Khi ‘Lực lượng tuyệt mật’ của Nga tham chiến
Ngày 17/4, Tổng thống Nga V.Putin lần đầu tiên thừa nhận: các quân nhân Nga đã đứng sau lực lượng dân quân Crimea và giúp tiến hành cuộc trưng cầu dân ý.
Một câu hỏi chưa có lời giải là những quân nhân này thuộc lực lượng nào? Đại đa số các chuyên gia phân tích Nga đều thiên về quan điểm cho rằng – đây là các phân đội đặc nhiệm của GRU (Tổng cục tình báo quân sự – Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Liên Bang Nga) – một lực lượng đặc nhiệm bí ẩn nhất trong tất cả các lực lượng đặc nhiệm của các nước trên thế giới.
Xin giới thiệu với bạn đọc một số thông tin thu thập được về lực lượng này, nguồn chủ yếu từ tạp chí “Tuyệt mật” (Nga) tháng 6/2014.
“Những người lịch thiệp” trên bán đảo Crimea. Ảnh: Photoxpress “Những người lịch thiệp” là ai?
Rạng sáng ngày 27/2/2014, một nhóm chiến binh (không đeo quân hiệu, phù hiệu) được trang bị tốt đã kiểm soát tòa nhà của Hội đồng tối cao và Hội đồng bộ trưởng Crimea.
Trong ngày hôm đó “những người lịch thiệp” (dân chúng gọi như vậy vì cách ứng xử lịch sự không chê vào đâu được của họ) này chiếm sân bay Simferopol và bao vây sân bay quân sự tại Belbek. Sau đó lại chính họ xuất hiện tại các cảng và các tuyến biên giới của Crimea. Tiếp theo, cũng chính họ bao vây hoặc khống chế các đơn vị quân đội Ukraine.
Và sau đó, Crimea được sát nhập vào Nga như chúng ta đã biết.
Để tìm hiểu những “người lịch thiệp” này là ai, các chuyên gia chú ý đến quân phục và vũ khí trang bị của các quân nhân này. Áo chống đạn 6B43 mới nhất (đặc nhiệm Bộ Nội vụ Nga thường mặc loại 6B23 cũ hơn), mũ sắt đời mới nhất, phương tiện liên lạc hiện đại.
Họ được trang bị súng AK – 100 có kính ngắm quang học và quang-điện tử, súng bắn tỉa giảm thanh 12,7mm – loại chuyên dùng cho đặc nhiệm FSB (Cơ quan an ninh Liên Bang Nga) và một số đơn vị đặc nhiệm của Bộ quốc phòng.
Đại đa số các chuyên gia nhận định “những người lịch thiệp” này có thể là đặc nhiệm của GRU hoặc đặc nhiệm VDV (Bộ đội đổ bộ đường không), nhưng nhiều khả năng hơn cả đây là đặc nhiệm GRU.
Một thông tin khác làm cho phán đoán như vậy thêm sức nặng – tháng 3/2013, một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết là Bộ này sẽ thành lập Lực lượng các chiến dịch đặc biệt với thành phần nòng cốt là các phân đội đặc nhiệm của GRU để hoạt động trên cả lãnh thổ Nga và ở nước ngoài.
Như vậy, theo các chuyên gia phân tích quân sự Nga, gần như có thể khẳng định “những người lịch thiệp” tại Crimea là lính đặc nhiệm GRU (vì lúc này Crimea vẫn là lãnh thổ “ngoài biên giới Nga”).
Lực lượng đặc nhiệm GRU hiện nay
Trước cuộc cải cách quân đội do A.Serdiukov tiến hành, GRU có 9 lữ đoàn đặc nhiệm. Hiện chỉ còn lại 7 lữ đoàn tại 4 quân khu. Các Quân khu Đông, Quân khu Tây và Quân khu Nam mỗi quân khu có 2 lữ đoàn, còn Quân khu Trung tâm có 01 lữ đoàn (Nga có tất cả 4 quân khu). Ngoài ra, còn một số phân đội và đơn vị trực thuộc khác.
