Khi công chức… nhậu
Chẳng biết lịch sử cái thức uống có chứa cồn lên men có từ bao giờ, chỉ biết là ngày nay người ta đang phát cuồng lên vì nó. Người ta tụ tập nhau lại để uống, để chúc tụng, để hò hét, để say xỉn như một trò tiêu khiển không thể thiếu trong cuộc sống. Những cuộc tụ tập như thế được gọi chung bằng một từ, rất đơn giản: Nhậu!
Một nghìn lẻ một lý do để… nhậu
Thật lạ là không chỉ đàn ông thích nhậu mà đàn bà cũng thích, không chỉ người già mà cả người trẻ, không chỉ dân rỗi việc mà cả giới công chức cũng khoái. Người ta nhậu bất cứ lúc nào: buổi trưa, buổi chiều, thậm chí kể cả ăn sáng cũng phải làm vài chén. Còn cái lý do để nhậu ư? Có đến một nghìn lẻ một lý do, thậm chí chẳng có lý do gì cũng phải nhậu vì… không có lý do.
Đám cưới vui vẻ nhậu đã đành, đằng này, đám ma tang gia bối rối, cũng phải nhậu, giỗ chạp làm mâm cơm cúng cho người đã khuất, anh em họ hàng cũng tụ tập nhau nhậu cho đến khi mặt mũi đỏ như gà chọi, nói năng lè nhè lẹt nhẹt mới thôi. Còn cái đám công chức thì việc nhậu trở nên phổ biến cứ như một chương trình làm việc trong tuần không thể bỏ qua. Người ta đổ lỗi cho việc tiếp khách, gặp gỡ đối tác, rồi bàn chuyện làm ăn. Có tâm trạng là có thể nhậu, vui nhậu, buồn cũng nhậu, mà chẳng vui chẳng buồn nhưng cứ nhớ đến cái thức uống cay cay nơi cổ họng là phải tìm đủ mọi cách để nhậu. Chuyện có thật hẳn hoi là có mấy anh công chức Nhà nước còn đổ cả rượu vào ấm tích để ở văn phòng làm việc để tiếp khách như uống nước lã. Vậy nên đừng có ai giật mình khi biết đàn ông Việt Nam đi nhậu ít thì tuần 2-3 lần, nhiều thì 4-5 lần, thậm chí có người nhậu cả tuần.
Chỉ cần dạo quanh một vòng qua các con phố ở Hà Nội là có thể trả lời câu hỏi vì sao mà người ta vẫn cứ mở các quán bia, quán tửu ầm ầm mọc lên. Đủ các loại quán: hạng sang có, bình dân vỉa hè cũng có, nào là Lan béo, Hùng béo, Hiếu béo… mà quán nào cũng đông nghìn nghịt cánh công chức cổ cồn calavat. Đám phục vụ chạy tới chạy lui bê cả khay bia lớn vã mồ hôi hột mà khách cứ gọi ầm lên không kịp phục vụ. Có mặt ở một số quán nhậu quanh khu vực đường Lê Duẩn, Vũ Hữu Lợi, Trần Nhân Tông, Tăng Bạt Hổ, Hàn Thuyên… tầm chưa đến 11 h trưa, tức là chưa hết giờ làm việc đã bắt đầu có khách qua lại. Đến 11h30 – 12h, khách vào quán bắt đầu nườm nượp.
Tại một quán bia trên phố Tăng Bạt Hổ, một nhóm viên chức khoảng hơn 10 người cười nói rôm rả, câu chuyện trên trời dưới biển đều được lôi ra bàn luận, nào là tình hình giá vàng thời gian qua, bất động sản chững lại,… cho tới việc đã ngán đến tận cổ cô giúp việc vừa lười vừa hay đòi hỏi, hay hai vợ chồng nhà hàng xóm cãi nhau cũng biến thành chủ đề bàn tán sôi động. Rồi chuyện ở công ty cô này chân dài, cô kia chân ngắn, sếp này thế này, sếp kia thế khác, chắc rằng không ít chuyện bí mật nội bộ của các cơ quan nội bộ cũng từ đây mà “phun” ra cả.
Thậm chí cả cái chuyện phòng the của vợ chồng cũng được cánh mày râu lôi ra tuồn tuột. Rượu vào đến đâu lời ra đến đấy, cứ thế hết cốc này đến vại khác. Chán chả còn chuyện gì nói, họ còn thách đố nhau xem ai lập kỷ lục uống được nhiều nhất. Khi đã lập kỷ lục thì lại tiếp tục uống để phá kỷ lục. Đã phá được kỷ lục thì lại càng phải uống xem thằng nào phá kỷ lục sâu hơn…. Ôi trời, nếu mà kể ra thì có mà cả vài trang báo không hết chuyện!
