Khi đại biểu Quốc hội phát ngôn gây “sốc”
Liên quan đến những hành động và phát ngôn đang gây “sốc” ở nghị trường, trả lời PV , nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông cho rằng: “Là ĐBQH, từ cử chỉ, động thái, lời ăn tiếng nói đều gắn với việc đại diện cho cử tri nên phải chuẩn mực, thận trọng”.
Phát ngôn cần thận trọng…
Trao đổi với PV về những chuyện gắn với một số ĐBQH đang khiến dư luận xôn xao suốt tuần qua tại kỳ họp thứ 8 (Quốc hội khóa XIII), nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông theo dõi khá kỹ và nhìn nhận việc làm đó như đùa và thiếu nghiêm túc, bởi theo ông Cuông: “Đơn cử là một người dân bình thường cũng không mấy khi gặp chuyện này huống chi đây là những người được chính người dân lựa chọn”.
Chẳng lấy đâu xa để so sánh, ông Cuông cho ngay ví dụ: “Như tôi bây giờ không còn là ĐBQH nữa, là dân thường rồi, nhưng vẫn luôn suy nghĩ mình đã từng là ĐBQH thì phải giữ gìn, thận trọng từ lời ăn, tiếng nói đến cử chỉ, ngay cả việc ngồi trên bàn nhậu cũng phải cân nhắc câu nói, hành động”.
Được nhắc đến là vị đại biểu có nhiều ý kiến gây “ nóng” nghị trường, ông Cuông nhìn nhận trực diện vào phát ngôn của ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP. HCM) gây “sốc” vừa qua tại nghị trường: “Đúng thật là Đại biểu Đỗ Văn Đương cũng tích cực phát biểu, có những nội dung phát biểu cũng tốt, nhưng cách thức nói, từ ngữ, độ chín chắn, tính toàn diện hay độ nhìn toàn cục… thì có những hạn chế và phương pháp hoạt động đại biểu cũng chưa có kinh nghiệm nên khi phát ngôn, nghe không ổn.
Mặc dù, có tính hăng hái, tấm lòng tốt cùng những mong muốn tốt nhưng không được chọn lọc nên sẽ phản tác dụng. Nếu như đại biểu Đương chỉ là người của một cơ quan Nhà nước phát biểu thì chắc không mấy ai lưu tâm, nhưng đây là phát biểu của một ĐBQH, mà là Đại biểu chuyên trách ở ủy ban Tư pháp của Quốc hội thì tiếng nói lại hoàn toàn khác, nó đang được rất nhiều người quan tâm và chú ý”.
Trước đó, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 27/10 vừa qua, ông Đỗ Văn Đương, ĐBQH đoàn TP.HCM nói rằng: “Thực chất, luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền”. Sau phát ngôn này, ĐBQH Đỗ Văn Đương bị nhiều luật sư yêu cầu xin lỗi vì đã “thóa mạ” nghề luật sư. Tuy nhiên, sáng ngày 28/10, trả lời báo chí về phát ngôn của mình, ĐBQH Đỗ Văn Đương nói: “Tôi sẽ không đính chính lại thông tin này”.
Video đang HOT
ĐBQH Hoàng Hữu Phước (ảnh trái) và ĐBQH Đỗ Văn Đương.
Ngày 31/10, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có văn bản gửi đến Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp của Quốc hội kiến nghị làm rõ, xem xét trách nhiệm và tư cách ĐBQH, tư cách ủy viên thường trực ủy ban Tư pháp của ông Đỗ Văn Đương.
Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho biết, nếu ông Đương vẫn không rút lại phát ngôn của mình, Hội luật gia TP.HCM sẽ xem xét khởi kiện ông Đương.
Trả lời cho câu hỏi của PV về việc đang có chuyện lạm ngôn và lạm quyền trong những phát ngôn của một số cá nhân, ông Cuông nói thẳng: “Thực tế có nhiều người muốn thể hiện vai trò của mình, muốn nổi danh hoặc muốn cho dư luận quan tâm để nổi tiếng. Trong diễn đàn Quốc hội, nhất là khi tường thuật trực tiếp, hoặc những lúc phóng viên phỏng vấn bên hành lang, nhiều Đại biểu thể hiện vai trò để tạo hình ảnh trước cử tri, nhưng có những phát ngôn không có hiệu quả, không thuyết phục được cử tri và đáng chú ý có những phát ngôn khiến dư luận giật mình. Nói chung là người Việt Nam hay những người bình thường người ta cũng rất quan tâm đến văn hóa phát ngôn và đặc biệt là văn hóa nghị trường, cho nên các ĐBQH phải rất thận trọng, bởi nói rồi, nhiều khi không khắc phục được”.
Để dẫn chứng, ông Cuông đưa ra ý kiến của Đại biểu Dương Trung Quốc: “Phát biểu thì nhiều nhưng chất lượng không cao lắm”.
Cử tri thất vọng?!
Xung quanh sự vụ của hai vị ĐBQH đoàn TP. HCM tranh cãi nhau trên một trang mạng xã hội, ông Lê Văn Cuông cho rằng: “Chuyện ĐBQH Hoàng Hữu Phước trước đây cũng vấp một lần với Đại biểu Dương Trung Quốc, phải xin lỗi nhưng không rút kinh nghiệm, nay lại nói Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thì xem ra vị này có đặc tính khác thường”.
