Khi cầu thủ sa chân vào chốn giang hồ
Hai sự kiện thể thao gây xôn xao dư luận tuần qua là chuyện các cầu thủ trẻ của đội U21 báo Thanh Niên “vượt rào” ra quán bar gọi rượu mạnh để vui vẻ và cựu tuyển thủ Trần Chí Công bị thanh lý hợp đồng mà một trong những nguyên nhân sâu xa là quan hệ phức tạp của cầu thủ này ngoài xã hội.
Bé không vin, cả gãy cành
Giải bóng đá quốc tế U21 Báo Thanh Niên tổ chức ở Phan Rang, Ninh Thuận. Đội tuyển U21 Báo Thanh Niên là những cầu thủ tốt nhất được lựa chọn từ VCK giải U21 toàn quốc diễn ra ở Hải Phòng cách đây không lâu.
Mọi chuyện ngoài chuyên môn sẽ chẳng có gì đáng nói cho đến một tối khuya, nhiều vị khách ở quán bar 97 trên phố Trần Quang Diệu mắt tròn mắt dẹt khi thấy một nhóm cầu thủ mặc áo đồng phục đội tuyển hiên ngang bước vào quán. Không lâu sau, một vài người nữa nhập bọn để rồi cùng nhau gọi một chai Martell Cordon Bleu. Nên nhớ đây là dòng cognac của Pháp chỉ dành cho những người sành điệu, và đương nhiên khá đắt tiền, không dưới 3 triệu đồng/chai, ở quá bar chắc chắn là giá cao hơn nhiều.
Tầm gần nửa đêm khi các phóng viên tình cờ cũng có mặt tại đây nhắc nhở về việc không nên mặc đồng phục vào đây, các cầu thủ trên đã trả lời ráo hoảnh: “Nếu không mặc thì ai biết tụi em là ai đâu”. Cho tới quá nửa đêm, sau khi đã ngấm rượu, các cầu thủ mới ra về.
Sự việc được báo chí phản ánh. HLV Đinh Văn Dũng của U21 Báo Thanh Niên thừa nhận đúng là đã có một số cầu thủ “vượt rào đi bar” trong khi nội quy bắt buộc các cầu thủ phải ở trong phòng nghỉ ngơi sau 22 giờ đêm.
Trong quá trình đang thi đấu, cầu thủ trốn ra ngoài đã là vi phạm kỷ luật, ban huấn luyện (BHL) thậm chí có thể cấm thi đấu. Thế nhưng cách xử lý rất “nội bộ” lại khiến người hâm hộ không hài lòng. Các cầu thủ, cụ thể là các cầu thủ trụ cột Văn Công, Văn Thuận chỉ phải “hứa” với BHL là không tái phạm và tiếp tục có tên trong các trận đấu sau.
Điều đáng nói là ngay trong nội bộ BHL, cũng đã có những ý kiến trái chiều. Chẳng hạn trợ lý Trung Dân thì muốn các cầu thủ này được thi đấu và việc các cầu thủ “trốn trại ra ngoài đi chơi có gì mà nghiêm trọng đâu”. Sau trận thua U21 Sydney, vị trợ lý đổ lỗi cho… báo chí đã khiến các cầu thủ mất tinh thần.
Câu chuyện về các cầu thủ U21 bay đêm ở quán bar đúng là không phải chuyện lớn. Nhưng căn bệnh thành tích trong thể thao luôn khiến cho các HLV, các nhà quản lý xuê xoa cho qua mà không biết bóng đá Việt đã phải trả những cái giá rất đắt.
Đầu tiên là Văn Quyến- thần đồng bóng đá một thời. Quyến nổi lên ở VCK U16 Châu Á tổ chức tại sân Chi Lăng. 17 tuổi, Văn Quyến cùng Ánh Cường (bộ đôi tiền đạo U16) được HLV Dido gọi vào đội dự tuyển U23 chuẩn bị cho SEA Games 2001. Dư luận, VFF cưng chiều Quyến. Bắt đầu từ chuyện hai “nhóc con” ở đội U23 Văn Quyến – Ánh Cường thậm thụt chia nhau điếu thuốc lá góc sân tập ở Nhổn. Dido biết và ông thầy người Brazil đã loại hai cầu thủ này bất chấp sự can ngăn của nhiều lãnh đạo VFF.
