Khi những “nữ thuyền trưởng” vượt sóng
Đi biển là công việc nặng nhọc, vốn chỉ dành cho đàn ông sức dài vai rộng. Nhưng đâu đó ở những làng chài ven biển Quảng Ngãi vẫn có những người đàn bà hằng ngày đạp sóng vươn khơi.
Một ngày đầu tháng ba, tôi gặp nữ ngư dân Nguyễn Thị Mai, ở làng chài Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) khi bà chuẩn bị ra khơi cùng chồng. Bà Mai năm nay đã 55 tuổi, trên người có đến 3 vết sẹo dài hơn gang tay sau những lần mổ sỏi thận, nhưng vẫn miệt mài vươn khơi. “Khi đứa con lớn được 5 tuổi, đứa nhỏ được vài tháng thì tôi bắt đầu đi biển cùng chồng. Nay thằng nhỏ vừa tròn 24 tuổi là 24 năm tôi ra khơi. Từ đánh bắt ở vùng biển xa như Ninh Thuận, cho đến biển gần ngoài Hòn Than, Sa Cần, Lý Sơn… tôi cũng đều song hành cùng ổng cho có bạn”, bà Mai cười hiền tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Mai, ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) là một tay lái tàu tài ba, cùng chồng hành nghề giã cào đơn trên biển.
Quanh năm vươn khơi, nên thời gian nữ ngư dân Nguyễn Thị Mai lênh đênh trên biển còn nhiều hơn đất liền. Cứ 3 giờ chiều hôm nay đi biển, thì rạng sáng ngày mai, chiếc tàu giã cào đơn của hai vợ chồng chị mới bắt đầu cập bến. Bán cá xong cho thương lái, bà lại tất bật với công việc đan lưới, rồi cơm nước và chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo. Một điều “lạ” là đến xe máy bà Mai cũng chẳng biết lái, nhưng khi đi biển bà có thể thay chồng cầm lái thành thục.
Nói đến “ nữ thuyền trưởng” của đời mình, ông Võ Thanh Dũng kể: “Nay đi khơi phải tàu to, máy lớn thì mới dễ tìm người đi bạn. Còn nhà tôi thuyền nhỏ, máy nhỏ, nên nếu bà ấy mà không đồng hành, thì tôi chẳng thể đi một mình. Công việc giũ lưới, kéo lưới nặng nhọc, dễ ngã, nên mỗi khi tôi ra boong kéo lưới, thì bà ở trong cứ thế lái tàu, không thua nam giới đâu”.
Video đang HOT
“Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn”, nên ở các làng chài ven biển, không riêng gì nữ ngư dân Nguyễn Thị Mai, mà đàn bà đi biển đã không còn là chuyện hiếm. Sinh ra từ làng biển, nghiệp biển gắn với đời họ lúc nào không hay. Chọn biển để mưu sinh cũng đồng nghĩa với việc những nữ ngư dân chấp nhận luôn những sóng gió, rủi ro có thể ập đến với mình bất cứ lúc nào.
“Những khi trời giông gió, biển động dữ dội lắm, thuyền mình cũng tròng trành, lắc lư liên tục. Không cầm lái cho đằm, thì thuyền lật như chơi. Nhưng rồi vì mưu sinh, vì tương lai của con cái, hai vợ chồng cứ thể đi biển”, bà Trương Thị Nở, một nữ ngư dân gắn bó với biển gần 30 năm ở làng chài Châu Thuận Biển, Bình Châu (Bình Sơn) cho biết.
Đã 53 tuổi đời, 27 năm tuổi nghề, những sóng gió, rủi ro trong hành trình đi biển của mình bà Nở không kể xiết. Bà Nở bảo, vất vả là thế, nhưng chỉ có những ngày trăng sáng, bà mới ở nhà nghỉ ngơi, vá lưới, vui vầy cùng cháu con. Còn lại, bà đều cùng chồng lênh đênh trên biển để mưu sinh. Trong cuộc đời làm biển của mình, chiếc tàu công suất 17CV hiện giờ là chiếc tàu thứ hai mà vợ chồng bà sắm được. “Chiếc tàu cũ và mỏi lắm rồi nên cho nó “nghỉ”. Còn mình, giờ tuổi đã cao, nên lắm lúc cũng mỏi, nhưng không đi biển thì không biết làm gì. Vả lại, cứ ở nhà dăm bữa là buồn chân, lại muốn đi”, bà Nở tâm sự.
Lênh đênh trên những con thuyền tròng trành, lắc lư cùng sóng nước; những người đàn bà đi biển như bà Mai, bà Nở… vẫn cứ mải miết gắn bó với biển khơi. Với họ, hạnh phúc là khi được đồng hành cùng chồng vượt qua những tháng ngày vất vả, chông gai nơi đầu sóng.