Lịch sử đặc nhiệm GRU
Còn rất nhiều bí mật chưa được giải mã xung quanh việc thành lập đặc nhiệm GRU. Chỉ có một số thông tin như sau: Lực lượng đặc nhiệm quân sự “cổ điển” được thành lập năm 1950 và trực thuộc Tổng cục tình báo quân sự (GRU) Bộ Tổng tham mưu – sau khi đã tổng kết và nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm chiến tranh.
Đặc nhiệm GRU lúc đó gồm các đại đội độc lập – mỗi đại đội biên chế 120 người và đến năm 1951, GRU đã có 46 đại đội như vậy.
Video đang HOT
Năm 1962, các đại đội trên được sát nhập thành các lữ đoàn và đến năm 1979, có 14 lữ đoàn đặc nhiệm GRU trực thuộc các quân khu và gần 30 đại đội độc lập trong các tập đoàn quân và các cụm quân.
Về nhiệm vụ: theo một số nhà nghiên cứu quân sự thì các nhiệm vụ của đặc nhiệm GRU có thể như sau: phát hiện các đơn vị quân đội của đối phương và tiến hành các chiến dịch đặc biệt trong hậu phương đối phương; tổ chức và tiến hành các hoạt động biệt kích; tổ chức các tổ (nhóm) du kích, quân khởi nghĩa hoạt động trong hậu phương đối phương; tiến hành các chiến dịch chống khủng bố và vô hiệu hóa quân biệt kích của đối phương.
Ngoài ra, còn một số nhiệm vụ khác: làm rối loạn hệ thống thông tin liên lạc, phá hủy các tuyến cung cấp năng lượng, các đầu mối giao thông; gây hỗn loạn trong hoạt động điều hành nhà nước và chỉ huy tác chiến của đối phương.
Để có thể thực hiện các nhiệm vụ trên, Đặc nhiệm được trang bị các phương tiện kỹ thuật thích hợp, kể cả mìn hạt nhân xách tay. Cũng không loại trừ khả năng là Đặc nhiệm GRU còn có nhiệm vụ ám sát lãnh đạo của nước kẻ thù.
Xin nhắc lại, tất cả các nhiệm vụ liệt kê trên chỉ là phỏng đoán của các chuyên gia quân sự. Cho đến nay chưa ai dám khẳng định chắc chắn. Do đặc thù công tác, tất cả các thông tin về Lực lượng này đều được bảo mật – còn hơn cả bí mật của các thiết kế hạt nhân. Không phải bất cứ một tướng lĩnh Quân đội Xô Viết nào cũng biết về sự tồn tại của các phân đội như vậy.
Công tác huấn luyện
Điểm khác biệt chủ yếu của Lực lượng đặc nhiệm với các lực lượng khác – đó là công tác huấn luyện. Lính đặc nhiệm phải qua một chương trình huấn luyện với cường độ cực cao và mỗi một quân nhân có một giáo án huấn luyện riêng.
Công tác đào tạo chính quy các trinh sát đặc nhiệm được triển khai năm 1968 tại Trường cao đẳng đổ bộ đường không Riazan, còn các sỹ quan đặc nhiệm được đào tạo tại Học viện quân sự mang tên Frunze và Khoa trinh sát Trường quân sự Quân khu đặc biệt Kiev.
Để huấn luyện các phân đội đặc nhiệm chuyên hoạt động tại Afghanistan, Bộ Tổng tham mưu đã thành lập một trung đoàn huấn luyện tại thành phố Chirchik – Uzbekistan. Tại trung đoàn này, lính đặc nhiệm được huấn luyện trực tiếp tại các đơn vị, – cứ mỗi tổ 5 người có một sỹ quan trực tiếp phụ trách và viên sỹ quan này chịu trách nhiệm cá nhân trước cấp trên về kết qủa huấn luyện của những người dưới quyền.
