Khi Đức, Pháp tuyệt vọng tìm đến Nga
Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm qua, 6/2, đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm tìm cách ngăn chặn tình trạng leo thang xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, hy vọng về một bước đột phá là khá mờ nhạt.
Cuộc gặp giữa ba nhà lãnh đạo Nga, Pháp và Đức ở điện Kremlin
Cuộc gặp gỡ vào buổi đêm giữa lãnh đạo của 2 cường quốc hàng đầu Châu Âu với Tổng thống quyền lực của nước Nga được xem như là một nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn chặn cuộc xung đột đẫm máu kéo dài 10 tháng qua ở miền đông Ukraine khỏi việc bùng phát và lan rộng ra bên ngoài biên giới nước này, khi mà Washington đang nhăm nhe ý định cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev.
Tổng thống Putin và hai nhà lãnh đạo Châu Âu đã có cuộc họp kín quanh một chiếc bàn nhỏ trong một phòng họp lộng lẫy ở cung điện Kremlin.
Cuộc đàm phán giữa ba nhà lãnh đạo Nga, Pháp và Đức về sáng kiến hòa bình cho Ukraine đã kết thúc sáng sớm nay (7/2) bằng một thông báo rằng Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko sẽ thảo luận về một đề xuất nhằm chấm dứt cuộc chiến ở miền đông Ukraine trong một cuộc điện đàm 4 bên vào ngày mai (8/2).
Cuộc điện đàm trong ngày mai sẽ có sự tham gia của Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Ukraine Poroshenko và hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức. Cuộc điện đàm này diễn ra trong bối cảnh các cường quốc đang khẩn cấp thực hiện hoạt động ngoại giao con thoi để ngăn chặn tình trạng leo thang, gia tăng đụng độ, giao tranh ở miền đông Ukraine và cũng để thể hiện rằng đề xuất về một lệnh ngừng bắn vẫn được đặt trên bàn mặc dù không có thông báo chính thức nào về sự tiến triển của tiến trình chính trị này.
Thậm chí chỉ cần các bên ngừng bắn cũng đã là một bước đột phá ngoại giao đáng kể trong tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Cuộc nội chiến mỗi lúc một nghiêm trọng, một đẫm máu ở miền đông Ukraine đang làm dấy lên nỗi quan ngại về việc nó sẽ đe dọa đến toàn bộ an ninh Châu Âu và điều này đã thúc đẩy Mỹ tính đến chuyện cung cấp vũ khí gây sát thương cho Ukraine. Tuy vậy, đây là sự lựa chọn bị các quốc gia Châu Âu phản đối.
Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Hollande đã đến Moscow ngày hôm qua trong chặng dừng chân thứ hai của một chuyến đi được sắp xếp vội vã nhằm tìm cách ngăn chặn cuộc xung đột ở miền đông Ukraine leo thang. Trước đó một ngày, hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức đã có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Poroshenko ở thủ đô Kiev.
Nội dung của sáng kiến hòa bình mới mà Thủ tướng Merkel và Tổng thống Hollande đem theo trong chuyến đi ngoại giao lần này của họ không được tiết lộ nhưng nó được cho là nhằm mục đích cứu vãn kế hoạch hòa bình từng được các bên nhất trí trong các cuộc đàm phán ở thủ đô Minsk của Belarus hồi tháng 9 năm ngoái.
Phát ngôn viên của Tổng thống Putin ông Dmitry Peskov tiết lộ, các nỗ lực đang đạt được kết quả. “Hiện tại, một bản phác thảo nội dung tuyên bố chung về việc thực hiện thỏa thuận Minsk đang được vạch ra. Bản phác thảo này sẽ bao gồm những đề xuất được đưa ra bởi Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Poroshenko”, ông Peskov cho biết sau khi cuộc gặp gỡ ở điện Kremlin giữa ba nhà lãnh đạo Nga, Pháp, Đức kết thúc.
Theo phát ngôn viên Peskov, bà Merkel và ông Putin, Hollande, Poroshenko sẽ tiến hành điện đàm với nhau vào ngày mài. Một cuộc điện đàm 4 bên tương tự đã từng diễn ra hồi giữa tháng 12 năm ngoái trước khi tình hình giao tranh rộ trở lại ở miền đông Ukraine.
