Khi nghệ sĩ nam đánh phấn, tô son
Trang điểm ở đàn ông phát triển theo xu thế chung của thời đại. Từ việc thể hiện quyền lực, việc làm đẹp ngày nay là công cụ giúp nam giới thể hiện cá tính, xu hướng tính dục.
Ai Cập cổ đại: Theo Byrdie, vào thời này, trang điểm đóng vai trò quan trọng, nhất là đối với tầng lớp thống trị. Bất kỳ phụ nữ hay đàn ông đều vẽ mắt, tô son mỗi ngày. Đây cũng là thước đo của sự nam tính, mạnh mẽ và giàu có. Từ 4.000 năm TCN, cánh mày râu đã sử dụng than đen để vẽ mắt mèo – xu hướng đến ngày nay vẫn còn thịnh hành. Ngoài mục đích thể hiện địa vị và quyền lực, người Ai Cập cổ tin việc này giúp họ được xem là con cháu của thần Ra và Horus, xua đuổi tà ma và bệnh tật.
Rome cổ đại: Đến thế kỷ 1, việc trang điểm ở nam giới có nhiều thay đổi theo hướng bóng bẩy hơn. Đàn ông La Mã thường làm hồng má, sử dụng bột phấn làm trắng da. Nam giới cũng sơn móng tay bằng hỗn hợp mỡ lợn và máu. Thời Rome cổ đại, giới quý tộc tin rằng việc dùng sơn bôi lên đầu giúp họ che vết hói. Trong ảnh là người đàn ông Fayum trang điểm và đeo nhiều trang sức.
Nước Anh thời Elizabeth: Dưới thời Nữ hoàng Elizabeth I, trang điểm ở nam giới trở nên cực thịnh và là thước đo của sự quý tộc, giàu có. Giống với phụ nữ, đàn ông Anh dùng chì trang điểm để gương mặt trở nên trắng bệch. Tuy nhiên, việc này gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, nhất là bị bong tróc da, thậm chí ngộ độc dẫn đến tử vong.
Nước Pháp thế kỷ 18: Vua Louis XVI được xem là biểu tượng của sự xa hoa. Ông không giấu việc có đam mê với trang điểm và làm tóc. Lịch sử ghi nhận ông bị hói ở tuổi 23 và phải che đậy chúng. Điều này thúc đẩy phong trào đội tóc giả ở tầng lớp quý tộc, lúc đầu là làm chiều lòng vua và sau đó trở thành xu hướng. Đàn ông Pháp giai đoạn này cũng yêu thích trang phục diềm sặc sỡ, giày cao gót và mũ lông thú.
Đầu những năm 1930: Mãi thời gian sau, trang điểm ở nam giới bị bãi bỏ, thậm chí bị cấm bởi Nữ hoàng Anh Victoria I suốt nhiều năm. Tuy nhiên, đến thời hiện đại, đặc biệt là sự phát triển vượt bậc của điện ảnh Hollywood, việc nam giới làm đẹp bắt đầu thịnh hành trở lại. Vẻ ngoài hào nhoáng của các tài tử mở đầu trào lưu đàn ông trang điểm, làm đẹp trên thế giới. Clark Gable (ảnh) là ngôi sao điển hình chỉ những sao nam bóng bẩy.
Video đang HOT
Những năm 1970-1980: Vào giai đoạn cực thịnh của rock, nhiều ca sĩ, diễn viên bắt đầu thể hiện cá tính thông qua trang điểm và cách ăn mặc. Các ca sĩ Steven Tyler, David Bowie và Prince… đi đầu trào lưu kẻ mắt, trang điểm đậm. Đây cũng là giai đoạn nam giới trở thành tay làm đẹp đắc lực cho các ngôi sao Hollywood. Nhiều chuyên gia make up ra đời và nắm ngôi vương trong lĩnh vực này. “Thực tế nghệ sĩ trang điểm nổi tiếng đều là nam giới”, chuyên gia Scott Barnes nói.
Đầu những năm 2000: Bước qua thế kỳ 21, Hollywood và thế giới xuất hiện ngày càng nhiều ngôi sao cá tính, không ngại thể hiện xu hướng tính dục thông qua trang điểm và làm đẹp. Pete Wentz, Jared Leto, và nhất là Adam Lambert (ảnh) đã góp phần mang trào lưu metrosexuality – chỉ những người đàn ông đặc biệt chăm chút ngoại hình, thậm chí nữ tính – lan ra toàn cầu. Kiểu kẻ viền mắt của ngôi sao cá tính như Lambert thường được gọi là guyliner thay vì eyeliner như ở nữ giới. Ở giai đoạn này, sản phẩm trang điểm và làm đẹp dành cho đàn ông xuất hiện ồ ạt, điển hình là thương hiệu Yves Saint Laurent.