Người viết giáo trình huấn luyện đầu tiên cho lính đặc nhiệm – giáo trình: “Hướng dẫn sử dụng các đơn vị và phân đội đặc nhiệm” là P.Golitsưn- cựu trưởng phòng trinh sát của Lữ đoàn du kích Belarus “Chekist”.
Đối với một số phân đội, ngoài chương trình huấn luyện khung dành cho đặc nhiệm, còn phải qua một khóa huấn luyện đặc biệt nữa để thực hiện các nhiệm vụ chuyên biệt tại các khu vực có điều kiện khí hậu và địa lý đặc thù.
Ví dụ, đại đội đặc nhiệm số 99 đóng quân ở Quân khu Arkhangelsk được huấn luyện để hoạt động tại Vùng cực lạnh giá, còn các chiến sỹ của đơn vị đặc nhiệm số 227 Quân khu Bắc Kapkaz được huấn luyện để tác chiến tại các khu vực có địa hình rừng núi hiểm trở.
Một số chiến tích của Đặc nhiệm GRU
1. Chiến dịch lớn đầu tiên của đặc nhiệm GRU tại nước ngoài được thực hiện năm 1968, khi Liên Xô quyết định đưa quân của Khối Varszawa vào Tiệp Khắc. Các phân đội đặc nhiệm được giao nhiệm vụ chiếm sân bay Praha và diễn biến chiến dịch như sau:
Rạng sáng ngày 21/8/1968, một máy bay “chở khách” Xô Viết yêu cầu sân bay Praha cho hạ cánh khẩn cấp với lý do là động cơ bị trục trặc. Sau khi hạ cánh, các “hành khách” trên máy bay đã chiếm toàn bộ sân bay mà không cần nổ một phát súng nào.
Trung tâm điều hành bay cũng nhanh chóng bị chiếm giữ và lính đặc nhiệm trực tiếp đảm nhiệm công tác điều hành bay. Cùng lúc đó, một số phân đội đặc nhiệm khác (đã bí mật có mặt tại Praha từ mấy ngày trước) chiếm Trung tâm bưu điện và một số mục tiêu chủ chốt khác trong thành phố.
Chỉ 2 giờ rưỡi kể từ khi bắt đầu chiến dịch, các xe chiến đấu bọc thép của Bộ đội đổ bộ đường không đã bao vây trụ sở Trung ương Đảng cộng sản Tiệp Khắc, – nơi đang diễn ra hội nghị khẩn cấp để đối phó với tình hình và toàn bộ Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Tiệp Khắc bị đưa về Moscow.
2. Sau đó, đặc nhiệm GRU còn tiến hành hàng chục chiến dịch tại nhiều nước ở Châu Á, Châu Mỹ- La tinh và Châu Phi. Thông tin về các chiến dịch tác chiến này vẫn được giữ bí mật cho đến tận hôm nay. Chỉ một số ít chi tiết được tiết lộ nhưng hoàn toàn là do thông tin bị rò rỉ chứ không phải do được giải mật.
Cũng năm 1968, một nhóm đặc nhiệm GRU gồm 9 người đã đột nhập một căn cứ không quân bí mật của Mỹ tại Campuchia. Tại sân bay này, Mỹ mới tập kết một số máy bay lên thẳng tấn công “SuperCobra” được trang bị các thiết bị điều khiển và đạn phản lực có điều khiển hiện đại nhất lúc đó – những thứ mà Bộ Tổng tham mưu Xô Viết đang rất quan tâm.
Kết quả là chỉ trong vòng một tiếng rưỡi đụng độ, một chiếc máy bay lên thẳng loại này đã được GRU đưa về một nơi bí mật, tất cả những chiếc còn lại bị phá hủy. Có 15 Lính Mỹ thiệt mạng và bị thương (không có số liệu về thương vong của đặc nhiệm GRU).
