Khi SV bị chủ nhà trọ “vét túi”
Tại nhiều nhà trọ, chủ nhà đưa ra nhiều quy định, khoản thu để làm khó cũng như “vét tận cùng” túi tiền của sinh viên thuê trọ. Trong đó có không ít điều kiện “không tài nào hiểu nổi”.
Chuyện không tưởng tại một khu trọ
Nhiều SV chuyển đến thuê tại khu trọ của bà N.T.H, trong con hẻm 80 đường Trần Quang Diệu (P.14, Q.3, TPHCM) chỉ “cầm cự” được một vài tuần là lập tức tìm chỗ để “thoát thân” vì không thể chịu nổi những quy định rất lạ đời do chủ nhà đặt ra.
Bạn T.T.C., SV trường ĐH Sài Gòn cho biết, cuối tháng 8, C. và một người bạn tìm được chỗ trọ nhà bà H. Gọi là phòng trọ nhưng thật ra chỗ ở của C. chỉ là một cái giường nằm trong cùng chiếc buồng được cho thuê với giá 700.000 đồng. Vừa lên thành phố, chỉ nghĩ trước mắt cần chỗ ngủ, chỗ học nên C. đồng ý đóng tiền cọc và ký hợp đồng ở trong 3 tháng.
Sử dụng máy tính, SV phải trả 40.000 đồng và chiếc quạt này cũng “ngốn” 40.000 đồng/tháng tiền điện.
Khi tiền đã trao, chuyển chỗ đến ở, C. bàng hoàng không tin nổi cách tính các khoản tiền của bà H. Ngoài tiền phòng, tiền nước sinh hoạt, bà H. tính tiền điện theo vật dụng của người dùng vì… không có đồng hồ riêng. Theo đó, SV phải trả 1.000 đồng/lượt xạc điện thoại, nấu cơm 2.000 đồng/lần, bóng đến 15.000 đồng/tháng, nếu SV xài laptop đóng thêm 40.000 đồng/tháng, quạt đơn (nhỏ) 25.000 đồng và quạt lớn 40.000 đồng rồi tiền điện cho bóng điện ở nhà vệ sinh mỗi SV đóng 5.000 đồng. Nếu vi phạm sẽ bị tịch thu đồ dùng và phạt 100.000 đồng.
Video đang HOT
Trong hợp đồng có ghi rằng dùng cái gì trả cái đó nhưng không giải thích rõ ràng. Khi SV hỏi thì bà H. nói tính 3.500 đồng/số điện nhưng không cho dùng công tơ nên bà tính như vậy.
“Có đóng cũng không được yên, bà kiểm soát rất gắt gao việc sử dụng của SV. Thậm chí ở một số phòng các ổ điện bị chủ nhà bít lại, SV cần xạc hay dùng điện thì đưa xuống chỗ bà để bà dễ bề kiểm tra. Do tính tiền điện trọn gói nên tối trước 11 giờ là bà tắt hết bóng điện, muốn học bài cũng không được. Nếu bà H. nói từ đầu chắc chẳng ai dám vô ở”, C. bức bối. Không chịu nổi, ở chưa hết tháng, C. đã chuyển đi.
Ổ điện bị bít lại và ai gỡ ra sẽ bị phạt 100.000 đồng.
Ở căn phòng rộng hơn nằm trên gác, 5 SV thuê với giá 450.000 đồng/người cũng tình cảnh như vậy, mọi đồ dùng sử dụng đến điện đều tính ra “sản phẩm”. Ở phòng này có công tơ điện của những anh chị trước ở bỏ tiền ra lắp nhưng bà H. không chịu tính qua đó và yêu cầu nếu SV muốn sử dụng thì phải trả tiền công tơ cho bà. Đã có phòng đấu tranh để được lắp công tơ thì phải tự bỏ tiền mua công tơ, gọi người đến lắp hơn nửa triệu đồng, sau đó phải trả với giá 4.000 đồng/số điện. Nếu nhóm này chuyển đi thì bà H. lại “khóa sổ” đồng hồ điện không cho người đến thuê sau đó dùng.
Nói về tình trạng tai khu trọ này trên địa bàn, bà Võ Thị Minh Tâm – Chủ tịch phường 14 quận 3 cho biết đã nghe phản ánh về cách thức thu tiền điện như trên đối với người thuê trọ của bà H. Phường đang cho người xuống kiểm tra thực tế xem có tình trạng đó không, nếu có lập tức sẽ báo ngay với phía điện lực để xử lý.
