Khi chồng như phù thủy
Nói thực tôi mệt mỏi với chồng tôi vô cùng. Tôi không biết sẽ nói sao nếu một ngày tôi muốn dừng lại cuộc hôn nhân này, bởi người đàn ông đang sống cạnh tôi không phải là một người đàn ông vững vàng.
Tôi không biết từ khi nào, chồng tôi ngày càng bộc lộ ra, là một người đàn ông ưa hạnh họe mà rất đỗi vòng vo.Tôi nghĩ, do anh xuất thân từ nông thôn, nơi mà người ta ưa cư xử theo lối nhẹ nhàng, thân thiện trước mắt nhưng lại dễ bộc lộ những bực bội, tự ái từ sau lưng.
Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố, tôi thấy thói quen của gia đình tôi rất khác. Trong gia đình tôi, nếu không đồng ý với nhau việc gì, dù là bố mẹ hay con cái đều có quyền bày tỏ ý kiến thật, quan điểm thật. Tuy nhiên, sau khi thể hiện quan điểm mà được những người xung quanh góp ý, phê bình thì vẫn phải tiếp thu, sau đó cả gia đình sẽ chọn một cách làm thống nhất chứ không được bàn tán ‘xầm xì’ sau lưng.
Tôi không hề có ý coi thường nhà chồng, nhưng tôi cảm thấy những người bên gia đình chồng mình và cả những người họ hàng, ngay cả hàng xóm trong làng xã của anh cũng vậy, ngược lại với cách của nhà tôi. Ở đây người ta không bao giờ nói ra ý nghĩ thật của mình, vì ‘nể mặt’ nhau, vì sợ bị đánh giá, sợ bị nhận xét, phê bình…
Nhưng khi không nói được ra thì lại trở thành một khối ấm ức trong lòng và tạo ra không khí thân thiện giả. Sự thân thiện giả này khiến tôi rất mệt khi về quê chồng, rất chán khi về làm có một bữa giỗ mà đứng chỗ nào cũng thấy các chị các cô đứng túm tụm theo nhóm bình luận lẫn nhau, nhận xét những thứ không liên quan đến mình, bằng cách nói xỉa xói, chua ngoa, chế giễu ghê gớm nhất.
Video đang HOT
Nhìn bên ngoài, mọi thứ có vẻ thống nhất rất cao nhưng kỳ thực ở bên trong mới hiểu, không ai nhường ai gang tấc, không ai thật lòng muốn gạt bỏ cái tôi để đối xử êm đẹp với nhau một chuyện gì. Nhưng nói thẳng thắn với nhau thì cũng không ai nói, trong khi trước mặt thì luôn tỏ ra yêu quý. Và cái tính cách ấy ‘đi thẳng vào máu’ chồng tôi.
Tôi rất mệt khi cuối ngày về nhà luôn phải nghe thấy chồng tôi chê bai người này, kể xấu người kia. Có những chuyện mà rõ ràng chồng tôi đã đồng ý với người ta nhưng lại về nhà nói với tôi theo một cách khó chịu vô cùng.
Anh để ý người khác từ lời ăn tiếng nói đến đôi giày, cái xe… Thậm chí với cả gia đình vợ anh cũng giữ thói quen để ý vặt, rồi nhẹ nhàng khéo léo trước mặt nhưng sau lưng thì chê bai tất cả mọi điều. Chẳng hạn, về nhà bố mẹ đẻ tôi ăn cơm, anh luôn tấm tắc khen ngon nhưng tối về luôn than thở về việc mẹ tôi cho miến vào nem hay cho tai chua vào canh cá, anh ăn không hợp. Ừ thì khẩu vị có thể khác nhau, tôi không ép anh phải ưa thích được nhưng tôi thấy anh đâu cần phải giả vờ khen rồi lại mang về nhà cằn nhằn với tôi đầy vẻ bất mãn với bố mẹ vợ?