Mãi nhiều năm sau này, người Mỹ mới biết là chiến dịch này do đặc nhiệm Xô Viết thực hiện.
3. Thời kỳ đình cao của Đặc nhiệm Xô Viết là cuộc chiến tại Afghanistan. Tại chiến trường này, lần đầu tiên Lực lượng đặc nhiệm được sử dụng ở quy mô tiểu đoàn. Đó là đội đặc nhiệm độc lập số 154 với quân số 500 người (còn có biệt danh là “Tiểu đoàn Hồi giáo” vì phần lớn binh lính và sỹ quan của đội là các quân nhân gốc Trung Á có ngoại hình giống người Afghanistan và nói được tiếng Farsi (ngôn ngữ phổ biến ở Apganistan).
“Tiểu đoàn Hồi giáo” này được trang bị xe thiết giáp (50 xe và một số pháo phòng không tự hành). Nhiệm vụ – cùng đặc nhiệm KGB tấn công Dinh tổng thống Tadz-Bek và hạ sát Tổng thống Afghanistan Kh. Amin đang có mặt tại đây.
Đặc nhiệm GRU chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ tại chiến trường Afghanistan Không lâu trước khi cuộc tấn công bắt đầu, đội đặc nhiệm GRU đã đột nhập vào khu vực phòng thủ của Lữ đoàn bảo vệ Dinh tổng thống để vô hiệu hóa khả năng kháng cự của lữ đoàn này. Đối đầu với các phân đội đặc nhiệm Xô Viết (cả của GRU và KGB) là 1.500 quân Afghanistan gồm: 4 tiểu đoàn của Lữ đoàn bảo vệ và đội cận vệ riêng của Tổng thống Kh.Amin. Chiến dich “Shtorm-333″ lật đổ tổng thống Kh.Amin bắt đầu vào chiều 27/9/1979 và đã kết thúc theo đúng ý đồ. Trong chiến dịch này, có 6 binh sỹ đặc nhiệm GRU thiệt mạng và 35 người bị thương. Sau đó, “Tiểu đoàn Hồi giáo” ở lại Kabul đến ngày 8/1/1980 rồi rút về căn cứ ở Chirchik.
Tập đoàn quân số 40 của Lực lượng Xô Viết tại Afghanistan cũng có một phân đội đặc nhiệm GRU: đó là đại đội đặc nhiệm 459 thành lập tháng 2 năm 1980 gồm toàn lính tình nguyện lấy từ Quân khu Turkistan.
Khu vực chịu trách nhiệm của đại đội này là thủ đô Kabul. Đại đội có 4 trung đội trinh sát và một tổ liên lạc (tháng 12 năm 1980 được bổ sung 11 xe chiến đấu bọc thép BMP-1)- đây là phân đội đặc nhiệm đầu tiên tiến hành thường xuyên các hoạt động tác chiến trên chiến trường Afghanistan.
Năm 1982, đại đội này cùng 2 tiểu đoàn đổ bộ đã bị các máy bay lên thẳng phối thuộc thả nhầm vào sâu trong lãnh thổ Iran và họ đã tấn công một đồn biên phòng Iran.
Ngay sau khi biết là đã lầm, lính đặc nhiệm đã đi bộ nhiều tiếng đồng hồ liền trên sa mạc, quay trở lại tiến công mục tiêu được giao và vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Căn cứ trung chuyển Rabati- Dzali đã bị phá hủy cùng một khối lượng lớn vũ khí và nửa tấn thuốc phiện.
“Những người lịch thiệp” trên bán đảo Crimea Rút kinh nghiệm tác chiến của đặc nhiệm GRU, Liên Xô đã thành lập 2 lữ đoàn đặc nhiệm độc lập theo mô hình “tiểu đoàn Hồi giáo”. Đó là Lữ đoàn số 15 đảm trách khu vực Đông Afghanistan và Lữ đoàn số 22 phụ trách khu vực phía tây. Để ngụy trang, các tiểu đoàn đặc nhiệm được đặt phiên hiệu là “các tiểu đoàn bộ binh cơ giới độc lập”.
