Khi Hoa hậu bị miệt thị dân tộc: Sự xấu xí của những cặp mắt bé mọn
Những tranh cãi về ngoại hình của Tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê cho thấy một vấn nạn trong một bộ phận công chúng khi không có khả năng chấp nhận sự khác biệt.
Sự đăng quang của cô gái người dân tộc thiểu số Ê Đê có tên H’Hen Niêđã làm công chúng xôn xao bàn tán trong nhiều giờ qua. Người ta bảo BGK Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 là BGK táo bạo nhất trong lịch sử thi nhan sắc Việt.
Là vì, Tân Hoa hậu H’Hen Niê là một trường hợp chưa từng có tiền lệ.
Lần đầu tiên, một cô gái người dân tộc thiểu số đăng quang trong một cuộc thi có quy mô, uy tín và danh tiếng hàng đầu quốc gia.
Lần đầu tiên, một cô gái da nâu, tóc tém, gương mặt không theo chuẩn mực thẩm mỹ truyền thống lên ngôi trong một cuộc thi nhan sắc Việt.
Chính H’Hen Niê đã thổ lộ về việc rất nhiều người cản ngăn, thậm chí bĩu môi mỉa mai khi cô đi thi Hoa hậu. “ Họ nói rằng một cô gái dân tộc không bao giờ đăng quang Hoa hậu. Đừng mơ mộng nữa. Nhưng tôi đã chứng minh cho họ thấy là tôi đã làm được.”
H’Hen Niê đã làm được. Và BGK Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cũng đã thể hiện mắt xanh tinh đời cùng sự nhân văn trong việc tìm kiếm một người đẹp đúng nghĩa thay vì chiều chuộng theo số đông.
Cái đẹp là sự đa dạng, không thể hẹp hòi trong phạm vi của da trắng tóc dài. Hơn nữa, vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam là vẻ đẹp của sự thuần khiết, nữ tính toát ra từ tâm hồn chứ không phải là vẻ đẹp của sự khu biệt cứng nhắc bề ngoài.
Bằng chứng là, da trắng tóc dài không đồng nghĩa với dịu dàng hiền thục cũng như da đen, tóc tém không đồng nghĩa với mạnh mẽ nổi loạn. Hơn thế nữa, thế giới có hàng trăm chủng tộc khác nhau, tương ứng với đó là sự đa dạng của cái đẹp.
Không thể đem chuẩn mực cái đẹp của dân tộc này để đánh giá, áp đặt cho cái đẹp của một dân tộc khác. Chỉ có một sự gặp gỡ duy nhất giữa muôn vàn vẻ đẹp đa dạng ấy: vẻ đẹp của trái tim.
Không thể đem chuẩn mực cái đẹp của một dân tộc này để đánh giá, áp đặt lên cái đẹp của một dân tộc khác.
Nhưng đáng tiếc, thông điệp nhân văn của BGK Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đã không tới được một bộ phận nhỏ công chúng, những người tự giam cầm trực giác của bản thân và hạn chế trong khả năng chấp nhận sự khác biệt.
Những người đó đã dành thời gian cho mớ nhận xét mang tính kì thị và miệt thị một cô gái mang ngoại hình khác với quan điểm về cái đẹp của bản thân họ. Dù đó là một ngoại hình hoàn toàn bẩm sinh, tự nhiên, không bơm vá, không tẩy xóa, không cắt gọt, không “đập đi xây lại”.
Họ chê những cô gái dùng kem trộn trắng da, tiêm hóa chất tạo mặt V-line, bơm dung dịch làm dày môi, đập cả hàm răng nguyên thủy để bọc răng sứ nhân tạo.
Nhưng khi có một cô gái giữ nguyên hàm răng có chút khấp khểnh tươi rói cùng làn da nâu bóng đặc trưng của dòng máu chủng tộc đang chảy trong huyết quản, họ lại chê cô ấy “răng mẻ” và dùng ngôn từ tục tĩu để mô tả làn da cũng như dòng máu thiêng liêng mà cô mang trong người.
Video đang HOT
Sự xấu xí của những cặp mắt bé mọn
H’Hen Niê là cô gái sinh ra và lớn lên trong cộng đồng người Ê Đê ở Tây Nguyên. Bố mẹ cô không biết nói tiếng Kinh. Năm H’Hen học lớp 8, bố mẹ có ý định cho cô nghỉ học để lấy chồng nhưng H’Hen không đồng ý.
