Khi cần bảo vệ tổ quốc, cảnh sát biển được quyền nổ súng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cảnh sát biển là lực lượng vũ trang, khi cần bảo vệ tổ quốc được quyền nổ súng nhưng lại được giao thực thi nhiệm vụ dân sự. Dự thảo luật Cảnh sát biển phải thể hiện được nội dung này, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.
Sáng 11/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp thứ 25 của UB Thường vụ Quốc hội với nội dung đầu tiên được xem xét là về dự luật Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam.
Thượng tướng Lê Chiêm – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo trước Thường vụ Quốc hội về dự án luật
Báo cáo giải trình, tiếp thu về nội dung quy định vị trí của cảnh sát biển Việt Nam, Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho biết, thảo luận về nội dung này, đa số ý kiến đề nghị quy định CSB Việt Nam thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. Một số ý kiến đề nghị quy định CSB là lực lượng thuộc quân đội. Có ý kiến đề nghị không quy định CSB là lực lượng vũ trang. Cũng có ý kiến khác đề nghị quy định CSB Việt Nam trực thuộc Chính phủ.
Thường trực UB Quốc phòng – An ninh nêu quan điểm, hiện nay, việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; tình hình an ninh, trật tự trên biển diễn biển khó lường; tình hình tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức và tội phạm ma túy diễn biến phức tạp; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống gia tăng. Môi trường hoạt động trên biển khó khăn, khắc nghiệt, cán bộ, chiến sĩ CSB thường xuyên phải đối diện với nhiều rủi ro, thách thức, thậm chí có thể hy sinh.
Theo UB Quốc phòng – An ninh, nếu quy định CSB Việt Nam là lực lượng dân sự thì khó đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, nhất là việc tham gia giải quyết các “tình huống quốc phòng, an ninh” trên biển như trong thời gian vừa qua.
Thường trực UB này “bác bỏ” đề xuất quy định CSB Việt Nam trực thuộc Chính phủ vì theo các ý kiến trước đó, ban soạn thảo luật đã tiếp thu, quy định Bộ trưởng Quốc phòng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước với lực lượng này.
Tuy nhiên, CSB nếu là lực lượng thuộc quân đội thì không phù hợp với xu thế quốc tế trong việc sử dụng lực lượng thực thi pháp luật trên biển, thực hiện các biện pháp pháp luật, nhân đạo, hòa bình để quản lý, bảo vệ biển. Việc quy định đó có thể gây hiểu nhầm Việt Nam sử dụng lực lượng quân sự giải quyết các vấn đề trên biển.
Video đang HOT
Cũng theo UB này, dự thảo Luật Chính phủ trình quy định “Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân” là không phù hợp với Hiến pháp 2013, không thống nhất với Luật Quốc phòng (Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Quốc phòng thì thành phần lực lượng vũ trang gồm: Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ), dễ gây hiểu nhầm CSB tương đương quân đội, công an hoặc dân quân tự vệ.
Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, việc quy định CSB thuộc lực lượng vũ trang là không đúng mà phải khẳng định lực lượng này “là lực lượng vũ trang”. Còn việc thuộc tổ chức nào, theo ông Hiển, sau sẽ phân công để phù hợp với thông lệ quốc tế, để cảnh sát biển Việt Nam đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phân tích, lực lượng CSB có nhiệm vụ chấp pháp trên biển, cũng giống như bộ đội biên phòng là lực lượng chấp pháp trên đất liền. “Biên phòng là lực lượng vũ trang, CSB cũng vậy. Nhiệm vụ chính của CSB là chấp pháp trên biển, bảo vệ vùng biển của đất nước khi bị tấn công” – ông Tỵ lập luận.
Cho rằng vị trí CSB Việt Nam xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chỉ rõ những nhiệm vụ quy định trong dự thảo luật lâu nay vẫn do lực lượng này thực hiện. Theo đó, ông Lưu đề nghị các quy định luật nên kế thừa pháp lệnh xác định CSB Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông Lưu nhận xét, từ khi thành lập CSB Việt Nam đến nay chưa có khiếu nại hay tranh chấp gì về quá trình chấp pháp của lực lượng này, chưa kể thông lệ quốc tế vẫn cho đó là lực lượng vũ trang, không nên thay đổi vị trí của lực lượng CSB Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến về dự án luật
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu yêu cầu, luật Cảnh sát biển Việt Nam nếu được thông qua phải nâng cao vị thế và sức mạnh của lực lượng để thực hiện nhiệm vụ chấp pháp trên biển.
Chủ tịch Quốc hội phân tích, về bản chất, cảnh sát biển là lực lượng vũ trang, khi cần bảo vệ tổ quốc được quyền nổ súng nhưng có cái khó là thực thi nhiệm vụ dân sự. Vậy phải quy định làm sao thể hiện được đúng đặc điểm này, để phù hợp với thông lệ quốc tế mà nhiều nước đang áp dụng.
