Khi du thuyền trở thành ổ dịch di động
Từ biểu tượng của sự sang trọng và du lịch thượng lưu, siêu du thuyền giờ đây đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người và quốc gia.
Du khách trên tàu Diamond Princess được chia theo nhóm đi ra ngoài bancông hưởng khí trời một số giờ nhất định. Chuyến viễn du thơ mộng bỗng chốc trở thành ác mộng với không ít người – Ảnh: AFP
“Thật khó để xác định các trường hợp nhiễm bệnh đã chạm vào những gì trên tàu và những người mà họ đã tiếp xúc nếu không có một cuộc điều tra toàn diện, thích hợp.”
Phó giáo sư Danielle Anderson (chuyên gia về các bệnh mới nổi thuộc ĐH Duke – NUS của Singapore)
Theo Hãng tin Reuters, thêm 70 hành khách trên siêu du thuyền Diamond Princess được xác nhận dương tính với virus corona chủng mới trong ngày 16-2, nâng tổng số người bệnh trên tàu lên con số 355 (trong số 1.219 du khách được xét nghiệm), trở thành ổ dịch lớn thứ hai ngoài Trung Quốc.
Mỹ, Canada và đặc khu Hong Kong đã lên kế hoạch hồi hương các công dân của mình đi trên Diamond Princess. Những người này sẽ bị cách ly trong vòng 14 ngày sau khi về nước.
Rủi ro lây nhiễm chéo cao nhất
Số ca nhiễm bệnh trên tàu Diamond Princess tăng lên từng ngày kể từ khi nó cập cảng Yokohama ở Nhật Bản và bị cách ly hôm 3-2. Một du khách người Trung Quốc xuống tàu ở Hong Kong hôm 25-1 đang được gọi là “bệnh nhân số 0″ vì đã mang mầm bệnh và phát tán nó ra khắp siêu du thuyền chở theo 3.600 hành khách cùng thủy thủ đoàn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Gregory Gray thuộc Chương trình các bệnh truyền nhiễm mới nổi của Đại học Y khoa Duke – NUS (Singapore) nhận định hành khách đi trên các du thuyền đứng trước rủi ro bị lây nhiễm chéo cao hơn những người đi máy bay hay xe lửa, tàu điện ngầm. “Các hành khách đi trên tàu tiếp xúc gần với nhau từ vài ngày đến vài tuần. Đây là thời gian rất dài so với thời gian những người đi trên xe lửa hoặc máy bay.
Video đang HOT
Những hành khách đi tàu cũng chia sẻ nhiều khu vực giải trí và tiện ích chung như nhà hàng, phòng chiếu phim, sàn khiêu vũ… Các tay vịn trên cửa và những hành lang trên tàu cũng là nơi thường xuyên có nhiều người chạm tới, có thể khiến virus truyền từ người này sang người khác” – ông Gray giải thích.
Phó giáo sư Danielle Anderson, chuyên gia khác về các bệnh mới nổi như MERS và ZIKA thuộc ĐH Duke – NUS, cũng nhận định với Tuổi Trẻ rằng không gian kín trên các du thuyền có thể là nguyên nhân khiến tốc độ lây nhiễm trên các du thuyền cao hơn những loại hình giao thông khác. “Người ta có thể khử trùng triệt để xe lửa và máy bay để ngăn ngừa mầm bệnh, nhưng các biện pháp này là không thể đối với Diamond Princess vào thời điểm hiện tại” – bà Anderson giải thích.
Theo bà Anderson, mặc dù việc cách ly tàu Diamond Princess có thể bảo vệ những người bên ngoài, không gì có thể đảm bảo sự an toàn cho những người trên tàu. “Hạn chế gặp người khác, kể cả khi họ không có dấu hiệu đau ốm gì và luôn rửa tay, tránh chạm vào mắt, mũi, miệng là cách tự bảo vệ bản thân tốt nhất vào lúc này cho những người đang trên du thuyền” – phó giáo sư Anderson hướng dẫn.
