Khi đàn ông mang tính cách đàn bà
Không ít bà vợ cảm thấy chán ngán với hôn nhân khi trót chung sống với người chồng mang tính cách đàn bà.
Mỗi lần tụ tập với đám phụ nữ trong cơ quan, Diệp Chi ngại nhất là họ chuyển chủ đề sang chuyện chồng con. Những lúc ấy, cô hoặc câm nín, hoặc lỉnh ra chỗ khác.
Đơn giản vì nói về chồng, Diệp Chi chẳng có gì để khoe, dù là “khoe khéo” theo kiểu nói xấu “chồng em chả được cái nết gì, chỉ được cái yêu vợ thương con” hay “lười chảy thây việc vặt trong nhà không bao giờ động tay nhưng cứ xảy ra chuyện lớn lại xử lý đâu vào đấy” cũng không thể có để mà khoe nổi!
Chồng của cô chưa bao giờ làm được việc gì cho ra việc lớn. Đi làm thâm niên mười mấy năm anh vẫn chỉ là nhân viên quèn. Chuyên môn không cứng, quan hệ cũng làng nhàng, nhưng anh lại tỏ ra bất mãn, đố kỵ y như… đàn bà. Đi làm cả ngày về đến nhà vẫn tiếp tục gọi điện buôn chuyện với mấy bà chị trong cơ quan, nói xấu hết người nọ người kia, những người anh cho rằng đang trù dập anh hay ngăn cản của anh đường tiến. Những lúc như thế, chồng trong mắt Diệp Chi quá xấu, lèm bà lèm bèm cả tiếng đồng hồ không thôi.
Video đang HOT
Người chồng, người cha trong anh hình như cũng chẳng yêu thương gì vợ con. Anh chưa bao giờ biết động đậy tay chân làm việc nhà giúp vợ, chưa một lần thay vợ chở con đi học, nhưng luôn đòi hỏi vợ phải đảm đang tháo vát. Không ít lần anh bực bội lèm bèm vợ con là thứ đồ bỏ đi, chẳng giúp được gì cho chồng tiến thân cả!
Nghĩ đến chồng Diệp Chi chỉ thấy mệt, không còn chút hứng thú yêu thương, nhiều lúc có cảm giác đang sống chung nhà với một bà chị lắm điều chứ không phải là người đàn ông mình gửi gắm cả cuộc đời nữa.
Không đến nỗi đơn độc với việc lớn việc bé trong nhà như Diệp Chi, nhưng chị Hoàng Mai (Hai Bà Trưng) chẳng vì thế mà biết ơn chồng đã cùng vợ sẻ chia công việc. Thậm chí, sự chia sẻ của anh nhiều lúc đẩy chị vào tình cảnh khó ăn khó nói với những người xung quanh.
Anh hơn chị nhiều tuổi, khi chị còn đang công tác thì anh đã về hưu, cho nên sáng sáng anh giành phần đi chợ. Nghĩ phân công lao động trong nhà như vậy cũng là hợp lý, chị đi làm anh ở nhà chẳng có việc gì cũng buồn, ra chợ gặp người nọ người kia cho vui. Ối người mong có chồng đi chợ giúp cho mà không được nữa là…
Thế nhưng đi chợ được có một thời gian anh đã nổi tiếng là ông “ba xu một hào” ngoài ấy. Hóa ra anh mặc cả chặt quá, kì cà kì kèo, nâng lên đặt xuống chán chê rồi mới mua, đã mua rồi nhưng vẫn chê ỏng chê eo. Bán hàng cho anh phải là người mát tính lắm mới không tự ái.
Hôm anh mua được nửa con gà nhưng đòi chỉ con gà sống, bắt thịt, mang đến tận nhà, thằng bán gà nhiều việc quên mang sang, anh ra tận cửa hàng mắng nó một trận “banh cả mặt”. Xung quanh chẳng ai hiểu chuyện gì, mấy bà hiểu chuyện thì bụm miệng cười quay đi. Từ ấy chị cứ phóng xe ra chợ tạt mua cái gì là người ta lại chỉ chị kháo nhau: “Vợ ông ba xu một hào”. Giờ chị chẳng muốn nhờ chồng đi chợ nữa nhưng chưa tìm được cách tế nhị nói với anh. Nhất là khi anh lại thích công việc này vì hàng tháng quản được tiền của chị…
Đàn ông đàn bà sinh ra để cho nhau cũng bởi vì họ rất khác nhau. Hãy để sự khác biệt ấy trở thành yếu tố làm nên sức hấp dẫn, đừng nên “giao thoa” quá mức kẻo lại đánh mất vẻ đẹp của hôn nhân. Chẳng ai thèm muốn cái mà họ đã có…
Theo VNE
Yêu thương đâu rồi
Ngày gió rỗi, em lang thang qua những con đường quen từng in dấu chân hai đứa mình...
