Khi nông sản không là… tài sản
Với vườn bơ 300 gốc sum suê trĩu quả, cho doanh thu xấp xỉ 2 tỷ đồng mỗi năm, nhưng khi ông Dương Mã Dưỡng (xã Phước Tân, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) đến gõ cửa ngân hàng để hỏi vay vốn, vườn bơ của ông vẫn không được xem là tài sản thế chấp.
Không riêng gì khách hàng là nông dân nhỏ lẻ, ngay các hợp tác xã (HTX) cũng “mắc kẹt” với việc vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất, kinh doanh khi không có tài sản đảm bảo.
Vàng khối “chôn” trong vườn
Ở thôn Đồng Tiến (xã Phước Tân, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), ông Dương Mã Dưỡng được nhiều người gọi với tên “tỷ phú trồng bơ”. Từ chỗ chỉ có 1 cây bơ mọc ở góc vườn, sau hơn 20 năm, ông đã phát triển, gây dựng thành một vườn bơ trĩu trịt quả với hơn 300 gốc bơ trưởng thành, mỗi cây cho thu hoạch 500 – 600kg trái, doanh thu xấp xỉ 2 tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi năm ông còn bán trung bình 10.000 cây bơ giống, với giá 50.000 – 60.000 đồng/cây, thu về hơn 500 triệu đồng.
Nhiều chủ trang trại chăn nuôi loay hoay tìm nguồn vốn bên ngoài do thủ tục vay vốn ngân hàng phức tạp. Ảnh: Việt Tùng
Ông Dưỡng kể, năm 2010, khi vườn cà phê và tiêu rộng 7ha ở Bình Phước liên tục mất giá, ông quyết định phá bỏ, cải tạo và đầu tư chuyên canh trồng bơ. Với mong muốn đem trái bơ Việt Nam đi chinh phục thị trường thế giới, mới đây, ông đã ký thỏa thuận hợp tác với một doanh nghiệp Nhật, cam kết thực hiện quy trình sản xuất an toàn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào Nhật.
Ngoài ra, ông Dưỡng cũng đặt tham vọng xây dựng nhà máy chế biến sâu quả bơ, sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ trái bơ như tinh dầu bơ, nước ép bơ, bột bơ…, đồng thời mở rộng hợp tác với nông dân trồng bơ, xây dựng vùng nguyên liệu cho xuất khẩu và chế biến.
Ông cũng đã tìm được một số địa điểm ưng ý để xây dựng nhà máy. Ấy thế nhưng, khi đem hồ sơ đến ngân hàng vay vốn, ông Mã Dưỡng đã trải qua hết thất vọng này đến thất vọng khác, bởi bị ngân hàng từ chối.
“Tôi chỉ có vườn bơ là tài sản quý giá nhất, là tâm huyết cả đời. Tôi đem thế chấp vay vốn nhưng ngân hàng không chấp nhận. Ngân hàng bảo phải làm đề án, phải có tài sản thế chấp… Tôi không hiểu nên sau nhiều lần đi qua đi về, tôi bỏ cuộc” – ông Mã Dưỡng buồn bã chia sẻ.
Video đang HOT
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) có tổng đàn heo thịt hơn 3.500 con, sau những năm khó khăn cùng cực thời điểm 2014, chị Thu gần như đứt vốn. Xoay xở mãi mới gây dựng lại được heo nhưng vẫn không “nhằm nhò” gì với ước vọng chăn nuôi lớn của gia đình. Năm 2015, những thông tin về gia nhập TPP, thịt ngoại có nguy cơ tràn vào Việt Nam… khiến chị Thu lo lắng, chị bèn bàn với gia đình đầu tư thay đổi mô hình chuồng trại, thay giống mới với năng suất cao hơn. Chị nghĩ, phải “hành động” trước khi quá muộn thì mới mong sống sót với nghề và quyết định gõ cửa ngân hàng.
Tuy nhiên, khi ra ngân hàng làm hồ sơ vay vốn, toàn bộ trang trại hơn 3.500 heo thịt và gần 200 heo nái của gia đình không được xem là tài sản đảm bảo nên không thể thế chấp để vay vốn được. “Nếu đồng ý vay tín chấp thì số tiền 20 – 30 triệu đồng không thấm vào đâu cho dự án cải tạo trang trại. Gia đình lại phải xoay sở đủ bề mới mong đủ kinh phí đầu tư, có khi còn phải vay nóng bên ngoài” – chị Thu ngậm ngùi.
