Khi cha mẹ ‘bước thêm bước nữa’
Bỗng một ngày đẹp trời, cha hoặc mẹ bạn sau bao năm phòng không chiếc bóng lại bất ngờ lên tiếng đòi được… lên xe hoa một lần nữa khi đã bóng ngả về chiều. Bạn phải làm sao đây?
Cách đây không lâu, dư luận một phen xôn xao, dậy sóng khi biết tin hai ông bà cụ đã gần 80 tại một huyện ở miền Tây nhất quyết đòi ra ủy ban xã để đăng ký kết hôn. Vợ mất gần 30 năm, ông cụ ở vậy vất vả làm lụng, nuôi dạy 3 đứa con khôn lớn rồi dựng vợ, gã chồng xong hết. Đến lúc rảnh tay, rảnh chân để an hưởng tuổi già thì ông mới thấy trống vắng trong tâm hồn.
Rồi ông quen biết bà trong một lần đi đám giỗ ở xóm bên nhờ lời giới thiệu của mấy người bạn già. Cụ bà cũng trong hoàn cảnh tương tự. Hai người cùng cảnh ngộ đơn chiếc ở cái tuổi xế chiều đã nhanh chóng tìm được sự đồng cảm.
Người già tái hôn chủ yếu là tìm chỗ nương tựa tinh thần bởi nỗi sợ lớn nhất của họ là bị bỏ rơi, bị cô đơn
Nhận định về vấn đề này, hầu hết các chuyên gia tâm lý đều khẳng định, người cao tuổi không có nhu cầu nhiều về vật chất cũng như chuyện ấy . Người già tái hôn chủ yếu là tìm chỗ nương tựa tinh thần bởi nỗi sợ lớn nhất của họ là bị bỏ rơi, bị cô đơn. Ông bà ta đã đúc kết: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Đáng buồn là từ khi biết chuyện, những người con của cụ ông kịch liệt phản đối. Họ sợ lời ra tiếng vào, sợ sự soi mói của những người xung quanh.
Tái hôn với người già không có gì là sai trái. Đó là cơ hội thứ hai của cuộc đời mà họ có quyền lựa chọn cho bản thân.
Tuy nhiên, đối với con cái, dù đã trưởng thành hay chưa, chứng kiến cha mẹ mình tái hôn , không phải lúc nào cũng dễ chịu. Bạn cần có những bước chuẩn bị nghiêm túc để giữ được cảm xúc tích cực và ủng hộ cha mẹ mình trong cuộc hành trình mới của cuộc đời.
Cụ thể như:
1. Chia sẻ cảm xúc của mình với người đủ tin cậy
Video đang HOT
Phải nhìn nhận rằng khi chứng kiến cha/mẹ mình làm đám cưới với một người lạ ở cái tuổi xế chiều quả là một cảm giác không dễ chấp nhận với bất kỳ ai. Chính vì thế, điều cần làm chính là tâm sự và chia sẻ cảm xúc của bản thân với một người mà bạn tin tưởng là rất quan trọng. Vì những người đứng ngoài câu chuyện sẽ có một cái nhìn khách quan, sáng suốt hơn.
Cha mẹ bạn xứng đáng được hạnh phúc, được gắn bó với một người yêu họ trong suốt chặng đường còn lại của cuộc đời.
Có thể bạn chưa chuẩn bị sẵn sàng để chấp nhận điều này nhưng hãy cố gắng tôn trọng quyết định của cha/mẹ. Cha mẹ bạn xứng đáng được hạnh phúc, được gắn bó với một người yêu họ trong suốt chặng đường còn lại của cuộc đời.
2. Tỏ rõ thiện chí với cuộc hôn nhân mới của cha mẹ mình
Để tránh sự gượng gạo và thể hiện bạn mong muốn hỗ trợ, hãy chủ động hỏi về điều đó. Ví dụ như hỏi bố có muốn bạn làm phù rể trong đám cưới không? Dẫu biết rằng ngày nay chỉ cần bỏ tiền ra là các dịch vụ tổ chức cưới hỏi sẽ đảm đương tất cả. Tuy nhiên chắc chắn ba/mẹ bạn sẽ cảm thấy vui và hạnh phúc khi bạn ngỏ lời hỗ trợ họ trong ngày hôn lễ bất kể đó là việc lớn nhỏ như thế nào. Hãy tôn trọng và chân thành chấp nhận những mong muốn của chính cha/mẹ bạn.
3. Hãy thu xếp để hiện diện trong tiệc cưới
Đám cưới là một dịp vui bởi tại đây, bạn có thể gặp lại những người thân và bạn bè đã lâu không thấy. Cùng ăn mừng với họ mới chính là ý nghĩa của ngày đặc biệt này. Dù lúc ấy bạn vui vẻ hay buồn rầu, cũng hãy chú ý đến tửu lượng của mình. Cố hết sức để giữ cảm xúc của bản thân trong tầm kiểm soát.
4. Lựa chọn từ ngữ khôn ngoan
Dành những lời khen cho cặp đôi mới cưới là xứng đáng, nhưng cũng đừng quên phải tôn trọng những mối quan hệ trong quá khứ. Đặc biệt là trong trường hợp cuộc hôn nhân cũ có nhiều mâu thuẫn hoặc tranh cãi. Hãy chỉ bình luận tích cực và tập trung vào tương lai tươi sáng của cặp vợ chồng mới cưới.
Hãy đối xử với họ như cách bạn muốn họ đối xử với bạn khi bạn bắt đầu một cuộc hôn nhân mới
5. Đừng chỉ nghĩ về cảm xúc của bản thân
Cha/mẹ của bạn đang bắt đầu cho một cuộc sống mới với người mà họ yêu. Vì thế hãy cẩn thận tránh làm ảnh hưởng tới mối quan hệ của họ bởi những cảm xúc mâu thuẫn của bạn. Hãy đối xử với họ như cách bạn muốn họ đối xử với bạn khi bạn bắt đầu một cuộc hôn nhân mới: sự ủng hộ, tình yêu, sự tôn trọng và nhiệt tình một cách hợp lý.