Những điếu thuốc dấm dúi ấy đã theo Quyến mãi về sau này, thậm chí trở thành hình ảnh quen thuộc đối với nhiều NHM ở Vinh: Quyến ngồi trên Spacy, mồm ngậm thuốc lá phì phèo sành điệu. Bóng đá Việt Nam mất Quyến bởi đã để Quyến sống khá bản năng. Chưa đầy 20 tuổi đã được thưởng chiếc ôtô Toyota Vios (tất nhiên Quyến chỉ có 30% trong ấy), dễ kiếm tiền từ những khoản thưởng, từ những hợp đồng quảng cáo (với LG, với Pepsi) Quyến tự cho mình quyền rong chơi ở những quán bar, sàn nhảy. Nhiều bảo vệ các quán bar ở Hà Nội nhẵn mặt Quyến, thậm chí năm 2004, ngay đêm trước khi đội tuyển đi Maldives thi đấu, BHL tá hỏa tìm mãi không thấy Quyến đâu, sau mới được báo “cậu bé vàng” đang ngất ngư ở N.C – một vũ trường lớn tại Hà Nội.
Sau này Quyến tâm sự rất thật rằng: “Tôi đã đánh rôi rất nhiều thứ ở những nơi phù phiếm, tìm lại thì có khi đã muộn”.
Bóng đá không chỉ mất Quyến, mà còn mất rất nhiều những cầu thủ triển vọng khác chỉ vì không được kịp thời nhắc nhở về điếu thuốc trên môi, ly rượu trong các quán bar.
Video đang HOT
Năm 2007, một gương mặt có tương lai xán lạn của bóng đá Nghệ An là đội trưởng đội U19 Lưu Văn Hiền bị phát hiện là đang sử dụng ma túy. Bắt đầu chỉ là những “hiện tượng lạ” như hay vay mượn tiền, cắm đồ của đồng đội nhưng những biểu hiện ấy bị bỏ qua để rồi khi Hiền bị công an ập vào khám thì đã quá muộn.
Cho đến bây giờ, nhiều người hâm mộ bóng đá xứ Nghệ đều luyến tiếc các tài năng Phan Thanh Hoàn. Hoàn từng 3 lần là cầu thủ xuất sắc nhất giải U21 với lối chơi được cho là quái dị kết hợp giữa sự khéo léo của Quyến và sự nhanh nhẹn của Công Vinh. Thế như Hoàn trượt dài, trượt từ những đêm chui rào “quậy tưng” ở đội U19 được các thầy cho qua, rồi những “chuyến bay không giữ mình” Hoàn cứ rạc như con cò, ngày càng thiếu sức sống. Ở Nghệ An thì ngông nghênh bị đàn anh dạy cho một bài học phải nhập viện, tới HPHN thì quậy kiểu Hà Nội, tới Khánh Hòa bị Tấn Tài cầm dao rượt chém…
Sẽ có bao nhiêu cầu thủ đánh mất tương lai của mình trong những quán bar đầy âm thanh, đánh mất tương lai của mình vào những chai rượu đắt tiền và thậm chí là không vượt qua bản năng để theo tiếng gọi của những cánh bướm đêm? Chắc chắn bóng đá sẽ mất nhiều nếu vẫn giữ thái độ bao che, xuê xoa với những biểu hiện tưởng chừng như bình thường của những cầu thủ U21 trong quán bar tại Phan Rang cách đây mấy hôm.
Sa chân vào chốn giang hồ
Chí Công và CLB B.Bình Dương nhiều khả năng vướng vào một vụ kiện tụng. Cuối năm 2011, cầu thủ này tái ký hợp đồng với B.Bình Dương với giá chuyển nhượng lên đến 9 tỉ đồng trong 3 năm. Hiện, Chí Công đã nhận 6 tỉ của hai năm 2012 và 2013, đồng thời nhận thêm khoản tạm ứng 1 tỉ cho năm 2014.