Video đang HOT
Các hoạt động ngoại giao con thoi khẩn cấp được Pháp, Đức bắt tay thúc đẩy trong bối cảnh phương Tây lo ngại cuộc xung đột ở miền đông Ukraine sẽ bùng phát, sẽ leo thang vượt tầm kiểm soát và những biện pháp trừng phạt đang gây ảnh hưởng ngày càng đau đớn cho nền kinh tế Nga, từ đó tác động chính đến Châu Âu. Hơn 5.300 người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc chiến ở miền đông Ukraine bùng lên hồi tháng 4 năm ngoái, Liên Hợp Quốc cho biết. Tình trạng đổ máu đặc biệt gia tăng trong hai tuần qua.
Washington hoài nghi về nỗ lực của đồng minh Pháp, Đức
Pháp và Đức đã trực tiếp tìm đến với Nga mà không hề tham vấn đồng minh Mỹ bất chấp việc Mỹ trong suốt thời gian qua đã luôn dẫn dắt phương Tây trong tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng như trong cách đối phó với Moscow.
Trong khi Pháp và Đức tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các nỗ lực ngoại giao thì Mỹ đang tính đến một giải pháp quân sự là cung cấp vũ khí gây sát thương cho Kiev để kết thúc cuộc chiến ở Ukraine. Vì thế, rất dễ hiểu khi Washington tỏ ra hoài nghi về bước đi mới nhất của nữ Thủ tướng Merkel và Tổng thống Hollande
“Tôi sẽ không nói việc Nga lắng nghe một dấu hiệu tích cực. Họ vẫn lắng nghe. Họ chỉ không hành động”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ bà Marie Harf đã nói như vậy về Nga.
Mỹ và phương Tây lâu nay vẫn đổ lỗi, chỉ trích cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine. Phương Tây và Kiev nhiều lần cáo buộc Nga cung cấp vũ khí và binh lính cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine trong cuộc chiến chống lại quân đội trung thành với Kiev. Tuy nhiên, Moscow kiên quyết bác bỏ cáo buộc này đồng thời thách Kiev và các nước phương Tây đưa ra được bằng chứng để chứng minh cho điều đó. (tổng hợp)Kiệt Linh
Theo_VnMedia
Càng thất bại, Tổng thống Ukraine Poroshenko càng quyết chiến?
Thất thế trên chiến trường khiến Ukraine thể hiện rõ sự "thèm khát" viện trợ quân sự chứ không phải một giải pháp hòa bình cho vấn đề miền Đông.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 4/2 kêu gọi NATO khẩn trương cung cấp vũ khí cho nước này. Theo ông, những cuộc tấn công khủng bố ở Volnovakha và Donetsk cũng như vụ pháo kích Mariupol dẫn đến "việc nhận được vũ khí hiện đại từ NATO là hết sức cần thiết".
Xung đột leo thang mất kiểm soát
Một khu nhà ở Donetsk tan hoang vì xung đột (ảnh: Reuters)
Những cuộc giao tranh gần đây ở miền Đông Ukraine cho thấy cuộc xung đột đã leo lên nấc thang mới. Ngày 5/2, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhận định giao tranh leo thang giữa quân đội Ukraine và phe đối lập có thể dẫn tới "sự mất kiểm soát hoàn toàn" ở miền Đông Ukraine.
Đáng chú ý ngày 4/2, một lãnh đạo vũ trang của Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng cho biết, tiêm kích Su-25 của lực lượng này đã lần đầu tiên tấn công quân chính phủ từ trên không.
"Su-25 của chúng tôi trên bầu trời khu vực tuyến cao tốc Artemivsk-Debaltseve và tấn công một đoàn xe tải và bọc thép của quân đội Ukraine", tin từ trụ sở CH Nhân dân Lugansk tự xưng cho biết.
Trước đó, một lãnh đạo quốc phòng của Cộng hòa Donetsk tự xưng cũng tuyên bố, lực lượng ly khai đã bắn hạ một chiến đấu cơ của lực lượng vũ trang Ukraine. Chính quyền Kiev chưa có các phản ứng với các tuyên bố của lực lượng ly khai miền Đông.
Ngày 3/2 được xem là đẫm máu nhất trong 1 tuần chiến sự trở lại đây. Chỉ trong 24 giờ, thêm 16 dân thường Ukraine thiệt mạng vì bạo lực ở miền Đông. Liên Hợp Quốc cảnh báo làn sóng bạo lực mới có thể trở thành "một thảm họa". Quân đội Ukraine cũng thông báo 5 binh sỹ thiệt mạng trong giao tranh với lực lượng đối lập gần Debaltseve.