Cô nuôi tham vọng thoát ly khỏi bản làng để có cuộc sống tự chủ, tự do và hạnh phúc hơn. H’Hen đỗ Cao đẳng Kinh tế – Đối ngoại TP.HCM, đi làm osin để có kinh phí ăn học trong một năm cho đến khi được phát hiện và đặt chân vào nghề người mẫu.
Năm 2015, H’Hen Niê thi Vietnam’s Next Top Model. Mặc dù chỉ dừng chân ở top 9, cuộc thi là bàn đạp giúp H’Hen tiến thêm một bước xa trên sàn runway.
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 là cuộc thi hoa hậu đầu tiên mà H’Hen Niê tham gia. Nhìn bề ngoài, đó là một cô gái có xuất phát điểm rất thấp, mới hoạt động nghệ thuật được hơn 3 năm, không có ê-kíp hùng hậu hỗ trợ, chưa từng có kinh nghiệm chinh chiến trong các cuộc thi nhan sắc.
Thế nhưng, mọi kĩ năng của H’Hen Niê đều hoàn hảo, không hề thua kém hai cô gái của truyền thông là Hoàng Thùy và Mâu Thủy. Từ kĩ năng trang điểm, kĩ năng lựa chọn trang phục, kĩ năng trình diễn, kĩ năng giao tiếp…, H’Hen gần như không có sai sót nào.
Nếu như Hoàng Thùy và Mâu Thủy đến với Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam bằng quyết tâm cao độ và sự chuẩn bị kĩ lưỡng thì H’Hen Niê cũng vậy.
Từ mái tóc tém thời thượng, những bộ trang phục hợp mốt đến thân hình chuẩn từng cen-ti-mét cho thấy H’Hen mang theo khát vọng và ý chí lớn lao.
Và rồi, chính cô gái dân tộc thiểu số da nâu, tóc tém, gò má cao, mũi thấp, đầu mũi hếch… đã giành chiến thắng trong cuộc đua nhan sắc nhờ sự chân thật và trái tim ấm áp của mình.
Cô ấy mang tham vọng Hoa hậu để phản biện lại những người từng dè bỉu “con gái dân tộc đừng mơ làm Hoa hậu”, để truyền cảm hứng cho phụ nữ Ê Đê, để những cô gái trong bản làng cô dám ước mơ lớn, dám khát vọng lớn, dám vượt thoát ra khỏi không gian chật hẹp, tự lựa chọn cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn.
H’Hen Niê chiến thắng nhờ sự chân thật và trái tim ấm áp của mình.
Trên tất cả, cô ấy là biểu tượng của nghị lực phi thường, sự thông minh và nhạy bén bẩm sinh cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc tự học hỏi, trau dồi, rèn luyện bản thân hướng đến sự hoàn thiện.
Ngay cả khi, những cuộc thi nhan sắc ngày nay bị xem là phù phiếm và Hoa hậu mang tính giải trí nhiều hơn tính hướng thiện thì hành trình thực hiện giấc mơ của H’Hen Niê cũng vẫn là chân giá trị biểu đạt cho một cách sống đúng đắn.
Thế nên, nếu da của H’Hen Niê đen, tóc của H’Hen Niê ngắn, dân tộc của H’Hen Niê là Ê Đê, xuất thân của H’Hen Niê là núi rừng và ngoại hình của H’Hen Niê khiến bạn không thể “cảm thụ” nổi, cô ấy vẫn cứ là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam.
Tất nhiên, bạn có quyền chê cô ấy xấu. Như ca sĩ sẽ bị chê về giọng hát, như diễn viên sẽ bị chê về cách diễn và như Hoa hậu sẽ bị chê về ngoại hình. Chỉ có điều, chê bai khác với miệt thị. Cô ấy có thể xấu trong mắt bạn nhưng đẹp trong mắt người khác.
Sự miệt thị của bạn về ngoại hình và nguồn gốc của cô ấy không thể làm cho cô ấy thấp kém hơn mà chỉ làm cho bạn bé mọn đi.
Theo Helino
H'Hen Niê bị miệt thị nhan sắc sau khi đăng quang: Là hoa hậu thì phải mặc nhiên chấp nhận tổn thương?