Nhưng mùa bóng này, B.Bình Dương thay máu lực lượng. Chí Công nằm trong danh sách phải ra đi. Phía B.Bình Dương đòi Chí Công hoàn lại 50% khoản tiền 1 tỉ đồng đã ứng trong khi cầu thủ này đòi CLB phải trả đủ 9 tỉ. Nhưng chuyện không nằm ở đó, trong quá trình tranh cãi, B.Bình Dương đã đưa ra một luận điểm là Chí Công bị đối tượng lạ mặt chém xả vai, công an phải vào cuộc khiến hình ảnh của CLB bị tổn hại.
Vụ Chí Công bị chém thực chất đã xảy ra cách đây 2 năm. Đó là vào một đêm tháng 6.2011, sau khi đi đá bóng ở sân cỏ mini, Chí Công được một người bạn đưa về. Khi tới phòng trà Đêm Màu Hồng ở thị xã Thủ Dầu Một – Bình Dương thì bất ngờ có một nhóm người dùng hung khí tấn công Chí Công. Vụ việc được mô tả không khác gì phim chưởng Hồng Kông một thời, nhóm người lạ mặt cầm mã tấu, lưỡi lê đuổi Chí Công chém liên tiếp vào tay trái, vào lưng. Chỉ khi cầu thủ này chạy vào nhà dân trốn và cơ quan công an đến… giải cứu thì mọi chuyện mới êm. Công an phường Phú Hòa, Bình Dương có điều tra, nhưng không mang lại kết quả và điều khá lạ kỳ là bản thân CLB B.Bình Dương cũng như Chí Công lại “tặc lưỡi” cho qua, coi như vụ bị giang hồ đâm chém là… đen đủi, tai nạn.
Bây giờ, B.Bình Dương mới “xới” lên và coi đó là một trong những nguyên nhân để loại Chí Công trong khi chính họ sau khi Chí Công bị chém đã tái ký một hợp đồng kỷ lục.
Tuy nhiên dư luận cho rằng, cuộc sống và quan hệ phức tạp của Chí Công ngoài sân cỏ có thể là một trong những nguyên nhân sâu xa.
Một điều lạ là phần lớn những cầu thủ từng bị chém đều đã từng tham gia đội tuyển quốc gia.
Tại Vinh, cựu tuyển thủ Phi Hùng vài lần bị những kẻ lạ mặt đuổi chém tới mức phải ra Hà Nội chữa trị. Năm 2012, cầu thủ A Huỳnh của HAGL sau khi đi hát và có uống chút rượu đã bị một nhóm người chém trọng thương ở lưng, tại Nghệ An, cầu thủ Hồng Việt cũng bị chém sau khi đi hát karaoke, Mai Xuân Hợp bị quây đánh ngay ở sân Hàng Đẫy.
Gần thời điểm Chí Công bị chém, có một vụ khác: Sau trận đấu giữa Lâm Đồng và TN.SG ở giải hạng nhì, cựu tuyển thủ QG hiện đang khoác áo TN.SG là Phạm Hùng Dũng bất ngờ bị kẻ lạ mặt đâm trọng thương khi đang xuống thang bộ khách sạn C30 nằm trên đường Nguyễn Thiện Thuật – Nha Trang. Kẻ thủ ác bất ngờ rút dao ra đâm liền 2 nhát, một vào đùi một vào mông của cầu thủ thủ này, cả 2 nhát dao đều trí mạng vì hung thủ đâm đến lút cán dao. Hùng Dũng đã được nhân viên khách sạn đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hoà cách đấy hơn 500m. Theo các bác sĩ, nếu nạn nhân ở xa không cấp cứu kịp rất nguy hiểm vì mất máu cấp. Ngay lập tức dư luận đã cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ những sai sót mà Hùng Dũng mắc phải trong trận đấu.
Tất cả các cụ việc trên đều giống nhau ở một điểm: Nạn nhân hầu như không lên tiếng đề nghị cơ quan điều tra tích cực truy tìm thủ phạm.
