Khi Đại học Hải Phòng tự chủ, Nhà nước có cấp kinh phí cho trường thực hành?
Khi các trường đại học được giao quyền tự chủ, trong đó có tự chủ tài chính thì các trường thực hành phải được nhà nước cấp kinh phí như các trường phổ thông.
Đó là quan điểm của Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Ngô Đăng Duyên, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Hải Phòng (nay là Đại học Hải Phòng) trước thực trạng Trường Đại học Hải Phòng đang trong lộ trình tự chủ đại học.
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Duyên, năm 1997, Trường Cao đẳng sư phạm Hải Phòng có 3 trường thực hành gồm: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.
Đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của 3 trường này được Trường Cao đẳng sư phạm Hải Phòng đầu tư rất lớn để thực hiện nhiệm vụ thực hành.
Các trường đã tiến hành giảng dạy, giáo dục học sinh như các trường phổ thông đạt chất lượng cao, trở thành địa chỉ mơ ước của các phụ huynh học sinh trên địa bàn quận Kiến An.
Đã có những thời điểm, các trường thực hành trong Trường Đại học Hải Phòng trở thành địa chỉ mơ ước cho các bậc phụ huynh (Ảnh: LT)
Tiến sĩ Duyên cho biết: “Đến năm 2000, Trường Đại học sư phạm Hải Phòng được thành lập thì ý định thành lập trường thực hành bậc trung học phổ thông cũng được đưa ra bàn ngay từ đầu.
Kế hoạch về trường thực hành sư phạm trực thuộc Đại học sư phạm Hải Phòng đã được trình lên Ủy ban nhân dân thành phố và được thành phố đồng ý, ra quyết định thành lập.
Ngay sau khi thành lập, trong 3 năm học liên tiếp (từ năm học 2001-2002), Trường trung học phổ thông thực hành của Đại học sư phạm Hải Phòng đều tuyển sinh với tỷ lệ tuyển chọn khá cao, điểm đầu vào tương đương với trường chuyên của thành phố”.
Thời điểm đó, các giáo viên trực tiếp giảng dạy là giáo viên dạy khoa học cơ bản của Trường đại học sư phạm Hải Phòng (thường là các giáo viên luyện thi vào đại học, cao đẳng).
Trường Đại học sư phạm Hải Phòng trả giờ dạy cho các giáo viên dạy tại Trường trung học phổ thông thực hành theo chế độ dạy thừa giờ ở đại học,
Chính vì vậy, các giảng viên tham gia giảng dạy rất phấn khởi vì chất lượng giảng dạy rất cao.
Tiến sĩ Ngô Đăng Duyên đưa ra dẫn chứng, chất lượng giảng dạy tại trường thực hành những năm đó đạt kết quả ngoài mong đợi: gần như 100% học sinh tốt nghiệp các khóa đều đỗ đại học, nhiều em có điểm số cao.
Video đang HOT
“Sức hút học sinh thời đó vào trường là rất lớn. Nhưng, vài năm sau đó, chính trong trường Đại học Hải Phòng lại có những quan điểm khác nhau về trường thực hành.
Kết quả là trường thực hành những năm sau đó phải thực hiện theo hướng “tự chủ”- tuyển giáo viên đủ để dạy các lớp của trường, phần lớn là những sinh viên mới ra trường.
Vì vậy, chất lượng giảng dạy không thể được như trước, số học sinh vào trường giảm dần, một số năm trường thực hành không tuyển đủ chỉ tiêu với số điểm rất thấp”, Tiến sĩ Duyên nhớ lại.
Tiến sĩ Ngô Đăng Duyên cho rằng, về chuyên môn, các trường thực hành dạy theo chương trình phổ thông chung, chịu sự quản lý chuyên môn của Phòng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo, phục vụ cho học sinh địa phương.
Do đó, kinh phí đào tạo, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học phải được Nhà nước cấp như các trường phổ thông công lập.
Tuy nhiên, Trường Cao đẳng sư phạm Hải Phòng (nay là Đại học Hải Phòng) muốn được cấp kinh phí cho các trường thực hành thì phải lập dự toán thông qua Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo và gửi lên Sở Tài chính.