Mang trong mình suy nghĩ "Muốn làm hoa hậu thì phải chấp nhận phán xét", dư luận cứ thế tấn công H'Hen Niê mà bỏ quên cái sự thật rằng, H'Hen Niê cũng chỉ là con người với bao cảm xúc như ai khác...
Có một tiền lệ trong tất cả các cuộc thi hoa hậu, ấy là gần như bất cứ cô gái nào khi đăng quang ngôi vị này, cũng phải nhận những lời bình phẩm chẳng mấy tích cực của cư dân mạng về ngoại hình của mình. Riết rồi trong lịch sử hoa hậu Việt, ấn tượng của cư dân mạng về các kỳ hậu là: Một cô cằm ngắn, mặt già (Kỳ Duyên), một cô da nâu (Ngọc Hân), một cô cũng xinh mà chẳng có gì đặc biệt (Đỗ Mỹ Linh), và một cô miệng rộng, nhìn hơi bị "dừ" (chào Phạm Hương).
Nói vậy để biết rằng, chẳng có cô hoa hậu nào được lòng toàn bộ số đông. Việc đeo lên đầu chiếc vương miện dành cho người đẹp nhất cũng đồng nghĩa với việc hàng tá những khuyết điểm trên ngoại hình của họ bị lôi ra đánh giá, bởi đơn giản chẳng có cái gì gọi là hoàn hảo và vừa mắt đại đa số.
Nhưng, khi sự đánh giá không dừng lại ở những lời bình phẩm (vốn đã khá tế nhị trong thời đại chúng ta nên bớt soi mói ngoại hình của nhau) - mà biến thành sự miệt thị, lăng mạ, sỉ nhục, mà thậm chí ở đây, lôi cả xuất thân của một cô gái ra để hạ thấp - thì có lẽ đã đến lúc chúng ta cùng phải cùng lên tiếng để bảo vệ cho cô gái ấy, cho chiếc vương miện sáng lấp lánh vừa được đặt lên đầu của cô trong đêm đăng quang vừa qua.
Cô gái ấy, là cô gái dân tộc thiểu số đầu tiên đăng qua ngôi vị Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam: H'Hen Niê.
"Hoa hậu mà da đen, tóc ngắn trông như đàn ông"
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 có thể nói là một cuộc thi nhan sắc có chất lượng thí sinh đồng đều và nổi trội nhất từ trước đến nay. Giữa hàng loạt những tên tuổi rất hút truyền thông như Hoàng Thùy, Mâu Thủy, Ngọc Nữ, Tuyết Trang,... H'Hen Niê chưa bao giờ là một gương mặt nhận được nhiều sự chú ý.
Đơn giản, như một thói quen, chúng ta tìm kiếm những gương mặt có vẻ đẹp đại chúng nhất, quen thuộc nhất. Chúng ta tìm một gương mặt đẹp lộng lẫy như Phạm Hương, hoặc thoát thục như Thu Thảo, chúng ta mặc định rằng một hoa hậu phải đại diện cho những tiêu chuẩn đẹp mà phụ nữ hiện đại khao khát nhất: Nếu da không trắng bóc như ngọc thì cũng nâu mật ong, nhưng mặt phải đẹp, phải sexy, phải bốc lửa, phải xinh đập vào mắt, đẹp lồng lộn, phải ấn tượng thuyết phục người nhìn. Thế mới xứng đáng gọi là hoa hậu, là người đại diện vẻ đẹp của Việt Nam đem chuông đi đánh xứ người.
Thế nên, khi MC gọi tên H'Hen Niê lên bục vinh quang, cả Việt Nam - những ai đang theo dõi hoa hậu - bị shock nặng. Đầu tiên là vì cái tên-không-phải-tiếng-Kinh khó phát âm, tiếp đến là vì... H'Hen Niê rõ ràng chẳng có tí gì ấn tượng về ngoại hình nếu đặt cạnh Mâu Thuỷ bốc lửa, hay Tuyết Trang, Ngọc Nữ vốn sở hữu vẻ ngoài yêu kiều, tiểu thư đúng chuẩn người Việt mê mẩn. Nếu bảo có ai nhớ mặt H'Hen Niê không cho đến lúc cô nhận vương miện, thì chắc câu trả lời "có" chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cũng bởi, H'Hen Niê sở hữu một vẻ đẹp đi ngược lại với những chuẩn mực mà chúng ta vẫn thường dùng để đánh giá các hoa hậu: Nước da nâu đồng, mái tóc tém ngắn và một gương mặt không xinh đẹp theo kiểu đại chúng. H'Hen Niê hoang dã, mạnh mẽ và rắn rỏi, cái vẻ đẹp mà trước giờ chưa một cuộc thi hoa hậu nào ở Việt Nam tôn vinh. Một vẻ đẹp mà nếu ra ngoài, ta cũng sẽ gật gù khen rồi nói "đẹp lạ", chứ chẳng ai bảo cô sẽ đăng quang một cuộc thi hoa hậu bao giờ. Thế mà, cô đã đăng quang thật!