Không ai khẳng định chuyện cứ vào bar, uống rượu và bị đâm chém là liên quan đến giang hồ. Nhưng thế giới bóng đá vốn phức tạp, đôi khi chỉ cách giang hồ đúng một bước chân. Vì thế hãy cẩn trọng, nhất là với những cầu thủ trẻ, bởi chỉ một bước chân vào bar, có thể sự nghiệp của họ sẽ lạc lối mãi mãi…
Theo VNE
Chuyện cầu thủ đi bar
Thông tin nhóm các cầu thủ U21 Việt Nam "mải chơi" ở quán bar quá nửa đêm khiến nhiều người giật mình. Thế nhưng cũng có người cho rằng đó là "chuyện thường" trong giới cầu thủ hiện nay.
Khi cầu thủ trẻ... vượt rào
HLV Đinh Văn Dũng của đội U21 Việt Nam tỏ ra khá ngạc nhiên khi biết tin các cầu thủ của mình "vượt rào" đi chơi đêm. "Tối 16/10, khoảng gần 21h30 tôi còn đi kiểm tra các phòng thấy ổn. Theo quy định, 22 giờ là các cầu thủ phải lên giường đi ngủ để giữ sức khỏe cho những ngày luyện tập và thi đấu tiếp theo. Bởi thế, dù chỉ là "vượt rào" ra ngoài, các cầu thủ này đã vi phạm nội quy của đội và đáng bị kỷ luật".
Câu chuyện cầu thủ U21 Việt Nam bị "phát giác" bởi họ mặc cả đồng phục vào quán bar. Tất nhiên, khi trên 18 tuổi, đủ quyền công dân thì vào chỗ nào cũng được, miễn là không vi phạm pháp luật.
Cầu thủ U21 vượt rào đi bar
Điều "chướng tai gai mắt" ở đây là các cầu thủ này còn gọi 1 chai rượu đắt tiền rồi cụng ly sành điệu trong khói thuốc mù mịt.
Cầu thủ đi bar, uống rượu, hút thuốc ngay trong giải đấu mà mình tham dự. Đó là chuyện bất thường nhất là trước mặt họ có một trận đấu quyết định tranh chức vô địch.
HLV Đinh Văn Dũng nói: "Sáng 18/10, tôi sẽ họp toàn đội và yêu cầu những ai vượt rào đi bar tự giác đứng lên nhận lỗi và viết kiểm điểm. Tất nhiên là nếu đúng sự thực như vậy họ sẽ nhận án kỷ luật. Trước mắt là không được tham dự trận đấu với U21 Sydney ngày 19/10 tới đây".
Mặc dù đội U21 này không phải là tuyển U21 Việt Nam "xịn" nhưng chuyện ngang nhiên và hồn nhiên đi bar khi mặc đồng phục lại cho thấy điều đáng bàn.
Nơi nhạy cảm
Quán bar về bản chất là một địa điểm mà người ta vui tới giải trí, giải tỏa căng thẳng sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Thế nhưng ở Việt Nam bar là một nơi khá nhạy cảm, đặc biệt giới giới cầu thủ.
Cách đây tròn 10 năm, ngay trước cửa vũ trường Phương Đông - Đà Nẵng, cựu thủ môn Đà Nẵng bị đâm trọng thương. Mặc dù cơ quan điều tra kết luận, Ngọc Thế bị đâm là do mâu thuẫn cá nhân, không liên quan gì tới cá độ bóng đá nhưng cho tới giờ nhiều người vẫn tin rằng đằng sau đó là cả một câu chuyện dài. Ngọc Thế sau đó giải nghệ luôn.
Chuyện đi bar cũng từng gây ra những khó dễ cho "thần đồng" bóng đá một thời là Văn Quyến. Số là năm 2004, trước Tiger Cup, Văn Quyến bị loại khỏi đội tuyển mà một trong những lý do là HLV Tavares không chấp nhận được sự vô kỷ luật của cầu thủ này, đặc biệt là những thông tin nhạy cảm như ngay trước ngày đi Maldiver, người ta còn thấy Văn Quyến vật vờ ở vũ trường New Centery tới 2 giờ sáng.
