Khi Jun Vũ cất giọng và chuyện đài từ của diễn viên Việt
Có nhiều lợi thế về ngoại hình nhưng khi cất giọng, Jun Vũ ngay lập tức mất điểm. Dù vậy, ở thị trường điện ảnh Việt, nữ diễn viên không phải trường hợp duy nhất hạn chế về đài từ.
Đỉnh mù sương là phim Việt mới nhất ra rạp. Tác phẩm hành động của đạo diễn Phan Anh được ghi nhận vì đảm bảo liều lượng võ thuật, không ít động tác tài nghệ từ những ngón võ nhà nghề đã được trình diễn trên màn ảnh. Nhưng phim cũng nhận nhiều chê bai về kịch bản, nội dung thoại và đặc biệt là đài từ ở mức thảm họa của một số diễn viên, trong đó có nam chính Peter Phạm (vai Phi).
Hạn chế của Đỉnh mù sương nối dài câu chuyện muôn thuở về đài từ (tiếng nói của diễn viên trong thể hiện nhân vật) của điện ảnh Việt. Không ít diễn viên có lợi thế về ngoại hình, thậm chí cả diễn xuất nhưng chỉ cần cất giọng là tự đánh mất đi thiện cảm của người xem.
Hồng Vân và Lê Khanh được khen ngợi về đài từ trong phim Gái giá lắm chiêu 3.
Nhận biết đài từ hay – dở
Phân định đài từ hay – dở của các diễn viên Việt, không cách nào tốt hơn là chọn một bộ phim đa dạng về giọng nói, vùng miền và thế hệ. Phần 3 của Gái già lắm chiêu, ra mắt dịp đầu năm nay có thể được coi là trường hợp điển hình.
Phim tạo đất cho giọng nói của cả ba miền: Bắc, Trung, Nam, nhân vật thuộc ba thế hệ khác nhau: già, trung niên và trẻ. Và đài từ của diễn viên trong thể hiện nhân vật cũng phân làm ba cấp độ: xuất sắc, tròn vai và thảm họa.
Nhận định xuất sắc, theo nhiều người quan sát, thuộc về hai NSND: Hồng Vân và Lê Khanh.
Là một diễn viên sinh ra ở miền Bắc, trưởng thành ở Nam Bộ nhưng trong vai Mệ Nội, Hồng Vân phải nói hoàn toàn bằng giọng Huế.
NSND Hồng Vân thuyết phục khán giả vì đài từ rất tự nhiên, chẳng những phù hợp với tính cách nhân vật mà còn thoát hoàn toàn khỏi lối thoại của kịch nghệ mà nhiều diễn viên xuất thân sân khấu mắc phải. Vai diễn sau đó cũng đã giúp Hồng Vân đoạt giải Cánh diều vàng hạng mục Nữ phụ điện ảnh xuất sắc, ở tuổi 64.
Nếu Hồng Vân mang đến những cái “e” trong chất giọng đất Thần Kinh, Lê Khanh lại ấn tượng với cách nói đài các, sang trọng, tròn trịa của người Hà Nội.
Ngay đầu phim, nhân vật Thái Tuyết Mai có câu thoại: “Con công phải ra con công, con phượng phải ra con phượng. Còn bản chất là vịt là ngan thì làm sao ra cốt cách của công, của phượng cho được”. Đài từ của Lê Khanh chắc nịch và đanh thép trong câu thoại đầy tính hình ảnh. Giọng nói và nét diễn song hành của chị khiến sự tái xuất màn ảnh sau 20 năm trở nên đặc biệt ý nghĩa.
Thái Tuyết Mai của Lê Khanh nắn nót trong từng câu chữ. Trong cuộc đối thoại với nhân vật Ms. Q (Ninh Dương Lan Ngọc), giọng của nữ NSND có nhu có cương, khi buông khi nắm, vừa rắn vừa mềm. Trong khi, giọng của Ninh Dương Lan Ngọc lại mảnh và chói.