Hôm tôi góp ý với anh thì anh gắt lên, bảo tôi rằng: Thế theo em, anh phải nói thế nào? Tôi bảo: ‘Anh cứ nói thật với mẹ em chứ, miễn là mình ăn nói lễ độ, không xúc phạm đến ông bà. Chẳng hạn, anh có thể nói là con vẫn ăn canh cá nấu dưa chứ ít ăn với quả tai chua nên không quen mẹ ạ!’. Anh lại cáu, bảo tôi hâm, nói thế khác gì chửi bà! Tôi không hiểu anh định nghĩa thế nào là ‘chửi’. Không hiểu anh nhầm lẫn gì giữa việc chửi bới, khinh rẻ với việc trình bày cho rõ ngọn ngành?
Hôm vừa rồi gia đình tôi liên hoan vì có anh chị họ, con bác tôi ở nước ngoài mới về thăm họ hàng. Anh chị mang theo các cháu. Chị vợ của anh họ tôi là người khá phóng khoáng, chị ăn mặc rất thời thượng nhưng quả là có phần hơi ‘mát mẻ’, còn các cháu thì bộc lộ cá tính rất mạnh mẽ, đúng kiểu những đứa trẻ lớn lên ở nước ngoài. Đôi lúc các cháu có nói chuyện trống không với ông bà và các cô bác vì không sống trong môi trường của văn hóa Việt.
Dù sao, chuyện đó cũng cần chấn chỉnh nhưng không đáng phải tỏ ra khó chịu, bực bội quá mức. Nhưng chồng tôi, vẫn như mọi khi, giả lả yêu quý trước mặt nhưng vừa vào đến cửa nhà đã bắt đầu lải bải chê bai. Tôi nghe anh cằn nhằn mà thấy rất buồn. Cái tính cách hơn thua, để ý vặt từng ly từng tí ấy nó khiến sự đàn ông của anh, trong mắt tôi, bị ‘tụt’ đi đáng kể…
Chồng tôi không bao giờ làm việc nhà. Chuyện này tôi chẳng muốn phân tích nữa. Nhưng chán hơn nữa là anh cũng không bao giờ dạy dỗ hay gần gũi với con. Không bao giờ đưa con đi chơi, không bao giờ bế con khi đi làm về… chỉ vì con chúng tôi là con gái!
Dù tôi đã hơn một lần góp ý với anh là con cái, nếu được bố bảo ban cùng với mẹ sẽ rất tốt. Nhưng anh lờ đi, chẳng quan tâm bao giờ, anh mặc kệ tôi đưa đón con bé đi học rồi đưa con về. Mặc kệ tôi nấu cơm, dọn dẹp tắm rửa cho con… Nhưng hễ con bé có chút ốm đau, hay xảy ra điều gì sai sót là anh lại đổ lỗi lên đầu tôi, chê tôi cẩu thả, kém cỏi, không quán xuyến…
Nói thực, tôi không hiểu chồng tôi quan niệm như thế nào về chuyện quán xuyến gia đình. Chứ việc gì anh cũng bảo không phải việc của anh, sau đó anh lại hay dò xét làm tôi xoay như chong chóng, không biết đường nào.
Anh nhớ không bỏ sót thứ gì trong tủ lạnh, từ que kem của con đến đĩa thức ăn. Hễ có món gì bỏ vào đó đến ngày thứ 2 anh cũng biết. Nhưng anh không bao giờ động tay chân dọn dẹp, nấu nướng cùng tôi. Anh chỉ đứng từ xa, ‘đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành’ một cách ngấm ngầm và nhấm nhẳng với tôi như trò hề.
Anh thể hiện như thể anh không hề tin tưởng tôi, không cho tôi cái quyền tự quyết. Nhưng anh cũng không thèm hỗ trợ. Anh bắt tôi phải ‘tự hiểu’, phải thể hiện vai trò của mình với gia đình. Rồi quyền phán xét sẽ thuộc về anh, như một ông chủ lạnh lùng…
Nói thực tôi mệt mỏi với chồng tôi vô cùng. Tôi không biết sẽ nói sao nếu một ngày tôi muốn dừng lại cuộc hôn nhân này, bởi người đàn ông đang sống cạnh tôi không phải là một người đàn ông vững vàng. Không cãi vã, không to tiếng, không gái trai bồ bịch, không ham vui rượu chè, nhưng tôi cảm thấy sống cùng anh mệt mỏi không kém gì việc sống với một mụ phù thủy già và hay vặn vẹo.
Theo Emdep