Một du khách nhí trên tàu Westerdam viết lời cảm ơn chính quyền Campuchia đã cho tàu cập cảng – Ảnh: AFP
Hủy tour hàng loạt
Theo Hiệp hội Du thuyền quốc tế, châu Á chỉ chiếm 10% trong ngành du lịch du thuyền toàn cầu. Tuy nhiên, các tiêu đề tiêu cực về tình trạng lây nhiễm chéo giữa hành khách trên tàu Diamond Princess và mới đây nhất là ca nhiễm được cảnh báo trên tàu Westerdam được phép cập cảng ở Campuchia đã khiến toàn ngành công nghiệp trị giá 45 tỉ USD bị rung lắc.
Hôm 13-2, Hãng Royal Caribbean thông báo sẽ hủy 18 tour du thuyền chở đông người tới Đông Nam Á sau khi hủy 8 tour tới Trung Quốc. Carnival, công ty hàng đầu trong ngành du lịch du thuyền toàn cầu, thừa nhận doanh thu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong năm nay: “Mặc dù tác động trực tiếp là ở châu Á, chúng tôi thấy gần đây đã có sự giảm nhẹ về số lượng khách đặt tour du thuyền ở những nơi khác”. Tàu Diamond Princess thuộc sở hữu của Carnival, theo Hãng tin Reuters. Giá trị cổ phiếu của hai công ty này đã giảm tới 15% kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
Việc điều chỉnh lịch trình và địa điểm đón khách tiếp tục khiến ngành du lịch du thuyền mất điểm do hành khách phải đặt lại vé máy bay tới điểm đón khách mới, hủy vé đã mua và sẽ không được ghé những điểm đã được quảng cáo lúc mua tour.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định các công ty du lịch du thuyền sẽ khó lấy lại niềm tin hơn các doanh nghiệp du lịch bình thường. Bởi vì khách đi du thuyền thường phải đặt chỗ trước ít nhất 1 năm và nhiều người đang cảm thấy lo lắng chuyến đi mà họ trông chờ cả năm có thể bị hủy vào phút chót bởi những sự cố bất ngờ như dịch COVID-19.
Nữ du khách Mỹ bị nhiễm
Du thuyền Westerdam chở hơn 2.200 khách và thủy thủ đoàn đã liên tục bị từ chối cập cảng, và phải lênh đênh trên biển gần 2 tuần chỉ vì từng ghé qua Hong Kong. Cuối cùng, con tàu được chính quyền Campuchia cho phép cập cảng và được chính Thủ tướng Hun Sen chào đón.
Tuy nhiên, chỉ 1 ngày sau đó, Malaysia thông báo một hành khách đi trên tàu dương tính với virus corona mới. Nữ hành khách 83 tuổi sau khi rời khỏi tàu Westerdam đã bay sang Malaysia cùng 144 người cũng đi trên tàu này. Theo Reuters, chiều 16-2, cơ quan chức năng Malaysia cho biết kết quả xét nghiệm lần hai từ thủ đô Kuala Lumpur đã xác định dương tính với virus corona chủng mới. Chồng của du khách này cũng được xét nghiệm lại và vẫn cho kết quả âm tính.
Theo Tuổi trẻ
Lây nhiễm là vấn đề chính cần được quan tâm
Tại cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 (nCoV) diễn ra sáng 12/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhấn mạnh: Sự lây nhiễm dịch bệnh là vấn đề chính cần được quan tâm hiện nay, sau đó mới xét đến độc tố và điều trị. Vì nguy cơ lây nhiễm cao, chúng ta cần tập trung làm tốt công tác cách ly, khoanh vùng cách ly, dập dịch tại chỗ.
Cẩn thận, chu đáo trong khám chữa bệnh.