Những quy định oái oăm làm khổ SV
Không chỉ phải chịu giá tiền nhà trọ, điện nước cao một cách bất hợp lý, rất nhiều SV phải tìm cách “sống chung” với những định oái oăm, thậm chí ti tiện của chủ nhà. Vì hầu hết những quy định này chỉ “lộ” ra sau khi SV đến ở.
Tại dãy phòng trọ của L. – SV trường CĐ Vạn Xuân ở đường Dương Quảng Hàm (Q. Gò Vấp, TPHCM) không có chỗ đổ rác. Đã vậy chủ nhà còn quy định không được để rác trước cửa hay ở lối ra vào thế nên SV phải để rác ở trong căn phòng chật chội, ẩm thấp. SV phải canh chừng giờ đổ rác, nếu ai không có mặt ở phòng giờ đó hoặc quên thì… phải chứa rác trong nhà từ ngày này qua ngày khác.
Chủ nhà lại đặt hẳn một thùng nước ra ngay ở cuối lối ra vào cho SV đổ đồ ăn dưa thừa vào và đem bán lấy tiền mỗi tháng được khoảng 150.000 đồng. SV đề nghị lấy tiền này đóng tiền bóng điện chung hoặc tiền phí đổ rác hàng tháng nhưng chủ nhà không chịu. Mỗi phòng trọ phải đóng 20.000 đồng/tháng tiền điện ở lối ra vào và tiền đổ rác.
“SV rất bức xúc nhưng nhiều người chịu đựng vì đến đây ở phải đóng tiền nhà trước 3 – 6 tháng liền, chưa kể tiền đặt chọc. Chuyển đi thì phải chấp nhận mất tiền nên em vẫn đang cố cho hết hợp đồng”, L. nói.
N.L.Đức – SV trường CĐ Bách Việt cho biết chỗ trọ của mình nằm ở Q.Tân Bình cũng phải chịu rất nhiều quy định lạ đời. Chủ nhà bán tạp hóa ngay lối ra vào khu trọ nên bà yêu cầu SV không được mang thực phẩm, đồ đạc từ bên ngoài mang vào khu trọ nhà mình trừ khi bà cho phép. Chỉ thứ nào mà quán bà không bán thì SV có thể mua nơi khác, còn nữa phải mua tại hàng của bà bán với giá đắt hơn bên ngoài nếu không bà sẽ làm khó dễ.
Chưa kể, SV muốn kết nối Internet tại phòng thì bà cũng không chấp nhận… cho kéo được dây vào dãy trọ của mình mà cần thì phải dùng chung đường dây nhà bà với giá 120.000 đồng/tháng. Đặc biệt nếu SV có bạn bè, người quen, thậm chí là bố mẹ vào thăm đến ở một vài ngày sẽ phải trả 50.000 đồng/người/ngày. Tiền xe SV để dưới tầng trệt nhỏ hẹp, dựng kín ở lối ra vào và phải tự trông nhưng cũng phải đóng tiền chỗ dựng xe 60.000 đồng.
Chị Võ Thị Hồng Hoa, phụ trách nhà trọ của Trung tâm hỗ trợ HS – SV TPHCM lưu ý SV khi đi tìm nhà trọ qua trung tâm hoặc tự tìm bên ngoài cần xem xét và tìm hiểu kỹ thông tin về thủ tục, giá điện nước, không gian ở, giờ giấc, các quy định riêng… trước khi đồng ý thuê. Phòng trọ được Trung tâm giới thiệu cho SV tuy đã khảo sát, có thông tiên về diện tích, địa điểm, giá phòng… nhưng khó để nắm hết được các quy định riêng của chủ nhà. Tốt nhất SV nên tìm hiểu qua những người đang thuê trong khu trọ để tránh được những tình huống mất tiền mà không ở nổi”.
Hoài Nam
Theo dân trí
Hàng chục khoản phí đổ đầu phụ huynh
Các trường "sáng tạo" ra rất nhiều loại phí dưới những tên gọi khác nhau buộc phụ huynh phải đóng. Thế nhưng, dù đã thu hàng trăm ngàn, hàng triệu đồng, các trường vẫn cứ kêu thu không đủ chi.