Báo cáo thêm về vấn đề đặt ra, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn – Tư lệnh CSB Việt Nam cho biết, các nước trên thế giới có lực lượng bảo vệ bờ biển với khái niệm “Coast Guard” có ý nghĩa là lực lượng vũ trang, bảo vệ biển đảo và thực thi pháp luật trên biển. Lực lượng này có thể thuộc Bộ Tài Chính, Bộ GTVT, trực thuộc Chính phủ hay Bộ Quốc phòng, tuỳ tình hình mỗi nước.
Tướng Sơn cho rằng, Pháp lệnh CSB Việt Nam năm 2008 đã quy định đây là lực lượng vũ trang. Theo đó, việc tiếp thu đưa vào luật không ảnh hưởng thực tế nhiều năm đã thực hiện thời gian qua.
P.Thảo
Theo Dantri
Đại biểu QH nêu tình hình Biển Đông để góp ý dự Luật cảnh sát biển
Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, quy định như dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam để tránh hiểu cảnh sát biển là lực lượng quân sự, dẫn đến bất lợi trong ứng xử giữa lực lượng chấp pháp của các quốc gia khác với cảnh sát biển trên khu vực Biển Đông, không để các thế lực thù địch lợi dụng, khiêu khích, tạo xung đột vũ trang.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội).
Sáng nay (8.6), Quốc hội thảo luận tại hội trường cho ý kiến về dự thảo Luật cảnh sát biển Việt Nam. Nhiều đại biểu khi góp ý đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải sớm ban hành Luật cảnh sát biển.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) cho rằng, hiện nay nước ngoài tăng cường diễn tập, hoạt động chấp pháp, nghiên cứu tôn tạo đảo, sử dụng tàu công vụ tổ chức xua đuổi ngăn cản, thậm chí sử dụng biện pháp cứng rắn làm tổn thất tài sản, gây thương vong cho ngư dân các nước và Việt Nam.
"Gần đây nước ngoài nâng cấp tàu du lịch đưa khách du lịch nước ngoài thường xuyên hơn ra Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều điểm khác trên Biển Đông. Hoạt động tội phạm vi phạm pháp luật trên biển như cải hoán tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để buôn bán, vận chuyển xăng dầu trái phép vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản", đại biểu Bình nói.
Đại biểu Nguyễn Đình Cúc (Bà Rịa -Vũng Tàu) cũng đề cập tới vấn đề Biển Đông khi góp ý vào dự thảo Luật, Ông nói, tình hình trên biển diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, các tình huống liên quan đến quốc phòng, an ninh trên biển vẫn diễn biến phức tạp do chiến lược tham vọng kiểm soát biển của các nước trong khu vực; các vụ nổ súng vào ngư dân Việt Nam trên biển, các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia về ma túy, buôn lậu, vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, an toàn trên biển. "Vì vậy, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam ngày càng nặng nề hơn", đai biểu Cúc nói và cho rằng việc xây dựng Luật cảnh sát biển là cấp bách.
Góp ý cụ thể vào điều luật, đại biểu Nguyễn Văn Được (Hà Nội) đề nghị quy định về vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam như sau: Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng thường trực của Quân đội Nhân dân Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng có chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn và sự ổn định vùng biển. "Quy định như trên vừa ngắn gọn, rõ vị trí, rõ chức năng", đại biểu Được nói.
Phát biểu giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban soạn thảo dự án Luật cho biết: Về quản lý nhà nước đối với cảnh sát biển một số ý kiến đề nghị làm rõ chủ thể quản lý nhà nước đối với cảnh sát biển trong dự thảo luật.
"Bộ Quốc phòng xin báo cáo, việc quy định vai trò quản lý nhà nước của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với cảnh sát biển như dự thảo luật đảm bảo phù hợp với các khoản, các điều quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các điều quy định của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015", Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói.
Vẫn theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, dự thảo luật quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với cảnh sát biển nhằm đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong quản lý điều hành hoạt động của cảnh sát biển.
"Quy định như trên tránh hiểu cảnh sát biển là lực lượng quân sự, dẫn đến bất lợi trong ứng xử giữa lực lượng chấp pháp của các quốc gia khác với cảnh sát biển trên khu vực Biển Đông, không để các thế lực thù địch lợi dụng, khiêu khích, tạo xung đột vũ trang, góp phần giữ gìn vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển bền vững". Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.
Theo Danviet
Chưa dự báo tốt thị trường, còn phải giải cứu nông sản dài dài Sáng 22.5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về các vấn đề kinh tế, xã hội. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ mong muốn lắng nghe các ý kiến đánh giá, phân tích rõ hơn về thuận lợi, khó khăn để điều hành nền kinh tế đi đúng hướng hơn. Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được...