Nhưng đăng quang rồi thì sao, H'Hen Niê ngay lập tức bị những người vốn mang trong mình những tiêu chuẩn về cái đẹp "chuẩn mực" của hoa hậu Việt ào tới công kích. Chê xấu, thôi được - hoa hậu nào cũng bị chê xấu. Nhưng lý do họ chê H'Hen Niê xấu là vì nước da nâu, mái tóc tém ngắn thiếu nữ tính, gương mặt quá hoang dã, quá "dân tộc" - đã thể hiện sự hẹp hòi trong cách chấp nhận những vẻ đẹp riêng của mỗi người.
Đồng ý là da trắng đẹp, nhưng da nâu là đại diện cho vẻ đẹp khoẻ mạnh, cho những cô gái lớn lên giữa nắng nôi, núi rừng, họ có quyền "đẹp" vì nước da đó. Chưa kể, phần đông con gái Việt Nam lớn lên giữa nông thôn, và không phải ai cũng may mắn sở hữu nước da ngọc ngà trắng bóc, vậy chẳng lẽ tất cả những cô gái Việt Nam sở hữu nước da ngăm đen ấy - không xứng đáng được gọi là đẹp, được quyền mơ về một vương miện, và được quyền tự hào khi chiếc vương miện ấy dành cho mình?
Đồng ý là tóc dài đẹp, cằm V-line đẹp, mũi cao S-line đẹp, nhưng chẳng lẽ, một cô gái tóc ngắn hiện đại, cá tính, với một nụ cười rạng rỡ không lúc nào tắt trên môi, một cô gái đại diện cho vẻ đẹp dân tộc hào sảng, khí khái - không xứng đáng được trở thành hoa hậu, chỉ vì những đường nét trên gương mặt ấy không tiệm cận với cái gọi là tiêu chuẩn chung? Chẳng lẽ, chỉ vì đẹp một kiểu riêng biệt, nên một cô gái không thể lên ngôi hoa hậu vì không xinh đẹp theo kiểu của hàng trăm, hàng nghìn cô gái khác?
Đúng là H'Hen Niê không sở hữu nước da trắng bóc như tiêu chuẩn của đông đảo con gái Việt Nam trong suốt những năm gần đây, hay H'Hen Niê cũng không có chiếc cằm V-line mà một thời các cô nàng đổ xô đi bơm mặt, đi gọt hàm để có được. Nhưng nước da ngăm đen ấy là đại diện của một vẻ đẹp khoẻ mạnh, là kết tinh từ nắng gió cao nguyên, là nét đặc trưng của một cô gái dân tộc. Gương mặt của H'Hen Niê luôn rạng rỡ và không bao giờ tắt nụ cười. Mái tóc tém khoẻ khoắn, đại diện cho một cô nàng hiện đại, tự tin. Một hình mẫu tuyệt đẹp cho phần đông con gái bây giờ: Hãy cứ đẹp theo kiểu của chính mình và hãnh diện với những gì mình có.
H'Hen Niê không đạt được tiêu chuẩn nào của một vẻ đẹp chung, nhưng cô lại có một nét đẹp riêng không thể trộn lẫn. Và đó mới là điều khiến H'Hen Niê có thể kiêu hãnh nhận chiếc vương miện của mình mà không phải cúi đầu trước bất cứ lời nhục mạ nào.
Lần đầu tiên, vương miện đại diện cho sự đa dạng ngoại hình, đa dạng sắc tộc
H'Hen Niê xứng đáng có được chiếc vương miện Hoa hậu hoàn vũ không chỉ vì cô đẹp, hay cô đã có màn thể hiện xuất sắc trong đêm chung kết. Mà còn bởi, chúng ta đang cần nhiều hơn những hình mẫu đại diện cho các vẻ đẹp khác biệt, và những xuất thân đặc biệt.