“Ngay cả những công dân bình thường cũng rất hiểu được quy tắc sống, đạo đức văn hóa của dân tộc, trong đó có văn hóa ứng xử người với người. Nhưng Đại biểu Phước lại cho rằng, đó là quyền tự do ngôn luận của cá nhân là không chấp nhận được, trong khi đó ông Phước còn là vai trò của một ĐBQH”, ông Cuông nói từ Thanh Hóa.
Ông Cuông cũng cho hay: “Ông Nghĩa phát ngôn trên ngôn luận là đúng lúc, đúng chỗ, còn nếu như ông Phước thấy chưa đúng, không đồng tình quan điểm, thì nên gặp trực tiếp góp ý hay có những phản biện bằng quan điểm trên dư luận nhưng cũng phải có những từ ngữ văn hóa, như thế mới xứng danh. Làm như thế thì hình ảnh của anh sẽ bị giảm sút và bên cạnh đó cũng sẽ ảnh hưởng đến Quốc hội khi cử tri thất vọng với Đại biểu mà người ta đã bỏ phiếu”.
Trước đó, câu chuyện về hai vị ĐBQH “đấu” nhau bên lề kỳ họp Quốc hội cũng khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Khi đó, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa chính thức có văn bản gửi đến đoàn ĐBQH TP.HCM đề nghị làm rõ việc Đại biểu Hoàng Hữu Phước đã có những từ ngữ công kích, thiếu văn hóa đối với ông trên Blog cá nhân.
Bài viết của ông Phước có 5 điểm phân tích về vấn đề đưa ra của ông Nghĩa và đều phản bác về những nhận định của ông Nghĩa, trong đó có đoạn ông Phước viết: “Ông Trương Trọng Nghĩa chắc là muốn nêu lên sự hồ nghi đối với chất lượng chuyên nghiệp, cái tâm, cái tầm, cái bản lĩnh, và cái quyết tâm vì nước vì dân của đại đa số ĐBQH Việt Nam vốn không là Đại biểu chuyên trách chăng?”.
Tuy nhiên, bên hành lang Quốc hội sáng 4/11, ông Phước trao đổi với báo giới: “Tôi không đồng tình với phát ngôn của ông Nghĩa. Tôi cho là không đúng, cho nên tôi chống lại phát ngôn đó, chứ không phải là một ĐBQH chống lại một ĐBQH”. Năm 2013, cũng trên trang mạng cá nhân, ông Phước đã có bài viết công kích ĐBQH Dương Trung Quốc với nhan đề: “Dương Trung Quốc và 4 điều sai năm cũ” (Tứ đại ngu) khiến nhiều cử tri băn khoăn về cách ứng xử của các Đại biểu mà họ tin cậy, bỏ phiếu.
Theo ghi nhận của PV, nhiều cử tri cho rằng, có một thực trạng đáng buồn, sức nóng từ nghị trường dường như không đến từ các cuộc thảo luận chính sách. Những bức xúc dân sinh đến các vấn đề bức thiết của kinh tế xã hội chưa được Đại biểu phản ánh đầy đủ. Trong khi, bản thân nhiều Đại biểu lại “gây sóng gió” bằng những phát biểu chẳng liên quan gì đến chuyện đại sự.
Trần Quyết
Theo_Người Đưa Tin
Dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi): Cần đảm bảo bình đẳng, công bằng
Chiều 3-11, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).
Đại biểu Dương Trung Quốc
Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) nêu rõ, Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định độ tuổi gọi công dân nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi nên hàng năm tỷ lệ công dân có trình độ đại học trở lên được gọi nhập ngũ vào quân đội thấp. Mặt khác, số công dân được ưu tiên tạm hoãn gọi nhập ngũ để học đại học, sau khi tốt nghiệp phần lớn đã hết độ tuổi gọi nhập ngũ.
Vì vậy, tại Điều 32, dự án Luật bổ sung quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi đối với công dân học chương trình đào tạo đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ. Đây là một trong những nội dung mới, đáng quan tâm của dự thảo Luật. Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) của Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN), Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Kim Khoa nhấn mạnh, chính sách nghĩa vụ quân sự phải động viên thanh niên hăng hái phục vụ trong quân đội và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân để bảo đảm công bằng xã hội, đồng thời thực hiện yêu cầu cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, khắc phục những bất cập và hạn chế hiện nay.
Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ ĐB Dương Trung Quốc cho biết: "Ở nhiều quốc gia, sự bình đẳng được thể hiện ở mức độ không ai có thể thoái thác nghĩa vụ quân sự, không thể thay thế bằng các hình thức khác. Các bạn trẻ có thể thấy, ở Hàn Quốc đến các nghệ sỹ, ngôi sao nổi tiếng vẫn chấp hành nghiêm túc nghĩa vụ quân sự. Đấy là văn minh về nhận thức chứ không phải hiểu nghĩa vụ như là một gánh nặng. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo tính bình đẳng, công bằng. Nhận thức về trách nhiệm của mình với quốc gia là một trong những điều quan trọng tạo nên sức mạnh quân đội. Chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như tận dụng một "tài nguyên" rất phong phú là những bài học lịch sử, những tấm gương của cha ông để lại".
Theo_An ninh thủ đô
Thêm một cấp phó thêm một bộ máy, lấy gì mà nuôi? Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng chỉ cần thêm một cấp phó là sinh ra một bộ máy và công việc không được giải quyết nhanh gọn. Bên lề hành lang Quốc hội ngày 3/11, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương trao đổi với báo chí về tình trạng loạn cấp phó ở nhiều bộ ngành diễn ra trong thời gian...