Khi Phó Thủ tướng phải lên tiếng chuyện tên trường
Thiếu nhất quán trong cách viết tên tiếng Anh của trường ĐH sẽ gây lẫn lộn cho đồng nghiệp quốc tế, và thể hiện sự thiếu tôn trọng “thương hiệu” của trường.
LTS: Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh việc đặt tên tiếng Anh của các trường đại học ở VN hiện nay rất lộn xộn. Bài viết dưới đây của GS. Nguyễn Văn Tuấn sẽ làm sáng tỏ những hậu quả lớn từ bất cập tưởng như rất nhỏ này.
Trong thế giới khoa học, các trung tâm nghiên cứu cạnh tranh nhau để được ghi nhận và để có uy danh. Một trong những hình thức quảng bá tên trường là qua bài báo khoa học.
Việc thống nhất cách viết tên trường hoặc tên viện nghiên cứu trong “văn chương khoa học” có ý nghĩa quan trọng. Nhưng rất tiếc, cách viết tên trường đại học ở nước ta vẫn còn trong tình trạng “trăm hoa đua nở”. Đã đến lúc phải có qui định nghiêm chỉnh về các viết tên trường trong các bài báo khoa học.
Danh xưng thống nhất
Một bài báo khoa học phải có những thông tin cơ bản như tên họ tác giả và nơi làm việc (tiếng Anh gọi là affiliation). Đây là những thông tin sẽ được lưu trữ trong hệ thống thư viện khoa học toàn cầu một khi bài báo được chấp nhận và công bố. Một tác giả có thể được bổ nhiệm ở nhiều trung tâm, và tùy theo trường hợp, tác giả phải ghi rõ những nơi mình đang công tác hay được bổ nhiệm.
Thật ra, một trong những điều kiện bổ nhiệm là người được bổ nhiệm phải hứa sẽ ghi tên của cơ quan vào bài báo khoa học. Nếu công trình nghiên cứu thực hiện ở viện A mà trong bài báo không có ghi tên của viện thì có thể xem là vi phạm đạo đức khoa học. Do đó, ghi tên của đại học hay trung tâm nghiên cứu trong bài báo khoa học là một vấn đề liên quan đến công trạng (credit).
Mỗi đại học nên có một danh xưng thống nhất. Chẳng hạn, đại học Sydneyđược qui định cách viết chuẩn là “University of Sydney”, và viết tắt (khi cần) là “Univ Sydney”. Hay Harvard University được viết tắt trong hệ thống thư viện khoa học là “Harvard Univ”. Hay như tên viện tôi là Garvan Institute of Medical Research thì trong thư viện khoa học các viết tắt chuẩn là “Garvan Inst Med Res”.
Cách viết chuẩn và thống nhất như thế tạo điều kiện dễ dàng cho các thư viện truy tìm bài báo khoa học của trường mình, và rất tiện cho việc phân tích ấn phẩm khoa học theo trường/ viện và quốc gia. Trong thực tế, những cách viết tên như thế được trường đại học qui định, và tất cả người của đại học hoặc có hợp tác với đại học phải tuân theo qui định đó.
Hệ quả của một trường nhiều tên
Tuy nhiên tại VN, dường như giới lãnh đạo đại học và khoa học chưa mấy quan tâm đến vấn đề danh xưng và thống nhất danh xưng bằng tiếng Anh. Hệ quả là cùng một trường đại học nhưng lại xuất hiện dưới nhiều cái tên trên các tập san khoa học.
Khi điểm qua danh sách hàng ngàn bài báo khoa học từ Việt Nam trong vòng 5 năm qua, tôi phát hiện rất nhiều trường hợp mà tác giả viết tên trường một cách khá tùy tiện. Xin đơn cử một vài ví dụ để minh họa (tham khảo bảng cuối bài).
Loạn danh xưng có ảnh hưởng đến bảng xếp hạng đại học do các nhóm nghiên cứu ở nước ngoài thực hiện. (Ảnh minh họa)
Video đang HOT
Chẳng hạn, Viện khoa học công nghệ Việt Nam có tên tiếng Anh chính thức là “Vietnam Academy of Science and Technology”. Nhưng trên các tập san khoa học từ năm 2006 trở đi, viện này lại xuất hiện dưới ít nhất là 5 danh xưng khác nhau, như Vietnam Acad Sci Technol, Vietnamese Acad Sci Technol, Natl Ctr Nat Sci Technol, Natl Ctr Nat Nat Sci Technol, thậm chí… VAST!