Những năm 2010: Đây là giai đoạn bùng nổ của các beauty blogger. Hàng loạt ngôi sao ra đời và chứng minh không chỉ nữ giới mới có thể hướng dẫn làm đẹp và nổi tiếng. Những vlogger nam như Jeffree Star, James Charles… dần trở thành ngôi sao, lượt theo dõi lớn và làm đại diện cho các nhãn hàng nổi tiếng. Họ cũng tự tung thương hiệu mỹ phẩm riêng, khẳng định vị thế đứng đầu của nam giới trong lĩnh vực trang điểm, làm đẹp. Covergirl và Maybelline là những công ty nắm bắt xu thế mới và để các nghệ sĩ nam làm gương mặt đại diện.
Hiện nay: Chuyên gia trang điểm Scott Barnes, nghệ sĩ chuyên làm việc với Jennifer Lopez, cho biết make up ngày nay phổ biến đến nỗi trở thành điều bình thường trong cuộc sống. “Trước đây trang điểm là từ khóa dành cho sân khấu, phim ảnh. Hiện tại nam giới đã biết sử dụng mỹ phẩm như kem nền, kem che khuyết điểm và phấn phủ để làm đẹp. Điều này không đáng để họ bị trêu chọc, kỳ thị”, ông nói.
Từ việc thể hiện quyền lực ở Ai Cập cổ đại, trang điểm ngày nay trở thành công cụ để nam giới hay những nghệ sĩ nam thể hiện cá tính thậm chí xu hướng tính dục. Tuy vẫn còn nhiều kỳ thị nhưng nhiều công ty đã phát triển dòng mỹ phẩm như kem dưỡng có thành phần che khuyết điểm, kem chống nắng có màu cho nam giới… “Chúng ta khó lòng đoán được tương lai, chỉ biết rằng công nghệ làm đẹp không chỉ dành cho đàn ông, sự kỳ thị cũng đã giảm đi nhiều”, chuyên gia khẳng định.
Hai con sư tử từng khiến tổng thống Mỹ khó xử
Quà tặng thường khiến người nhận vui thích, nhưng hai con sư tử Vua Morocco tặng Tổng thống Van Buren năm 1839 khiến ông đau đầu tìm cách xử lý.
Khi Benjamin Franklin, một trong những nhà lập quốc của Mỹ và là đại sứ Mỹ tại Pháp, lên đường từ Pháp về nước năm 1785, ông mang theo món quà tạm biệt từ Vua Louis XVI: chiếc hộp bằng vàng hình bầu dục chứa chân dung thu nhỏ của nhà vua, xung quanh là 408 viên kim cương.
Tổng thống thứ tám của nước Mỹ Martin Van Buren. Ảnh: Miller Center.
Chiếc hộp xa xỉ đẩy Franklin vào tình thế khó xử. Quà tạm biệt dành cho các nhà ngoại giao là thông lệ ở Pháp, nhưng Mỹ cấm việc này. Lo ngại các nước châu Âu giàu có mua chuộc quan chức Mỹ để gây ảnh hưởng, Washington áp dụng quy tắc nghiêm ngặt: quan chức Mỹ không được nhận quà tặng và có thu nhập thứ hai từ chính phủ nước ngoài. Để không vi phạm quy tắc, Franklin gợi ý nộp chiếc hộp cho quốc hội Mỹ, nhưng quốc hội cho phép ông giữ nó.
Lệnh cấm này đã được quy định trong Các điều khoản Hợp bang, tài liệu được coi là hiến pháp đầu tiên của Mỹ, được phê chuẩn vào tháng 3/1781.
Khi soạn thảo Hiến pháp Mỹ để thay thế tài liệu nói trên, các đại biệu của Hội nghị Hiến pháp năm 1787 quyết định tiếp tục đưa lệnh cấm vào tài liệu mới, sau khi thượng nghị sĩ Charles Pinckney của bang Nam Carolina nhấn mạnh cần có biện pháp ngăn các ngoại trưởng và quan chức ngoại giao khác chịu ảnh hưởng từ bên ngoài.
Vì vậy, điều một của Hiến pháp Mỹ cấm quan chức, lãnh đạo nhận quà, tiền, chức vụ và chức danh từ Vua, Hoàng tử hay bất kỳ quốc gia nước ngoài nào mà không có sự đồng ý của quốc hội.
Tại Hội nghị Hiến pháp năm 1788 để phê chuẩn Hiến pháp Mỹ, nhà lập pháp Edmund Randolph nhắc đến những cám dỗ từ nước ngoài và tình thế tiến thoái lưỡng nan của Franklin làm căn cứ để vạch ra điều khoản này.
"Vua của nước đồng minh tặng cho đại sứ nước ta một chiếc hộp", ông nói. "Cần phải loại trừ tham nhũng và ảnh hưởng từ nước ngoài, cấm bất kỳ quan chức đương nhiệm nào nhận hoặc có bất kỳ thù lao nào từ nước ngoài", Randolph nói, nhấn mạnh Tổng thống nhận quà hay tiền từ thế lực nước ngoài sẽ bị xem xét bãi nhiệm.
