Khi hôn nhân là địa ngục trần gian
‘Cá không ướp muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư’ là câu người ta thường tự dằn vặt mình khi cuộc hôn nhân tan vỡ, tôi mong rằng sẽ không còn trường hợp này…
Trong cuộc sống, ai cũng mong muốn thành công trên con đường công danh sự nghiệp, gia đình giàu có, vợ hiền, con ngoan. Thế nhưng, thực tế lại không được như mong muốn của con người.
Có những vai diễn đôi khi người ta hoàn toàn không thích, nhưng đạo diễn cuộc đời bắt buộc họ phải nhập vai. Có những kẻ muốn trốn chạy vai diễn đó thì lại lạc vào một vai diễn còn ê chề, tủi khổ hơn vai diễn trước đó, và chúng ta thường hay tự an ủi mình “âu là cái số của mình”.
Mỗi lần làng trên xóm dưới có đám cưới, bà con hai họ cùng bạn bè đến chúc tụng, lời hay ý đẹp được thốt lên, chúc họ sống bên mãi đến đầu bạc răng long, con cháu chăm ngoan hiếu thảo… Ai cũng mong những điều tốt đẹp đến cho đôi uyên ương vừa mới cưới.
Thế nhưng, sau một chặng đường yêu nhau, cưới nhau và về ở chung, sự chung đụng cách ăn, cách ở, lối sống, văn hóa… đã làm họ ngày càng rời xa nhau, mâu thuẫn rồi dẫn đến “tan đàn xẻ nghé”, mỗi người một đường.
Video đang HOT
Khi đang yêu nhau thì cái gì cũng đẹp, cũng hay, Quả đúng khi người ta vẫn nói: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề”.
Tôi biết có nhiều gia đình cố gắng hy sinh cái tôi của mình để sống qua ngày tháng, cho trọn danh nghĩa vợ chồng, đẹp mặt bà con thiên hạ. Thế nhưng, cả hai người luôn cảm thấy đau khổ, cuộc sống như địa ngục trần gian, họ không dám ra tòa ly hôn vì người đời đàm tiếu.
Ở những nước phương tây tiên tiến, khi vợ chồng không còn tình yêu, họ đồng ý giải thoát cho nhau và coi đối phương như bạn, chứ ba mẹ chửi nhau suốt ngày thì con cái nào có vui vẻ gì? Tuy chia tay nhưng họ vẫn luôn chăm sóc cho con cái ăn ở, học hành.
Ở Việt Nam nói riêng và văn hóa phương Đông nói chung còn khá nặng nề về tư tưởng. Họ sống kiểu văn hóa gia đình, họ hàng, làng xóm, quê hương nên có nhiều khi những đôi vợ chồng cố che giấu, chẳng lộ ra ngoài, vì chỉ cần lộ ra một người thì nguyên cả làng, cả xã biết.
Dư luận không những không chia sẻ hay thông cảm mà con đàm tiếu, chọc ngoáy, soi mói vào nỗi đau đó, khiến người trong cuộc và cả gia đình phải xấu hổ, thẹn thùng mỗi khi bước chân ra đường.
Tôi thấy nền văn hóa xưa có nhiều cái hay, cái tốt, nhưng bên cạnh đó cũng rất hà khắc và ác độc, nó ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người.
Bao lần tôi chứng kiến nhiều chuyện thật buồn khi thiên hạ luôn kì thị những người đã từng đổ vỡ trong hôn nhân. Đơn cử như trường hợp của gia đình ông A, ông chuẩn bị đi hỏi vợ cho con trai, họ ngồi bàn với nhau là nên mời ai để đi cùng gia đình và những ai từng ly hôn là bị loại ra ngay, thậm chí người đó là bà con rất gần.
Quê tôi có câu “gãy gánh lọi đòn triêng” là ám chỉ một người nào đó ly hôn, điều này nghĩa là một người đang gánh một đôi nước mà cái đòn triêng (đòn gánh) bị gãy làm đôi, chia lìa làm đôi.
Trong những bàn nhậu, trong những cuộc vui, mọi người hay nói với nhau: “Nếu không có con cái thì chắc đã bỏ nhau lâu rồi”. Ừ, chắc là họ cố gắng nén lại trong lòng để mà cho gia đình êm đẹp, để mối tơ hồng mãi bền lâu. Họ giả dối cả trong suy nghĩ, lời nói…
Những câu ông bà xưa dạy rất hay: “Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống”. Tuổi trẻ lúc yêu thì cứ vậy mà yêu, chẳng thèm quen tâm ai nói gì, dạy gì, để đến lúc tan vỡ lại ước gì mình biết nghe lời: “Cá không ướp muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”.
Cuộc đời mỗi người chỉ có một lần kết hôn thiêng liêng, nên hãy nghiêm túc với nó, đừng để sau này phải ân hận hay nuối tiếc. Nếu như có gặp phải hoàn cảnh gia đình tan nát, thì cũng đừng có tuyệt vọng nhiều, biết là có đau buồn nhưng hãy đứng dậy mà đi tiếp, làm lại tập hai tốt hơn.
Hạnh phúc chỉ đến với những người biết trân trọng, nâng niu, chia sẻ. Hãy tôn trọng nhau, hay nói cách khác là hãy “sống tử tế” với nhau. Tôn trọng chồng hay vợ là tôn trọng luôn cả cha mẹ, họ hàng của đôi bên, bởi nhờ ai mà ta có họ để lấy làm chồng hay vợ.
Theo st/Phununews