Đại học Quốc gia TPHCM có tên chính thức là “Vietnam National University – Ho Chi Minh City”, nhưng trên tập san khoa học thì Natl Univ Ho Chi Minh City, Natl Univ Hochiminh City, Hochiminh City Natl Univ, v.v… Có tác giả tùy tiện viết tên trường Đại học Y Dược TPHCM là Univ Med Pharm! Có trường khá nhất quán hơn như Đại học Cần Thơ, nhưng vẫn xuất hiện dưới 2 danh xưng (khác nhau cách viết liền và rời hai chữ Cần Thơ): Can Tho Univ và Cantho Univ.
Nhìn qua cách viết tên trường đại học của các nhà khoa học Việt Nam, tôi thấy hình như tác giả có phần lúng túng trong cách dịch, cách đánh vần và… tùy tiện. Có thể tóm tắt những xu hướng viết này như sau:
Thứ nhất là lúng túng giữa Vietnam và Vietnamese. Tiêu biểu cho trường hợp này là cách viết Viện Khoa học và Công nghệ dưới hai cái tên Vietnam Acad Sci Technol và Vietnamese Acad Sci Technol.
Thứ hai là nhập nhằng giữa hai từ đơn. Chẳng hạn như các tác giả ở Đại học Cần Thơ viết tên trường của họ theo hai cách, Cantho Univ và Can Tho Univ. Tương tự, cũng có nơi viết tên quốc gia là Vietnam và Viet Nam.
Thứ ba là thiếu nhất quán trong cách đặt Univ sau hay trước tên trường. Điển hình cho trường hợp này là các tác giả ở Huế, khi họ viết Hue Univ, nhưng cũng có khi viết là Univ Hue.
Thứ tư là cách dịch chưa thống nhất. Chẳng hạn, do “sư phạm” có thể dịch là Education, nhưng cũng có thể dịch là Pedagogy, nên các tác giả của Đại học Sư phạm Hà Nội viết tên trường của họ là Hanoi Univ Educ và Hanoi Pedag Univ.
Thứ năm là… tùy tiện. Tiêu biểu cho sự tùy tiện là cách viết không theo cách nói (không theo qui tắc nào cả), như Đại học Y Dược TPHCM thường được đề cập đến là Đại học Y Dược, nên tác giả chỉ viết Univ Med Pharm mà quên chữ Ho Chi Minh City.
Thứ sáu là hỗn hợp các cách viết trên. Chẳng hạn như Vietnam Acad Sci Technol Vast (viết tắt trong viết tắt), Vietnam Natl Univ Ho Chi Minh City và Natl Univ Ho Chi Minh City.
Cách viết tên trường thiếu nhất quán như trên gây ra một số ấn tượng không tốt. Thứ nhất, nó cho thấy tác giả chưa nhận thức nghiêm chỉnh về danh xưng của nơi mình làm việc. Thứ hai, nó gây cảm giác tác giả không tự hào về nơi mình nghiên cứu hay được bổ nhiệm. Thứ ba, sự thiếu nhất quán danh xưng có thể do trường chưa có qui định, nên tác giả đành phải viết theo cách hiểu (dịch) và sở thích của mình.
Nhưng có lẽ nghiêm trọng hơn, tình trạng này có thể gây sai lệch trong đánh giá công trạng đại học. Một người ngoại quốc muốn đánh giá năng suất khoa học sẽ dễ lầm lẫn khi thấy Viện KHCN công bố được 204 bài trong 20 năm 1991-2011 dưới danh xưng Vietnam Acad Sci Technol, nhưng sẽ bỏ sót 403 bài từ những tác giả xuất hiện dưới Vietnamese Acad Sci Technol! Do đó, ảnh hưởng của việc thiếu chuẩn viết tắt tên viện/ trường có thể nghiêm trọng. Sự thiếu sót này có ảnh hưởng đến bảng xếp hạng đại học do các nhóm nghiên cứu ở nước ngoài thực hiện, bởi họ khó phân biệt được tên đại học và thực thể đại học ở Việt Nam.