Do điều khoản này, các tổng thống Mỹ bao gồm Andrew Jackson và Abraham Lincoln đã phải xin ý kiến quốc hội khi các chính phủ nước ngoài tặng quà cho họ. Quốc hội Mỹ đã từ chối yêu cầu của Tổng thống Jackson là được giữ huy chương vàng từ Tổng thống Colombia Simón Bolívar vào năm 1830.
Tổng thống Lincoln đã thông báo cho quốc hội sau khi vua Xiêm La Mongkut tặng ông một thanh gươm, hai chiếc ngà voi cùng các bức ảnh của nhà vua và công chúa. Năm 1862, quốc hội Mỹ yêu cầu Lincoln bàn giao số quà tặng này cho Bộ Nội vụ.
Một con sư tử Barbary (loài ở Bắc Phi) trong vườn thú ở New York đầu những năm 1900. Ảnh: Yabiladi
Martin Van Buren, tổng thống thứ tám của Mỹ, lâm vào tình huống khó xử "lớn và sống động" nhất những năm 1800. Mùa hè năm 1839, Vua Morocco điều một phái đoàn đến lãnh sự quán Mỹ ở Tangier để trao món quà đặc biệt: một cặp sư tử.
Tổng lãnh sự Thomas N. Carr cố gắng từ chối nhận hai con sư tử, giải thích rằng luật Mỹ cấm ông và Tổng thống nhận quà. Nhưng sứ giả của Vua Morocco không chấp nhận câu trả lời đó.
"Tôi sẽ bị chém đầu nếu ông không nhận chúng", sứ giả nói và nhấn mạnh rằng kể cả trong trường hợp Carr từ chối, ông vẫn sẽ để hai con sư tử ở ngoài đường, phía trước lãnh sự quán. Carr đành phải đưa hai con sư tử vào một căn phòng trong lãnh sự quán và viết thư về Mỹ xin chỉ đạo.
Đúng lúc đó, Tổng thống Van Buren tiếp tục nhận được số quà lớn được quốc vương của Oman Seyyid Said gửi tới trên con tàu Sultanee cập cảng thành phố New York, gồm hai con ngựa Arab, một tấm thảm Ba Tư, vài chiếc khăn choàng cashmere, ngọc trai và một thanh kiếm.
Van Buren viết thư cho Quốc vương Oman giải thích rằng luật Mỹ cấm ông nhận quà từ nước ngoài. Tuy nhiên, thuyền trưởng tàu Sultanee không đồng ý chuyển lại quà về Oman, khăng khăng rằng dù Tổng thống không nhận với tư cách cá nhân thì những món quà cũng nên được chuyển cho chính phủ Mỹ.
Van Buren sau đó xin ý kiến quốc hội. Các nghị sĩ cho phép Van Buren nhận và bán những món quà từ cả hai quốc vương. Cặp sư tử, được vận chuyển từ Morocco đến Pennsylvania, được bán đấu giá tại Xưởng đóng tàu hải quân Philadelphia vào tháng 8/1840 với giá 375 USD (tương đương 11.000 USD theo thời giá ngày nay). Những viên ngọc trai của Quốc vương Oman không được bán mà được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian.
Ngày nay, luật liên bang Mỹ cấm các nhân viên chính phủ, bao gồm tổng thống, nhận quà trị giá hơn 390 USD từ nước ngoài, nhưng lãnh đạo các nước thường tặng quà có giá trị cao hơn rất nhiều. Năm 2014, Quốc vương Arab Saudi Abdullah bin Abdulaziz đã tặng 6 món quà trị giá 1,3 triệu USD, bao gồm đồng hồ, kim cương, ngọc trai, cho gia đình Tổng thống Obama.
Gia đình Obama không được giữ bộ trang sức này, trừ khi họ tự bỏ tiền túi để mua lại chúng theo giá thị trường. Hồ sơ của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy ông Obama đã không làm vậy.
Năm 2012, Hillary Clinton, khi đó giữ chức ngoại trưởng, đã mua lại chiếc vòng cổ ngọc trai màu đen giá gần 1.000 USD, được tặng bởi Aung San Suu Kyi, hiện là cố vấn quốc gia kiêm ngoại trưởng Myanmar.
Nếu quà tặng không được mua, chúng được coi là tài sản của nhà nước và rất nhiều món quà được đưa vào bộ sưu tập trong bảo tàng và thư viện của tổng thống.
Trán sân bay, không lông mày - tiêu chuẩn làm đẹp kỳ lạ của phụ nữ xưa Để trở thành mỹ nhân, phụ nữ xưa đã áp dụng nhiều bí quyết gìn giữ sắc đẹp kỳ lạ đến mức kỳ dị. Trán "sân bay", không lông mày. Cuối thế kỷ 14, vầng trán rộng cùng hàng chân mày cao được coi là chuẩn mực sắc đẹp của phụ nữ thời Phục Hưng. Theo sử sách ghi lại, người đầu tiên...