Buổi chiều, cỡ 5, 6 giờ, sau giờ tan sở, lượng khách đi nhậu lại còn đông hơn gấp tỷ lần so với buổi trưa. Khoảng thời gian này những người đến quán hầu hết là những đội bóng phong trào mà các cầu thủ chủ yếu là dân công chức vừa xong một trận giao hữu, giờ đi giao hữu tiếp tăng 2, tăng 3. Dù thắng hay thua, thì đều phải nhậu để phân tích lại các tình huống trong trận. Các bác, các chú vừa đi đánh tennis về cũng ra làm vài cốc bia cho đỡ mệt.
Chưa kể tới việc, Hà Nội trời vào thu đã thấy hơi lạnh tràn về, nhiều người vào quán với vẻ tâm đắc thốt lên: “Trời lành lạnh thế này, làm nồi lẩu với vài chai rượu thì còn gì bằng”. 22h30 tại cửa ra một quán nhậu trên đường Bưởi, hai người đàn ông đứng tuổi đang níu kéo nhau: “Anh không về thì chị cho ngủ ngoài đường mất”, nam thanh niên kia tiếp lời: “Thế thì ngủ nhà nghỉ, thiếu gì cách, anh em mới ngồi mà anh đòi về…”. Nhiều người đã nghe qua câu “Rượu bất khả ép/ Ép bất khả từ/ Từ bất khả thi/ Từ từ rồi cũng hết” đến giờ chắc mới thấu hiểu ý nghĩa của câu này. Đã không đi nhậu thì thôi, đã nhậu rồi thì khó mà về được.
Theo kết quả xếp hạng năm 2010 của Michel de Carvalho, Tổng Giám đốc bia Heineken, tửu lượng của người Việt Nam đang khiêm tốn đứng hạng thứ 3 thế giới, chỉ sau Pháp và Mỹ. Trung bình mỗi năm người Việt Nam uống bia, rượu hết 6.000 tỷ đồng. Ông cũng cho rằng Việt Nam sẽ “vọt” lên hàng thứ hai vào năm 2012, và 3 năm sau đó nữa sẽ… san bằng cách biệt, thậm chí là dẫn đầu danh sách “nhậu” của thế giới.
Video đang HOT
Và cũng theo một con số thông kê khác thì có khoảng 40% các vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia và khoảng 11% người tử vong vì tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia. Đấy là chưa kể những vụ án liên quan đến rượu, và hàng loạt những vấn đề xã hội khác như những cuộc cãi vã xô xát, anh em, bố con trong gia đình vì rượu, những cuộc ly hôn vì… rượu, những đứa con không cha vì rượu… Hỡi những người uống rượu, khi lập kỷ lục, phá kỷ lục để nâng cấp tửu lượng, họ có nghĩ đến rằng mình chính là hiểm họa của gia đình và xã hội.
Nhậu… trong Tháng an toàn giao thông
Có lẽ trào lưu nhậu đã ăn sâu trong tiềm thức của người Việt Nam đến mức mà người ta còn phải gọi là “văn hóa nhậu”. Bởi thế nên Tháng an toàn giao thông năm nay mới có chủ đề là “Nói không với bia rượu khi tham gia giao thông”. Cảnh sát giao thông cũng làm mạnh tay, kiểm tra nồng độ cồn thế nên chỉ được mấy ngày đầu của Tháng an toàn giao thông, số người đến quán bia rượu có phần giảm đi, sau rồi dường như không thể kìm nén được cái sự uống, người ta lại lục tục tìm đến các quán nhậu.
Chia sẻ với phóng viên, một quản lý quán bia trên đường Bưởi cho biết: “Trước đây, quán lúc nào cũng kín khách, kể từ khi có chốt CSGT lập ra ngay gần quán, lượng khách cũng giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, chỉ một thời gian mọi thứ đều đâu vào đấy”. Lý giải cho hiện tượng này, một thực khách bàn bên tâm sự: “CSGT làm sao mà cứ chốt mãi một điểm như thế được, quanh khu vực này có biết bao nhiêu quán nhậu. Chẳng lẽ chỉ chốt mỗi ở đây còn quán khác thì kệ à. Mấy ngày đầu có chốt, tôi toàn phải sang quán bên Nghĩa Tân để uống, xa một tí nhưng né được CSGT”.