Nếu được cấp kinh phí, Sở Tài chính sẽ gửi về Phòng Tài chính của quận, từ đó cấp trực tiếp cho các trường thực hành.
Nhưng khi Phòng Tài vụ của Trường Cao đẳng sư phạm Hải Phòng (nay là Trường Đại học Hải Phòng) làm việc với Phòng Giáo dục quận và Sở Giáo dục thì lại rất phức tạp, nhiều năm không làm được.
Đây là kinh phí cấp trên sĩ số học sinh và kinh phí chi thường xuyên, còn kinh phí chi lương cho giáo viên thì phải qua Phòng Nội vụ quận với rất nhiều điều kiện…
Cùng với đó, kinh phí về xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị còn phức tạp hơn nhiều.
Do đó, để bảo đảm cho mọi hoạt động của trường thực hành, Trường Cao đẳng sư phạm Hải Phòng (nay là Đại học Hải Phòng) phải dùng kinh phí của trường với phần kinh phí ít ỏi thu được từ tiền học phí của học sinh để trả lương cho giáo viên và mọi hoạt động của trường thực hành.
Kinh phí để Trường Đại học Hải Phòng chi cho các hoạt động của trường thực hành vẫn là vấn đề đáng quan tâm trong lộ trình tự chủ đại học (Ảnh: LT)
“Suốt 10 năm tôi làm hiệu trưởng (6 năm làm hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm và 4 năm Đại học sư phạm Hải Phòng) phải chấp nhận tình trạng như vậy.
Nhưng vì mục đích thực hành sư phạm, nhà trường vẫn trả lương cho giáo viên thực hành theo quy định và các khoản phụ cấp khác như giáo viên của trường sư phạm.
Trường sư phạm cũng đầu tư cơ sở vật chất cho trường thực hành đầy đủ, khang trang hơn các trường phổ thông ở trên địa bàn quận Kiến An”, Tiến sĩ Duyên nói.
Tại chương 4, Điều 11 trong quy chế hoạt động của trường thực hành sư phạm (ban hành theo Thông tư 16/2014 ngày 16/5/2014 của Bộ Giáo dục và Đà tạo) ghi: “Hằng năm, trường thực hành sư phạm trực thuộc cơ sở đào tạo giáo viên dự toán kinh phí cho hoạt động thực hành sư phạm, báo cáo cơ sở đào tạo giáo viên phê duyệt và chi trả”.
Đó là quy định cho các trường thực hành, còn cơ sở đào tạo giáo viên thì lấy kinh phí ở đâu để chi cho trường thực hành thì vẫn chưa có văn bản nào đề cập đến?
Tiến sĩ Ngô Đăng Duyên nhấn mạnh: Trường thực hành sư phạm còn nhiều vấn đề phải bàn như: nhận thức về trường thực hành, quan hệ giữa sư phạm và phổ thông, các quy chế, quy định, thông tư hướng dẫn, cơ chế chính sách với trường thực hành sư phạm…
Trên thực tế, sinh viên sư phạm không thiếu kiến thức mà họ thiếu phương pháp dạy học theo yêu cầu đổi mới, theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trên cơ sở đó, Tiến sĩ Duyên đề xuất: Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu, bổ sung những văn bản trên giúp cơ sở đào tạo giáo viên, các trường thực hành khắc phục những khó khăn hiện nay.
Việc làm này góp phần đưa hệ thống thực hành sư phạm thực sự là nơi để các sinh viên sư phạm thực hành các phương pháp dạy học theo cách “biến tri thức thành năng lực và phẩm chất” ở người học.
Cùng với đó, các cơ sở đào tạo giáo viên có trường thực hành phải được dự toán kinh phí, trong đó có dự toán kinh phí cho trường thực hành cùng các khoản khác.
“Tới đây, các trường đại học được giao quyền tự chủ, trong đó có tự chủ tài chính thì với những trường thực hành vẫn phải được Nhà nước cấp kinh phí như các trường phổ thông công lập.