6. Làm quen với thành viên mới của gia đình
Dù thích hay không, thực tế là bạn sẽ phải đón nhận một thành viên mới trong gia đình. Hãy thể hiện sự quan tâm tới người bạn đời mới của cha/mẹ. Đặc biệt là việc cố gắng để mối quan hệ bớt lúng túng, vì bạn sẽ còn phải gắn bó với họ lâu dài.
Theo thegioitiepthi.vn
Hôn nhân bền vững không thể thiếu lòng vị tha
Trong cuộc sống vợ chồng lâu dài, ít nhiều gì cũng có xảy ra những xung đột, lỗi lầm... Chỉ có lòng vị tha mới hóa giải, mới đem đến hạnh phúc bền vững cho mái ấm gia đình.
Nhiều nhà nghiên cứu thần kinh học gần đây chỉ ra rằng khi người ta cư xử vị tha, não của họ hoạt hóa ở những khu vực báo hiệu niềm vui. Lòng vị tha có thể kích hoạt việc phóng endorphin trong não, khiến chúng ta thấy lâng lâng. Lòng vị tha được thể hiện ắt sẽ tăng cường sự lành mạnh, hạnh phúc, nhẹ nhàng cho ta, đối phương và các thành viên khác trong gia đình.
Biết vậy nhưng thường thì đôi khi cố chấp, vợ/chồng đã ra tay hành, trả thù sự sai trái, lỗi lầm mà người kia trót gây ra cho mình.
Khi người ta cư xử vị tha, não của họ hoạt hóa ở những khu vực báo hiệu niềm vui và phần thưởng
Cô bạn Châu Sa của tôi năm nào tới dự buổi họp lớp cũng càm ràm, trách cứ Quang Thịnh - ông chồng cô đủ mọi chuyện. Nét mặt cô lúc nào cũng cau có, đôi khi biểu hiện sự hằn học, mệt mỏi, trông già đi trước tuổi. Thịnh ngồi cắn răng chịu đựng, thỉnh thoảng chỉ cười gượng, xấu hổ, trong khi mọi người tươi tắn, hồ hởi, đùa giỡn, hay nhắc chuyện thời còn ngồi ghế nhà trường rất hồn nhiên.
Cô bạn Châu Thùy - em song sinh với Châu Sa thì ngược lại. Thuở còn đèn sách thì hai chị em "Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười". Nhưng bây giờ cô rất trẻ so với tuổi sắp bước vào lục tuần, khác hẳn với Châu Sa. Bởi cô biết học cách buông bỏ, hỷ xả, vị tha. Cũng chính từ cốt cách, phẩm hạnh đó mà gia đình Châu Thùy bao giờ cũng hạnh phúc, rộn vang tiếng cười trong mái ấm, để bạn bè ngợi khen, học tập.
Năm vừa rồi Quang Thịnh và Châu Sa không đi họp lớp, hỏi ra mới biết hai người đã chia tay ở tuổi xế chiều, có con đàn cháu đống... Châu Thùy than thở với mọi người giá mà chị ấy bỏ thói ích kỷ, cố chấp thì mọi chuyện không đến nỗi.
Sự cố chấp, thiếu rộng lượng, vô hình trung tự hành mình và ảnh hưởng, hệ lụy đến các thành viên trong gia đình. Vị tha không phải là quên, mà vì gia đình, ta mở lòng ra, tạo điều kiện cho chồng (hoặc vợ mình) quay lại cùng mái ấm. Nếu đối phương mắc lỗi lầm, dùng mọi biện pháp để làm lành mà không được, một ngày nào đó họ được "xóa án" là họ sẽ biết ơn mình vô cùng. Đồng thời vết thương tâm hồn của ta cũng được chữa lành đi.
Vị tha là "chiếc chìa khóa thần" giữ cho mái ấm chúng ta luôn bền vững
Trong cuộc sống, không ít đôi vợ chồng cũng chỉ vì thiếu lòng vị tha mà đi đến đỗ vỡ. Đối những đôi vợ chồng trẻ, còn hiếu thắng, bao giờ cũng muốn "ăn thua đủ" hay nổi giận trong gia đình khi vợ (hoặc chồng có lỗi) sự vị tha còn cần thiết hơn bao giờ hết. Hãy lắng lòng, bình tâm hành xử một cách bao dung, ta sẽ thấy mình lớn lên một chút.
Từ kinh nghiệm sống ông bà ta khuyên "chín bỏ làm mười" khi vợ chồng "cơm không lành, canh không ngọt" là ở những trường hợp như thế. Đó cũng là cách vị tha đó các bạn. Không phải chỉ ta tự học cách vị tha mà rất cần khuyên dạy cho con cái trong nhà ngay từ nhỏ đức tính tốt đẹp đó. Từ vị tha nghe qua sao nhẹ hều, tưởng chẳng có gì, nhưng ngẫm ra nó là "chiếc chìa khóa thần" giữ cho mái ấm chúng ta bền vững đó các bạn ạ!
Theo thegioitiepthi.vn
Con gái giành nhà Con gái riêng của chồng đã đi lấy chồng bỗng dưng dọn về ở chung, chỉ vì sợ tôi lấy nhà cho con trai... Chị Hạnh Dung kính mến, Tôi 55 tuổi, cuộc hôn nhân hiện tại là tập hai. Trước đây, tôi có với chồng cũ một đứa con trai. Sau khi chia tay, tôi nuôi con cho đến bây giờ. Trước...