Vậy ra cái sự nhậu không thể bỏ, CSGT còn làm nhiệm vụ phân luồng đảm bảo giao thông, người đâu cho xuể mà có kiểm tra, xử phạt thì cũng chỉ như muối bỏ bể. “Rượu gặp bạn hiền nghìn chén thiếu” – câu nói này đã thành câu cửa miệng của nhiều người. Có điều, không thể bỏ nhậu nhưng nhậu xong thì ra đường vẫn “sợ” gặp CSGT. Hầu hết những trường hợp bị “tuýt còi” đều là những bợm nhậu mặt đỏ như gấc, hay tím tái như gà bị cắt tiết, hoặc dễ nhận biết nhất là lảo đảo như đi trên đường mấp mô.
Với tình trạng như vậy, dù có qua được chốt cảnh sát ngay ngoài quán nhậu cũng dễ dàng bị các chốt khác phát hiện. Biết là kiểu gì cũng bị phát hiện. Nên dân nhậu đã nghĩ ra nhiều kế để đối phó. Nghe nhiều người kháo nhau về một loại thần dược chỉ cần ngậm vào miệng mặt mũi sẽ bớt hồng hào, sức tập trung sẽ tăng lên đáng kể, giảm bớt nguy cơ bị phát hiện. Hỏi ra mới hay, thần dược đó là sắn dây, nhưng tác dụng chẳng được là bao. Chưa kể đến chiêu tự biến mình thành những “Chí Phèo” thời hiện đại.
Mặc dù vừa làm một trận nhậu thừa sống thiếu chết với anh em chiến hữu, có đứng cách xa cả chục mét cũng nhận ra, thế mà thử đủ mọi cách vẫn không sao đo được nồng độ, vì dân nhậu khi đo thì.. hạn chế thể để hơi không ra nhiều. Vậy mới có chuyện, phải làm đi làm lại cả chục lần mới đo được nồng độ của một bác ma men. Lại có anh chàng vừa mới ngậm máy đã thanh minh: “Anh cảnh sát ơi, em bị hen bẩm sinh, thở bình thường còn khó huống hồ bắt em thổi cả lít thì em đứt hơi mất”.
Người khác còn giả bộ run rẩy, thều thào: “Em sinh ra đã bị bệnh tim, giờ bệnh di căn sang viêm phổi cấp…” chưa dứt câu nói đã hổn hển giãy ra đành đạch như cá mắc cạn. Tuy nhiên, cách này cũng không ăn thua, gặp những bác “Chí Phèo” như vậy, hầu hết đều xử lý theo kiểu đưa xe về đội, anh nào anh nấy nghe đến việc giữ xe thì không ai bảo ai cũng ra sức mà thổi, bị phạt hành chính vẫn hơn giữ xe.
Thậm chí, “ăn theo” việc xứt phạt bia rượu khi tham gia giao thông có người đã nghĩ ngay đến việc kinh doanh dịch vụ đưa đón người say rượu, cả người và tài sản đều sẽ được đưa đến nơi về đến chốn. Xin trích một đoạn quảng cáo của dịch vụ này: “Kính chào quý Anh, chị, em đang uống rượu và sắp uống rượu. Cho giới thiệu tới các bạn Dịch vụ đưa đón người say rượu an toàn và đảm bảo… Chúng tôi nhận lái xe hộ tống người say về tận nhà, đảm bảo về mọi vấn đề như sức khỏe, tài sản, vật chất…”. Phóng viên vẫn chưa có dịp kiểm chứng độ tin cậy của dịch vụ này, nhưng có lẽ cũng ít được dân nhậu tìm đến. Bởi chẳng có mấy người say mà nhận rằng mình say cả..
Xem ra, dù có trăm phương ngàn kế cũng chẳng ai tính tới chuyện bớt rượu bia. Mà cũng chẳng mấy người nghĩ rằng đã uống bia, rượu thì không lái xe. Thế mới xảy ra cảnh rất đối lập, ở một quán bia ở Lê Duẩn có chăng một băng rôn rất to với dòng chữ: “Đã uống bia, rượu thì không lái xe”, bên trong các dân nhậu vẫn đang hò dô chúc tụng chưa biết bao giờ tới hồi kết. Người ta mới chỉ sợ bị phạt khi uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện giao thông chứ chưa thấy ai vì lo cho tính mạng bản thân khi tham gia giao thông mà bỏ đi thói quen nhậu.