Một trong số nhiều những ý kiến tiêu cực về H'Hen Niê suốt ngày qua là một đoạn chia sẻ rất dài của một cư dân mạng nọ. Anh này sử dụng những từ ngữ cay độc nhất, dùng lối so sánh sỗ sàng và thiếu văn hoá nhất để nói về không chỉ ngoại hình của H'Hen Niê, mà còn là xuất thân của cô ở một vùng cao nguyên hoang vắng.
Dĩ nhiên, lời bình phẩm xấu xí này đã vấp phải không biết bao nhiêu sự phản đối và lên án của cư dân mạng. Thế nhưng, thật khó tưởng tượng được đến bây giờ - vẫn còn cái suy nghĩ cho rằng một cô gái đến từ buôn làng xa xôi không đủ phẩm chất để đội lên trán chiếc vương miện hoa hậu. Nhìn vào nụ cười hào sảng, nhìn vào sự nỗ lực, nhìn vào cách gia đình H'Hen Niê chân chất sống và lao động, chắc chắn - H'Hen Niê hoàn toàn xứng đáng nhận chiếc vương miện Hoa hậu hoàn vũ ấy như một minh chứng cho sắc đẹp và phẩm giá của mình.
Lần đầu tiên, Việt Nam có một hoa hậu trong một cuộc thi danh tiếng, đẳng cấp - là một cô gái người dân tộc thiểu số, một vẻ đẹp người Ê Đê. Đó là một lựa chọn khiến chúng ta bất ngờ, và thích thú. Bởi đúng, chẳng ai mặc định hay bắt buộc một hoa hậu phải là người Kinh, chẳng có luật lệ nào như thế. Và rằng những cuộc thi hoa hậu xuất hiện để chúng ta biết nhiều hơn về những vẻ đẹp trên khắp đất nước này, để biết thêm về văn hoá, về đa dạng vùng miền, đa dạng sắc tộc. Một cô gái dân tộc thiểu số xa xôi vẫn có thể chinh phục ước mơ trở thành người đẹp nhất, một xuất phát thấp điểm không làm ngăn hành trình nghìn bước chân chạm tay vào vương miện Hoa hậu lấp lánh kia.
Chẳng có gì đẹp hơn hình ảnh một cô gái Ê Đê như H'Hen Niê bật khóc vì hạnh phúc khi nhận chiếc vương miện danh giá trên bục vinh quang. Chẳng có gì thể hiện sự đa dạng sắc tộc, đa dạng vẻ đẹp của con người Việt Nam hơn khi H'Hen Niê tự tin toả sáng khi đứng bên cạnh Mâu Thuỷ, Hoàng Thuỳ và những cô gái khác đến từ mọi miền đất nước. Một cuộc đăng quang đầy nhân văn, một bước tiến dài thể hiện lối suy nghĩ hiện đại, trìu mến của những thành viên BGK, một hình ảnh đẹp của sự đoàn kết dân tộc.
H'Hen Niê đã đi một con đường rất xa để có thể chạm đến cái đích ngày hôm nay, và cô ấy có quyền tự hào vì những gì mình đã làm được không chỉ dành cho riêng bản thân cô, mà còn là một ánh sáng hy vọng cho rất nhiều cô gái trẻ khác đến từ mọi vùng miền, mọi dân tộc trên khắp dải đất chữ S này. Từ hôm nay, các cô gái trẻ có thêm một hình mẫu tươi mới để nhìn vào, các bé gái có thể thấy một cô nàng da ngăm, tóc ngắn vẫn có thể trở thành hoa hậu. Và sau này, cái tiêu chuẩn vô hình về một vẻ đẹp chung sẽ dần nhường chỗ cho những suy nghĩ về các vẻ đẹp khác biệt. Và chúng ta sẽ dần trân trọng hơn những cái gọi là nét riêng của mỗi con người.
Là Hoa hậu thì phải mặc nhiên chấp nhận tổn thương?
