Khi nào cần thay đổi tư thế ngủ?
Mỗi ngày, chúng ta thường ngủ nghỉ khoảng tám giờ ở tư thế nằm. Do đó, lựa chọn được tư thế và hướng nằm hợp lý có thể tác động tốt đến sức khoẻ.
Theo y lý phương Đông, đầu nằm hướng bắc và nằm nghiêng về bên phải là tư thế tối ưu.
Thiên nhân tương hợp
Theo thuyết “thiên nhân tương hợp” của y học phương Đông, con người và vũ trụ là một thể thống nhất. Cơ thể con người luôn bị tác động bởi những trường lực vô hình của vũ trụ.
Nói chung, mọi sự vật, hiện tượng đều phân ra âm dương, cơ thể con người và trời đất cũng vậy. Ở con người, đầu và bên phải cơ thể thuộc dương, chân và bên trái thuộc âm. Theo nguyên lý âm dương, cùng cực sẽ đẩy nhau, khác cực sẽ hút nhau. Theo thuyết này, âm gặp âm hoặc dương gặp dương có thể gây khó chịu. Ngược lại, dương và âm gặp nhau sẽ thu hút nhau và tạo cảm giác dễ chịu. Do đó, khi nằm ngủ, nếu đầu quay về hướng bắc, đầu thuộc dương sẽ ứng với khí âm của phương bắc; hai chân thuộc âm sẽ ứng với khí dương ở phương nam; nửa bên phải cơ thể thuộc dương sẽ gặp khí âm ở hướng tây; nửa bên trái cơ thể thuộc âm sẽ tiếp giáp với hướng đông thuộc dương, mặt lưng cơ thể thuộc dương tiếp với khí âm của mặt đất.
Như vậy, nếu đầu hướng về bắc sẽ tạo được sự ứng hợp âm dương ở cả bốn bên và trên dưới, bảo đảm được các hoạt động khí hoá bình thường của cơ thể. Nguyên lý âm dương ứng hợp cũng được tuân thủ nếu đầu bắc chân nam được phối hợp với tư thế nằm nghiêng về bên phải, mặt quay về tây. Ở tư thế này, nửa bên phải cơ thể thuộc dương sẽ gặp âm của quả đất, nửa bên trái sẽ ứng với phần dương của trời. Đây là tư thế ngoạ thiền (thiền nằm) của đạo gia.
Đông tây gặp gỡ
Theo khoa học, từ trường quả đất tác động như một khối nam châm cực lớn với những đường sức đi ra từ bắc bán cầu và đi vào ở nam bán cầu. Còn theo học thuyết kinh lạc, các đường kinh dương trong cơ thể di chuyển theo chiều từ đầu xuống chân thường gọi là “dương giáng”. Như vậy, thế nằm đầu bắc chân nam có sự cùng chiều giữa các đường kinh dương và các đường sức quả đất. Sự cộng hưởng này giúp những đường kinh dương dễ di chuyển thuận chiều từ trên xuống dưới nhằm bảo đảm nguyên tắc “đầu mát chân ấm” cho một cơ thể khoẻ mạnh.
Kết quả một cuộc nghiên cứu ở Mỹ được phổ biến trong tạp chí Prima (số 127/1993) cũng cho biết khi nằm ngủ quay đầu về hướng bắc huyết áp sẽ tối thiểu, giấc ngủ sâu hơn, quay đầu về hướng nam dễ rơi vào trạng thái kích thích thần kinh, quay về tây dễ gặp ác mộng. Một nghiên cứu khác do bác sĩ Jules Regnault dẫn trong quyển sách Biodynamique et Radiations (tr.57, 58) còn cho thấy những người ngủ quay đầu về hướng bắc và hướng tây có lượng hồng cầu và bạch cầu cao hơn nhiều so với những người ngủ đầu quay về hai hướng đông và nam.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu của ông Jack Lee, chuyên gia người Mỹ nghiên cứu về giấc ngủ, tư thế nằm nghiêng có thể giúp khắc phục được triệu chứng ngáy ở những người hay ngáy hoặc ngáy to. Mặt khác, do đặc điểm cơ thể học, tim và dạ dày nằm lệch về bên trái, do vậy nằm ngủ nghiêng về phải sẽ giảm nhẹ áp lực lên hai cơ quan này, hữu ích trong một số bệnh lý về tuần hoàn và tiêu hoá như suy tim, khó tiêu, viêm loét dạ dày, trào ngược thực quản.
Theo SGTT