Mạnh tay với những trường hợp sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông là quyết định đúng đắn. Song để xử lý những trường hợp uống bia rượu khi tham gia giao thông, chỉ lực lượng CSGT làm thôi thì không đủ, mà cần có một quy định cấm uống bia rượu từ chính các cơ quan, đơn vị. Và điều quan trọng hơn cả là ý thức của những người thích nhậu…
Việt Nam hiện có khoảng 350 cơ sở sản xuất bia có trụ sở ở hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước và tiếp tục tăng về số lượng. Trong số này, có hơn 20 nhà máy đạt công suất trên 20 triệu lít/năm; 15 nhà máy có công suất lớn hơn 15 triệu lít/năm và có tới 268 cơ sở có năng lực sản xuất dưới 1 triệu lít/năm. Thống kê do TS Đàm Viết Cương – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế đưa ra tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Đánh giá tình hình lạm dụng rượu bia tại Việt Nam” cho thấy, trung bình mỗi người Việt Nam uống 16 lít bia, 4 lít rượu/năm. Chỉ mới 4 tháng đầu năm 2011, Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 715 triệu lít bia, tăng gần 10% so với cùng thời gian năm 2010. Sản lượng bia ngoại quốc nhập cảng vào Việt Nam cũng tăng 50%. Điều tra gần nhất về tình hình sử dụng rượu bia ở Việt Nam do Viện Chiến lược và Chính sách y tế thực hiện cũng cho thấy tỉ lệ người dân có sử dụng rượu (ít nhất 1 lần/tuần) tại các địa bàn nghiên cứu là 33,5%. Những con số đủ khiến nhiều người giật mình.
Theo ANTD
"Thuốc" diệt "sâu rượu"
Chuyện nhậu mặc nhiên được xem như một nét văn hóa trong các lễ, đám của dân tộc ta. Thế nhưng nhậu không có văn hóa và nhậu... tới bến lại mang đến nhiều nét phản cảm. Thế nên, cần phải có biện pháp nhằm hạn chế việc một bộ phận cán bộ xã, giáo viên ở Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay đang sa đà vào các cuộc "tửu thí".
Nhậu thế nào là... vừa!
Khó mà "cân" xem nhậu đến độ nào là vừa, nhưng cách nhậu có văn hóa hay không là điều ai cũng có thể nhìn thấy được. Nghĩa là nhậu cần phải đúng nơi, đúng chỗ và tự biết độ dừng đúng lúc.
Nhậu thế nào là... vừa?
Ông Dương Văn Hài - nguyên Bí thư Chi bộ ấp Kinh I, xã Đông Thái, huyện An Biên, nhận xét: "Có thể nói hiện nay tình trạng uống rượu trong giới giáo viên cấp tiểu học và cán bộ ấp, xã là tương đối phổ biến. Tôi không thể nào chấp nhận một giáo viên hay cán bộ xã xuống nhậu dưới cơ sở rồi đi liêu xiêu, bê bết, té ngang té ngửa. Đây là lực lượng gần dân nhất, nếu nhậu quá đà, họ không chỉ làm mất uy tín của bản thân mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, đơn vị".
Ông Nguyễn Văn Đẹt - nguyên Trưởng Ban lãnh đạo ấp Kinh I, cũng băn khoăn: "Lớp trẻ bây giờ nhậu ghê quá, chứ thời tôi làm cán bộ ấp, gạo không có mà ăn, lấy đâu tiền mua rượu? Nhưng điều đáng nói hơn là hiện nay việc giáo viên, cán bộ nhậu đã trở thành vấn nạn, có khi chưa đến cơ quan, trường học đã ngà say, trên bàn nhậu thì uống xả láng không biết độ dừng...".
Bàn về "văn hóa nhậu", ông Trần Chí Dũng - Chủ tịch UBND huyện An Biên nói rằng, chuyện nhậu của cán bộ xã, huyện hay giáo viên là rất đỗi bình thường, nhưng phải biết nhậu như thế nào, đừng quên nhiệm vụ, nhất là tuyệt đối không được tiếp dân hay lên lớp giảng dạy khi có hơi rượu. Còn ông Đoàn Chí Dũng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Biên quả quyết: "Một khi uống rượu thì đầu óc sẽ kém minh mẫn. Thế nên giáo viên tuyệt đối không được đứng lớp khi đã uống rượu. Uống rượu ngoài giờ cũng gây ảnh hưởng đến việc dạy học bởi rượu làm suy giảm sự sáng tạo của giáo viên".
Thật vậy, chúng tôi cũng đã từng chứng kiến một số giáo viên nhậu thâu đêm, sáng dậy cứ tìm trà đá mà uống vì "nóng trong người", thêm vào đó là sự mệt mỏi trông thấy rõ. Một người bạn của tôi ở Vĩnh Thuận cũng than: "Thật tình thì khi không đâu ai thích nhậu, nhưng có khi cả tuần liền phải nhậu, thậm chí hơn 10 ngày liền tù tì. Hết đám đầy tháng con phụ huynh A, đến thôi nôi con phụ huynh B, rồi đến lượt đám giỗ, đám cưới con phụ huynh này, phụ huynh kia, đó là chưa kể nhậu lẻ tẻ ở những tiệc nhậu của phụ huynh, bạn bè, anh em thân tộc...".