Với Hải Phòng, từ năm 2020 trở đi, thành phố sẽ miễn học phí cho học sinh các cấp theo lộ trình, các trường phổ thông phải được ngân sách nhà nước cấp với nguồn kinh phí lớn hơn.
Các trường thực hành sư phạm tại Đại học Hải Phòng cũng phải được cấp như các trường phổ thông của thành phố”, Tiến sĩ Duyên đề xuất.
LÃ TIẾN
Theo giaoduc.net
1.000 học sinh nghỉ học vì gia đình phản đối dự án nghĩa trang
Tình trạng học sinh nghỉ học hàng loạt tại huyện Mê Linh (Hà Nội) xảy ra từ ngày 14-11 đến nay.
Sáng nay, 18-11, trao đổi với PLO, bà Trần Thị Lan, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh (Hà Nội), xác nhận thông tin trên.
Theo thông tin ban đầu, trong hai ngày 14 và 15-11, trên địa bàn các xã Thanh Lâm, Tam Đồng, Tiến Thắng (huyện Mê Linh) đã có gần 1.000 học sinh nghỉ học. Số học sinh này thuộc cả ba cấp mầm non, tiểu học và THCS.
Trường Tiểu học Tam Đồng, huyện Mê Linh, một trong các trường có tình trạng học sinh nghỉ học hàng loạt. Ảnh: Giaoduc.net.vn
Trong cuộc trao đổi với PLO sáng nay, bà Lan cho biết hiện chỉ còn hai xã là xã Thanh Lâm và xã Tam Đồng còn tình trạng học sinh nghỉ học.
Tính đến sáng nay (18-11), số lượng học sinh nghỉ học đã lên tới hơn 1.000 em.
"Lý do học sinh nghỉ học là thành phố đưa dự án nghĩa trang Thanh Tước về đây nên nhân dân họ phản đối không cho con em đi học" - bà Lan cho biết.
Theo thông tin từ Phòng GD&ĐT huyện Mê Linh, sau khi xảy ra tình trạng học sinh nghỉ học hàng loạt, Phòng GD&ĐT huyện Mê Linh đã tiến hành tuyên truyền cho các xã, các nhà trường để tuyên truyền cho gia đình học sinh không nên cho con em mình nghỉ học như vậy.
Đồng thời cũng họp ban giám hiệu nhà trường, họp giáo viên chủ nhiệm đến tuyên truyền từng gia đình nhưng phía gia đình vẫn không đồng ý.
Dự án nghĩa trang Thanh Tước có tên đầy đủ là Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước được quy hoạch với diện tích hơn 6.000 m2 tại địa bàn xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh).
Phía bắc dự án giáp khu đất của trường bắn và nghĩa trang xã Thanh Lâm, phía nam giáp kênh Tam Báo, phía đông giáp nghĩa trang Thanh Tước hiện có, phía tây giáp đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh.
Năm 2014, quy hoạch phát triển nghĩa trang trên địa bàn thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, nghĩa trang Thanh Tước sẽ được cải tạo, mở rộng thành công viên nghĩa trang Thanh Tước với quy mô 7 ha và mở rộng lên 23 ha đến năm 2030.
Theo quy hoạch ban đầu, công viên nghĩa trang Thanh Tước có hạng mục hỏa táng, tuy nhiên điều này đã khiến dự án vấp phải sự phản đối của nhiều hộ dân địa phương. Sau đó, dù hạng mục nhà hỏa táng đã bị cắt bỏ nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng tình của người dân.
A.HIỀN
Theo PLO
Sưởi ấm mùa đông nơi vùng biên viễn Báo Công Lý đã đồng hành cùng các nhà hảo tâm tại thành phố Thanh Hóa lên điểm trường lẻ khu Ruộng, chia sẻ những gian nan vất vả với các thầy cô và trao những phần quà thiết thực. Khu bản Ruộng là một điểm trường lẻ thuộc trường tiểu học Bát Mọt 1. Khi thành lập đến nay trường thầy và...