Thực tế chiến trường cho thấy chính các phân đội đặc nhiệm là thích hợp nhất để tác chiến ở địa hình núi- sa mạc của Afghanistan và hiệu suất chiến đấu của các phân đội này cũng là cao nhất. Trong cuộc chiến này đã có 1.400 lính đặc nhiệm Xô Viết tham gia và mỗi ngày có tới 25 nhóm đặc nhiệm tiến hành các hoạt động tác chiến.
Chính lính đặc nhiệm đã đóng một vai trò quyết định trong việc kiểm soát các hành lang xâm nhập biên giới theo tuyến Dzelalabad- Gazni- Kandaha, cắt đứt gần 200 con đường vận chuyển vũ khí đạn được từ Pakistan sang Apgnistan.
4. Vào thời kỳ Liên Xô sắp tan vỡ, các đơn vị đặc nhiệm thường được sử dụng để ngăn chặn hoặc trấn áp các cuộc xung đột sắc tộc. Đội đặc nhiệm số 173 tham gia vào việc trấn áp bạo loạn tại Baku (thủ đô Azerbajzan), tại khu vực Nagornyi Karabakh (xung đột giữa người Armenia và người Azerbajzan) và trong cuộc xung đột Oxetia- Ingusetia.
Các đội đặc nhiệm GRU của Quân khu Matxcova hỗ trợ chính phủ Tadzikistan trấn áp cuộc nổi dậy tại nước cộng hòa này. Lữ đoàn đặc nhiệm Quân khu Bắc Kapkaz chiến đấu tại Tbilixi (Thủ đô Gruzia) và Azerbajzan, và từ năm 1991, tại Nagornyi Karabakh và bắc Oxetia.
Thời kỳ u ám
Thời kỳ u ám nhất đối với đặc nhiệm GRU là sau khi Liên Xô sụp đổ. Sau một loạt các cải cách và tái tổ chức, đặc nhiệm GRU chịu tổn thất không kém gì thời gian tham gia các chiến dịch đặc biệt . Vào thời điểm Liên Xô tan rã, có 6 trong số 14 lữ đoàn đặc nhiệm nằm ngoài biên giới Nga.
Các lữ đoàn số 8, 9 và 10 – được coi là các lữ đoàn đặc nhiệm xuất sắc nhất thời đó bị bàn giao cho Ukraine, lữ đoàn số 5 – cho Belarus, còn lữ đoàn đặc nhiệm số 15, đại đội đặc nhiệm số 459 và một trung đoàn huấn luyện nằm lại trên lãnh thổ Uzbekistan.
Lữ đoàn đặc nhiệm số 4 trong cụm quân Liên Xô đóng tại Đức được đưa về Estonia và sau đó giải thể. Trung đoàn huấn luyện Pecherski cũng chịu chung số phận. Mới đây nhất, A.Serdiukov (cựu Bộ trưởng quốc phòng) đã giải thể 2 lữ đoàn đặc nhiệm của GRU.
Sau khi Liên Xô tan vỡ, lính đặc nhiệm GRU tiếp tục tham gia tác chiến trong chiến dịch tại Chesnia lần thứ nhất (12/1994-8/1996) và lần thứ hai (8/1999 và được coi là kết thúc năm 2009) trấn áp phong trào đòi độc lập của Chesnia – một nước cộng hòa Bắc Kapkaz thuộc Nga.
Trong các năm 1996- 1998, các phân đội trực thuộc và độc lập của đặc nhiệm GRU từ tất cả các quân khu đều đến tham chiến tại Chesnia. Thời kỳ tham gia chiến dịch Chesnia lần thứ nhất là thời kỳ mà đặc nhiệm GRU chịu nhiều tổn thất nhất, có 2 lý do chính:
1/ Các nhóm đặc nhiệm GRU được phân công phối thuộc với các đơn vị bộ binh tấn công nên không thể áp dụng chiến thuật sở trường của mình.
