Khỉ ở Indonesia thích cướp đồ đắt tiền
Theo tiến sĩ Leca, kỹ năng này được loài khỉ ở Indonesia học tập và truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Tại đền thờ Uluwatu ở Bali, Indonesia, những con khỉ chính là thứ thu hút khách du lịch và tạo ra thu nhập cho các nhân viên ở đây. Tuy nhiên, chính những con khỉ đuôi dài lang thang ở đây cũng tự biết mở hướng “kinh doanh” cho mình bằng việc cướp tài sản của khách du lịch để đổi lấy thức ăn.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng những con khỉ này có kỹ năng phán đoán giá trị đồ vật của nạn nhân và sử dụng khả năng này để tối đa hóa lợi nhuận cho chúng.
Tiến sĩ Jean-Baptiste Leca, giáo sư tâm lý học tại Đại học Lethbridge, Canada, cho biết loài linh trưởng lém lỉnh này thích nhắm mục tiêu vào các mặt hàng mà con người nhiều khả năng sẽ dùng thức ăn để đổi lại như đồ điện tử, hơn là những đồ vật ít giá trị như kẹp tóc hoặc túi đựng máy ảnh.
Kỹ năng đánh giá giá trị món đồ được khỉ ở đền Uluwatu truyền từ đời này sang đời khác. Ảnh: Hotels.
Điện thoại di động, ví và kính nằm trong số những tài sản có giá trị cao mà lũ khỉ nhắm đến. “Những con khỉ này đã trở thành các chuyên gia rình mò những du khách lơ đãng, những người không nghe theo khuyến cáo của nhân viên, cho tất cả đồ vật có giá trị vào túi xách có khóa và đeo trước ngực hoặc lưng”, Leca nói thêm.
Video đang HOT
Sau hơn 273 ngày quay phim lũ khỉ, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những con khỉ có xu hướng yêu cầu phần thưởng lớn hơn, chẳng hạn như nhiều thức ăn hơn, cho những vật có giá trị cao.
Quá trình “mặc cả” giữa một tên cướp khỉ, du khách và nhân viên đền thờ thường kéo dài vài phút. Thời gian lâu nhất trước khi món hàng được trả lại cho khổ chủ là 25 phút, trong đó có 17 phút thương lượng.
Đối với những mặt hàng có giá trị thấp hơn, những con khỉ sẽ chấp nhận phần thưởng nhỏ hơn. Điều đặc biệt là những con khỉ ở đền Uluwatu hoàn toàn là động vật hoang dã, không trải qua bất kỳ quá trình huấn luyện hay thí nghiệm nào.
Theo một nghiên cứu công bố bởi Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Tự nhiên và Kỹ thuật của Canada (NSERC) và Viện Nghiên cứu Alberta Gambling (AGRI), những hành vi cướp bóc và trao đổi trên được loài khỉ học trong suốt thời niên thiếu của chúng, cho đến khi được bốn tuổi.
Leca nói rằng cướp và đổi chác là biểu hiện của trí thông minh văn hóa của loài khỉ: “Những hành vi này được bầy khỉ học hỏi và duy trì qua các thế hệ trong ít nhất 30 năm”.
Ngoài Indonesia, khỉ ở Ấn Độ cũng nổi tiếng vì gây rối. Ảnh: PRI.
Trong khi những nhân viên làm việc tại đền thờ tại Uluwatu biết cách để giảm bớt xung đột giữa khỉ và khách du lịch, việc quản lý loài động vật này lại là một thách thức lớn ở nhiều nơi khác trên thế giới.
Như tại Ấn Độ, khỉ lang thang vốn nổi tiếng vì gây ra nhiều rắc rối như ăn hoa màu của nông dân, cướp phá nhà cửa ở các làng mạc, thành phố, thậm chí mới đây, chúng còn tấn công nhân viên y tế và đánh cướp các mẫu xét nghiệm Covid-19.
Nhiều quốc gia khác lo ngại loài khỉ có thể trở nên hung dữ hơn vì đại dịch khiến chúng không còn nhiều thức ăn.
Năm ngoái, chính phủ Thái Lan bắt đầu thực hiện việc triệt sản khỉ ở Lopburi, một thành phố nổi tiếng với quần thể khỉ đuôi dài, vì số lượng khách du lịch giảm mạnh đã không còn đảm bảo cuộc sống cho bầy khỉ đông đúc ở đây.
Trường học Indonesia chấp nhận cho thanh toán học phí bằng... dừa
Học viện Du lịch Venus One, một trường cao đẳng khách sạn ở Bali, Indonesia, đang cho phép sinh viên gặp khó khăn tài chính trả học phí và các khoản phí khác bằng các sản vật tự nhiên, bao gồm cả dừa.
Trường học ở Bali cho phép sinh viên trả học phí theo cách đặc biệt
Một trường cao đẳng khách sạn ở Indonesia đang cung cấp cho sinh viên bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế cơ hội trả học phí bằng dừa và các vật liệu tự nhiên khác. Đó là Học viện Du lịch Venus One ở Gianyar, Bali.
Nhà trường cho biết những sinh viên đang gặp khó khăn về tài chính sẽ được phép trả học phí và các khoản phí khác bằng cách mang dừa đến, phục vụ cho điều chế dầu dừa nguyên chất.
"Lúc đầu, chúng tôi bắt đầu chương trình trả góp để sinh viên trả học phí nhưng giờ chúng tôi đã trở nên linh hoạt hơn. Chúng tôi đang sản xuất dầu dừa nguyên chất và chúng tôi cố gắng thu hút sinh viên tham gia vào quá trình sản xuất bằng cách trả tiền khi họ mang đến những trái dừa", Putra nói.
Trường đã triển khai chương trình này từ tháng 3 và chấp nhận thanh toán học phí dưới dạng dừa, lá chùm ngây và lá rau má. Các loại lá cây này đang được sử dụng để làm các sản phẩm như xà phòng thảo dược.
Nhà trường tiết lộ các sản phẩm làm từ dừa và các vật liệu khác sẽ được bán trong khuôn viên trường để gây quỹ. Sinh viên cũng có thể bán lại các sản phẩm của chính mình để phát triển các kỹ năng kinh doanh.
"Chúng tôi giáo dục sinh viên để tối ưu hóa các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong môi trường xung quanh. Chúng tôi hy vọng khi đại dịch kết thúc, sinh viên sẽ không chỉ là những người lao động bình thường", giáo viên Wayan Pasek kết luận.
Wayan cũng nói rằng trường đại học của mình đã có giấy phép hoạt động kinh doanh từ cơ quan việc làm Gianyar. Ngoài ra, nhà trường đã thực hiện các quy trình về sức khỏe và an toàn để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, bao gồm bắt buộc đeo khẩu trang, cho sinh viên đến trường giới hạn trong mỗi ca và kiểm tra thân nhiệt hàng ngày.
Cậu bé 5 tuổi điều khiển máy xúc cỡ lớn ở Indonesia Khi dòng suối gần ngôi làng bị chắn lối, cậu bé Theo Paays đã tự mình điều khiển máy xúc để loại bỏ các tảng đá khổng lồ, giúp lưu thông dòng chảy.