Khi người cũ quay về
Cô đã làm khổ mình và khổ con. Cô còn yêu anh, và anh đã biết lỗi, sao cô vẫn dồn anh về phía xa cách với gia đình? Nước mắt vô thức lại trào ra.
Khi con từ bên nhà bố về với ăm ắp quần áo mới, đồ chơi, miệng hồ hởi kể về việc cha đưa con đi chơi rất vui rồi về nhà ăn món này món kia ngon ơi là ngon… Lan tò mò: Hai cha con đi chơi rồi lấy ai ở nhà nấu ăn? Con trả lời hồn nhiên: “Cô Hồng đó mẹ”. “Hồng nào?”. Thằng bé chợt ngẩn người: Chắc là bạn bố ạ… Lan chợt thấy hẫng đi. Con trẻ quá vô tư, thậm chí là vô tâm. Mới năm tuổi cậu bé con còn quá nhỏ. Ý thức về việc cha mẹ ở riêng chưa có gì là to tát. Thì bởi trong tuần cậu vẫn đi học cả ngày, tối mẹ đón về, cuối tuần sang nhà cha. Vẫn đủ đầy cả hai đấng sinh thành trong hành trình lớn lên của cậu cơ mà? Tuy nhiên, với mẹ thì đau…
Ảnh minh họa.
Nửa năm trước con bốn tuổi, vợ chồng Lan tạm thời . Lời giải thích ngắn gọn nhưng Lan biết trái tim non nớt của con cũng buồn lắm. Mỗi buổi chiều đón con từ trường về, câu hỏi: luôn xoáy vào tim người mẹ một nỗi xót xa. Con trẻ mà, có đáng phải chịu thiệt thòi ấy không?
Lan cũng đã suy nghĩ rất nhiều. Nhưng cô không thể nào tha thứ cho sự phản bội của chồng được. Khi cô phải tất bật với công việc, nhà cửa, với đứa con còn ẵm bồng thì anh lại thảnh thơi bên nhân tình. Nghĩ đến điều đó thôi, nước mắt cô lại trào ra. Cảm giác về sự dối lừa, về sự phản bội luôn hiện hữu. Ngày cô nói hai vợ chồng sẽ li hôn, mẹ chồng chỉ trầm ngâm rồi bảo: … Lời nói gan ruột của mẹ chồng khiến Lan rất cảm động. Cô đồng ý li thân một năm. Cũng không ai về sống cùng mẹ đẻ. Hai mẹ con Lan ở lại căn nhà của họ. Chồng Lan thuê một chung cư gần đó. Vậy cũng tiện. Đôi khi chạy qua chạy lại vì con…
Mới đó mà đã được nửa năm. Phải nói Lan suy sụp ghê lắm. Cô trở nên hốc hác vì mất ngủ thường xuyên. Nỗi buồn cứ hiện hữu trên khuôn mặt không thể nào xóa được. Mẹ chồng hàng ngày qua lại giúp Lan chăm sóc con, động viên con dâu. Mẹ đẻ thì ở xa, Lan cũng không muốn nói gì để mẹ suy nghĩ nhiều. Người già dễ sinh ốm.
Tự đáy lòng Lan luôn tự nhủ nhất định mình phải vượt qua được nỗi đau này. Nhưng không hiểu sao càng ngày Lan càng như một cái bóng vật vờ. Mẹ chồng nhiều lần to nhỏ góp ý rằng con cần chú ý đến bản thân, chú ý đến thằng nhỏ. Mẹ cứ đắm chìm vào nỗi buồn sẽ ảnh hưởng đến con, và dễ bị trầm cảm nữa. Nhưng không hiểu sao Lan không thể thoát ra được. Bạn bè có mời mọc, có rủ rê tham gia những cuộc vui Lan đều từ chối. Cứ vậy Lan âm thầm như chiếc bóng. Hoàn cảnh của mình, Lan cũng không hề tâm sự với ai, chỉ có vợ chồng cô và bố mẹ chồng biết. Cô cũng cất giữ luôn nỗi đau vón cục không thể nào tan chảy trong lòng mình.
-Nếu bố lấy vợ mới, con có buồn không?
Lan hỏi con sau câu chuyện hồ hởi vừa lắng xuống. Thằng bé quẳng đồ chơi rồi đột nhiên bật khóc:
-Không, không đời nào! Mẹ bảo bố về nhà đi!