Tại cuộc họp báo chung ở Warszaw, Ba Lan chiều 5/2, các nước đồng minh phương Tây của Ukraine đã báo động trước bước tiến của phe đối lập ở miền Đông. Thế trận có phần nghiêng về phe đối lập đã khiến các nước phương Tây tính đến việc cung cấp vũ khí cho chính quyền Ukraine và Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp cùng đến thăm Ukraine, Nga mang theo đề xuất giải quyết cuộc xung đột.
Sáng kiến hòa bình chưa đủ sức nặng bằng cam kết viện trợ vũ khí
Các nhà lãnh đạo Ukraine dường như không mấy mặn mà trong việc tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng miền Đông bằng những lời kêu gọi viện trợ quân sự.
Binh lính Ukraina trên chiến trường (ảnh: AP)
BBC dẫn lời Thủ tướng Ukraine trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Pháp, Đức rằng Kiev không xem xét bất cứ kế hoạch hòa bình nào ảnh hưởng tới sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Cùng quan điểm này, Tổng thống Ukraine Poroshenko, một mặt ủng hộ sáng kiến hòa bình mới; mặt khác lại một mực đòi hỏi sáng kiến này không nên cho lực lượng đối lập miền Đông nhiều quyền lợi.
Ông Poroshenko đòi phe đối lập tuân thủ Kế hoạch hòa bình Minsk: "đó là ngừng bắn ngay lập tức, thả tất cả tù binh,đóng cửa biên giới hoặc khôi phục đường biên giới do quốc tế công nhận. Rút tất các binh lính nước ngoài khỏi Ukraine, khởi động cải cách chính trị thông qua bầu cử cấp địa phương ở Donetsk và Lugansk theo luật pháp Ukraine".
Với NATO, ông Poroshenko nói rằng: "Liên minh cần đảm bảo cung cấp hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine, bao gồm thông qua việc cung cấp vũ khí hiện đại để bảo vệ và đối phó với lực lượng nổi dậy và những kẻ xâm lược". Tổng thống Ukraine nhấn mạnh rằng ông muốn hòa bình, nhưng điều này đòi hỏi phải có một quân đội mạnh mẽ với vũ khí hiện đại.
Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Kerry hôm 5/2, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk "khá hài lòng" trước thông tin khả năng "chính phủ Mỹ sẽ sớm cung cấp cho Ukraine một số loại vũ khí" . Ước tính khoản viện trợ này tổng trị giá 3 tỷ USD, bao gồm tên lửa chống tăng, xe bọc thép Humvees, trực thăng tấn công không người lái, radar...
Sáng kiến Pháp, Đức cho xung đột Ukraine
Ngày 6/2, các nhà lãnh đạo Pháp, Đức đến thủ đô Moscow để hội đàm với Tổng thống Nga Putin về đề xuất kế hoạch hòa bình mới với hy vọng được các bên chấp thuận để có thể chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Tổng thống Ukraine Poroshenko (giữa) trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Đức, Pháp (ảnh: Reuters)
Theo Tổng thống Pháp Hollande, sáng kiến do ông và bà Merkel soạn thảo dựa trên sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và hy vọng được các bên chấp nhận. Cũng ngày hôm qua, Ngọai trưởng Mỹ John Kerry đến thăm Kiev với tuyên bố ủng hộ sáng kiến của Đức và Pháp.
Giới chức Nga cho biết, hiện chưa nắm rõ chi tiết về sáng kiến của Pháp-Đức nhưng hy vọng sáng kiến này mang tính xây dựng.
Giới quan sát cho rằng, đề xuất của Pháp-Đức có tính chất "đối trọng" với kế hoạch hòa bình mà Tổng thống Nga Putin đưa ra tháng 1/2015. Nếu đã là đối trọng thì xem ra khả năng sáng kiến mới được các bên chấp nhận là rất khó.
Bình luận về sáng kiến của Pháp-Đức, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng, vào thời điểm giao tranh ác liệt như lúc này, chỉ cần sáng kiến đem lại tia hy vọng, giảm bớt đổ máu ở quốc gia Đông Âu, chứ chưa thể kỳ vọng nó là bước ngoặt giải quyết cuộc khủng hoảng đang ngày một leo thang này./.
Ngân Giang
Theo_VOV
Pháp, Đức chung tay ngăn chặn cuộc chiến toàn diện ở châu Âu Hai nhà lãnh đạo của Đức và Pháp có chuyến công du bất ngờ đến Moscow nhằm ngăn chặn một cuộc đối đầu toàn diện tại châu Âu, trong bối cảnh Mỹ dự định cung cấp vũ khí cho chính quyền Ukraine. Từ trái qua phải là Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Tổng thống Pháp Francois Hollande...