Nguồn vốn còn… xa
Không chỉ ông Dưỡng, chị Thu mà rất nhiều hộ nông dân khác đang gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất, bởi thế ba con đã đặt rất nhiều kỳ vọng khi Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP về việc nới hạn mức cho vay tín chấp trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Nghị định 55 mở ra cơ hội tiếp cận nguồn vốn lớn hơn cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mà không cần tài sản thế chấp.
Theo Nghị định, ngân hàng chỉ giữ sổ đỏ của người vay để “làm tin”, vì ngân hàng sẽ không tiến hành các thủ tục thế chấp tài sản. Vì thế, khi bên vay không trả được nợ, ngân hàng không dùng sổ đỏ để xử lý theo hướng phát mãi tài sản mà sẽ đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân khắc phục khó khăn. Tuy nhiên, những khó khăn khi tiếp cận vốn trong nông nghiệp vẫn còn là chuyện dài kỳ. Ông Nguyễn Thành Phúc, đại diện Ngân hàng NNPTNT Đồng Nai cho biết, tính tới cuối tháng 6, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị định 55 đạt hơn 9.372 tỷ đồng nhưng chỉ có khoảng 30% tổng dư nợ là các khoản vay không có tài sản thế chấp.
Cũng theo ông Phúc, hạn mức tín dụng trung bình của các hồ sơ vay vốn này đạt khoảng 100 triệu đồng/hồ sơ, chủ yếu là những hộ, cá nhân vay đầu tư nông nghiệp, trong khi đối tượng HTX, tổ hợp tác… chỉ đạt tổng dư nợ 60,3 tỷ đồng. “HTX, tổ hợp tác… là những tổ chức được ưu tiên cho vay tín chấp lên đến 3 tỷ đồng, nhưng do không có nhiều đơn vị làm ăn hiệu quả nên lượng hồ sơ vay vốn cũng rất khiêm tốn. Dù là vay tín chấp nhưng các HTX vẫn phải chứng minh được đầu ra của sản phẩm, chứng minh được uy tín trên thị trường” – ông Phúc khẳng định.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đã có thời gian các HTX chăn nuôi trong khu vực vật vã tìm vốn đầu tư. “Đàn heo thì không được xem là tài sản, HTX phải đi mượn nhà xã viên làm văn phòng thì lấy đâu ra sổ đỏ để cắm ngân hàng?” – ông Đoán đặt câu hỏi.
Theo Danviet
Lỡ mua dự án đã thế chấp: Phải làm sao?
Nếu không được cấp giấy chứng nhận, người mua nhà thuộc dự án đã bị thế chấp có thể khởi kiện chủ đầu tư yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc hủy hợp đồng.
"Nếu chủ đầu tư (CĐT) đã thế chấp dự án cho tổ chức tín dụng, sau đó lại đem bán nhà ở mà không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp, không thực hiện thủ tục rút bớt tài sản thế chấp tương ứng (gọi tắt là giải chấp) là không đúng quy định pháp luật" - ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau khi sở này công bố danh sách 77 dự án đang được các CĐT thế chấp trên địa bàn TP.HCM
Ông Đinh Quang Hưng (71 tuổi, ngụ căn hộ A101 chung cư Minh Thành) đang nói về nỗi khổ khi chung cư bị chủ đầu tư thế chấp. Ảnh:HỒNG TRÂM
Được bán nếu rút bớt tài sản thế chấp
. Phóng viên: Thưa ông, điều kiện nào để doanh nghiệp (DN) là CĐT các dự án bất động sản được thế chấp dự án?
Ông Nguyễn Toàn Thắng: Điều kiện chung (theo quy định của Luật Đất đai 2013) là phải có giấy chứng nhận, đất không có tranh chấp, quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án trong thời hạn sử dụng đất. Ngoài ra, muốn thực hiện quyền thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất, DN phải thuộc trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền hoặc cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.
Về thủ tục, DN phải lập hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức hành nghề công chứng. Sau khi đã lập hợp đồng thế chấp, DN phải nộp hồ sơ đăng ký biến động tại Văn phòng Đăng ký đất đai TP.
. DN đã thế chấp dự án có được quyền bán nhà ở trong dự án đó cho khách hàng?
Theo Thông tư liên tịch 01/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT thì trước khi ký kết hợp đồng mua bán nhà ở, DN phải thực hiện thủ tục rút bớt tài sản bảo đảm là nhà ở hình thành trong tương lai. DN không được chuyển nhượng nhà ở hình thành trong tương lai đó cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào nếu chưa có văn bản đồng ý của bên nhận thế chấp.