Lan vội vàng ôm con vỗ về: Mẹ chỉ đùa một chút thôi mà… nhưng cô phải ngoảnh đi để thằng bé không thấy những giọt nước mắt không thể nào ngăn được trên mặt mình. Thực sự cô cũng không nghĩ anh lại thay đổi nhanh đến thế. Mới nửa năm thôi, anh đã cố gắng níu kéo, đã bày tỏ sự ăn năn…Vậy mà… ừ thì anh cũng có quyền có niềm vui riêng. À mà đang chung sống với vợ, anh còn say nắng được nữa là độc thân. Lan cay đắng tự nhủ. Chợt hiểu ra lời mẹ chồng đúng là li hôn thiệt thòi chỉ thuộc về phái yếu.
Cô quyết tâm phải thay đổi. Làm sao cứ phải đeo một nỗi buồn trên mặt để người xung quanh cũng thấy nhàm chán? Anh ta có lỗi sao mình lại dày vò chính mình? Bắt đầu từ bản thân, Lan sẽ làm mới mình…
Cô cố gắng vui vẻ hơn, chăm sóc cho bản thân nhiều hơn. Mẹ chồng cô có vẻ vui đón nhận đổi thay ấy. Nhưng có một điều Lan không dám nói: cô vẫn còn quá yêu chồng. Làm sao để làm lành lại một vết thương quá sâu trong tâm khảm?
Video đang HOT
Lan bị cảm, ngay trước giờ đưa con đi học. Cô qụy ngã ngay trong bếp. Thằng bé con lay mẹ một hồi không được đã cuống cuồng gọi điện cho bố. Anh hoảng hốt nhào về. Mọi ân cần chăm sóc, mọi kí ức cũ chợt ùa về. Vừa đánh gió, vừa đặt nồi cháo lên bếp, anh nhìn đôi bàn tay gân guốc, khuôn mặt hốc hác đến tội nghiệp của vợ mà thương…
Anh tự trách bản thân mình nhiều lắm, nhưng cũng trách cô không bao dung để anh trở về. Anh đã bàn với cu Bin sau mỗi lần con sang chơi, anh bảo con về kể có cô gái ở nhà bố nấu ăn ngon lắm… anh muốn thử cảm giác của vợ. Nhưng cô cứ trơ ra trong nỗi đau để tự hành hạ mình… Đàn bà đúng là khi họ im lặng là đáng sợ nhất.
Anh cầm tay vợ cứ thế lặng đi… Đôi bàn tay ấy chẳng phải đã nâng giấc từng bữa ăn, giấc ngủ cho bố con anh, đã chăm chút từng ngóc ngách của ngôi nhà để tổ ấm luôn gọn gàng sạch sẽ… Vậy mà anh đã đẩy cô ấy về phía nhàu nhĩ đến mệt mỏi?
Cu Bin nhìn mẹ thiêm thiếp trêm giường, nhìn cha nắm tay mẹ khẽ thì thầm: Bố về đi được không? Con muốn bố về!
Đinh Hương
Theo Báo Phụ nữ
Ra giêng là cưới
Ở cái chợ này người ta vẫn hay kêu nó là Nhóc, vì tướng nó nhỏ xíu cho dù tuổi đời cũng lớn trọng rồi.
Gọi riết thành quen đến nỗi cũng chẳng ai biết đến tên thiệt của nó là gì. Quanh năm suốt tháng nó chỉ ở trần, bận quần đùi, cái áo màu cháo lòng chỉ khoát trên vai, ai kêu gì thì làm nấy. Được cái nó siêng năng, dễ thương nên mấy bà bạn hàng cần gì cũng hay kêu làm nên cũng có đồng ra, đồng vô.
Má nó kể, quê ngoại cũng ở gần đây chớ có xa xôi gì. Nhà cửa ông bà ngoại thuộc hàng khá giả, đất đai bao la, hổng thể nào kể xiết. Trước khi lấy má, tía nó đã có vợ. Ai đời con gái mới lớn đi ưng người đã có gia đình trong lúc vợ con người ta vẫn còn sờ sờ ra đó. Tội nhất là ông bà ngoại nó, ra đường có dám ngước mặt nhìn ai. Ban đầu thì cũng dỗ ngon dỗ ngọt rồi sau chuyển sang cấm cản đủ trò. Nhưng đâu có ai cấm cản được sức mạnh tình yêu. Để rồi trong một đêm mưa bão ngập trời, má nó chấp nhận gạt một bên cốt nhục tình thân nghe theo tiếng gọi của con tim, cuốn gói theo trai.