Nghe thầy giáo này kể ngàn lẻ một lý do bất khả kháng như vậy mới thấy "khổ" cho thầy giáo hay cán bộ xã ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Nếu dự hết các đám, tiệc như vậy thì lên đứng lớp dạy hết buổi là mừng rồi chứ hơi sức đâu mà nghĩ những sáng tạo để giúp các em?
Ông Nguyễn Minh Trí - Bí thư Đảng ủy xã Đông Thái (huyện An Biên) dí dỏm: "Có khi lãnh tháng lương không đủ dự các đám tiệc nên phải về xin bà xã. Mà đã đến dự đám hay bữa tiệc nào của bà con thì y như rằng hôm ấy say bí tỷ. Bởi vì nếu uống với chú tư thì phải biết phải phép với bác ba, anh tư...
Cứ như thế khi bàn tiệc chưa xong mình đã say trước do họ coi mình là khách quý, không uống đủ vòng không được. Còn mỗi khi xuống cơ sở gặp bà con mời rượu mà không uống thì họ lại nói mình đã làm quan rồi nên không muốn gần gũi dân. Thế là uống!".
Cần có biện pháp khắc phục
Ông Trần Chí Dũng - Chủ tịch UBND huyện An Biên cho biết: "Với tính đặt thù ở địa phương vùng sâu như hiện nay, nếu cấm không cho cán bộ uống rượu là sai, nhưng phải có chế tài. Nghĩa là nếu phát hiện cán bộ nào có hơi rượu đến công sở, cơ quan phải kiên quyết xử lý nghiêm theo mức độ vi phạm".
Ông Lê Minh Thuật - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện An Biên nêu ý kiến: "Ngoài các tiêu chí trong quy ước thực hiện nếp sống mới ở khu dân cư, cần xem xét lại những cán bộ, giáo viên thường xuyên say xỉn làm ảnh hưởng đến công việc, uy tín với dân mà xét gia đình văn hóa".
Cũng theo ông Thuật, nếu không có biện pháp xử lý mạnh tay với những giáo viên, cán bộ xã thường xuyên nhậu nhẹt, tệ nạn nhậu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển, tu dưỡng của các thế hệ sau.
Ông Lê Ngọc Hân - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện U Minh Thượng cũng trăn trở: "Phải có biện pháp mạnh tay hơn với những cán bộ, giáo viên "xỉn". Hiện tại, chúng tôi đã xây dựng quy chế giám sát chặt chẽ lực lượng cán bộ, giáo viên của ngành. Thế nhưng, việc này quản lí cũng khó, bởi đa số giáo viên dạy học tại các điểm lẻ hay xa trung tâm".
Ông Đoàn Chí Dũng - Trưởng phòng Giáo dục và Đạo tạo huyện An Biên thì khẳng định việc giáo viên hiện nay nhậu nhẹt là có. "Chúng tôi đã thống nhất thực hiện theo quy chế: Nếu nơi nào để xảy ra tình trạng gíao viên có hơi rượu lên lớp giảng dạy, trước hết hiệu trưởng trường đó sẽ phải chịu trách nhiệm.
Hiện tại chưa có phụ huynh nào phản ánh đến Phòng Giáo dục, nhưng giáo viên trong ngành cũng đã có vi phạm. Có những giáo viên vi phạm tái đi, tái lại nhiều lần như thế, buộc lòng chúng tôi phải cho ra khỏi ngành chứ không có cách nào khác. Sắp tới, chúng tôi sẽ siết chặt công tác này nhiều hơn nữa, nhất là những điểm trường lẻ, vùng xa trung tâm và các nơi tập trung ở nhà công vụ. Nếu phát hiện nhậu nhiều quá ngoài giờ thì nhắc nhở còn trong giờ giảng dạy thì nghiêm khắc xử lý" - ông Dũng nói.
Theo PLVN
Nhậu bi hài ký (kỳ 2) Dân miền Tây Nam bộ được biết đến với tính tình khảng khái, thật thà, nhưng chơi thì... "phạch ngực". Cái chất "phạch ngực" ấy thể hiện rõ nhất trong bàn nhậu, nơi những "sâu rượu trẻ" đang "ngâm đời trong những cơn say". Khi "đẳng cấp" đàn ông được đo bằng tửu lượng Sáng sớm. Quán nhậu B.T, nằm gần con đường...