Trong số những bài viết cho rằng chiến thắng của H'Hen Niê là không xứng đáng, quan điểm của một dân mạng thu hút sự chú ý hơn cả khi dùng những từ ngữ có phần phản cảm để nói về làn da H'Hen Niê. Người này khẳng định việc H'Hen Niê trở thành Hoa hậu đồng nghĩa với việc cô chấp nhận sự phán xét, chấp nhận hứng chịu hàng loạt bão tố từ dư luận. Nói cách khác, dân mạng trên và bộ phận những người phản đối H'Hen Niê có quyền chê bai vì H'Hen Niê giờ đây đã là "người của công chúng". Mà là "người của công chúng" thì công chúng không sai khi góp ý, dù sự góp ý này có dữ dội đến mức nào.
Nhưng trước tiên, chúng ta hãy rạch ròi giữ "góp ý" và "miệt thị". Rõ ràng, hàng loạt những phép so sánh xấu xí nhất đã được người này đưa ra nhằm hạ thấp xuất thân và ngoại hình của H'Hen Niê - thì đó không thể gọi là góp ý, mà là đó là nhục mạ công khai.
Chúng ta sinh ra với những đặc điểm ngoại hình riêng, và không ai trong chúng ta đáng bị người khác dùng những tiêu chuẩn chung để đánh giá. Có người mũi tẹt, có người da ngăm, có người lại trắng bóc, cũng có những người chân vòng kiềng và trời ạ, làm sao đếm hết được số người có mắt một mí? Không phải ở nơi nào cũng mê cằm V-line, cũng không phải ở bất cứ đâu người ta cũng chuộng một làn da trắng. Tiêu chuẩn cái đẹp của từng thời mỗi khác nhau và bất cứ khi nào bạn nói rằng một người đẹp là phải gầy mảnh khảnh, hãy nhớ đến một thời Phục hưng nơi phụ nữ mũm mĩm mới là trang tuyệt sắc!
Là hoa hậu, đồng nghĩa với những trách nhiệm của một người đại diện cho vẻ đẹp của hàng triệu phụ nữ khác. Nhưng là hoa hậu, họ cũng là con người, cũng là một phụ nữ, họ cũng có những cảm xúc, những giấc mơ, những cố gắng và nỗ lực riêng. H'Hen Niê đã đi một chặng đường đủ dài để thể hiện mình xứng đáng với những gì đang có, vậy nên cô càng không đáng bị nhận những lời xúc phạm tới gia đình, tới nhân phẩm, tới vẻ ngoài.
Đừng nói là một hoa hậu khi đã bước vào cuộc thi sắc đẹp là sẽ phải nhận những phán xét về ngoại hình, và điều đó là "cái giá phải trả" cho danh tiếng của họ. Không, không một cô gái nào đáng bị lôi ra và sử dụng những từ ngữ lăng mạ để hạ thấp nhân phẩm. Không một cô gái nào đáng bị lôi những đặc điểm ngoại hình của mình ra để chê bai, mai mỉa. Và cũng không một cô gái nào đáng bị lấy xuất thân, quê hương của mình ra để người khác chà đạp và chế giễu.
Kết
H'Hen Niê có xứng đáng với ngôi vị Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 hay không? Đó là một câu hỏi mà chúng ta không thể trả lời ngay lập tức. Câu trả lời cho nó cần thời gian, cần sự nỗ lực, cần những cố gắng của H'Hen Niê trong suốt chặng đường dài tiếp theo. Nhưng, ở thời điểm hiện tại, H'Hen Niê có thể tự hào về những gì đã làm được, và dũng cảm nghoảnh mặt khỏi những lời chế nhạo cay nghiệt kia. Cô xứng đáng nhận được sự trân trọng và tình yêu thương của khán giả, vì đã là một cô gái tuyệt vời, một "ngoại lệ" khiến cho tất cả chúng ta phải yêu mến, vì đã không phải là một hoa hậu "da trắng, mặt V-line" như bấy lâu nay ta vẫn tìm kiếm.
Theo Trí Thức Trẻ
H'Hen Niê: Từ cô giúp việc không rành Tiếng Việt đến Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 Hai lần phỏng vấn H'Hen Niê đều cảm nhận rõ sự chân thành, mộc mạc của một người con Ê-Đê với những trăn trở không ngừng về đồng bào mình và những giấc mộng được truyền cảm hứng, giúp đỡ và phát triển vùng đất quê hương mình sinh ra và lớn lên. Lần đầu tiên SAOstar phỏng vấn H'Hen Niê khi cô...