Ở được thời gian mới phát hiện ra tía nó có tới mấy đời vợ, còn bồ bịch lăng nhăng thì lấy hai bàn tay ra đếm cũng không đủ. Ổng nhậu nhẹt như hủ chìm lại còn cộc cằn, thô lỗ nên có ai mà ở được cho lâu. Khổ sở trăm bề nhưng má nó chỉ biết cắn răng chịu đựng thôi chứ biết than thở với ai bây giờ.
Người ta vẫn nói "giang sơn dễ đổi - bản tính khó dời" mà, cũng cái thói trăng hoa đó mà ổng đã dứt áo ra đi khi nó chưa đầy năm tuổi. Chừng mấy tháng sau má nó đổ bệnh như người mất hồn suốt ngày cứ lang thang đầu đường, xó chợ. Mấy lúc tỉnh táo nó hỏi má nó đi đâu mà đi miết, má nó trả lời gọn lỏn:
- Đi tìm tía mày chứ đi đâu!
Nghe tới đó nó đổ quạu, nạt ngang:
- Tìm chi cho mệt, chắc ổng chết mất xác rồi.
- Sống chết gì cũng phải tìm cho được, một ngày cũng nên nghĩa vợ chồng, huống hồ chi...
Câu nói bỏ lửng của má làm thằng Nhóc thấy đau nhói trong lòng. Người ta bội bạc mà má nó vẫn yêu thương trọn tình trọn nghĩa. Rồi một bữa má nó đi mà không thấy về. Nó bỏ hết công ăn chuyện làm lặn lội để đi tìm. Thấy nó mặt mày hốc hác, bơ phờ nhiều người khuyên nó đừng đi tìm nữa, khi nào tỉnh táo bả tự biết đường về nhưng nó không nghĩ vậy vì dù điên dù khùng cũng là má nó.
Cũng gần ba mươi mà chẳng có mảnh tình nào để vắt vai, ai hỏi tới là thằng Nhóc nhăn răng cười trừ. Nó nói cũng ưng ý vài người nhưng mà để trong bụng thôi vì mình nghèo quá ai mà dám ưng. Ông chủ vựa gạo kêu vô làm để có đồng vô đồng ra chớ hổng lẽ suốt đời làm thợ đụng miết. Ban đầu thằng Nhóc đi theo phụ xe kiêm luôn bốc vác. Hễ xe thắng lại cái két là bổn phận của nó phải nhanh chân nhảy xuống vác mấy cái bao gạo 50 kg, nặng hơn cái thân hình ốm nhom của nó. Ai cũng nói thằng Nhóc may mắn nên mới gặp ông chủ tốt bụng như vậy. Cũng đúng mà, nếu không tốt thì giờ này thằng Nhóc đã nằm trong nhà đá rồi. Bữa đó ở ngoài thị trấn, giao xong cả tấn gạo nó quay ra xe thấy anh tài xế đi đâu mất. Cơ hội ngàn năm một thuở, nó leo lên chỗ vô lăng, táy máy kiểu gì hổng biết, không dè chìa khóa vẫn còn nằm nguyên trong ổ, chiếc xe nhảy chồm lên, đâm thẳng vô cái quán bên cạnh, người ta la hét rùm trời. Cái đầu xe móp méo, cửa kiếng bể nát, bàn ghế chỏng chơ, cũng hên là mới sáng sớm nên chưa có khách. Vậy là ông chủ đứng ra dàn xếp đền bù nên mọi chuyện mới êm xuôi. Nghe đâu cũng gần vài chục triệu chớ đâu có ít. Về nhà nó sụp lạy ông chủ mà khóc lóc, ỉ ôi:
- Con đội ơn chú nhiều lắm, coi như chú đã sinh ra con lần nữa trên cuộc đời này, có điều chú cho con trả góp từ từ chớ con cũng hết cách rồi.
