Khi những thói quen văn minh bị kêu là… kì quặc
Vứt rác đúng nơi quy định, đứng chờ đèn đỏ vào lúc trời nắng gắt… đều có thể bị nhiều người coi là kì quặc. Không ít teen còn bị nói “dở người” vì những thói quen văn minh đó.
Teen bây giờ được học hành, tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, được nhiều sự chỉ bảo và nhận được nhiều định hướng tích cực từ xung quanh mình. Chính vì vậy, thật đáng mừng khi nhận ra rằng chỉ số văn minh của teen Việt ngày càng cao. Một bộ phận lớn teen bây giờ đang cố gắng rèn cho mình một nếp sống sao cho văn minh, tiến bộ, hợp với tiêu chuẩn của một công dân toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh rào cản là chính những thói quen cũ và nếp cũ của bản thân, họ còn vấp phải một rào cản lớn không kém- cách nhìn nhận phiến diện của một số người “thiếu i ốt” trầm trọng, coi văn mình là kỳ quặc.
L, một nam sinh lóp 12 tại Hà Nội, trong đợt hè vừa rồi có đi du lịch với gia đình tại một khu du lịch sinh thái. Để tiện đi tham quan, mẹ của L có mua theo rất nhiều đồ ăn vặt, nước giải khát để tiện mọi người trong nhà vừa đi vừa ăn và vui chơi. Những thức ăn vặt này có đặc điểm là ăn xong đều có vỏ ni lông, túi, chai nhựa, tui nhẹ những cầm theo người thì cũng khá bất tiện. Cả nhà vừa đi tham quan vừa ăn uống, ăn xong có mấy cái vỏ snack, mấy cái chai nhựa trà xanh, mẹ L đưa L bảo L vứt.
Tìm mãi không thấy cái thùng rác nào, L lại cầm rác quay lại, định bụng khi nào gặp thùng rác sẽ vứt vào. Ai dè mẹ L thấy vậy không những không hưởng ứng hành động rất văn minh của con trai mà còn cho câu:”Ôi trời ơi mày ăn học thế nào mà đần thế con, bãi đất đầy ra kia ném nó vào, ai lại cầm nguyên chỗ rác về có chán không” Nói xong, mẹ L giật luôn chỗ rác rồi phi vào bụi rậm. Nhìn cách ứng xử của mẹ, L thật sự rất buồn, nhưng một phần do đó là mẹ cậu, phần không muốn cả nhà mất vui, L lẳng lặng không nói gì.
Trường hợp của L là một điển hình của việc “muốn tử tế không tử tế được” Một ví dụ điển hình khác là câu chuyện của X- nữ sinh lớp 11. X học ca buổi chiều, thực tế trong trời mùa hè này mà đi học buổi chiều thì rất nóng và mệt. Chính vì vậy, nhu cầu uống nước của các bạn trong lớp X rất cao. Nhà trường cũng có kho nước cho các lớp. Nước tinh khiết bình 20 lít để trong kho, các lớp cho người đến lấy, uống hết xong thì đem bình trả cho trường, lấy bình khác về. Khổ nỗi kho nước ở tầng dưới, mà lớp học ở tận tầng 3. Trời thì 38 39 độ nên chả ai buồn đi bê nước làm gì. Thế là một nhóm bạn lớp X đã nghĩ ra cách “thó” nước của lớp khác. Họ đến trước, tìm những lớp mà cả sáng cả chiều đều có người học, biết chắc có bình nước của ca sáng để lại rồi đem luôn về. “Toàn lớp trong tầng, chả phải đi đâu xa, bình cũng còn tầm ½ hoặc ¾, nhẹ nhàng và uống xả láng”- một cậu bạn trong nhóm “trộm vặt” nói. X là cán bộ lớp, thấy thế không được, nhắc nhở các bạn thì bị nói lại:”Sĩ vừa thôi chị, có uống là tốt rồi”
(Ảnh minh họa)
Khu Ngã Tư Sở đã được xây dựng một hầm đi bộ bên dưới rất đẹp, đảm bảo cho người đi bộ qua đường an toàn. Lượng người đi bộ dưới hầm khá đông do hầm mát mẻ, an toàn lại sạch sẽ. Nhưng không phải ai cũng có ý thức tốt khi đi hầm. Hầm được chia làm 2 phần tách biệt, nửa cho xem đạp, nửa cho đi bộ. Thế nhưng, rất nhiều người đi bộ, kể cả những người đã nhiều tuổi, luôn đi chen sang phần dành cho xe đạp, khiến cho việc đi lại khó khăn. B- một học sinh ngày nào cũng đi qua con hầm này, có lần thấy một bà già đi chợ với 2 giỏ thức ăn to đi sang đường người đi xe đạp, B nhẹ nhàng nhắc nhở thì nhận được một câu nói mỉa:”Gớm đi đường nào chả được, lại còn vẽ chuyện đường bộ với cả xe đạp, dở người”
Có thể thấy trong tất cả những câu chuyện trên, teen đều rất có ý thức sống sao cho thật văn minh. Tuy nhiên, rào cản không phải chỉ là những nhận thức cũ sống ngay trong bản thân họ. Đôi lúc nó còn ở trong những người xung quanh họ. Những con người thiếu hiểu biết, thiếu văn minh. B, sau khi nghe câu nói của bà già kia thấy vô cùng khó chịu, từ đó trở đi cậu chả thèm nói ai nữa, cứ ai đi vào phần đường xe đạp của B là B hét ầm lên tức giận:”Có biết nhìn đường không hả?” rồi đạp thẳng. Hay như X, không chấp nhận được cách làm của mấy bạn cùng lớp, đã nói thẳng với cô chủ nhiệm rồi tự tay đem trả bình nước lại cho các lớp bị mất, mặc cho những cái nhìn không mấy thiện cảm từ bạn bè.