2/ Kỹ năng tác chiến của lính đặc nhiệm lúc này rất thấp do công tác huấn luyện kém. Dẫn chứng, đầu tháng 1 năm 1995, một nhóm (không biết quân số cụ thể) của một Lữ đoàn đặc nhiệm bị bao vây và bị bắt làm tù binh – một trường hợp chưa từng có tiền lệ.
Trở lại thời kỳ đỉnh cao
Chiến tích lớn nhất trong cuộc chiến Chesnia lần thứ hai của đặc nhiệm GRU là chính lực lượng này đã phát hiện toàn bộ hệ thống phòng thủ thành phố Groznyi (thủ phủ Chesnia) của các chiến binh Chesnia trước khi Quân đội Nga tấn công thành phố này.
Dễ hiểu là điều này có giá trị như thế nào. Do những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, lữ đoàn đặc nhiệm độc lập số 22 đã được tặng danh hiệu “cận vệ”. Đây là đơn vị đầu tiên được nhận danh hiệu này kể từ khi chiến tranh vệ quốc kết thúc.
Sau khi X.Shoigu nhậm chức Bộ trưởng thay A.Serdiukov (tháng 11/2012), Bộ quốc phòng Nga tuyên bố là các đơn vị đặc nhiệm bị giải thể sẽ được tái thành lập (ý nói tới 2 lữ đoàn đặc nhiệm có khả năng chiến đấu tốt nhất đóng quân tại Berdsk và Asbest đã bị giải thể dưới thời A.Serdiukov như đã nói ở trên và các đơn vị khác – không rõ đã thực hiện chưa).
Nếu đúng chiến dịch Crimea là do đặc nhiệm GRU tiến hành thì điều đó cho thấy Lực lượng này vẫn là một lực lượng rất tinh nhuệ và rất đáng gờm đối với các đối thủ tiềm năng và không loại trừ khả năng, một thời gian sau sẽ có một đơn vị nào đấy của đặc nhiệm GRU lại sẽ được trao danh hiệu “cận vệ” cao quý vì chiến tích xuất sắc tại Crimea – và chắc gì chỉ tại Crimea.
Hai sự kiện bí ẩn
1. Ngày 04/6, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình TF1 và đài phát thanh Europe 1, Tổng thống Nga V.P tuyên bố là đã và hiện không có bất cứ một cố vấn (quân sự) Nga nào ở Đông Nam Ukraine và đòi: “Phương Tây, trước khi buộc tội Nga phải đưa ra được các bằng chứng cụ thể là Nga đang can thiệp vào tình hình Ukraine.
Ông cũng không quên nhắc lại: “Ngoại trưởng Mỹ đã đưa ra một gói bột giặt nào đó tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và tuyên bố rằng đấy là bằng chứng về vũ khí hóa học của Iraq. Cuối cùng Mỹ tấn công Iraq, treo cổ S.Hussein, nhưng hóa ra là Iraq không có bất kỳ một loại vũ khí giết người hàng loạt nào.
2. Cũng ngày 04/6, Tư lệnh “Lực lượng dân quân” Slaviansk I.Strelkov cho biết là chỉ trong vòng một ngày đêm, Lực lượng này đã bắn hạ 3 chiếc máy bay lên thẳng M-24 và 2 chiếc máy bay cường kích Su-25 của Quân đội Ukraine.
Ông này cũng cho biết thêm là Su-25 không dám hạ độ cao xuống dưới 3.000 m. Không biết là liệu Lực lượng dân quân mới thành lập của Slaviansk chỉ trong một thời gian ngắn đã kịp huấn luyện để có kỹ năng tác chiến tuyệt vời – bắn hạ cả Su-25 hay không?
Lê Hùng
Theo NTD