Khi dân chơi… đã ngộ
Trong khi chúng bạn ai nấy cũng đều có công ăn việc làm, gia đình ổn định thì giờ đây, M. – dân chơi một thời ở quận Ba Đình (Hà Nội) lại phải đối mặt với những khó khăn của cuộc sống.
Có điều này cũng bởi, trước đây, để gắn lên mình cái mác dân chơi, M. đã lao theo những cuộc ăn chơi thác loạn, thâu đêm suốt sáng… và một bản án 13 năm tù dành cho M. khi tuổi vừa mới 19.
Chỉ vì cái mác… dân chơi
Khi tôi viết bài này cũng là lúc mà M., một trong những người bạn thuở thiếu thời của tôi, vừa nhận bằng lái xe ôtô do một trung tâm sát hạch đóng trên địa bàn Hà Nội cấp. Việc M. tham gia khóa đào tạo lái xe trên cũng bởi mong muốn sớm tìm cho mình một công việc phù hợp.
Vốn có cái hiệu “M. hiền” đi kèm vì ngay từ hồi còn bé, M. luôn được mọi người xung quanh biết đến như một đứa trẻ hiền lành ngoan ngoãn, luôn vâng lời cha mẹ, thầy cô. Đáng kể, từ những năm học đầu THCS, dù còn bé, song hàng xóm luôn ví von, trêu M. là “con rể tương lai”. Rồi những lời tán dương như: “Nhà ông bà B. có thằng M. ngoan quá, sau này sẽ nhờ hết vào nó…” theo đó cũng xuất hiện. Trong kỳ thi THPT, M. đã đạt được số điểm tương đối cao và được xét chọn vào học lớp 10A1, Trường THPT P.H.T. – một trong những lớp chọn có số học sinh đạt điểm thi cao của trường.
Thế nhưng, khi bước sang lứa tuổi này, lứa tuổi mà giới trẻ thường dễ có hành động bột phát, thiếu suy nghĩ, muốn khẳng định mình… M. đã không còn là M trước đây nữa. M bắt đầu a dua theo chúng bạn, đòi hỏi gia đình phải chu cấp cho mình nhiều khoản tiền để “ăn quà”, để khao bạn…
Khi bước sang lớp 11, do thấy trong trường nhiều “đàn anh” khóa trên đi xe máy tới trường, M. đã vòi gia đình cho bằng được chiếc xe máy mà mục đích không gì khác chỉ để “bằng bạn bằng bè”. Đáng chú ý, vào thời điểm lúc đó, xe máy vẫn còn là cái gì đó quá xa lạ với giới học sinh phổ thông. Phần do chiều, phần sợ con bỏ đi (M. đã nhiều lần dọa bỏ nhà), nên gia đình M. đã làm theo yêu cầu mà M. đề ra.
Video đang HOT
Chỉ sau vài ngày, M. vi vu trên chiếc xe Dream II do Thái Lan sản xuất tới trường. Bên cạnh đó, để “ngầu”, để con xe mình xứng danh “rim chiến”, M. không ngần ngại cho tháo dỡ toàn bộ phụ tùng của xe như: yếm, giỏ, chắn đèn… ra. Cũng cần phải nói thêm, vào thời điểm bấy giờ giới dân chơi ở Hà Nội có sở thích cưỡi “rim chiến” dạo hồ – tức đi quanh các tuyến phố trung tâm như: Hùng Vương, Thanh Niên, Đinh Tiên Hoàng, Phố Huế, Bà Triệu…
Không biết vì đã dần khoác lên mình cái mác là dân chơi hay vì lý do gì khác mà càng ngày, sức học của M. càng trở nên sa sút. Từ một học sinh giỏi trong lớp M đã tụt xuống đội sổ. Giờ lên lớp của M. ngày một thưa dần. Ấy nên, không giờ sinh hoạt cuối tuần nào của lớp, M. không bị cô giáo chủ nhiệm nêu tên cả. Căn nguyên của sự xuống dốc trên không gì khác chính là do sau khi có xe, M. thường theo chúng bạn tham gia các cuộc “bão đêm” (tụ tập đua xe vào ban đêm).