Dù là lí do gì, thiếu nhất quán trong cách viết tên trường sẽ gây lẫn lộn cho đồng nghiệp quốc tế, và thể hiện một sự thiếu tôn trọng “thương hiệu” của trường. Trong chiều hướng hội nhập quốc tế, tôi đề nghị lãnh đạo các đại học nên có qui định chính thức về danh xưng tiếng Anh và về cách viết tắt trên các tập san khoa học. Việc chuẩn hóa danh xưng như thế sẽ dần dần tạo ra thương hiệu và uy tín cho trường.
Bảng: Một số cách viết tên tiếng Anh của các trường đại học ViệtNam:
Tên chính thức tiếng Việt và tiếng Anh
Tên viết tắt trên tập san khoa học quốc tế
Viện khoa học công nghệ Việt Nam (Vietnam Academy of Science and Technology)
Vietnam Acad Sci Technol Vietnam Acad Sci Technol Vast Vietnamese Acad Sci Technol Natl Ctr Nat Sci Technol Natl Ctr Nat Nat Sci Technol Vast Ncst
Đại học Quốc gia Hà Nội (Vietnam National University – Hanoi)
Viet Nam Natl Univ Vietnam Natl Univ Vietnam Natl Univ Hanoi Hanoi Vietnam Natl Univ Natl Univ Hanoi
Đại học Quốc gia TPHCM (Vietnam National University – Ho Chi Minh City)
Vietnam Natl Univ Ho Chi Minh City Natl Univ Ho Chi Minh City Natl Univ Hochiminh City Hochiminh City Natl Univ
Đại học Sư phạm Hà Nội (Hanoi National University of Education)
Hanoi Natl Univ Educ Hanoi Pedag Univ Hanoi Univ Educ Univ Pedagogy Univ Pedag
Đại học Bách khoa TPHCM (University of Technology – Ho Chi Minh City)
Hochiminh City Univ Technol Ho Chi Minh City Univ Technol
Đại học Bách khoa Hà Nội (Hanoi University of Science and Technology)
Hanoi Univ Sci Technol Hanoi Univ Technol Univ Technol Natl Technol Univ
Đại học Y Dược TPHCM
Univ Med Pharm Univ Med Pharm Ho Chi Minh City
Đại học Cần Thơ (Can Tho University)
Can Tho Univ Cantho Univ
Đại học Khoa học Tự nhiên
Univ Nat Sci Univ Nat Sci Hochiminh City
Đại học Huế
Hue Univ Univ Hue
Đại học Nông nghiệp Hà Nội
Hanoi Univ Agr Hanoi Agr Univ
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn
TuanVietnam
Vĩnh biệt nhà ngôn ngữ và Đông Nam Á học hàng đầu!
GS. TS Phạm Đức Dương - Nhà ngôn ngữ và Đông Nam Á học hàng đầu Việt Nam vừa qua đời vào sáng 8-12 ở tuổi 83.
Từng là Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Ủy ban KH-XH Việt Nam từ năm 1975 đến 1995, với những công trình nghiên cứu uyên bác và có giá trị to lớn, ông được xem như người đặt nền móng cho ngành Đông Nam Á học ở Việt Nam. Năm 1991, GS. TS Phạm Đức Dương được phong chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học.
Bên cạnh đó, GS.TS Phạm Đức Dương cũng là một người có tâm huyết với việc thúc đẩy văn hóa đọc ở Việt Nam. Ông đã thành lập một tủ sách gia đình ngay tại nhà với hơn 10.000 đầu sách, mở cửa miễn phí cho các sinh viên, cán bộ không có điều kiện đến tìm đọc và nghiên cứu. Tang lễ của GS. TS Phạm Đức Dương sẽ được cử hành từ 9h30 đến 10h30 ngày 11-12 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).
Theo ANTD
Học viện CSND trao 13 bằng Tiến sĩ Sáng 24-10, Học viện CSND đã tổ chức Lễ trao bằng Tiến sĩ năm 2013 cho 13 nghiên cứu sinh. Tới dự có Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an. Theo đánh giá của nhà trường, các đề tài, công trình nghiên cứu luận án tiến sĩ của 13 nghiên cứu sinh đợt này đều...