Khi niềm tin bị “đánh tráo”
Những ngày qua, dư luận bức xúc, phẫn nộ khi biết sự thật bên trong của Trung tâm Tâm Việt với hình ảnh 40 học viên là trẻ em bị tự kỷ ăn ở, sống chung với người nghiện hút và cả với học viên từng nghiện rượu.
Học phí các gia đình có con tự kỷ đóng cho Tâm Việt có 3 mức: 9,8 triệu đồng/tháng, 14,8 triệu đồng/tháng và 19,8 triệu đồng/tháng.
Hiện Trung tâm Tâm Việt hoạt động có giấy phép không thì cơ quan chức năng ở địa phương cũng không nắm được. Giáo án thì tự soạn chưa được cấp có thẩm quyền thẩm định, áp dụng cho cả trăm trẻ như một, duy nhất chỉ có vài ba bài tập thăng bằng. Giáo viên là những người không có chuyên môn, không học khóa đào tọa nào về tự kỷ, chưa kể những trẻ tự kỷ khá được phân công dạy trẻ tự kỷ kém. Phải chăng đây là chiêu trò kiếm tiền trên nỗi đau của đồng loại?
Đoạn video trên mạng internet cho thấy rõ, giáo viên ở đây đã có những hành vi không đúng chuẩn mực đạo đức với học viên là các em nhỏ bị tự kỷ. Ngoài việc mắng chửi, đe dọa, có giáo viên nữ còn cầm roi vụt vào tay một em trai. Một giáo viên nữ khác ném bóng vào mặt một bé gái trong giờ luyện tập với lời lẽ hăm dọa rất thô bạo: “Đùa với bố mày đấy à? Trong túi xách bao giờ cũng có dao đấy nhé”.
Màn biểu diễn được cho là “làm hàng” để phụ huynh xem khi đến tìm hiểu gửi con ở trung tâm dạy trẻ tự kỷ tâm việt.
Đa số trẻ tự kỷ có những biểu hiện chậm phát triển về trí tuệ, phản ứng chậm hoặc vô cảm với các sự vật, sự việc hay các tình huống trong đời sống hàng ngày, thường có những hành vi, vận động khác thường như: Tăng động, thiếu tập trung, gặp khó khăn về ăn uống, giấc ngủ, tự làm đau mình… Hiện vẫn chưa có một phương thuốc nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh tự kỷ.
Sốc nặng, không chấp nhận sự thật, đau đớn, hoang mang, bế tắc, khủng hoảng, tuyệt vọng … đó là tâm lý chung của những bậc phụ huynh khi biết con mình mắc chứng tự kỷ. Có nên cho con đi học? Có ngôi trường nào chấp nhận cho con vào học? Con đi học có bị phân biệt đối xử với các học sinh bình thường không?…
Đó luôn là những câu hỏi không dễ tìm lời giải đáp của những gia đình có con mắc tự kỷ. Những cuộc hành trình “tự kỷ” đầy gian truân từ phòng khám thần kinh, sang bệnh viện tâm thần, đến các trung tâm chữa trị chuyên biệt và hoàn toàn suy sụp khi nhận được lời khuyên đưa con vào trung tâm dành cho trẻ khuyết tật, chậm phát triển… như con tàu đi chậm đi qua những chặng hầm dài đen tối, mà không tìm thấy được một chút ánh sáng lẻ loi của lạc quan và hy vọng ở những trạm dừng chờ.
Như người sắp chết đuối vớ được cọc, trước những dòng quảng cáo với những lời lẽ hết sức hấp dẫn “Tâm Việt biến điều không tưởng thành bình thường”; “Huấn luyện trẻ tự kỷ thành nghệ sỹ, kỷ lục gia”, “Nơi duy nhất trên thế giới điều trị được trẻ tự kỷ tuổi dậy thì”, “Tâm Việt đã mở ra hướng đi mới cho thế giới về phương pháp huấn luyện và định hướng nghề nghiệp cho trẻ tự kỷ”… Nhiều gia đình đã tin tưởng và trao những đứa con tội nghiệp của mình cho Tâm Việt với hy vọng con sẽ sớm có thể hòa nhập với gia đình và xã hội.