Video đang HOT
Đài từ của Ninh Dương Lan Ngọc có những hạn chế nhất định, song, cô vẫn có thế mạnh về diễn xuất. Sự thể hiện tệ nhất ở Gái già lắm chiêu 3 thuộc về Jun Vũ với đài từ thuộc hàng thảm họa. Lối nói thô, rời rạc, bản năng vừa không ăn nhập với nhân vật vừa dễ lu mờ khi phải tung hứng với bạn diễn có đài từ tốt.
Peter Phạm gây ấn tượng về ngón võ nhưng bị chê thoại như trả bài. Ảnh: Duy Anh.
Chuyện không chỉ của Jun Vũ hay Peter Phạm
Jun Vũ sở hữu gương mặt khả ái với những đường nét rất điện ảnh, cùng đôi mắt đẹp, có hồn. Lợi thế này giúp cô có được nhiều cơ hội diễn xuất, không ít đạo diễn đã “chọn mặt gửi vàng”, cho những vai nhiều đất diễn.
Trong khoảng 2 năm trở lại, Jun Vũ đã tham gia ít nhất 4 phim điện ảnh: Tháng năm rực rỡ, Người bất tử, Ngốc ơi tuổi 17, Gái già lắm chiêu 3… Nhưng do những hạn chế thấy rõ về diễn xuất và đài từ, sự nghiệp của nữ diễn viên chưa bứt phá.
Đáng nói, những nhược điểm về giọng nói không được cải thiện qua thời gian. Chất giọng đều đều, ít biểu cảm, thiếu cảm xúc của nữ diễn viên 9X trải từ phim này qua phim khác.
Nhưng Jun Vũ không phải trường hợp duy nhất, điện ảnh Việt có nhiều nữ diễn viên có lợi thế mạnh về ngoại hình, thậm chí diễn xuất không hề tệ nhưng cất giọng là mất điểm. Chi Pu, Thanh Hằng hay trước đó là Trương Ngọc Ánh, Mai Thu Huyền, Nhã Phương, Vũ Ngọc Anh… là loạt ví dụ.
Đài từ hạn chế đôi khi cản trở sự thành công trọn vẹn của vai diễn mà Chị chị em em dịp cuối năm ngoái là minh chứng tiêu biểu.
Chi Pu và Thanh Hằng đều đảm trách vai khó trong phim. Cả hai gây ấn tượng vì “chemistry” ăn ý, lột tả tính cách nhân vật qua nhiều dạng cảm xúc nội tâm. Nhưng khả năng đài từ nhận phản ứng trái chiều. Trong khi nhân vật của Thanh Hằng thậm chí còn làm nghề MC của đài phát thanh thành phố. Nếu sở hữu giọng nói điện ảnh tốt, vai diễn của cả hai có lẽ đã thuyết phục hơn.
Tương tự, vai Phi của võ sĩ Peter Phạm trong Đỉnh mù sương mới đây được cho là sẽ nhận phản ứng tích cực hơn nếu anh sở hữu giọng nói có biểu cảm và thực sự “sống” với nhân vật. Song, đôi mắt sắc lạnh và ngón võ tài hoa đã không cứu được vai diễn khi đài từ của diễn viên dừng trong nỗi thất vọng nặng nề.
Ngay những câu thoại đầu tiên của phim, Peter Phạm đã chứng minh cho nhận định về lối thoại non nớt, hời hợt, như trả bài.
Trong một cảnh quay, giữa tình huống “nước sôi lửa bỏng”, đang bị truy đuổi, Peter Phạm thoại nhát gừng, như đọc: “Chúng ta phải đi tiếp thôi”. Từ đầu đến cuối phim, anh gần như giữ tông giọng giống nhau, chậm rãi trong mọi cuộc đối thoại, bất kể người thân quen, cộng sự hay phía kẻ thù, đối thủ.
Ngoài nam chính Peter Phạm, một số diễn viên khác trong Đỉnh mù sương cũng gặp hạn chế về khả năng diễn xuất bằng giọng nói, dẫn đến hậu quả là một bộ phim hành động nhưng ở nhiều cảnh, thoại phim gần như… bất động.
Quang Tuấn cho rằng đài từ tốt là khả năng có thể ứng biến tùy dạng vai, tùy góc độ của nhân vật. Ảnh: Bá Ngọc.
