Khi quý ông đi “thắt ống”
Triệt sản nam là một lựa chọn tốt cho những cặp đôi đã có đủ con, tuy nhiên nhiều quý ông vẫn có những hiểu lầm về phương pháp này
Sáu tháng sau ngày thực hiện thủ thuật “thắt ống”, anh Ng.V.R (43 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) vẫn không nguôi cảm giác thấy mình “yếu” hơn, bớt đàn ông hơn. Anh đến bệnh viện (BV) phụ sản nơi mình đã đi triệt sản để khám lại, rồi đến BV Bình Dân khám nam khoa, kết quả vẫn là “bình thường”. Cuối cùng, anh được chữa khỏi vấn đề “cảm thấy yếu” bởi một… bác sĩ tâm lý.
Nhiều hiểu lầm
Trái với anh R., nhiều quý ông sau khi triệt sản lại cảm thấy sung sức vì không sợ “có hậu quả nữa”. Một trong số đó là trường hợp của anh V.T (45 tuổi, quận 4, TP HCM). Ngồi chờ vợ sinh trong BV Từ Dũ (TP HCM), anh nói: “Đứa này là ngoài kế hoạch. Mười tháng trước tôi đi triệt sản vì nhà có 3 con rồi. Đi về thấy người như khỏe lên, vợ tôi bớt bị mệt vì thuốc tránh thai, thế là tiến tới. Ai ngờ quên đọc tờ giấy bác sĩ (BS) ghi, bảo là phải dùng bao cao su vài chục lần thì triệt sản mới có kết quả. Thôi thì con là trời cho, nhưng 4 đứa vất vả lắm đây”.
Vấn đề triệt sản làm dấy lên cuộc tranh cãi lớn trong gia đình chị Tr.T.M.T (35 tuổi). Chị đã sinh mổ 2 lần, cơ địa sẹo xấu, lần nào cũng nhiễm trùng nên sợ lên bàn mổ triệt sản dễ có biến chứng. Chị có uống thuốc tránh thai trước đây nhưng BS bảo trên 35 tuổi không nên dùng nữa. Vòng tránh thai chị cũng đã thử nhưng gặp rắc rối, phải tháo. Hỏi BS, chị được tư vấn về nói chồng đi triệt sản. Nhưng vừa mở lời, anh đã lớn tiếng nói rằng vì chị ghen tuông bậy bạ nên nghĩ chuyện làm chồng “yếu” đi.
Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, chuyên khoa sức khỏe sinh sản Phòng khám Đa khoa – chuyên khoa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, thủ thuật triệt sản nam (Vacsectomy) cần hiểu là thao tác cột và cắt ống dẫn tinh của người đàn ông (nằm trong bìu), nhằm ngăn chặn đường đi của tinh trùng.
Video đang HOT
Dừng lại ở 2 con (dù trai hay gái) để có điều kiện chăm sóc tốt cho trẻ (Ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH
Triệt sản nam không đụng chạm đến 2 tinh hoàn của người đàn ông nên chắc chắn không làm suy giảm nội tiết (testosterone do tinh hoàn tiết ra), không ảnh hưởng đến tình dục. Các vấn đề tình dục một số quý ông gặp phải sau triệt sản (giảm ham muốn, giảm cương, rối loạn xuất tinh…) thường là do tâm lý hoặc do các vấn đề sức khỏe khác.
Vì vậy, có thể nói chính nỗi lo “yếu” mới khiến quý ông có thể yếu thật. Nếu tự nhiên gặp trục trặc trong chuyện chăn gối mà tin rằng tâm lý ổn, quý ông nên đi khám tổng quát vì coi chừng có bệnh khác mới nảy sinh.
“Thậm chí có nhiều trường hợp, người đàn ông sau triệt sản gia tăng hoạt động tình dục vì được giải tỏa tâm lý lo lắng về chuyện ngừa thai, mang thai ngoài ý muốn… Với các quý ông này, tôi cũng xin cảnh báo là đừng vì thấy chuyện tình dục tốt lên, bớt lo lắng mà… thoải mái với các mối quan hệ không an toàn. Nên nhớ, triệt sản chỉ giúp bạn không có con chứ không giúp ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục!” – BS Thông cảnh báo.
Chỉ là tiểu phẫu
Nhiều người lo lắng triệt sản nam khó khăn, đau đớn, nhưng theo BS Dương Phương Mai, nguyên Phó Giám đốc y khoa BV Phụ sản Quốc tế Sài Gòn, thủ thuật triệt sản nam không phải phẫu thuật như triệt sản nữ, mà chỉ là một dạng tiểu phẫu, làm xong là có thể về.
“Vì vậy, quý ông nên loại bỏ suy nghĩ chuyện tránh thai, triệt sản là “chuyện của bà”. Trong khi triệt sản nam khá nhẹ nhàng, thì triệt sản ở nữ giới buộc phải nhập viện, can thiệp phức tạp hơn, tỉ lệ biến chứng cao hơn. Ở phương Tây, tỉ lệ đàn ông đi triệt sản khá cao. Trái lại, ở Việt Nam chủ yếu là phụ nữ. Triệt sản là điều nên nghĩ đến nếu cặp đôi đã đủ con, người phụ nữ lớn tuổi, không phù hợp với thuốc tránh thai nội tiết nữa, các biện pháp tránh thai khác như đặt vòng không thuận lợi…” – BS Dương Phương Mai phân tích.