Một số bạn cứng và thường tụ tập đêm với M. vào thời điểm bấy giờ phải kể đến: “T. tẩu”, “C. vỉa”, “Q. già”, “T. đen”, “T. quỳ”… Và việc tham gia “bão đêm” cũng chính là mốc đánh dấu chuỗi dài trượt ngã của M. Trong những đêm đi “bão”, khi ngồi quán cóc tụ tập, M a dua theo chúng bạn rít “pin” (cách gọi của chất kích thích mang tên tài mà – cần sa).
Lúc này, khi được hỏi vì lý do gì lại rít “pin”, M. không ngần ngại cho biết: “Thế mới là dân chơi(?!)”. Vào thời điểm này, để có tiền ăn chơi, chiêu đãi chúng bạn, M đã đem hết số tiền học phí mà gia đình chu cấp “nướng” vào tài mà, thuốc lắc. Đáng chú ý, lúc thiếu thốn, M. còn sẵn sàng “mở tủ bắt gián” (ngôn từ của dân chơi ám chỉ việc lấy trộm tiền gia đình).
Còn nhớ, vào giai đoạn thi hết kỳ 1 năm lớp 12, do bị chúng bạn khích nên M. đã làm liều, lẻn về nhà lấy trộm giấy tờ xe để đi cầm cố. Lúc này, chính tôi là người đã “xì” cho bố mẹ M. biết. Tuy nhiên, lúc gia đình nhận được tin báo cũng là lúc chiếc xe Dream II cáu cạnh trị giá hàng chục triệu đồng đã nằm phơi trong cửa hiệu cầm đồ D. trên phố Đặng Dung. Còn M. thì “dạt vòm” tại một nhà nghỉ nằm ở trục đường Lê Duẩn…
Làm lại từ đầu khi chưa muộn
Những tưởng, sau bao lần gia đình chuộc đồ, khuyên răn, M. hiểu được ra phần nào tác hại của cái mác dân chơi để rồi từ đó thoát khỏi những cạm bẫy của thế giới ăn chơi. Thế nhưng, M. vẫn bỏ ngoài tai, hàng loạt tài sản như: xe máy, điện thoại di động, dây chuyền v.v… lần lượt bốc hơi theo các cuộc thác loạn, sử dụng thuốc lắc.
Song, “đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”, vào trung tuần tháng 4/2003, vì xích mích với một nick chat trên mạng, sợ bị ảnh hưởng đến cái mác dân chơi và suy nghĩ là dân chơi thì không để mất giá, nên M. sau đó đã cùng nhóm bạn gây ra vụ ẩu đả khiến một người bị chết. Cơ quan xét xử sau đó đã tuyên phạt M. 13 năm tù giam.
Hôm diễn ra phiên tòa, khi nghe mức án mà mình phải nhận, M. lặng đi, đồng thời ngước đôi mắt hối hận muộn màng về phía gia đình cùng người thân. Cũng phải thôi, vào thời điểm bị kết án, M. mới 19 tuổi, hãy còn bao ước mơ, hoài bão trước mắt. Chấp hành án phạt trong nhà giam, thời gian đầu, M. không lúc nào là không nhớ tới gia đình, người thân bên ngoài cả. M. tâm sự, nhiều đêm vì chán chường không tài nào ngủ được. Có những lúc đến bữa ăn còn quên bẵng luôn.
Cái cảm giác buồn, trống vắng này càng đẩy lên khi mỗi độ Tết Nguyên đán về. “Những lúc thế này, buồn phát khóc lên được ấy” – M. nói với tôi. Trong một lần đến thăm M. tại Trạm giam Thanh Xuân (Cục V26 – Bộ Công an), dưới cái lạnh se sắt của tiết trời mùa đông, M. cầm tay người mẹ già rưng rưng nước mắt: “Con xin lỗi mọi người…!”. Khi chứng kiến cảnh tượng này, tôi cùng mọi người có mặt không tài nào kìm được lòng. Giá như trước đây, M đừng làm dân chơi…
Theo thời gian, nhờ sự động viên của gia đình và người thân, M đã ngộ ra rằng: Đâu là sự giải thoát? Chỉ có thể là việc tập trung cải tạo làm lại cuộc đời. Sau quãng thời gian dài cải tạo, do luôn chấp hành tốt nội quy mà trại đề ra, đồng thời nhờ chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta nên đầu năm 2009, M được trả tự do trước thời hạn.
Trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình và người thân, M nhận thức được nhiều vấn đề mà trước đây không nghĩ tới. M. nói: “Cuộc chơi nào rồi cũng sẽ đến hồi kết thúc, bạn thì ít mà bè thì đông”. Khác với thời gian trước, trở về nhà, đối với M., xung quanh cái gì cũng lạ lẫm. Những ngày đầu, M. chỉ ở trong nhà. Khi được hỏi: Vì lý do gì không ra đường? M. thở dài: Chưa quen!…
Một tháng sau, nhờ một người quen, M. được nhận làm công nhân tại một công trường xây dựng ở ngoại ô Thủ đô. Với đồng lương chỉ vỏn vẹn 100 ngàn đồng/ngày – số tiền mà nằm mơ, M. cũng không nghĩ tới, bởi trước đây, chỉ một đêm, mỗi cuộc chơi M. đã “đốt” hàng triệu bạc. Mặc dù công việc vất vả, song M. hằng ngày vẫn cần mẫn làm việc như để đáp trả lại tháng ngày ăn chơi trước đó. M. nói: “Bây giờ tôi mới thấu hiểu, để kiếm được đồng tiền nuôi bản thân, trang trải cho sinh hoạt thật là điều không dễ. Vậy mà trước đây, tôi lại không hề đoái hoài tới điều này…”.
Chính những gì mà M. làm sau khi trở về đã khiến căn nhà của gia đình M. giờ đây luôn đầy ắp tiếng cười. Mẹ M. nói trong niềm vui: “Ngày trước, đêm nào M. đi chơi là y như rằng cả nhà mất ngủ, lo lắng. Còn bây giờ thấy M trở về tu chí làm ăn ai cũng vui cả!”.
Làm công nhân lao động một thời gian, với mong muốn tìm được công việc liên quan tới lĩnh vực vận tải hành khách, M đã xin phép gia đình nộp hồ sơ học lái xe ở một trung tâm đào tạo trên địa bàn thành phố. Cần mẫn vừa học vừa làm, đến nay, khóa học lái xe đã kết thúc, M đang nuôi hy vọng sớm tìm được công việc phù hợp cho bản thân mình và hình ảnh làm một dân chơi đã không còn trong tiềm thức của M. nữa…
Thay lời kết
Hiện nay, một bộ phận giới trẻ trong xã hội luôn muốn tự khẳng định, thể hiện mình trước chúng bạn bằng việc tạo nên cái mác dân chơi. Vung tiền theo các cuộc ăn chơi thác loạn mà không nghĩ tới những hệ lụy sẽ xảy ra sau này. Nhiều dân chơi mặc dù chưa kiếm ra tiền song vẫn bằng cách này cách nọ để có tiền lui tới quán bar, vũ trường, khua rượu tây đắt tiền.
Đáng chú ý, trong số này còn sắm thêm chất kích thích – ma túy tổng hợp (thuốc lắc, ma túy “đá”…) đáng giá cả chục triệu đồng để tạo ảo giác, chơi ngông hơn người. Khi gia đình không gánh được những cuộc chơi này thì chính dân chơi phải thực hiện hành vi phạm pháp như: lừa gạt, trộm cắp, đánh bạc… để kiếm tiền thác loạn.
Thực tế cũng đã chứng minh, thời gian qua có nhiều vụ án hình sự xảy ra, nguyên nhân không gì khác mà chính là vì dân chơi thiếu tiền đi thác loạn. Và ai là người gánh chịu hậu quả? Trước tiên chính dân chơi chứ không phải ai khác- tương lai sẽ bị lu mờ, rồi sau đó tới gia đình, người thân và xã hội.
Nếu ai đã từng biết đến những dân chơi nổi một thời như: “Đ. hói”, “T. tẩu”, “S. xanh”, “H. béo”… thì hãy xem xem có ai trong số này thành danh, không bị vi phạm pháp luật không? Vậy nên, qua bài viết, tôi mong những ai đã và đang là dân chơi, muốn làm dân chơi hãy suy nghĩ lại. Hãy sớm quay đầu là bờ.
Theo Trần Huy