Đài từ hạn chế có cải thiện được không?
Thực tế thị trường cho thấy nhiều diễn viên bị chê về đài từ qua nhiều phim nhưng không có dấu hiệu cải thiện. Nhưng cũng có không ít gương mặt điện ảnh nhờ rèn luyện đã khắc phục được nhược điểm của giọng nói bản năng, hoàn thiện và tỏa sáng với nghề.
Trước câu hỏi: “Đài từ hạn chế có cải thiện được không?” của Zing, diễn viên Quang Tuấn trả lời: “Được chứ. Đài từ hoàn toàn có thể cải thiện được”.
Quang Tuấn vừa có vai diễn trong Bằng chứng vô hình. Dù nhận những ý kiến khen chê về diễn xuất, đài từ của Quang Tuấn trong phim là khía cạnh được ghi nhận.
Nam diễn viên cho biết để có được giọng nói hôm nay, bản thân anh phải dành công sức rèn luyện, khắc phục hạn chế của chất giọng bản năng.
“Ngày xưa tôi bị chê giọng nói vì tôi là người Quảng Trị, đặc trưng của người miền Trung là nói rất nhanh nên khi vào nghệ thuật, mình phải sửa. Các cô chú đi trước bảo nếu tôi muốn làm nghề thì phải hòa nhập được ngôn ngữ. Sau đó, tôi đi tập hát cải lương để học giọng nói có âm hưởng miền Nam. Tiếng nói của tôi giờ khác xưa nhiều, người cũ lâu ngày không gặp còn bảo không nhận ra”, nam diễn viên tiết lộ.
Quang Tuấn cũng nhấn mạnh: “Đài từ đối với diễn viên rất quan trọng. Đài từ tốt là khả năng có thể ứng biến tùy dạng vai, tùy góc độ của nhân vật”.
Nhiều ý kiến cũng đồng thuận rằng đài từ tốt không hẳn là “tròn vành rõ chữ”. Quan trọng hơn cả là sự biến hóa với nhân vật, nhập tâm vào vai diễn, kỹ thuật nhưng chân thật, tự nhiên mà không bản năng.
Võ sư bị kiếm đâm vào mắt, suýt đứt ngón tay khi đóng thế
Peter Phạm cho biết anh theo đuổi nghề cascadeur ở Mỹ 7 năm qua. Nam võ sĩ đã không tránh khỏi những chấn thương nguy hiểm như bị kiếm đâm vào mắt, đạo cụ đập đầu rướm máu.
Gặp gỡ phóng viên Zing trong một buổi tập ở phòng gym, diễn viên, võ sĩ Peter Phạm không giấu niềm vui khi được đóng chính bộ phim Đỉnh mù sương của đạo diễn Phan Anh. Peter Phạm chia sẻ phim ảnh là đam mê thứ hai của anh sau võ thuật. "Tôi tự tin ở khả năng diễn xuất của mình nhưng không kỳ vọng gì lớn lao. Tôi chỉ mong những cố gắng của mình được khán giả đón nhận", anh nói. Trước khi về nước đóng phim, Peter Phạm đã có thời gian dài dạy võ Vịnh Xuân quyền và 7 năm làm cascadeur ở Mỹ.
Hiện nay, Peter Phạm có một lò võ tại Bình Dương, 4 trung tâm dạy võ ở Mỹ với số lượng học viên lên tới 300-400 người. Dù vậy, Peter tỏ ra ngại ngùng khi người viết gọi anh với danh xưng võ sư. "Tôi dạy võ nhưng vẫn cảm thấy danh xưng ấy cao quá. Tôi chỉ là người mê võ từ nhỏ và muốn truyền tình yêu, cảm hứng võ thuật với mọi người trong khả năng của mình. Khi dạy võ cho mọi người cũng là cơ hội để tôi tập luyện thêm", anh giãi bày.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, 4 tháng qua, Peter Phạm chưa thể về Mỹ. Võ sĩ cho biết những ngày ở Việt Nam, anh vẫn duy trì lịch tập như ở Mỹ. Nói về một ngày tập luyện, võ sĩ sinh năm 1974 cho hay: "Tôi dậy sớm, tập gym một tiếng mỗi ngày. Sau đó, tôi tập võ và hướng dẫn học trò. Văn ôn, võ luyện, đó là thói quen của tôi nhiều năm qua".