Còn theo BS Nguyễn Ngọc Thông, các biến chứng ở triệt sản nam và nữ đều có, nhưng vô cùng thấp, nhất là ở triệt sản nam. Có thể kể đến chảy máu, nhiễm trùng… Vì vậy, tuy nó đơn giản nhưng các quý ông cũng cần chọn các BV, trung tâm y tế có uy tín, ví dụ các BV chuyên về sản hay nam khoa để thực hiện. Một số trường hợp sau nhiều năm gặp u hạt thừng tinh, là do tinh trùng sinh ra tái hấp thu không kịp, bị dồn ứ, nhưng trường hợp này cũng dễ dàng xử lý.
Người trẻ có nên triệt sản?
BS Nguyễn Ngọc Thông tư vấn, suy nghĩ triệt sản nam chỉ dành cho… người già, trẻ quá không nên… là chưa chính xác. Với đàn ông trẻ, khi đi triệt sản cần cân nhắc là mình đã thực sự có đủ con chưa. Bởi lẽ khi triệt sản rồi nhiều năm sau tự nhiên muốn có con lại sẽ khó khăn. Có thể thực hiện việc nối ống dẫn tinh trở lại nhưng thành công không cao. Thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thì khá tốn kém.
Bác sĩ ơi: Thắt ống dẫn tinh có làm nam giới 'yếu đi'?
Tôi dự định triệt sản bằng cách thắt ống dẫn tinh nhưng lo lắng liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe và làm 'yếu đi' bản lĩnh phái mạnh? (Ngô Văn M., 45 tuổi, ngụ TP.HCM)
Phẫu thuật nối ống dẫn tinh tại Khoa nam học, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) - Ảnh: Dũng Tiến
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Hồ Vĩnh Phước, chuyên khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM):
Nhìn chung, các tài liệu cho thấy thắt ống dẫn tinh không ảnh hưởng đến sức khỏe và giảm "phong độ" của phái mạnh. Tuy nhiên, đây là một biện pháp tránh thai vĩnh viễn ở nam giới. Vì vậy, trước khi lựa chọn phương pháp triệt sản này, anh cần phải cân nhắc rất kỹ. Phải chắc chắn rằng mình không muốn có con trong tương lai.
Trên thực tế tại phòng khám nam khoa, nhiều nam giới chia sẻ với bác sĩ lo lắng rằng sau khi thắt ống dẫn tinh thì ham muốn và khả năng chăn gối có thể bị ảnh hưởng. Về vấn đề này thì các anh có thể yên tâm!
Nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy sau khi phẫu thuật thắt ống dẫn tinh, nam giới không bị ảnh hưởng đến chức năng chăn gối, cũng như là nam tính. Thủ thuật này không ảnh hưởng đến chuyện "yêu" và không gây ảnh hưởng nhiều đến các cơ quan trong hệ sinh dục.
Chỉ có sự khác biệt trong tinh dịch của nam giới sau thắt ống dẫn tinh là không có sự hiện diện của tinh trùng, nhưng nam giới vẫn có xuất tinh với dịch tiết chủ yếu từ tuyến tiền liệt và túi tinh.
Một số nghiên cứu còn cho thấy, trên một người nam giới sau khi thắt ống dẫn tinh, khi đã an tâm hơn vì đã loại trừ được những vấn đề "vỡ kế hoạch", "người nữ có thai ngoài ý muốn", thì cả hai có thể đạt mức độ hài lòng trong đời sống vợ chồng cao hơn.
Sau khi thắt ống dẫn tinh, nếu muốn có con trở lại thì nam giới có thể phẫu thuật nối ống dẫn tinh. Tuy nhiên, so với việc thắt ống dẫn tinh thì nối ống dẫn tinh sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Người bệnh cần phải nhập viện, tiến hành nối lại ống dẫn tinh tại phòng phẫu thuật. Mặt khác, phẫu thuật nối ống dẫn tinh không phải lúc nào cũng thành công, có những trường hợp sau khi nối ống dẫn tinh, người bệnh vẫn không có lại được sự hiện diện của tinh trùng trong tinh dịch. Như vậy, người đó không thể có con bằng biện pháp giao hợp tự nhiên nữa. Trong trường hợp này, nếu nam giới vẫn muốn có con thì có thể dùng các phương pháp hỗ trợ sinh sản để có con.
Thắt ống dẫn tinh là một thủ thuật không phức tạp, rất ít có biến chứng. Đối với hầu hết nam giới, thắt ống dẫn tinh không gây ra bất kỳ tác dụng phụ đáng chú ý nào, cũng như không ảnh hưởng gì đến tình trạng sức khỏe; các biến chứng nghiêm trọng là rất hiếm.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng, thắt ống dẫn tinh chỉ là một biện pháp tránh thai, chứ không giúp bảo vệ nam giới và người bạn đời khỏi các bệnh lây truyền qua đường quan hệ.
Theo Thanh niên
Thắt ống dẫn tinh: Có đau không, có ảnh hưởng gì? Nhiều cặp vợ chồng và nam giới chủ động lựa chọn thắt ống dẫn tinh. Những băn khoăn về quá trình thực hiện và ảnh hưởng của việc thắt ống dẫn tinh bạn cần biết. 1. Thắt ống dẫn tinh là gì? Thắt ống dẫn tinh xảy ra khi vợ chồng có quyết định lựa chọn đây là phương pháp tránh thai phù...