Như là mới ngày hôm qua thôi anh còn nắm tay em, cùng em thả bộ trên những con phố nghìn năm tuổi, nào hàng Khoai, hàng Lược, hàng Đào, hàng Bông... Tay phải nắm lấy tay trái tìm hơi ấm bàn tay anh còn vương vất đâu đây. Không thấy! Làn gió lạnh giữa lúc giao mùa tìm đến từng kẽ tay em, len lỏi vào từng góc khuất tâm hồn - nơi em giấu nỗi nhớ anh vào đó. Chênh chao, chống chếnh vì nỗi nhớ ấy đang cồn lên như từng đợt sóng biển mùa bão giông.
Ánh mắt em xa xăm mong nhìn thấy bóng hình quen thuộc của anh giữa phố đông người hoà lẫn trong những sắc màu muôn hình muôn vẻ của những cửa hàng cửa hiệu, nhưng trước mặt em chỉ toàn là xa lạ. Em lại tìm đến những khoảng lặng giữa những ồn ào, xa hoa ấy. Con đường này anh đã từng chở em qua trong một chiều hè nắng lung linh đong đầy trên môi mắt chúng mình. Quán cóc nơi phố kia mình từng ngồi bên nhau, lặng lẽ nhìn nhau, thủ thỉ tâm tình và mỉm cười thấy sự đồng điệu trong mắt nhau. Nhớ lắm mà giờ đây phố chỉ còn thấy mình em trôi giữa lòng phố trong một ngày thu ngần ngừ chờ đông đến. Em muốn níu giữ được thu ở lại, mong mỏi mùa mới đừng sang. Em khát khao một tiếng gọi tình thu đang chơi vơi, quấn quít...
Em muốn níu giữ được thu ở lại, mong mỏi mùa mới đừng sang... (Ảnh minh họa)
Thu đã cạn ngày sao sương thu còn lắng đọng trên những chiếc lá để vô tình đụng vào sương khẽ vỡ tan ra? Kìa, những vòm lá đã khoác vào mình nó một màu già cỗi nhưng thật hợp khi che lên những mái ngói thâm nâu nơi góc phố. Thời gian ngày một tô đậm màu tuổi trên những mái ngói xưa, càng làm cho những ngôi nhà nơi đây thêm lẻ loi, cô đơn lắm giữa dòng chảy bộn bề của cuộc sống. Có phải cô đơn quá không mà ngói cứ mãi xô nghiêng bên nhau như nương tựa, như tìm về hơi ấm trong cảm giác gần gũi mà xa xôi, đông đúc mà lẻ loi...
Em cứ lang thang hoài trong ngày gió rỗi, tìm từng chút ấm áp của bao kỷ niệm yêu thương, gom lại, chắt chiu thành những nồng nàn cho những ngày thu đang cạn. Một năm có bốn mùa, sao chỉ thu làm lòng em vương vẫn. Có phải bởi tình anh, tình em và tình thu đã sớm quện vào nhau từ những ngày đầu mùa yêu chớm đến. Để chiều này em gặp lại mùa yêu khi trong em nỗi nhớ anh trở về quá thiết tha...
Yêu thương ơi, thu đã cạn ngày, anh còn xa em bao lâu nữa? Em vẫn mong chờ một mùa thu - mùa yêu mà mình đã hẹn để em không còn lạnh trong những chiều gió rỗi lúc giao mùa...
Theo VNE
Cạm bẫy ngoại tình Người phụ nữ này không phải là gái mại dâm. Cô chỉ chịu trách nhiệm quyến rũ những người đàn ông để thử lòng chung thủy của họ. Nhìn chằm chằm vào tấm thiệp Valentine và một hộp sô-cô-la hình trái tim, Claire Middleton mỉm cười. Tuy nhiên, cô mỉm cười không phải vì mãn nguyện với tình yêu mà người đàn ông...