Sáng 12/2, tại cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 (nCoV) do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, theo các số liệu nghiên cứu, tỷ lệ tử vong do nCoV khoảng 2 - 3%. Tuy tỷ lệ tử vong thấp nhưng dịch Covid-19 có tính lây nhiễm cao hơn virus SARS và các virus corona khác với độ lây nhiễm ở hệ số 2,5 - 4.
"Do đó, sự lây nhiễm dịch bệnh là vấn đề chính cần được quan tâm hiện nay, sau đó mới xét đến độc tố và điều trị. Vì nguy cơ lây nhiễm cao, chúng ta cần tập trung làm tốt công tác cách ly, khoanh vùng cách ly, dập dịch tại chỗ"-Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, rút kinh nghiệm từ dịch sởi vào năm 2014, khi nhiều bà mẹ đưa con em đến Bệnh viện Nhi trung ương khám, gây lây nhiễm chéo tại chính bệnh viện, khiến tỷ lệ nhiễm và tử vong tăng cao. Do đó, ngay từ rất sớm, Bộ Y tế đã chỉ đạo phân tuyến (bệnh nhân) ở các cấp.
"Chúng tôi tập trung theo phương châm "4 tại chỗ", cụ thể, phát hiện, chẩn đoán, cách ly, theo dõi được tổ chức ở các tuyến, đặc biệt các bệnh viện tuyến huyện và sau đó đến các tuyến cao hơn (tỉnh, trung ương) khi có các triệu chứng vượt quá khả năng điều trị thì (cơ sở y tế) sẽ đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh"-Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Trước đó, tại cuộc họp hội đồng chuyên môn cập nhật, hoàn thiện hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A và lây từ người qua người. Do đó, kiểm soát nhiễm khuẩn là nhiệm vụ hàng đầu để không lây nhiễm chéo trong bệnh viện (giữa người bệnh - người bệnh, giữa người bệnh - thầy thuốc, giữa người bệnh, thầy thuốc - cộng đồng).
Ông Khuê cho hay, hiện phân tuyến điều trị bệnh nhân ở Việt Nam hoàn toàn hợp lý, đúng với đặc tính của căn bệnh do chủng virus corona mới. Việc thu dung, điều trị, quản lý bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm được thực hiện từ tuyến huyện. Do đó, các bệnh viện phải quan tâm đến công tác cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, chỉ chuyển tuyến trên khi quá khả năng điều trị. Việc phân tuyến này nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không để bệnh nhân tử vong hay lây nhiễm chéo trong bệnh viện...
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng nhấn mạnh, với phương châm 4 tại chỗ phân tuyến điều trị tại các bệnh viện của Bộ Y tế, người dân hoàn toàn có thể yên tâm về công tác phòng, chống dịch bệnh.
"Người dân cần hết sức bình tĩnh không nên quá hoang mang, lo lắng, nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế và đặc biệt nâng cao ý thức trong việc phòng chống dịch"- ông Khuê nêu.
Còn Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo, người dân có những biểu hiện nghi nhiễm Covid-19 nên đến các tuyến cơ sở để khám bệnh. Tại đây, Bộ Y tế đã bố trí đội phản ứng nhanh để hỗ trợ các đơn vị địa phương khi gặp khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh chẩn đoán cho người dân.
"Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, cung cấp các trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết cho các tuyến cơ sở cho nên, việc chẩn đoán, theo dõi, điều trị người bệnh có dấu hiệu liên quan đến dịch bệnh do Covid-19 hoàn toàn có thể thực hiện ở các cơ sở y tế địa phương"-Thứ trưởng Sơn cho biết.
Đức Trân
Theo daidoanket
Chuyên gia khuyến cáo người dân không 'đổ xô' đi xét nghiệm dễ lây nhiễm chéo Tình trạng hoảng loạn trong vụ dịch dễ khiến người dân đổ xô đến các bệnh viện để khám, xét nghiệm dẫn đến quá tải và làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo tại đó. Ảnh minh họa: Internet Theo ThS.BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nCoV là 1 virus thuộc nhóm...