Người mua có thể khởi kiện
. Nếu CĐT có vi phạm như trên, quyền lợi người mua nhà được đảm bảo ra sao?
Vướng mắc lớn nhất trước nay là người mua nhà không được cấp giấy chứng nhận và TP đã kiến nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn xử lý. Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, UBND TP yêu cầu các CĐT liên quan phải thực hiện thủ tục rút bớt tài sản thế chấp, sau đó người mua nhà ở sẽ được giải quyết cấp giấy chứng nhận. Nếu CĐT không chấp hành, TP căn cứ vào mức độ vi phạm để xem xét, xử lý.
Trường hợp phát sinh tranh chấp do người mua nhà không được cấp giấy chứng nhận, người mua nhà có thể khởi kiện CĐT yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc hủy hợp đồng.
. Trong thời gian qua, người mua nhà tại các dự án rất bị động để bảo vệ quyền lợi của mình. Theo ông, cần những giải pháp gì để hạn chế rủi ro cho người mua?
Cần có sự kết hợp của nhiều giải pháp. Đầu tiên, tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về kinh doanh bất động sản để từng chủ thể liên quan nắm bắt đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình khi tham gia thị trường bất động sản.
CĐT phải cung cấp đầy đủ, trung thực hồ sơ, thông tin, tiến độ dự án, thực trạng tài sản thế chấp. Người mua nhà cần kiểm tra pháp lý dự án nhà ở đủ điều kiện trước khi giao dịch, yêu cầu DN cung cấp hồ sơ, thông tin về bất động sản. Đặc biệt, các ngân hàng phải có trách nhiệm kiểm tra, xác minh bất động sản đủ điều kiện trước khi nhận thế chấp, kịp thời thông báo cho văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan công chứng khi cần thiết.
Ngoài ra, cần tăng cường vai trò của Sở Xây dựng, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP trong việc công khai các thông tin liên quan tới dự án.
. Xin cám ơn ông.
Chung cư bị thế chấp, cư dân lao đao Chung cư cao cấp Minh Thành (đường Lê Văn Lương, phường Tân Quy, quận 7) được CĐT là Công ty Minh Thành thế chấp cho một ngân hàng từ năm 2010. "Tôi mua lại căn hộ này vào năm 2011 từ một người khác (mua căn hộ từ năm 2007) và hoàn toàn không hề biết việc chung cư đã bị thế chấp. Trong hồ sơ mua nhà của chủ cũ có ghi rõ là trong sáu tháng CĐT sẽ giải quyết toàn bộ thủ tục giấy tờ. Tuy nhiên, đến nay tôi vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận" - ông Đinh Quang Hưng (71 tuổi, ngụ căn hộ A101) cho biết. Theo ông Hưng, vì không có giấy chứng nhận nên gia đình ông gặp muôn vàn khó khăn. "Do gia đình tôi không được nhập hộ khẩu nên hai đứa cháu nội phải đi học rất xa, ở tận phường Phước Kiểng. Tôi muốn bán nhà để chữa bệnh cho vợ nhưng chẳng ai dám mua vì lo sợ căn hộ không có giấy tờ. Ngay cả việc đem nhà đi cầm cố ngân hàng cũng không được. Tôi đã đóng 100% tiền nhà mà vẫn không thể sở hữu nhà của mình" - ông Hưng bức xúc. Chị Trương Minh Châu, đại diện ban quản trị chung cư Minh Thành, cho biết sau thời gian dài không thấy CĐT làm giấy tờ, người dân âm thầm tìm hiểu thì mới biết CĐT đã đem chung cư đi thế chấp. Tính tới thời điểm hiện tại, CĐT đang nợ ngân hàng hơn 60 tỉ đồng. "Ban quản trị đã tổ chức rất nhiều cuộc họp yêu cầu CĐT phải nhanh chóng giải quyết giấy chứng nhận cho người dân. Mới đây, cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo các sở và quận, CĐT hứa là tháng 9 tới đây sẽ thanh toán toàn bộ nợ cho ngân hàng để làm giấy tờ cho người dân" - chị Châu cho hay.
cTheo_PLO
Người Xê đăng hết "gửi" trâu bò cho... núi rừng Bằng nguồn vốn ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Đăk Tô (Kon Tum), 10 gia đình nông dân xã Văn Lem đã tiên phong triển khai thành công mô hình chăn nuôi theo nhóm hộ. Điều này đang hứa hẹn mở ra một cung cách chăn nuôi hiệu quả cho đồng bào dân tộc thiểu...