Quyến sau này không xa lạ gì với các vũ trường, khi có tiền và cả khi hết tiền. Có tiền thì tìm vui mà lúc khó khăn hết tiền thì vào bar giải sầu.
Nếu trong sự nghiệp của Quyến không có mấy chữ "quán bar", "vũ trường" có lẽ giờ này người ta sẽ nhắc đến Văn Quyến theo cách khác.
Gần đây, người ta lại nhắc lại câu chuyện về một cầu thủ từng dính vào vũ trường, thuốc lắc đã được gọi trở lại đội tuyển. Đó là trường hợp Xuân Thành. Vào một đêm năm 2007, Xuân Thành - cầu thủ trẻ đầy tiềm năng của LG.HN ACB bị Công an Hà Nội bắt quả tang khi tàng trữ 10 viên thuốc lắc tại một vũ trường lớn ở Hà Nội. Thành khai đã có vài lần dùng thuốc lắc nhưng 10 viên thuốc ấy là bạn bè nhờ mua mang vào. Xuân Thành bị VFF treo giò 18 tháng và rất may là khi trở lại cầu thủ này đã chơi khá tốt và được gọi vào đội tuyển.
Tất nhiên, không phải ai cũng có ác cảm với quán bar. Chẳng hạn, HLV Calisto từng "khuyến khích" cầu thủ đi bar, thậm chí cho phép uống vài ly. Dù vậy thời gian đi bar cũng giới hạn ở mức cho phép và rượu cũng chỉ đủ để đầu óc thoải mái chứ không phải để say ngất ngưởng. Mặt khác chuyện đi bar là lúc xả trại, trước trận đấu, Calisto cấm tiệt và sẽ kỷ luật rất nặng nếu cầu thủ nào vi phạm.
Từ U21 nghĩ tới U19
Các cầu thủ lớn đi bar đã là chuyện đã khó nghe ngay cả khi những cuộc bay đêm ấy trong phạm vi cho phép.
Thế nhưng nhiều cầu thủ trẻ học đòi từ rất sớm. Cách đây tầm chục năm, một trong những thần đồng xứ Nghệ là Phan Thanh Hoàn (3 năm liên tục là cầu thủ xuất sắc nhất giải U21) từng trốn trại đi chơi đêm, bay lắc tới mức mất cả sức rồi giải nghệ từ sớm.
Xa hơn nữa, khi đi tìm nguyên nhân thất bại của đội U23 Việt Nam ở SEA Games 2001, người ta mới giật mình với thông tin ngay trước trận đấu then chốt với đội chủ nhà Malaysia, nhiều cầu thủ U23 Việt Nam vẫn lắc lư ở quán bar tại Kuala Lumpur.
Bây giờ thông tin một số cầu thủ U21 Việt Nam đi bar, dù chỉ là được mời, dù chỉ là tiếp bạn như cách họ giải thích thì câu chuyện kỷ luật và ý thức chuyên nghiệp của các cầu thủ trẻ là điều rất đáng lo ngại.
Nó cũng lý giải tại sao bầu Đức đã nhất quyết không trao báu vật của mình là lứa cầu thủ U19 cho VFF quản lý, nhất quyết không cho các cầu thủ trẻ của mình nhận tiền từ VFF để tránh những tác động xấu từ đồng tiền.
Sự thiếu tin tưởng của ông bầu hơn 10 năm làm bóng đá là có lý do rất chính đáng, nó cũng là điều e ngại cho công tác đào tạo trẻ, giáo dục ý thức của các CLB và của các đội tuyển trẻ ở những giải thi đấu quốc tế.
Theo VNE
U21 Việt Nam đưa lý do "chuối" về chuyện đi bar và có hành vi khiếm nhã Sau khi bị bóc mẽ vượt rào đi bar vào đêm 16/10, một cầu thủ U21 Việt Nam đã phân minh bằng lý do rất... "chuối". Như đã biết, vào đêm 16/10 vừa rồi, một nhóm cầu thủ U21 Việt Nam đã trốn trại tập trung để đến quán bar 97 TP. Phan Rang - Tháp Tràm đập phá. Sau khi sự vụ...