Video đang HOT
Không ai là không thấy xót xa, đau lòng và phẫn nộ khi được chứng kiến nơi ăn, chốn ở, cơ sở vật chất không đảm bảo điều kiện vệ sinh, có em không cả mặc quần và còn có em ở độ tuổi dậy thì “nghịch” vùng nhạy cảm trước mặt các học viên khác giới. Các em vật vờ như những hồn ma không được chăm sóc, bị đối xử bất công, vô cảm, thiếu tình người. Đau lòng nhất là các em vẫn phải âm thầm chịu đựng mà không biết nói, không biết kêu than được với ai những thống khổ của mình.
Xảy ra sự việc trên, cũng phải trách các bậc phụ huynh vì đã quá tin tưởng vào những lời quảng cáo, khoán trắng việc chữa trị, dạy dỗ con em mình cho Tâm Việt, bỏ rơi chúng trong cô đơn, không có tình yêu thương, không được ai bảo vệ. Có thể gửi con cho các trung tâm nhưng cha mẹ luôn phải đồng hành mới có hiệu quả và đừng đặt quá nhiều kỳ vọng con trở thành “nghệ sỹ, kỷ lục gia”, mà chỉ cần con không quậy phá, con biết bày tỏ cảm xúc, biết nói lên nhu cầu là hạnh phúc lắm rồi.
Muốn vậy mình phải yêu thương con vô điều kiện bằng tất cả tâm hồn và trái tim, có như vậy trẻ mới phát triển trí não thêm để sớm hòa nhập với cộng đồng. Xin hãy nhớ, chỉ có cha, mẹ là người thầy tốt nhất với con tự kỷ.
Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam từng gửi thư ngỏ kiến nghị các cơ quan chức năng, các cơ quan khoa học xác minh làm rõ một số nội dung như: Tính pháp lý của Tâm Việt; tính khoa học của những công bố của ông Phan Quốc Việt – Người sáng lập Tâm Việt Group và của cơ sở này, về việc đã “Phát minh hướng đi mới trong trị liệu tự kỷ”, “Kích hoạt ngược thần kinh”, “Công nghệ dịch chuyển đẳng cấp”… Tuy nhiên, cho đến nay thư ngỏ này chưa nhận được sự phản hồi nào.
Công luận mong cơ quan quản lý nhà nước có sự kiểm tra giám sát chặt chẽ hoạt động của các trung tâm can thiệp tự kỷ; đồng thời phải xử lý nghiêm những con người nhẫn tâm kiếm tiền trên nỗi đau của đồng loại, để không còn những sự việc đau lòng như trên xảy ra.
Đồng thời, Chính phủ nên có những trường chuyên biệt cho các trẻ tự kỷ, nếu được phát hiện, can thiệp sớm bằng đúng cách, người tự kỷ sẽ có cơ hội tiến bộ rất cao. Họ có thể đi học, đi làm, sống độc lập, hòa nhập với xã hội và không trở thành gánh nặng cho xã hội.
Cù Tất Dũng
Theo CAND
"Loạn" các phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ
Vài ngày trở lại đây, trên các diễn đàn dành cho các phụ huynh có con mắc hội chứng tự kỷ xuất hiện thông tin phản ánh về việc chăm sóc, dạy học có phần phản giáo dục của Trung tâm Tâm Việt với 2 cơ sở đào tạo tại Bắc Ninh và Hà Nội.