Đầu năm học 2012-2013, phụ huynh học sinh các trường trên địa bàn TP.HCM hồ hởi đón nhận thông tin không phải đóng tiền cơ sở vật chất. Bù vào đó, ngân sách sẽ được rót thêm để các trường có thể hoạt động.
Tăng đột biến
Thế nhưng niềm vui đó chẳng kéo dài lâu. Tại nhiều trường mầm non ở Q.6, TP.HCM, trường đã trả lại tiền cơ sở vật chất thật, song bù lại các khoản thu khác tăng đột biến so với số tiền được trả lại và so với năm học trước. Cụ thể, Trường mầm non Rạng Đông 12 không thu 600.000 đồng tiền cơ sở vật chất nhưng lại có các khoản thu mới là tiền học phẩm học cụ 200.000 đồng, thiết bị vật dụng phục vụ bán trú 250.000 đồng ngoài ra còn có tiền quản lý ăn sáng 50.000 đồng, phục vụ bán trú 200.000 đồng... bên cạnh các khoản học phí (200.000 đồng), tiền ăn (28.000 đồng/ngày), quỹ hội phụ huynh (45.000 đồng/tháng).
Các khoản thu mới đều nằm trong kế hoạch thu năm học 2012-2013 do Phòng GD-ĐT Q.6 đưa ra. Tuy nhiên, việc thay đổi tên gọi các khoản thu cùng với sự chậm trễ của quy định trả lại tiền cơ sở vật chất (ban hành khi các trường đều đã vào năm học) khiến nhiều phụ huynh hoang mang. Chị L.T., một phụ huynh tại quận này, bức xúc: "Trả lại tiền cơ sở vật chất rồi tăng các khoản khác cũng như không. Cuối cùng phụ huynh vẫn phải đóng và đóng nhiều hơn năm cũ".
Bên cạnh đó, phụ huynh phải cắn răng đóng những khoản tiền "thỏa thuận" mà mình không hề mong muốn hoặc bị "chế tài" nếu không hoàn thành chỉ tiêu tiền trường. Phụ huynh của Trường mầm non Phước Bình, Q.9 cho biết: "Cách đây một tuần gia đình nhận được thư ngỏ, trong đó đề nghị phụ huynh đóng khoản tiền "nâng cao chất lượng" với mức 200.000- 300.000 đồng, tuy không bắt buộc nhưng lại có lưu ý "ai không đồng ý, không đóng thì ghi ý kiến vô giấy".
Giờ học chiều 6/10 của học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM. Trường này chỉ thu một khoản học phí 110.00 đồng/tháng/học sinh, ngoài ra không thu thêm khoản nào khác
Tại một trường mầm non ở Q.1, phụ huynh cũng bất ngờ khi giáo viên thông báo thu 135.000 đồng/học sinh để "ốp gạch lên tường" nhưng khi phụ huynh hỏi kỹ hơn "ốp gạch ở đâu vì trường vừa xây mới rất đẹp?" thì nhận được câu trả lời "gạch đã ốp tường xong rồi, giờ mới huy động phụ huynh đóng góp để... trả nợ". Ở một trường khác, tiền cơ sở vật chất vẫn được thu một cách bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra. Bên cạnh tiền cơ sở vật chất, phụ huynh còn phải đóng cả tiền "trang bị ban đầu". Đó là chưa kể các khoản thu cho từng khoản cụ thể như công trình vệ sinh, cây xanh... lên đến hàng triệu đồng.
Phụ huynh một trường tại Q.12 bức xúc: "Đầu năm học, cô giáo ghi lên bảng 16 khoản thu khác nhau với tổng số tiền 470.000 đồng. Trong đó có hàng loạt khoản thuộc dạng hỗ trợ như: hỗ trợ vệ sinh phí 50.000 đồng hỗ trợ sửa chữa, thay bóng đèn, thay cửa kiếng, bàn ghế 25.000 đồng hỗ trợ sửa chữa, bảo trì máy móc phòng học tiếng Anh 50.000 đồng hỗ trợ hoạt động phong trào văn thể mỹ 40.000 đồng hỗ trợ thay rèm cửa 160.000 đồng... Tiền hỗ trợ mà đưa vào danh sách như thế, thử hỏi có phụ huynh nào dám không đóng?".