Theo Ý Thu (Báo Quảng Ngãi)
Thị trường hải sản: Mát lòng mùa mở biển
Một đêm đánh bắt gần bờ, mỗi tàu cá có thể thu vài chục triệu đồng. Cá biệt, có tàu trúng đậm các loại đặc sản, số tiền thu được phải đến hàng trăm triệu đồng. Nghề khơi rộn ràng, nghề bờ cũng có thu nhập không kém...
Vui vì được mùa, được giá
Tại cảng cá Sa Kỳ, Tịnh Kỳ vào những ngày này, tàu vừa cập cảng, ngư dân cùng các bạn thuyền nhanh chóng chuyển cá lên bờ tiêu thụ. Giá cả có giảm hơn những ngày sau Tết, nhưng bù lại sản lượng đánh bắt tăng cao, nên trừ chi phí, ngư dân và bạn thuyền có thu nhập khá.
Sơ chế cá cơm mờm xuất khẩu tại cơ sở chế biến cá khô của ông Võ Văn Pháp (Bình Châu - Bình Sơn)
Ngư dân Huỳnh Văn Phương, thôn Châu Me, xã Bình Châu (Bình Sơn) cho biết: "Cách đây một tháng, giá cá nục khoảng 50.000 đồng/kg. Còn hiện tại từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. So với mọi năm, giá này là tốt lắm rồi!". Nhiều ngư dân khác thì bảo: "Khai thác sản lượng đạt hơn những năm trước, giá bán ổn định ở mức cao. Mùa mở biển như vầy, bà con ngư dân sống khỏe!".
Chủ vựa cá Lực Lệ Trương Quang Lực (cảng cá Sa Kỳ), cho biết: "Thời điểm này, ngư dân đánh bắt sản lượng đạt cao, chất lượng cá rất tốt, giá cả cũng ổn định". Mỗi ngày vựa cá Lực Lệ thu mua hàng trăm tấn cá các loại, chủ yếu là cá nục và cá chuồn. Được mùa, được giá, những con tàu khi chở cá về bến, vừa bán xong lại quay mũi thẳng tiến ra khơi.
Mùa của "hàng xuất khẩu"
Sản lượng đánh bắt gần bờ ở vùng biển Quảng Ngãi hiện tại một phần cung cấp cho một số tỉnh Tây Nguyên, còn phần lớn chế biến xuất đi Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Ông Võ Văn Pháp, chủ cơ sở chế biến cá khô ở thôn Châu Me, xã Bình Châu (Bình Sơn) cho biết: "Ba bốn năm nay, vùng biển này mới có cá cơm mờm xuất hiện. Đây là loại cá thị trường Đài Loan rất ưa chuộng. Cá mua về, chỉ cần sơ chế theo cách hấp chín, đưa vào lò sấy cho vừa cứng con cá là đem ra, đóng gói, thương lái đến nhập hàng ngay. Giá dao động từ 250.000 - 400.000 đồng/kg, tùy chất lượng hàng và tùy từng thời điểm".
Các loại cá nục phục vụ xuất khẩu cũng có giá hơn bán trên thị trường trong nước. Hiện tại, cá nục qua sơ chế xuất khẩu giá dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/kg. Để có cá đạt tiêu chuẩn sơ chế xuất khẩu, các cơ sở thu mua chế biến cá ở Bình Sơn phải sắm ghe chạy theo tàu đánh bắt cá để mua ngay khi cá vừa vớt lên, rồi tăng tốc chở cá vào bờ, đưa vào lò hấp, sấy...
Hiện tại, những loại cá không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu được các chủ cơ sở sản xuất mắm, đặc biệt là ở Đức Lợi (Mộ Đức) và các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận thu mua ồ ạt. Vì thế sự cạnh tranh về giá cũng diễn ra khá gay gắt. Ngư dân không còn nỗi lo thiếu nơi tiêu thụ, giá thấp như những mùa biển đầu năm của những năm trước. Giá thu mua cá để chế biến mắm hiện nay dao động ở mức 15.000 - 20.000 đồng/kg, tùy loại cá.
Những phiên biển đánh bắt gần bờ đầu năm được mùa, được giá đã tạo niềm vui, động lực cho ngư dân bám biển không ngơi nghỉ. Nghề khơi phát triển kéo theo nghề bờ như cung ứng nhiên liệu, đá lạnh, lưới, lương thực, thực phẩm... cũng gia tăng mạnh.
Theo Thanh Nhị (Báo Quảng Ngãi)
Hạ tầng cảng cá Hà Tĩnh: Cần chính sách đồng bộ Phát triển tàu thuyền xa bờ, công suất lớn là chủ trương đúng, kịp thời của Chính phủ và các cấp, ngành. Thế nhưng, điều bất cập hiện nay là hệ thống các cảng cá trên địa bàn tỉnh chỉ mới đáp ứng cho tàu có công suất đến 300 CV. Đây thực sự là vấn đề cần sớm có phương án tháo...