Khi lãnh đạo dùng facebook
Thời gian gần đây, xuất hiện việc một số cán bộ lãnh đạo tham gia mạng xã hội và coi đó là một kênh thông tin hỗ trợ cho công tác quản lý, điều hành. Phản ứng của dư luận nhiều lời ngợi khen về một tác phong làm việc mới nhưng cũng còn rất nhiều những ý kiến khác nhau…
Ghi nhận từ ba facebook lãnh đạo
Ngày 28-2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chính thức công bố và xác nhận trang Fanpage https://www.facebook.com/botruongboyte.vn là trang Facebook chính thức và duy nhất của Bộ trưởng Bộ Y tế. Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Khi thiết lập trang Facebook, tôi muốn được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và cả những bức xúc, sáng kiến của người dân về công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Qua trang cá nhân này, tôi muốn chia sẻ với người dân những chủ trương, chính sách, hoạt động của ngành y tế và những khó khăn, vất vả đặc thù của ngành để người dân cùng thông cảm, chia sẻ và cùng đồng hành. Việc truy cập mạng xã hội mất nhiều thời gian nên chủ yếu tôi tranh thủ vào đêm khuya. Có những điều nghe xong có thể giải quyết được ngay nhưng cũng có vấn đề không phải thẩm quyền của mình”.
Trước khi chính thức công bố địa chỉ facebook cá nhân, trong một lần trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về việc facebook của Bộ trưởng Bộ Y tế có phải do chính Bộ trưởng điều hành hay do một nhóm nhân viên điều khiển, bà Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Tôi là người trực tiếp điều hành”.
Video đang HOT
Trang facebook của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Cho đến thời điểm hiện nay, dù nhiều tờ báo đưa tin bà Nguyễn Thị Kim Tiến là Bộ trưởng đầu tiên dùng facebook nhưng theo chúng tôi, cách đưa tin này có thể chưa chính xác. Có lẽ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là Bộ trưởng đầu tiên công khai địa chỉ facebook với công luận thì đúng hơn.
Thực tế hiện nay, có không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý dùng facebook hỗ trợ cho công việc và cũng có một số người công khai địa chỉ facebook cá nhân, tạo ra sự chú ý của dư luận. Nếu như bà Nguyễn Thị Kim Tiến được biết như một Bộ trưởng đầu tiên công khai địa chỉ facebook phục vụ công việc lãnh đạo thì ông Bạch Ngọc Chiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định có thể được coi là lãnh đạo tỉnh đầu tiên công khai địa chỉ facebook cá nhân phục vụ công việc. Trên trang facebook cá nhân của mình, ông Chiến đã viết về 100 ngày làm việc đầu tiên của mình trên cương vị mới. Trong bài viết khá dài này, thể hiện nhiều điều rất tâm huyết của ông Chiến như: “Tôi được phân công làm du lịch, văn hóa, thể thao, thông tin, truyền thông, truyền hình, khoa học công nghệ, chính phủ điện tử, xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính… Tất cả những việc này, tôi đều đã bắt tay vào làm ráo riết nhưng chắc chắn chỉ có mảng phát thanh truyền hình là nhìn thấy được kết quả vào đầu năm 2015… Về cải cách hành chính, bước đột phá đầu tiên là giao việc qua email thay cho bút phê vào công văn, giấy tờ. Tiếp theo sẽ là văn phòng điện tử, tiếp theo nữa là một cửa liên thông điện tử”.
Cũng trên trang facebook cá nhân của ông Chiến, cho thấy ông đã giao lưu, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhiều người dân đối với lĩnh vực mình phụ trách. Thậm chí, có người dân xin được hẹn làm việc với ông để “hiến kế” cũng được ông trả lời cụ thể thời gian làm việc trên một comment. Facebook của ông cũng đăng tải khá nhiều thông tin về văn hóa, du lịch của tỉnh Nam Định. Trong đó có cả câu chuyện về Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đường tuần tra biên giới, một vị tướng quê Nam Định đã cùng vợ lập dự án bảo tàng Đồng Quê, được ông Chiến về tận nơi tìm hiểu và rất tâm đắc.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng là người thường xuyên sử dụng facebook cá nhân phục vụ công việc. Trên trang facebook của ông, không chỉ có đường link các bài báo phản ánh những sự việc liên quan đến an toàn giao thông mà ông còn dẫn cả các thông tin người dân phản ánh trên internet, mạng xã hội. Gần đây nhất, xảy ra một sự việc liên quan đến hành động ứng xử của ông Hùng chưa được chuẩn mực và báo chí có bài viết phê phán, với tinh thần cầu thị, ông Hùng đã viết bài trên facebook cá nhân để xin lỗi. Ông viết: “Trước tiên cho phép tôi cảm ơn tác giả bài viết và lấy đây là một bài học quan trọng cho bản thân mình, đặc biệt là trong ứng xử xã hội. Tôi hoàn toàn nhất trí với tác giả bài viết về quan điểm, yêu cầu những người cán bộ, công chức phải có trách nhiệm thường xuyên tu dưỡng bản thân, rèn luyện kỹ năng sống, tránh gửi những thông điệp làm ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức và vị trí công việc mà mình được giao… Tôi cũng xin nhận khuyết điểm với cơ quan, lãnh đạo, đồng nghiệp về những ứng xử thiếu kiềm chế của mình…”.