Hiện tại, một số đơn vị chức năng như Cục Bảo vệ trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH và chính quyền địa phương đang vào cuộc xác minh, làm rõ. Tuy nhiên, từ câu chuyện này cho thấy, còn rất nhiều bất cập trong việc chăm sóc, can thiệp cho trẻ tự kỷ tại Việt Nam khi công việc này đang được "khoán trắng" cho các đơn vị tư nhân, các cơ sở ngoài công lập.
Thực tế cho thấy, cả nước hiện nay chưa có trường công lập nào dành riêng cho đối tượng học sinh tự kỷ với chương trình can thiệp chuẩn. Đây không chỉ là thiệt thòi đối với học sinh mà còn gây khó khăn cho phụ huynh trong hành trình nuôi dưỡng, can thiệp và giáo dục trẻ tự kỷ.
Giáo dục hành vi hiện đang được xem là phương pháp can thiệp mang lại hiệu quả đối với trẻ tự kỷ. Ảnh minh họa.
Từ nhiều tháng nay, chị Phạm Thị Chinh, ở Hải Hậu, Nam Định đã phải xin nghỉ việc không lương lên Hà Nội thuê nhà trọ để hàng ngày có thể đưa cô con gái 26 tháng tuổi theo học tại một trung tâm giáo dục tư thục chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ. Lý do là tại các tỉnh lẻ như Nam Định hiện chưa có các trung tâm uy tín trong lĩnh vực này.
Để theo đuổi việc chữa trị cho con hiệu quả, trung bình mỗi tháng, những gia đình như chị Chinh phải chi tiêu từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng gồm chi phí ăn, ở, tiền học. Mất công, tốn của nhưng hiệu quả chữa trị, sự tiến bộ của các con diễn ra tương đối chậm, thường phải tính bằng năm khiến kinh tế của nhiều gia đình sa sút.
Đáng nói hơn, các trung tâm giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ hiện nay được mở ra tương đối nhiều, chủ yếu là các cơ sở do tư nhân thành lập, mỗi nơi dạy một kiểu khiến phụ huynh dễ bị lạc vào "ma trận", không biết đâu là trung tâm chăm sóc trẻ tự kỷ được cấp phép, đâu là những trung tâm được sự quản lý của nhà nước để yên tâm gửi gắm con.
Thậm chí, các phương pháp can thiệp, điều trị hiện nay cũng tương đối nhiều, được một số đơn vị quảng cáo khá rầm rộ nhưng căn cứ khoa học, tính chính thống và hiệu quả của các phương pháp này đến đâu thì rất khó để kiểm chứng.
Chị Thanh Hương, phụ huynh có con tự kỷ tại quận Hoàng Mai - Hà Nội chia sẻ: Gần 10 năm đồng hành cùng con tự kỷ, chị đã thử qua rất nhiều phương pháp điều trị, từ chính thống đến không chính thống. Trong quá trình đưa con đi chữa bệnh, chị đã gặp rất nhiều "nạn nhân" của không ít người lợi dụng các gia đình có con tự kỷ để trục lợi.
Qua nhiều trải nghiệm thực tế, thậm chí là đã phải trả giá, chị Hương đã rút ra một kinh nghiệm xương máu rằng: Cần phải tỉnh táo để lựa chọn những phương pháp đã được khoa học chứng minh, đã được cộng đồng quốc tế công nhận; không nên chạy theo những phương pháp mới chưa được kiểm chứng và được quảng cáo quá rầm rộ trong nước.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Việt Nam hiện nay, ngoài phương pháp chính thống là giáo dục hành vi, y sinh học thì cũng đang "nở rộ" một số phương pháp điều trị mới như châm cứu, ghép tế bào gốc, ô xi cao áp, âm nhạc trị liệu, ngữ âm trị liệu, cấy chỉ...
Thậm chí, một số trung tâm như Tâm Việt còn quảng cáo rầm rộ về những khóa học "Huấn luyện, đào tạo trẻ tự kỷ thành nghệ sỹ, kỷ lục gia"; "nơi duy nhất trên thế giới điều trị được trẻ tự kỷ tuổi dậy thì" với học phí từ 7 đến 20 triệu đồng tùy từng trường hợp. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều phụ huynh đã từng có thời gian gửi con theo học tại đây, cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt của học sinh tại trung tâm này rất nghèo nàn và không đảm bảo an toàn; phương pháp đào tạo cũng có nhiều dấu hiệu phản khoa học, thiếu nhân văn và không phù hợp với đối tượng học sinh vốn chịu rất nhiều thiệt thòi như trẻ em tự kỷ...
Một số chuyên gia trong lĩnh vực can thiệp tự kỷ cũng thừa nhận, mặc dù có rất nhiều phương pháp giáo dục dành cho trẻ tự kỷ nhưng hiện nay ở nước ta, việc giáo dục này đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức lớn do chúng ta chưa có chương trình chuẩn dành cho trẻ tự kỷ Việt Nam, các chương trình can thiệp hiện nay chủ yếu được cập nhật từ nước ngoài, chưa có sự thích nghi về mặt văn hóa.
Bên cạnh đó, các chương trình can thiệp cho trẻ tự kỷ khá nhiều (gồm những chương trình can thiệp có bằng chứng khoa học và những chương trình chưa có bằng chứng khoa học), do vậy, việc áp dụng tràn lan những chương trình này có thể gây hại thêm cho trẻ.
Khoảng thời gian để có thể can thiệp tích cực cho trẻ không nhiều, khi áp dụng những phương pháp không hiệu quả, sẽ dẫn đến lãng phí thời gian, kinh tế, nguồn lực và cả niềm tin của gia đình. Ngoài ra, nhiều cơ sở can thiệp cho trẻ tự kỷ chưa có tiêu chí rõ ràng về hoạt động như cách tiếp cận, kế hoạch, chương trình, vấn đề chuyên môn, bằng cấp, điều kiện cơ sở vật chất...
TS Trần Văn Công, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, thành viên của Hiệp hội nghiên cứu tự kỷ thế giới (INSAR), Ủy viên Ban chấp hành Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, cho biết: Trên thế giới hiện nay, có rất nhiều phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ bao gồm các phương pháp giáo dục hành vi và y sinh học.
Tuy nhiên, các phương pháp về y sinh lại chưa thực sự giải quyết được những vấn đề của trẻ tự kỷ, vì vậy, giáo dục hành vi đang được thế giới xem là con đường duy nhất giúp trẻ tự kỷ hòa nhập và phát triển tốt trong cộng đồng. Những trẻ tự kỷ được phát hiện sớm, được giáo dục đúng hướng thì đều mang lại những hiệu quả tích cực rõ rệt và điều này đã được khoa học chứng minh.
Một số phương pháp giáo dục hữu ích dành cho trẻ tự kỷ có thể kể đến như phương pháp dựa trên phân tích hành vi ứng dụng, phương pháp dựa trên sự phát triển và tính cá nhân, phương pháp kết hợp, phương pháp hỗ trợ về giao tiếp. Ngoài ra không thể không kể đến âm ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu và điều hòa cảm giác.
"Mỗi loại phương pháp sẽ có những hiệu quả nhất định riêng. Tuy nhiên, phụ huynh đừng trông chờ vào "phép màu" sẽ xuất hiện nếu không thật sự nỗ lực và cố gắng trong hành trình đồng hành cùng con"- TS Trần Văn Công lưu ý.
Huyền Thanh
Theo CAND
Cha mẹ phẫn nộ sau vụ Tâm Việt: 'Nếu không có lòng kiên nhẫn xin đừng làm người thầy' Nhiều phụ huynh chia sẻ, họ không đủ dũng cảm để xem hết video do PV VietNamNet ghi lại tại trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt. Video: Sự thật bên trong trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt Độc giả bật khóc khi xem video Sau khi VietNamNet đang tải loạt bài về hoạt động nhập nhèm của...