gần 100 em và chia các phòng ra. Cô nuôi những em bé mới nhận về, em thì nhặt ở nghĩa địa, em thì nhặt ở sọt rác".
H'Hen Nie trong phần trả lời ứng xử.
Tâm nguyện thứ hai, H'Hen Niê nói, hướng đến quê hương của cô. Cụ thể, cô "muốn chia 70% giải thưởng mà mình có được cho học bổng cho trẻ em ở bản làng của tôi, vì tôi từng là người nhận được hỗ trợ từ người khác".
H'Hen Niê chưa bao giờ giấu chuyện cô đến từ một bản làng Ê Đê, nơi còn có những quan niệm nặng nề về người phụ nữ như tảo hôn, sinh con sớm, kết thúc học hành sớm. Cô muốn thay đổi điều đó, muốn mang lại cơ hội học hành cho nhiều trẻ em thế hệ sau.
"Từ năm lớp 8, bố mẹ đã nói tôi bỏ học và lấy chồng", cựu sinh viên Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại (TP.HCM) nói. "Nhưng tôi không nghe theo. Học xong cấp hai, khát vọng được học tiếp ngày càng lớn trong tôi, nhất là khi tôi được truyền cảm hứng từ các anh chị sinh viên tình nguyện đến với bản làng mình. Đến khi chính tôi đã trở thành một sinh viên ở Sài Gòn, tôi cũng cảm thấy mình nên truyền tiếp cảm hứng cho những em nhỏ ở bản làng. Tôi đã nhận, nay tôi sẽ cho đi".
Trong phần trả lời ứng xử chung kết của mình, H'Hen Niê chỉ có một phút để trình bày về nguyện vọng hoạt động cộng đồng. Bởi vậy, cô chỉ kịp nói về ý tưởng thăm trại trẻ mồ côi ở Bảo Lộc chứ chưa kịp tiết lộ ý định dành 70% tiền thưởng từ danh hiệu hoa hậu để làm học bổng.
Trước đó, cô cũng gây xôn xao với câu trả lời về mạng xã hội trong vòng ứng xử top 5. Cô nói: "Mạng xã hội mang đến hai chiều, tích cực và tiêu cực. Tôi muốn nói rằng xung quanh chúng ta còn nhiều điều tuyệt vời đáng quý trọng. Gia đình, người thân đều đáng để chúng ta trò chuyện. Tôi muốn tìm kiếm cuộc sống có giá trị và hạn chế sử dụng mạng xã hội".
Ngay sau đó, trong cuộc họp báo sau đăng quang, cô bị báo chí chất vấn về điều này. Trong thời gian gấp gáp, Hoa hậu trả lời khá nhanh trí: "Tôi không phản đối mạng xã hội, tôi chỉ muốn nói rằng khi ngồi cạnh nhau, chúng ta hãy chia sẻ với nhau và xích lại gần nhau chứ không nên để mạng xã hội chia cách. Hy vọng mọi người hiểu thông điệp của tôi".
Có lẽ cũng đã khá lâu mới có những câu trả lời ứng xử của hoa hậu được bàn tán không phải vì là thảm họa hay gây cười. Cả hai câu trả lời ứng xử của H'Hen Niê đều khiến người ta phải suy ngẫm, thậm chí tranh cãi, nhưng đều theo chiều hướng nghiêm túc và tôn trọng.
Hình thể đẹp và mái tóc tém
Không gây tranh cãi đến như Hoa hậu Đại dương nhưng nhan sắc của H'Hen Niê cũng vấp phải một số ý kiến trái chiều khi cô đăng quang. Vấn đề nằm ở vẻ đẹp lạ của cô, nó có thể không hợp gu của khá nhiều người, chứ cô không hề xấu.
Đầu tiên hãy nhìn vào những con số. H'Hen Niê cao 1,72m, nặng 52kg, các số đo 84-60-93. Có thể thấy cô có vòng hai và vòng ba chuẩn, vòng một không quá lớn nhưng đủ đẹp và sang (trong khi vẻ đẹp vòng một lớn dường như đã lỗi thời khi trông rất kém sang khi lên đồ).
Thân hình của H'Hen Niê nhận được nhiều lời khen ngợi là "đẹp nhất cuộc thi", cuối cùng cũng được công nhận với giải Người đẹp Biển (áo tắm), phần thi mà cô luôn tỏa sáng.
Về gương mặt, H"Hen Niê gây tranh cãi là "không có vẻ đẹp hoa hậu" hay "thiếu tỏa sáng khi đứng cạnh Phạm Hương cũng như một số thí sinh khác". Mặc dù vậy, nếu đã tiếp xúc với H'Hen Niê, người đối diện sẽ cảm nhận được thần thái dịu hiền và thanh thản, nhất là ở ánh mắt. Cô không có nụ cười rạng rỡ, nhưng lại có ánh mắt làm vương vấn.
Một đặc điểm khác cần nhắc đến là mái tóc tém, trông thực sự khác người trong phần thi áo dài. Lúc đó, khó ai hình dung một hoa hậu tóc tém sẽ đăng quang.
Nhưng theo giám khảo Xuân Trang: "Tôi muốn người Việt Nam biết rằng từ năm nay, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam là người cống hiến cho cộng đồng. Vẻ đẹp hoa hậu có thể tăng lên theo thời gian, cũng như mái tóc có thể ngắn dài tùy ý, nhưng chúng tôi đã chọn ra một hoa hậu có trái tim, dám làm, muốn làm và chịu làm".
Hoa hậu người dân tộc thiểu số đầu tiên
Nói với Zing.vn, Á hậu Thiên Lý tự hào nhấn manh một đặc điểm quan trọng của H'Hen Niê: cô là người Ê Đê. "Với kết quả này, đây là lần đầu tiên Việt Nam có một hoa hậu mang tầm quốc gia là người dân tộc thiểu số. Tôi mong cô ấy giữ nguyên những nguyện vọng ban đầu, và tâm hồn luôn trở về với đồng bào dân tộc Ê Đê".
Với những khán giả chỉ theo dõi đêm chung kết qua màn ảnh hay báo chí, việc H'Hen Niê đăng quang còn ít nhiều gây tranh luận về gương mặt, nước da của cô hay độ "tỏa hào quang" trên sân khấu. Nhưng với những ai đã theo sát cuộc thi trong 4 tháng qua, đây là kết quả hoàn toàn xứng đáng.
Mi Ly
Ảnh: Việt Hùng, Nguyễn Thành
Theo Zing
Cư dân mạng quốc tế nói gì về tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H'Hen Niê? Khác với fan Việt, cộng đồng mạng nước ngoài dành nhiều lời khen cho tân Hoa hậu người Đắk Lắk. Tối 6/1, chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 diễn ra tại Nha Trang, Khánh Hoà. Nằm ngoài dự đoán từ người hâm mộ, thí sinh H'Hen Niê giành vương miện. Danh hiệu Á hậu 1, Á hậu 2 lần lượt...