Khi giới trẻ dám nghĩ và biết làm
Khó có thể hình dung trong vô số các nhà khoa học, chuyên gia tên tuổi lại có sự góp mặt của gương mặt 8X trong đội ngũ những nhà “kiến thiết” cho sự đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục sau năm 2015. “Chờ đợi thay đổi hay là chính mình làm nên những thay đổi?” – TS Chu Cẩm Thơ, nói về quyết tâm theo đuổi của chị với mong muốn đem lại luồng gió mới cho nền giáo dục nước nhà.
Một giờ học tương tác, phát huy khả năng sáng tạo tại trường PTTH Kim Liên, Hà Nội.
Ảnh: Phú Khánh
Từ điểm 10 về đề tài “bất thường”
- Chị vừa đưa ra một sản phẩm giáo dục khá hấp dẫn với tuyên bố giúp trẻ không sợ hãi hay không trở thành nô lệ toán. Sản phẩm này đã nhận được phản hồi như thế nào?
- Tôi vừa nhận được điện thoại của phụ trách trung tâm, thông báo có một học sinh từ Thái Nguyên, đến đăng ký kiểm tra và học tại trung tâm POMath của chúng tôi. Tôi rất xúc động. Ngay từ những ngày đầu, khi còn đang thực nghiệm, tôi đã không khỏi lo lắng vì liệu rằng có ai sẽ nhận lời học “thử” chương trình của tôi hay không vì “Học Toán để phát triển tư duy” không phải là sản phẩm quá mới ở Việt Nam, hơn nữa nó lại được một người Việt trẻ như tôi xây dựng? Đến nay dù thời gian chưa dài nhưng đại đa số phản ánh của phụ huynh là con họ có những thay đổi như tự giác học, cách trả lời gãy gọn, thay đổi cách suy nghĩ, tư duy. Điều này cho tôi bắt đầu cảm thấy tự tin trước sự đón nhận của phụ huynh. Với trẻ con điều quan trọng nhất là thích học, học hấp dẫn, học bằng chính bản thân chứ không phải là nhồi nhét, cưỡng ép phải học.
Video đang HOT
- Chị nói là sản phẩm này không mới và lo là người Việt trẻ như chị viết liệu có được tiếp nhận. Lo lắng này là từ nguyên do nào?
- Tôi đã có hơn 10 năm nghiên cứu những vấn đề liên quan, trong đó có sản phẩm POMath. POMath được quyết tâm hình thành sau những lần tôi được mời tư vấn và đại diện tiếp nhận một số sản phẩm giáo dục từ nước ngoài về Việt Nam. Tuy nhiên, tôi lo ngại về chuyên môn và tính phù hợp với người Việt của những sản phẩm này và nhất là nếu những người thiếu hiểu biết về giáo dục triển khai thì nó sẽ như thế nào? Tôi đã dành 2 năm để viết lại từ những nghiên cứu của mình ứng dụng vào POMath.
- 10 năm để theo đuổi một đề tài có vẻ như là một sự đầu tư lớn về thời gian, công sức?
- Tôi đã theo đuổi một quãng thời gian dài bởi đây là một hướng nghiên cứu chứ không chỉ là một đề tài. Và phải nói từ nguồn gốc theo đuổi là bối cảnh gia đình tôi. Cả gia đình, họ hàng tôi đều theo ngành sư phạm. Tôi đã bắt đầu “dạy học” từ lớp 7 khi có những anh chị học sinh của mẹ nghe giảng nhưng không hiểu thì ra hỏi bài tôi và đổi lại là làm giúp tôi những công việc hàng ngày như đan lưới, làm bao… Đáng nhẽ tôi không thi sư phạm vì chỉ thích luật hay triết. Tuy nhiên tôi chỉ đạt Á khoa đầu vào ĐH Luật nên không được học bổng du học và bố mẹ khuyên sang học sư phạm. Học sư phạm thì suy nghĩ của tôi là dạy cái gì chứ và như thế nào, không chỉ giống như cái mình đã được học. Đề tài nghiên cứu thời sinh viên của tôi (2002) đã khác biệt, tôi bước đầu nghiên cứu cấu trúc năng lực toán của học sinh, một đề tài này thiên về tâm lý hơn là chuyên ngành Toán. Tôi đã bảo vệ khóa luận đến gần 2 tiếng trong khi các bạn chỉ làm 20 phút bởi tranh luận trước nhận xét đề tài “hão huyền”. Kết quả là điểm 10 cho một đề tài “bất thường”. Từ đó đến nay tôi say sưa với phương pháp kích thích tư duy, giúp trẻ không chỉ giải bài toán mà biết cách biểu đạt tư tuy, giúp người học tổ chức cách học cho hợp lý.
- Chị đang rất bận với nhiều vai trò, vừa là giảng viên ĐH, vừa là giám đốc đào tạo của một chương trình dạy toán cho trẻ em và là thành viên của nhóm nghiên cứu giúp việc cho Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình (CT) và sách giáo khoa (SGK) phổ thông sau năm 2015. Những công việc này hỗ trợ cho nhau như thế nào?
- Với vị trí công tác hiện nay tôi đóng 3 vai. Bản thân vẫn tham gia dạy học phổ thông, tham gia đào tạo giáo viên và tham gia nghiên cứu giáo dục. Hiểu biết của tôi không chỉ là kinh nghiệm riêng bản thân mà tích lũy từ nhiều nguồn khác. Việc tham gia vào nhóm nghiên cứu giúp việc cho Ban Chỉ đạo đổi mới CT và SGK phổ thông sau năm 2015 là một vinh dự lớn đối với tôi, đòi hỏi chúng tôi có tính thực tiễn để giải quyết những vấn đề của thực tại nhưng phải dự trù cái sắp đến đòi hỏi cơ sở lý luận vững chắc. Ở vị trí của tôi, tôi hy vọng mình có thể tổng hợp hài hòa để đáp ứng được yêu cầu này.
Đến những tham vọng lớn
- Chị có ý định đưa sản phẩm POMath của mình vào trường học công lập nếu được đề nghị?
- POMath trong quá trình hơn 10 năm nghiên cứu không phải là sản phẩm để kinh doanh, đây là chương trình dạy hướng cá nhân. Tôi đã từng được các thầy của mình khuyên chuyển sản phẩm này thành đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và được trả ngân sách với tiền tỷ cho dự án này. Nếu làm như vậy thì sẽ được nhiều tiền nhưng tôi sợ đề tài sẽ bị bỏ đấy. Với thực tế một giáo viên phải dạy 50-60 trò trong trường công lập thì
POMath sẽ không phát huy hiệu quả. Cách tôi muốn là dùng POMath như áp lực từ bên ngoài tác động trở lại các chương trình chính thống. Những nhà soạn thảo CT và SGK có thể so sánh bên ngoài người học đang cần gì thì trong trường học có nên thay đổi để đáp ứng? Với bản thân tôi cũng muốn tự mình tạo ra môi trường vừa để nghiên cứu có thể triển khai vừa để so sánh để biết muốn thích nghi với môi trường bên ngoài phải làm như thế nào cho tốt. Từ đó có thể chuẩn bị những gì lớn hơn.
- Chị đang thông báo tuyển sinh lớp năng khiếu miễn phí? Đây là dự án cho tương lai hay một cách marketing?
- Làm giáo dục thì công cụ marketing tốt nhất là chất lượng và chuyên môn. Lớp học này là một yêu cầu có phần “lãng mạn” của tôi, tôi đã phải thuyết phục cộng sự của mình, bởi trên khía cạnh một nhà kinh doanh nó không đem lại hiệu quả tài chính. Tôi và các thầy đang tranh luận, lo lắng với hình thức đào tạo hiện nay sẽ thui chột nhân tài. Tôi muốn mở một lớp để có minh chứng rằng phải thay đổi cách dạy cho người có năng khiếu. Nếu chỉ là giải bài toán khó, như vậy sẽ chỉ có những người đi thi Olympic giỏi thôi chứ không đào tạo ra những người thích toán, nghiên cứu toán cũng như lĩnh vực khác. Quan điểm này tiệm cận với quan điểm hiện đại của thế giới. Bồi dưỡng năng lực khác với quá trình luyện kỹ năng. Hiện Việt Nam mới chọn học sinh giỏi là những bạn có khả năng giải những bài toán khó nhưng chưa tìm được học sinh hiểu biết thực sự, say mê nghiên cứu, đam mê dấn thân. Tôi muốn tổ chức khóa học để thỏa chí với việc áp dụng cách dạy với những đối tượng muốn học thực sự mà không bị áp lực bởi thi cử như trước nay mình vẫn phải làm. Tôi thực sự rất háo hức với khóa học này. Hy vọng là sau khóa học này, học sinh có tài năng sẽ được tiếp thêm say mê, thực sự thoát ly được cách học hiện nay và dũng cảm có cái tôi của mình.
- Điều này phải chăng là lấy từ kinh nghiệm bản thân mình?
- Đúng vậy, kinh nghiệm lấy từ bản thân tôi. Từ khi học phổ thông tôi có say mê nên thầy cô tạo điều kiện hết sức. Các môn phụ ở cấp 3, thầy cô chấp nhận cho tôi kiểm tra vấn đáp, cả 3 năm cấp 3 chỉ có một quyển vở cho ghi chung Giáo dục công dân, Địa, Sử… Cái gì hay thì ghi, thầy cô không bắt lỗi, chỉ yêu cầu trả lời được sẽ cho điểm cao. Với phong cách học đấy thì mình thích ứng được với nhiều môi trường nên tôi muốn con trẻ cũng được như vậy. Và muốn như vậy phải khát khao thực sự, phải có niềm say mê.
- Vậy sắp tới những dự định tiếp theo của chị là gì?
- Tôi có rất nhiều kế hoạch. Với mong muốn được đóng góp, tôi nghĩ chính mình chứ không phải chờ đợi vào ai cần tạo ra những đổi mới từ những việc rất cụ thể. Tôi đã hứa với các thầy nghiên cứu để có một bộ công cụ đánh giá khách quan, qua đó học sinh sẽ tự đánh giá biết mình tiến bộ như thế nào. Còn giáo viên cũng có một bộ đánh giá sự trưởng thành về phương pháp giảng dạy để tự điều chỉnh chứ không phải chỉ được đánh giá một cách cảm tính như kiểu dự giờ hiện nay. Tôi cũng đang ấp ủ cho ra đời những cuốn sách giúp giáo viên, phụ huynh tiếp cận phương pháp giáo dục phát triển tư duy, năng lực người học, những cuốn sách tham khảo, giải trí chẳng hạn bộ chơi với toán dành cho trẻ em để biến việc học Toán trở nên hấp dẫn, dễ thực hiện với mọi người. Còn riêng với POMath, tôi và nhóm nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện chương trình cho trẻ đến 15 tuổi.
Theo ANTD
Môn Sử vẫn có sức hấp dẫn
Ngày 10-1 Hội Những người đồng ý đổi mới phương pháp học lịch sử-Dương Tố Đào đã chính thức gia nhập cộng đồng qua Facebook, hiệu ứng từ trăm nghìn lượt truy cập vào clip "Việt Nam, hình hài một chữ S". Điều này một lần nữa cho thấy trái ngược với xu hướng thờ ơ với môn Lịch sử trong trường học, giới trẻ rất quan tâm và mong chờ cách tiếp cận mới với kho dữ liệu về lịch sử dân tộc Việt.
"12 năm học sử không bằng 10 phút xem clip"
Đây là lời chia sẻ của một trong những người được xem clip "Việt Nam, hình hài một chữ S" với tác giả Dương Tố Đào, ĐH Công nghệ Sài Gòn. Dành toàn bộ 3 tháng làm đồ án tốt nghiệp để tập trung vào đề tài kết hợp lịch sử Việt Nam với ngôn ngữ đồ họa infographic nói về cương vực lãnh thổ Việt Nam, Dương Tố Đào chia sẻ, đi đôi với tiến trình phát triển, thay đổi cương vực của lãnh thổ đất nước là những sự kiện, cột mốc liên quan đến nó. Từ đó người xem sẽ có một cái nhìn cơ bản về kiến thức Lịch sử Việt Nam thông qua một chuỗi xâu kết xuyên suốt đó là "cương vực lãnh thổ". Dương Tố Đào cho biết, mong muốn khi làm đề tài này của cô là để người xem thấy được, tuy đất nước ta có diện tích nhỏ bé nhưng để có được và giữ được nó lại là cả một quá trình vô cùng gian nan, vất vả.
Hiệu quả có lẽ đã vượt quá trông đợi của Dương Tố Đào khi đồ án của cô được bảo vệ thành công và nhận được sự hưởng ứng lan truyền mạnh trên cộng đồng mạng chỉ sau 4 ngày clip được đưa lên Youtube. "12 năm mài ghế nhà trường cũng không bằng 9 phút ngồi xem clip... Tuyệt vời!!! Lịch sử dạy chúng ta cách để yêu nước, ấn tượng nhất khúc thời gian chiến tranh gần gấp đôi thời gian hòa bình và chúng ta cần phải làm gì để giữ gìn, bảo vệ và phát triển đất nước."... liên tục các ý kiến như vậy được độc giả chia sẻ với tác giả trên trang thông tin cá nhân của Dương Tố Đào. Trong số đó, có cả ý kiến của những giáo viên chuyên môn khi khẳng định dù bản thân dạy học được 10 năm nhưng phải cố gắng học theo cách làm của tác giả để truyền tải kiến thức đến học sinh một cách đơn giản và hiệu quả hơn.
Học Lịch sử: thích rồi lại quên ngay
Trước sự hưởng ứng và mong muốn của nhiều bạn đọc về việc cần thiết phải có sự đổi mới phương pháp dạy và học môn Lịch sử - cô Nguyễn Ánh Vân, giáo viên dạy Lịch sử THCS ở Hà Nội khẳng định "Rõ ràng là việc áp dụng công nghệ thông tin, đưa hình ảnh vào bài giảng môn Lịch sử thường gây được nhiều hào hứng cho học sinh khi vốn dĩ môn này không được học sinh, phụ huynh coi trọng". Tuy nhiên, cô Vân cho rằng, các bài giảng có đầu tư như vậy không thể tiến hành thường xuyên vì điều kiện cơ sở vật chất các trường học không thể đáp ứng được.
Nguyễn Hoàng Mi, học sinh chuyên Sử, trường THPT Chu Văn An cho biết, em đã xem clip này và thấy nội dung thể hiện khá hấp dẫn. "Vì là dân chuyên nên chúng em ở trường sẽ có hai chương trình song song. Một là học theo đúng chương trình sách giáo khoa phổ thông, hai là học theo các chuyên đề được soạn riêng cho khối chuyên. Điều này cho thấy sự khác biệt lớn giữa một bên chỉ là dạy và học theo đúng sách giáo khoa và một bên là sự đầu tư công sức của thầy cô, đưa các trang thiết bị thông tin vào giáo án được soạn theo cách thức hoàn toàn khác để giúp học sinh hiểu, nhớ và yêu thích bộ môn này" - Nguyễn Hoàng Mi chia sẻ.
Bên cạnh đó, cô Nguyễn Ánh Vân cho rằng, đổi mới phương pháp dạy học cũng không thể đem lại hiệu quả như mong muốn bởi theo giáo viên này, chương trình và sách giáo khoa Lịch sử dù có đổi mới nhưng vẫn chưa thực sự đem lại hứng thú cho học sinh. Cũng chính vì vậy, việc có đưa nhiều tranh ảnh hay phim, truyện vào cho học sinh thì các em cũng chỉ hào hứng, thích thú được một thời gian rồi gần như lại mất hết kiến thức với những nội dung học như hiện tại.
Theo ANTD
Hơn 500 sinh viên đạt giải thưởng "Tài năng khoa học trẻ Việt Nam" Sáng 5/1, tại TP Biên Hòa, Đồng Nai, Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Đại học Lạc Hồng - Đồng Nai tổ chức lễ trao giải thưởng "Tài năng khoa học trẻ Việt Nam" năm 2012 cho 546 sinh viên. Trong số đó có 26 sinh viên đạt giải Nhất; 37 sinh viên đạt giải Nhì; 443 sinh viên đạt giải Ba và giải...