Đặt nhiều tên
Tại Hà Nội, trong số 35 trường mà đoàn kiểm tra của HĐND thành phố đến kiểm tra có 13 trường thu sai. Rất nhiều khoản khi được công bố người ta mới biết đó là khoản thu phổ biến. Có trường đã thu tiền học phẩm của học sinh nhưng vẫn thu thêm tiền chụp ảnh thẻ, tiền mua phôi bằng tốt nghiệp, tiền photo tài liệu, đề thi, photo phiếu "dặn dò", tiền mua sách tham khảo, mua vở "đồng phục", bút "đồng phục". Trường THCS Ngô Quyền, Sơn Tây, Hà Nội thu cả tiền mua ghế để học sinh ngồi chào cờ. Trường THCS Sơn Tây thu tiền photo đề thi khảo sát học sinh giỏi, thi học kỳ. Một số trường thu tiền môn tin học, bảo dưỡng máy tính, trông xe đạp, làm vệ sinh, tiền thuê người tưới cây trong sân trường, tiền thuê người phân luồng giao thông trước cổng trường học. Có những trường như Trường tiểu học Nguyễn Trãi, Lê Văn Tám, Hà Nội thu hàng trăm triệu đồng để sửa chữa, mua sắm thiết bị. Trong đó có những khoản chi không thích hợp với trường học như tiền lát sàn gỗ. Trường tiểu học Ngọc Hà, Hà Nội thu tiền mua máy nước nóng lạnh, tiền mua máy điều hòa...
Theo một số phụ huynh lớp 1 Trường tiểu học Lê Văn Tám, Hà Nội, ngoài quỹ phụ huynh trường và quỹ phụ huynh lớp, họ còn được ban đại diện cha mẹ học sinh vận động đóng 200.000 đồng/học sinh/tháng để bồi dưỡng cho cô giáo vì sĩ số quá đông nên... cô vất vả. Tại trường tiểu học Nam Thành Công, phụ huynh còn phải đóng tiền "giữ chân cô" trung bình 100.000-200.000 đồng/học sinh. Rất nhiều lời gợi ý được đưa ra vào dịp đầu năm học kiểu như vận động tiền sơn lại phòng học, gia cố cửa, sửa quạt điện... thậm chí cả tiền thông tắc nhà vệ sinh.
Tuy đặt ra nhiều khoản thu như thế nhưng các trường đều than thở nhiều về việc thu không đủ chi, ngân sách quá eo hẹp, nhà trường đành phải vận động phụ huynh hỗ trợ thêm mới bảo đảm chất lượng dạy và học. Hiệu trưởng một trường mầm non tại Q.6, TP.HCM cho biết: "Mức thu hằng năm không đủ để hoạt động, trường thường phải "xin" thêm ban đại diện cha mẹ học sinh. Năm nay, theo quy định mới thì không "xin" được nữa. Hiện tại, trường chỉ thu cao hơn năm ngoái gần 100.000 đồng đối với những khoản được phép thỏa thuận. Tuy nhiên phụ huynh vẫn không đồng tình. Thật sự những khoản thỏa thuận này đã tăng lên, song nếu để hoạt động tốt vẫn phải gói ghém lắm. Sau khi tăng, lương bảo mẫu, cấp dưỡng được tăng lên khoảng 700.000 đồng/người/tháng, nâng tổng thu nhập của họ lên khoảng 2 triệu đồng. Thu nhập này vẫn chưa tương xứng với việc họ phải có mặt ở trường từ 5h-6h sáng và làm việc liên tục, không nghỉ trưa, tới khi phụ huynh cuối cùng đón con về".
Vậy đến bao giờ các trường mới thu đủ và bao nhiêu là đủ để các trường không phải biến hóa khoản này, khoản kia móc túi phụ huynh?
Theo tuổi trẻ
Tiền trường: bao nhiêu mới đủ? Các trường "sáng tạo" ra rất nhiều loại phí dưới những tên gọi khác nhau buộc phụ huynh phải đóng. Thế nhưng, dù đã thu hàng trăm ngàn, hàng triệu đồng, các trường vẫn cứ kêu thu không đủ chi. Giờ học chiều 6/10 của học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình, TP.HCM. Trường này chỉ thu một khoản học...