Không dè ảnh chỉ trách nó một câu nhẹ hều:
- Thôi bỏ đi, chỉ cần mày biết ở phải là được. Mê lái xe thì nói tao cho đi học chứ sao ẩu tả vậy. Bữa đó trong quán có khách khứa thì đi tù là cái chắc nghe mậy!
Chỉ từng đó thôi đủ làm nó sướng rơn trong bụng. Ông chủ đã ngoài năm mươi, nghe đâu từ lúc đám cưới tới giờ cũng mấy chục năm rồi mà không có con cái gì ráo. Ở miệt này hễ cưới nhau mà không có con thì một là vợ chồng cứ lục đục cãi vã miết, hai là con vợ làm ngơ cho thằng chồng tòm tèm người khác để kiếm con nối dõi. Nhưng gì thì gì chớ sớm muộn gia đình nào cũng tan nát hoặc đường ai nấy đi. Chỉ có vợ chồng ông chủ là sống khác, lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan. Thì có riêng gì thằng Nhóc đâu, cũng nhiều người được ông bà chủ cưu mang, rồi phụ việc trong trong cái xưởng gạo này.
Có dịp ngồi lại, ông chủ hay tâm sự hồi xưa ổng mồ côi cha mẹ rồi lang bạt tới đất này. May mắn được một gia đình tốt bụng nuôi nấng rồi cho ăn học nên người, có được cơ ngơi như ngày nay. Nên hai vợ chồng luôn tâm nguyện cưu mang, giúp đỡ những người khó khăn như một cách đền đáp công ơn của người đã khuất, để trả ơn cho đời...
Rồi hôm bữa mang cái mặt buồn như đưa đám, thằng Nhóc rủ tôi ra cái quán gần bến đò ngồi lai rai, hóng gió. Cưa hết mấy xị đế nó mới moi ruột gan ra kể:
- Thiệt lòng em cũng có quen con nhỏ tên Út Chót làm mướn chỗ nhà hàng mà em hay giao gạo đó anh.
Nghe coi bộ hấp dẫn, nên tôi hối thúc nó:
- Rồi sao nữa, kể nhanh đi mậy?
- Út Chót lớn nhất trong nhà học nửa chừng nghỉ ngang đi mần mướn kiếm tiền phụ tía má nuôi cả bầy em nheo nhóc. Đêm nào cũng vậy, xong công chuyện mới nhắn tin qua lại, khi nào nhớ lắm hay có khuyến mãi mới dám gọi điện nói chuyện cho đỡ nhớ. Cũng tội nghiệp nó lắm anh, mần bên đó cả ngày tay chân ngâm trong nước nên lở loét tùm lum. Em nói nó hoài hổng sao đâu, mình phận nghèo thương nhau ở tấm lòng nên để ý chi ba cái chuyện bề ngoài này nọ. Cùng khốn khó nên dễ hiểu nhau hơn. Mọi thứ cũng thuận buồm xuôi gió, tụi em đang dành dụm ít tiền để làm mâm cơm ra mắt hai bên chứ hổng dám mơ mộng chi hết. Đâu có ngờ...
Bỏ lửng câu chuyện, nó thở dài thườn thượt rồi chụp lấy chai đế tu một hơi như bợm nhậu thứ thiệt. Tôi với tay chụp lại, nó ngồi im ru, hai con mắt đỏ hoe im lặng, một hồi sau mới thủng thẳng kể tiếp:
- Bữa đó xui tận mạng luôn anh, em vừa vác xong mấy chục bao gạo, gặp Út Chót đi ra nên hai đứa mừng húm, tranh thủ to nhỏ mấy câu rồi mới về. Ai dè tới trưa bà chủ quán la làng lên mất mấy triệu đồng bỏ trong hộc bàn sát chỗ tụi em đã đứng. Khổ cái chỉ có em là người lạ vô đó từ sáng đến trưa nên chỉ nghi em lấy. Chưa hết đâu anh, bả gọi điện cho ông chủ của em chửi bới rùm beng, xù luôn tiền gạo gối đầu cả tháng trời, nói em là quân đầu đường xó chợ, rồi còn cấm Út Chót quen em luôn chớ. Về nhà thấy cái mặt em héo queo, ông chủ nạt ngang: "Thôi bỏ đi, tao biết mày không lấy. Chuyện xui xẻo khó tránh. Mình cứ ở phải là được!" Ổng nói vậy em thấy đỡ tủi thân vì biết ổng hiểu tính nết của em. Nghèo thiệt nhưng chưa hề làm chuyện bậy bạ để cho người ta khi dễ mình.