Sử dùng facebook sao cho hiệu quả
Về việc lãnh đạo dùng mạng xã hội phục vụ công việc, theo TS Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Hãng Hàng không Hải Âu, nhiều nhà chính trị cấp cao, nhà hoạt động xã hội, tôn giáo, văn hóa, kỹ thuật, doanh nhân trên thế giới tham gia mạng xã hội, làm truyền thông mạng xã hội với tư cách cá nhân – công dân, có tính độc lập tương đối với các vị trí công quyền, quản lý của họ. Nhiều vị tổng thống, thủ tướng, nghị sĩ trên thế giới (kể cả Tổng thống Pu-tin, Thủ tướng Mét-vê-đép của Nga) mở tài khoản và tham gia mạng xã hội rất tích cực. Ông Lý Hiển Long trên mạng xã hội Twitter, Facebook là “công dân Lý Hiển Long” hơn là “thủ tướng Singapore Lý Hiển Long”. Ông có thể đăng ảnh tự sướng (selfie) chụp ở Bảo tàng sáp Madame Tussauds cùng tượng sáp của chính ông, mà không ai bảo ông thiếu nghiêm túc, ngược lại người dân thấy ông chân thực, gần gũi. Nhưng khi xảy ra vụ bạo loạn của một số công nhân Ấn Độ tại Singapore vào cuối năm 2013, qua mạng xã hội, ông Lý Hiển Long khẳng định rõ phần lớn người lao động nước ngoài tuân thủ luật pháp Singapore và kêu gọi người dân Singapore kiềm chế, thông điệp quan trọng đó đến được với hàng triệu người dân Singapore nhanh và rộng hơn cả kênh báo chí truyền thống, mặc dù “công dân Lý Hiển Long”, “thủ tướng Lý Hiển Long”, “chính phủ Singapore” không hẳn là một…
Còn theo PGS, TS Đỗ Chí Nghĩa, Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì nên cân nhắc để có những trang thông tin chính thống của các đồng chí lãnh đạo cấp cao. Nếu làm thì phải có chủ trương và làm sao cho hiệu quả. “Tôi sang Áo, thấy Thủ tướng Áo cũng có facebook riêng. Tìm hiểu thì được biết, facebook được Thủ tướng chỉ đạo, giao cho Văn phòng Thủ tướng với 4 chuyên gia trực tiếp thực hiện nội dung, có người viết bài, có người trả lời comment, nghĩa là họ có cơ chế, cách làm rất rõ. Gần đây nhất, việc Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long “chat” với công chúng qua mạng facebook cá nhân của ông cũng giúp giải quyết trực diện được nhiều vấn đề nóng của xã hội, giúp dư luận giải tỏa và cảm thông với công việc của một nguyên thủ quốc gia. Nếu chúng ta áp dụng thì cũng là cách làm tốt nhưng phải nghiên cứu, tổ chức chặt chẽ, tránh tình trạng nhiều cơ quan Nhà nước hiện nay cũng có trang web rồi nhưng thông tin lại sơ sài để “hoang hóa” thì lợi bất cập hại.
Theo Quân Đội Nhân Dân
Báo Thái nói gì về trang Facebook của Bộ trưởng Y tế Việt Nam?
"Nó cho thấy một cách làm việc cởi mở, minh bạch và dân chủ trong quan hệ với công chúng của Chính phủ", Giáo sư Thuyết cho biết.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius. Ảnh: Bangkok Post.
Tờ Bangkok Post ngày 4/3 bình luận, sự ra mắt trang Facebook của một Bộ trưởng Việt Nam có thể dẫn đến một cái nhìn cởi mở hơn. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chính thức công bố Facebook cá nhân của mình trong tuần này, bà trở thành Bộ trưởng đầu tiên ở Việt Nam sử dụng mạng xã hội để liên hệ với công chúng.
Trang Facebook của Bộ trưởng Tiến sẽ cung cấp các thông tin y tế và nhận những câu hỏi từ công chúng, theo thông tin từ văn phòng Bộ. Bangkok Post dẫn lời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: "Đây là một tín hiệu đáng khích lệ, chứng minh Chính phủ đã công nhận sức mạnh của truyền thông xã hội".
"Nó cho thấy một cách làm việc cởi mở, minh bạch và dân chủ trong quan hệ với công chúng của Chính phủ", Giáo sư Thuyết cho biết. Một người sử dụng Faceboo có tên là Nguyễn Ngọc Hằng đã viết: "Mọi người, các phương tiện truyền thông xã hội rất vui mừng về trang Facebook của bà. Nó đã trở thành vấn đề nóng nhất được thảo luận trên các mạng xã hội."
Việt Nam hiện tại đã có 30 triệu người sử dụng Facebook. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong một cuộc họp Chính phủ năm ngoái đã khẳng định: Cấm phương tiện truyền thông xã hội là điều không thể, Bangkok Post lưu ý.
Theo Giáo Dục
Lãnh đạo công khai trang Facebook: Sẵn sàng lắng nghe và tiếp nhận phản hồi của người dân Khi thông tin liên quan đến tham nhũng, tiêu cực được đăng tải lên một trang facebook của các lãnh đạo, có nghĩa là sẽ có rất nhiều người biết, và đương nhiên lãnh đạo đó cũng biết, nên họ khó có thể "lờ đi" mà không có lý do chính đáng. Ảnh chụp trang Facebook của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị...