Khi giáo viên chống tiêu cực, hiệu trưởng thường có đấu pháp gì?
Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng muốn trù dập ai cũng chẳng khó khăn gì. Do, Ban giám hiệu có khá nhiều quyền trong tay còn giáo viên luôn luôn là người bị động.
Câu chuyện về cô giáo Nguyễn Thị Tuất trường Tiểu học Sài Sơn B vẫn đang thu hút sự quan tâm của dư luận giáo giới cả nước, đúng sai thế nào cần chờ kết luận thanh tra.
Ở đây người viết muốn chia sẻ với các bạn đồng nghiệp làm sao tránh rơi vào tình trạng như vậy khi muốn chống tiêu cực trong giáo dục và tại chính ngôi trường mình dạy.
Một thực tế là, trước khi đấu tranh chống tiêu cực, cô giáo Tuất là một giáo viên giỏi, là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 6 năm liền. Sau khi chống tiêu cực, trong cách đánh giá của lãnh đạo, cô bỗng chốc biến thành một giáo viên yếu chuyên môn, kém kỹ năng, tư cách phẩm chất có vấn đề.
Muốn bắt lỗi giáo viên đứng lớp thì nhà trường sẽ có muôn vàn cách (Ảnh minh hoạ: AN)
Hiện nay, nội dung tố cáo của cô giáo Tuất vẫn đang được thanh tra cùng với cả phản ánh về cô Tuất. Tuy nhiên theo người viết, dù có đưa ra những nguyên nhân như có bàn tay sắp xếp từ người lớn nên những đứa trẻ có hành vi chống đối, không chịu học thì việc cấp trên đã đánh giá kết quả giảng dạy của cô (giấy trắng mực đen) nên cô cũng không thể phủ nhận.
Bất lợi cho cô là những phát biểu của một số phụ huynh, của một số học sinh nói về việc dạy của cô trên lớp.
Dù người trong ngành, nhất là đồng nghiệp dạy tiểu học ai cũng hiểu để dẫn đến tình trạng chất lượng giảng dạy của cô chưa đạt là do việc phân công chuyên môn chưa hợp lý. Nhưng ban giám hiệu nhà trường lại có quyền phân công chuyên môn ở trường học, chẳng ai có thể chối cãi được.
Tình ngay lý gian là ở chỗ đấy.
Người viết tin chắc có không ít đồng nghiệp xót xa cho hình ảnh một giáo viên giỏi bỗng chốc trở nên yếu kém. Bởi thế, nhiều người đặt câu hỏi công đoàn, đồng nghiệp của cô ở đâu mà để sự việc này kéo dài dai dẳng đến thế?
Công đoàn thì cũng là giáo viên
Khi bất kỳ sự việc tiêu cực nào ở trường xảy ra, người ta đều đặt câu hỏi: Công đoàn cơ sở ở đâu?
Thành viên công đoàn cơ sở cũng chỉ là giáo viên có chức danh kiêm nhiệm tuần vài tiết giảm trừ. Nhiệm vụ chính của công đoàn viên vẫn là giảng dạy. Vì vậy, công đoàn viên khó mà dám đấu tranh bảo vệ giáo viên vì vẫn lo cho bản thân mình bị trù dập, nếu không muốn nói là không thể.
Đã có giáo viên kiêm chủ tịch công đoàn cũng bị hiệu trưởng gây áp lực do đứng ra đấu tranh, do đứng ra bảo vệ công đoàn viên. Bởi thế, giáo viên nào dũng cảm tố cáo tiêu cũng cũng đã tính trước mình bị cô lập giữa một tập thể.
Giáo viên chống tiêu cực ở trường luôn bị cô độc
Dù rất buồn nhưng vẫn phải thừa nhận rằng trong môi trường giáo dục mọi người có thể giúp đỡ nhau lúc khó khăn, cưu mang nhau khi gặp hoạn nạn, chia sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống.
Dù thế, khi bạn đã bị nhà trường chiếu tướng, để ý thậm chí trù dập một cách lộ liễu thì cũng chỉ mỗi mình bạn chịu đựng, đương đầu chứ rất ít người dám công khai đứng về phía bạn.
Cô giáo H. (đề nghị giấu tên) cho biết: “Bình thường thì có rất nhiều thầy cô giáo ủng hộ việc làm của mình (tố cáo tiêu cực) nhưng khi cần họ lên tiếng sẽ chẳng có ai dám phát biểu, chẳng ai đứng ra bảo vệ mình nên thấy vô cùng đơn độc”.
Thầy giáo D. (đề nghị giấu tên) cũng đồng quan điểm. Thầy D. nói rằng , nếu ở bên lề sẽ có rất nhiều thầy cô lên tiếng. Tuy nhiên khi vào cuộc họp gần như chẳng có một ai có ý kiến gì.
Video đang HOT
Chúng tôi đã có nhiều cuộc trò chuyện cùng đồng nghiệp, chính họ cũng thừa nhận mình hèn, mình ích kỷ khi không bảo vệ đồng nghiệp trong cuộc đấu tranh mà bản thân họ thấy đồng nghiệp mình đúng.
Có người nói thẳng, vì gia đình, vì cuộc sống nên phải hành động vậy thôi vì tấm gương bao đồng nghiệp đi trước cũng vì đấu tranh nên rước bao phaieenf toái vào thân.
Những giáo viên chống tiêu cực, họ là ai?
Phải thừa nhận một điều, những giáo viên chống tiêu cực trong các trường học, họ thường là giáo viên có tay nghề chuyên môn vững vàng, gương mẫu trong mọi hoạt động và là người thẳng tính, ghét sự nịnh bợ.
Do có chuyên môn nên chính họ cũng có suy nghĩ mình cứ làm thật tốt nhiệm vụ của bản thân thì sợ gì bị trù dập?.
Tuy thế thực tế xung quanh người viết nhận thấy cấp trên đã muốn bắt lỗi ai, muốn giáo viên nào không hoàn thành nhiệm vụ cũng chẳng khó khăn gì.
Cùng với đó, giáo viên chống tiêu cực do đấu tranh lẻ loi, đơn độc những giáo viên này cũng gặp bao rắc rối, phiền toái.
Trong môi trường giáo dục, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng muốn trù dập ai cũng chẳng khó khăn gì. Do ban giám hiệu có khá nhiều quyền trong tay còn giáo viên luôn là người bị động và cô độc.
Chỉ cần bị họ khép vào tội vi phạm quy chế chuyên môn thì xem như những thầy cô giáo ấy sẽ bị xếp loại hoàn thành hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.
Đột giờ xuất dự giờ, bất thình lình kiểm tra hồ sơ
Đã có hiệu trưởng liên tục vào dự giờ đột xuất mà dù giáo viên có dạy tốt đến đâu nhưng họ đã muốn soi thì cũng chẳng thể thoát.
Xếp loại tiết dạy thì có muôn vàn lý do để bắt như dạy quá thời gian (còn gọi là cháy giáo án), chưa bao quát lớp, đặt câu hỏi khó hiểu, chưa có câu hỏi nâng mức, sử dụng đồ dùng chưa hiệu quả…
Hay như việc kiểm tra hồ sơ sổ sách bất ngờ. Theo quy định, giáo viên lên lớp phải có giáo án. Tuy nhiên, có mấy ai nhìn giáo án để dạy? Vì thế giáo án thường để ở nhà chờ lúc kiểm tra mang nộp. Vì thế, nhà trường kiểm tra bất ngờ sẽ có nhiều thầy cô giáo dính “chưởng” cũng là điều dễ hiểu.
Và thế là, những thầy cô giáo đang trong “tầm ngắm” của Ban giám hiệu sẽ bị ghi biên bản không có giáo án lên lớp. Nói nhẹ cũng rất nhẹ nhưng đã bị soi thì lỗi này sẽ rất nặng.
Không bố trí chủ nhiệm lớp hoặc phân công dạy nhiều khối lớp
Với học sinh tiểu học, giáo viên nào cũng muốn là giáo viên chủ nhiệm lớp. Nếu là giáo viên không chủ nhiệm phải dạy nhiều lớp, soạn giáo án nhiều môn lại không thể dạy thêm (nếu muốn). Vì thế, nhiều thầy cô giáo luôn mong muốn mình được làm công tác chủ nhiệm.
Luân chuyển đi xa
Đáng sợ nhất với nhiều thầy cô giáo là việc bị luân chuyển đi xa. Thường thì khi trong nhà trường xảy ra chuyện giáo viên tố cáo hiệu trưởng phần lớn người phải chuyển trường lại là giáo viên. Có người bị luân chuyển đi khá xa nhà.
Đã thế, nơi chuyển về cũng chẳng thuận lợi gì vì hiệu trưởng mới đã kịp nghe hiệu trưởng trường cũ phản ánh bằng những điều bất lợi. Nếu những giáo viên này thật sự giỏi, nếu hiệu trưởng mới là người có năng lực quản lý, là người có phẩm chất đạo đức thì những thầy cô giáo ấy vẫn có cơ hội được trọng dụng (tuy phải có thời gian).
Bằng không, họ mãi mãi sẽ bị liệt vào nhóm cần đề phòng của nhiều hiệu trưởng trong vùng.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Không phải cứ đạt Chiến sĩ thi đua chắc chắn là giáo viên giỏi
Một thực trạng đáng buồn, không ít giáo viên được mặc định trước danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở ngay từ đầu năm.
Vụ việc cô giáo Nguyễn Thị Tuất ở Trường Tiểu học Sài Sơn B huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận xã hội, nhất là giáo giới cả nước.
Điều khiến người viết cũng như nhiều nhà giáo khác cảm thấy kỳ lạ trong vụ việc của cô Tuất là vì sao một giáo viên 6 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, bỗng chốc lại bị đánh giá là giáo viên yếu kém nhiều mặt?
Với người ngoài ngành, ắt hẳn sẽ có băn khoăn, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở đối với nhà giáo dễ hay khó? Các nhà giáo thuần túy làm công tác chuyên môn giảng dạy, không có bất kỳ chức vụ quản lý nào, có thể đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua 6 năm liên tục như cô Tuất không?
Chúng tôi không bàn về năng lực thực sự của cô giáo Nguyễn Thị Tuất, mà chỉ xin cung cấp một góc nhìn khác về danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trong lĩnh vực giáo dục, từ thực tiễn công việc mắt thấy, tai nghe.
Là một giáo viên đứng lớp, người viết có thể nói ngay rằng, có những giáo viên suốt cả quãng đời đi dạy cũng chưa bao giờ được đạt được danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, mặc dù bản thân họ rất vững chuyên môn và luôn được phụ huynh yêu mến, tín nhiệm.
Nhưng để chạm tay vào danh hiệu này với họ lại vô cùng khó.
Trong thực tế, có những giáo viên thật sự xuất sắc nhưng chưa bao giờ nhận được danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở (Ảnh có tính chất minh họa, nguồn: Báo Đắc Nông)
Ngược lại, có những giáo viên lại hàng chục năm luôn ẵm danh hiệu này. Thậm chí, năm học mới bắt đầu chưa thấy kết quả nổi trội gì nhưng gần như ai trong trường cũng nghĩ rằng những thầy cô ấy sẽ là Chiến sĩ thi đua trong năm học này.
Nói thế sẽ có người nghĩ rằng, vậy những thầy cô đạt được danh hiệu Chiến sĩ thi đua phải xuất sắc và vượt trội hoặc có những điểm khác biệt hơn so với đồng nghiệp nhiều lắm?
Người ngoài ngành chắc chắn mới đặt câu hỏi như vậy, còn những người trong nghề thì cũng thấy bình thường thôi. Vì sao lại thế? Người viết hy vọng bài viết này sẽ góp lời lý giải giúp bạn đọc tỏ tường.
Cũng phải nói luôn rằng, chúng tôi chỉ phản ánh cái chung hiện nay, tuy nhiên vẫn có những trường học Ban giám hiệu ít màng thành tích tự mình rút khỏi danh sách đăng ký để động viên các thầy cô giáo phấn đấu nên việc xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở khá công bằng.
Giáo viên đạt Chiến sĩ thi đua ở trường là ai?
Thông tư số 12/2012/TT-BGD ĐT ngày 3/12/2012 hướng dẫn thi đua khen thưởng trong ngành giáo dục trước đây quy định mỗi trường danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở với không quá 15% những cá nhân đã được xét và đề nghị danh hiệu Lao động tiên tiến.
Con số 15% này thường rơi vào: hiệu trưởng, hiệu phó, chủ tịch công đoàn, dàn tổ trưởng / tổ phó, thư ký hội đồng... vì đây là (phần lớn) giám khảo và bỏ phiếu cho sáng kiến kinh nghiệm.
Bởi thế, để lọt một giáo viên vào tốp dành danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở là vô cùng khó.
Ví như, một trường học có 20 giáo viên và cán bộ công nhân viên (cứ cho là cả 20 người đều đạt lao động tiên tiến). Nếu chỉ 15% danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở thì nhà trường chỉ có 3 người đạt.
Và, chắc chắn sẽ rơi vào hiệu trưởng, hiệu phó, chủ tịch công đoàn (hoặc 1 tổ trưởng).
Trường có số lượng cán bộ giáo viên, công nhân viên khoảng 40 người thì 15% sẽ có 6 người đạt. Gần như chắc chắn sẽ là hiệu trưởng, hiệu phó, chủ tịch công đoàn, 5 tổ trưởng sẽ trong diện được bình chọn.
Lãnh đạo không ham thành tích cá nhân, Chiến sĩ thi đua cơ sở mới đến lượt giáo viên
Thông tư số 35/2015/TT-BGD ĐT về việc hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục đã sửa đổi bổ sung một số điều của thông tư cũ. Tại Khoản 4, Điều 10: " Tỷ lệ "Chiến sĩ thi đua cơ sở" không quá 15% số cá nhân đạt danh hiệu "Lao động tiên tiến" của đơn vị, trong đó bảo đảm không quá 1/3 là cán bộ quản lý, nếu có số dư thì được làm tròn lên. "
Vậy là, trong trường nếu hiệu trưởng đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở thì hiệu phó sẽ không đạt và ngược lại.
Tuy thế, để một giáo viên lọt vào danh sách này cũng rất khó khăn tùy những trường cả hiệu trưởng và hiệu phó không đăng ký (theo cách nói của một số người là nhường phần cho giáo viên).
Vì thế, các thầy cô mới có cơ hội nhưng cũng chủ yếu tập trung ở dàn giáo viên kiêm nhiệm các chức danh như tổ trưởng, chủ tịch công đoàn, thư ký hội đồng...
Vậy là, những giáo viên chay (chúng tôi gọi là giáo viên không kiêm nhiệm các chức danh) cũng rất khó có cơ hội chạm vào danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Tới đây sẽ có người thắc mắc, nếu là giáo viên giỏi, có năng lực sao lại không được làm tổ trưởng chuyên môn?
Tổ trưởng chuyên môn hiện nay ở nhiều trường học chưa hẳn là giáo viên thật sự có năng lực hơn đồng nghiệp. Bởi, chức danh này thường do hiệu trưởng bổ nhiệm nên có giáo viên cả đời đi dạy cũng không được sếp cất nhắc không phải do năng lực yếu mà do không được lòng cấp trên.
Vậy là sẽ có không ít giáo viên năng lực thua đồng nghiệp nhưng giỏi lấy lòng sếp sẽ được đề bạt làm tổ trưởng chuyên môn. Và như thế, họ sẽ tiến gần hơn với danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Có giáo viên hàng chục năm đạt danh hiệu này cho đến khi hiệu trưởng chuyển trường có hiệu trưởng khác lên.
Nếu hiệu trưởng mới giữ nguyên chức danh đó thì không sao nhưng đổi sang giáo viên khác thì tự nhiên danh hiệu cao quý này cũng tự khắc rời bỏ để đến với người khác cho dù những thầy cô giáo này vẫn dạy và làm việc như thế.
Vậy nên, giáo viên chúng tôi mới nói rằng danh hiệu này vừa dễ mà không dễ và cũng chẳng có gì là to tát lắm trong ngành giáo dục hiện nay.
Có những Chiến sĩ thi đua cơ sở được mặc định ngay từ đầu năm
Ngay từ đầu năm học, chưa biết sự nỗ lực của những thầy cô giáo ấy thế nào nhưng đã có bản danh sách yêu cầu đăng ký danh hiệu. Giáo viên chay ai cũng có suy nghĩ kiểu: "đăng ký làm gì cho mệt, cũng chẳng đến lượt mình đâu".
Vậy là, gần như chỉ những thầy cô giáo nằm trong "bộ khung" đăng ký, và cũng gần như chắc chắn sẽ có một suất cho mình. Bởi, danh hiệu này cấp trên gần như chỉ căn cứ vào danh sách các trường nộp lên và kết quả chấm sáng kiến kinh nghiệm của phòng.
Thế mới có chuyện, có những thầy cô suốt năm học việc dạy học, tham gia các hoạt động cũng bình thường, đôi khi còn thua một số giáo viên khác. Vậy mà, cuối năm vẫn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Đây là thực tế người viết đã và đang chứng kiến, hy vọng điều đáng buồn này sẽ sớm chấm dứt trong môi trường giáo dục.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện câu chuyện, góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Vụ cô giáo tố bị trù dập: Đừng đem con trẻ vào những toan tính của người lớn Trẻ em như tờ giấy trắng, người lớn nói sao thì nghe vậy, làm vậy. Mong lắm vụ cô giáo tố bị trù dập được làm sáng tỏ, để những ai làm sai, làm quấy phải nhận trách nhiệm và hình phạt thích đáng với những hành động của mình... Trước bức xúc trong dư luận về vụ cô giáo tố bị trù...