Anh kể việc mở trung tâm dạy võ đến với mình rất tình cờ. Ban đầu, anh tập võ chăm chỉ và đạt được "level" đứng lớp, thì có nhiều bạn bè xin học. Peter Phạm nhớ lại: "Mọi người tập hợp ở nhà tôi đông quá nên bị hàng xóm than phiền ồn ào. Sau đó, tôi chuyển nhóm sang học ở một nhà thờ. Số lượng người tập tiếp tục tăng, nhà thờ không đủ chỗ, tôi phải thuê mặt bằng rộng hơn. Cứ thế, các trung tâm được mở rộng tự nhiên. Tôi tin rằng khi mình làm việc bằng đam mê, tiền bạc sẽ đến".
Ngoài dạy võ, nghề cascadeur mang lại thu nhập chính cho Peter Phạm. Anh tham gia đóng thế trong nhiều dự án phim ảnh ở tiểu bang nơi mình sinh sống. Chia sẻ về nghề đóng thế, Peter Phạm cho rằng đây là nghề nguy hiểm, đối diện thường xuyên với chấn thương, đau đớn.
Trong 7 năm làm cascaduer, võ sĩ sinh năm 1974 kể trải qua nhiều cảnh mạo hiểm như cảnh nhảy cầu tự tử với độ cao tương đương ngôi nhà 4 tầng lầu. Cú chạm nước mạnh đến mức anh bị rách quần, rơi giày và sợ hãi.
Khi thực hiện cảnh hành động, anh từng bị bạn diễn dùng kiếm đập đầu chảy máu hoặc bị đập trúng vào mắt. Có lần, anh kể suýt bị đứt ngón tay áp út vì cây mã tấu bị gãy. " Với máu liều và lì của người tập võ, tôi đã vượt qua các màn đánh đấm mạo hiểm, chấn thương đau đớn. Không ít lần gia đình ngăn cản việc tôi theo nghề, nhưng bản thân đam mê nên không thể từ bỏ", Peter khẳng định.
Nam võ sĩ tiết lộ anh yêu thích hội họa, ca hát. Anh cho rằng võ thuật, phim ảnh và nghệ thuật giúp bản thân cân bằng cuộc sống. " Nhờ có tâm hồn nghệ sĩ, tôi nhìn và chuyển những thế đánh đấm thô kệch sang thế đánh đẹp và mỹ thuật trên phim. Nhờ đó, tôi được biên kịch đạo diễn tạo cơ hội đóng phim", anh tâm sự.
Diễn viên chính của Đỉnh mù sương cho biết khi tập võ anh nghiêm khắc, khó tính. Nhưng ngoài đời, Peter tự nhận mình vui tính, cởi mở và thích trêu đùa mọi người.
Với vóc dáng săn chắc, Peter Phạm được nhận xét trẻ trung hơn so với tuổi 46. Theo nam võ sĩ, để có thể lực tốt, sự trẻ trung mỗi người cần chăm chỉ tập luyện và ăn uống khoa học. Bản thân anh đã ăn chay nhiều năm qua. Gần đây, anh ăn mặn trở lại nhưng vẫn dùng rất ít thịt. Khẩu phần ăn mỗi ngày của anh gồm nhiều rau xanh và các loại hạt.
Peter Phạm: 'Tôi rụng rời vì dao găm trúng bạn diễn' Võ sĩ Peter Phạm khiến dao găm trúng mắt Simon Kook - sao võ thuật Thái Lan - khi cả hai đóng cảnh quyết chiến ở "Đỉnh mù sương". Lần đầu giữ vai chính trong phim do Phan Anh đạo diễn, Peter Phạm, sinh năm 1974, định cư tại Texas, Mỹ, cho biết anh có nhiều kỷ niệm khó quên. Tác phẩm kể...