Từ sông Cái, gió bấc thổi lên từng cơn lạnh ngắt, nhìn cái mặt buồn xo của nó thấy mà thương quá. Tội nghiệp thằng nhỏ ở hiền mà chưa gặp lành, tôi cũng chỉ biết im lặng theo nó, vì cũng chẳng biết phải khuyên gì trong hoàn cảnh như vậy.
Tình cờ bữa 28 Tết tôi gặp thằng Nhóc trong chợ đi chung với một con nhỏ coi cũng được. Thấy tôi, nó hớn hở kể một lèo nghe muốn đứt hơi:
- Mừng lắm anh, em thoát nạn rồi. Sau vụ mất mấy triệu đó, nhà hàng cũng cứ tiếp tục mất tiền hoài nên bà chủ cho gắn máy gì đó hay lắm, nó theo dõi được hết mọi chuyện trong nhà, ban đêm hay ban ngày cũng thấy rõ mồn một. Mở ra coi mới té ngửa là do thằng con trai bả ăn cắp chớ có phải ai xa lạ. Bả tới tận vựa gạo xin lỗi ông chủ với em quá xá, thanh toán hết nợ cũ, lấy gạo trở lại, rồi tạo điều kiện cho em với Út Chót tiếp tục quen nhau. Em giờ lái xe rồi, lương bổng đỡ lắm, thì cũng vợ chồng ông chủ cho tiền đi học đó. Nãy giờ vui quá nên quên giới thiệu, đây là Út Chót, vợ sắp cưới của em đó anh.
- Trời, sắp cưới luôn hả mậy?
- Dạ ra giêng là cưới liền. Vui miệng thì báo luôn chớ qua Tết tụi em ghé nhà gửi thiệp mời anh chị đàng hoàng. Vợ chồng ông chủ đứng ra làm chủ hôn, lo vụ xe cộ, bia bọt mọi thứ. Còn bà chủ hàng cho mười bàn tiệc. Rước tía má Út Chót lên đây cho đỡ tốn kém, chớ mần chi hai, ba nơi tốn kém quá tụi em không kham nổi.
- Mà tụi bây định gom hết cái chợ này hay sao mà tay xách, nách mang nhiều dữ?
- Có đâu anh, tụi em mua ít bánh mứt để chút trưa về quê chúc Tết tía má của Út Chót rồi chiều 30 trở lên cho kịp đón giao thừa với bà già.
- Ủa, kiếm được bà già rồi hả mậy?
- Dạ được rồi anh, bệnh má em giờ đỡ nhiều rồi. Gặp Út Chót bả chịu lắm, cứ hối cưới hoài để lẹ có cháu nội để ẵm đó mà!
Nghe tới đó, gương mặt Út Chót đỏ ửng vì mắc cỡ, nó lấy tay nhéo ngang hông thằng Nhóc một cái chắc cũng đau lắm:
- Tự nhiên kể chi chuyện đó, kỳ thấy mồ...
Thằng Nhóc cười hề hề:
- Thôi tụi em đi cho kịp chuyến đò về dưới, ăn Tết vui vẻ nhe anh.
Bàn tay gân guốc của thằng Nhóc nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của Út Chót kéo đi. Hai đứa vừa đi vừa nói chuyện gì coi bộ cũng vui lắm nên khuôn mặt cả hai cứ tươi rói như mấy chậu bông người ta bày bán dọc theo con đường xuống bến.
Mùa Xuân đang đến thật gần...
Truyện ngắn của CHUNG THANH HUY
Theo nld.com.vn
Chồng đưa bồ đi ăn nhà hàng, vợ mạnh tay đặt luôn bàn đối diện và lên kế hoạch "xử tội" Nghĩ chồng không ở nhà, ngại nấu em liền đưa con đi. Ngờ đâu vừa vào tới cửa nhà hàng thì bất ngờ thấy chồng 1 tay cầm menu chọn đồ ăn, 1 tay ôm eo người phụ nữ bên cạnh tình tứ. Sau đám cưới, sự nghiệp của chồng em phất lên như điều gặp gió. Mọi người bảo số mệnh 2...