Khi bolero hot hơn The Remix
Vài năm trở lại đây, sức sống của bolero một lần nữa được khẳng định qua sự trỗi dậy mạnh mẽ của các chương trình truyền hình về dòng nhạc này.
Bolero vốn được xem như dòng nhạc “quốc hồn quốc túy” của người dân miền Nam. Du nhập vào Việt Nam từ những năm 1950 với tên gọi bình dân như nhạc “sến”, nhạc “nước máy”, đến nay, nó vẫn có sức sống khá mạnh mẽ và len lỏi khắp nơi từ trong nước đến thị trường hải ngoại. Đối tượng khán giả dành tình cảm cho bolero cũng không có sự phân biệt cụ thể, từ người già, lớp trung niên cho đến sau này cũng được khá nhiều bạn trẻ ủng hộ.
Khi bolero trỗi dậy
Một vài năm trở lại đây, sức sống bolero một lần nữa được khẳng định qua sự đón nhận mạnh mẽ của khán giả với các chương trình truyền hình dành riêng cho thể loại nhạc này. Mở đầu phải kể đến chuỗi Tình khúc vượt thời gian, Sol vàng (VTV 9), Tình ca Việt (THVL)… gây chú ý. Đặc biệt, Tình khúc vượt thời gian và Sol vàng dù được truyền hình trực tiếp trên truyền hình nhưng vẫn lôi kéo lượng khán giả không nhỏ mua vé để đến xem trực tiếp tại nhà hát Hòa Bình (TP HCM).
Ca sĩ Giao Linh hát trong chương trình Sol Vàng của ông vua nhạc sến Vinh Sử chủ đềGõ cửa trái tim. Ảnh: Lê Bá Chánh
Trước thành công này, các nhà tổ chức chương trình truyền hình thực tế cũng không nằm ngoài cuộc. Chương trình tiên phong chính là Solo cùng bolero phát sóng trên THVL1. Ngay trong lần đầu tổ chức, chương trình tạo hiệu ứng vượt ngoài mong đợi, nhất là từ lượng khán giả khu vực miền Nam. Sang mùa 2 vừa tìm ra quán quân đầu năm nay, dù không quá hot như mùa đầu nhưng vẫn đủ sức níu chân khán giả theo dõi hằng đêm.
Một bước ngoặt lớn của bolero chính là lần đầu tiên có chương trình dành riêng cho dòng nhạc này trên truyền hình quốc gia VTV. Đó là Thần tượng Bolero đã phát sóng đến tập thứ 4. Cùng thời điểm phát sóng với chương trình The Remix mùa 2, nhưng Thần tượng Bolero đang dần vượt trội hơn về độ hot cũng như gần gũi với người xem.
Gần đây nhất là cuộc thi Hãy nghe tôi hát, trong đó 6 ca sĩ chuyên nghiệp lần lượt làm mới lại các ca khúc bolero nổi tiếng của Ngọc Sơn, Giao Linh, Thái Châu, Phi Nhung…
Thần tượng Bolero – chương trình đầu tiên về nhạc phát sóng trên sóng VTV3. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Và hiệu ứng từ các chương trình truyền hình dường như đã lan tỏa tới cả sân khấu biểu diễn và các sản phẩm ghi âm.
Ca sĩ Mạnh Quỳnh trước đây từng vài lần về nước biểu diễn nhưng quy mô các đêm diễn vừa phải, không để lại quá nhiều dư âm thì vào tháng 4 sắp tới, nam ca sĩ hải ngoại sẽ tổ chức một đêm nhạc riêng tại nhà hát Hòa Bình để kỷ niệm 20 năm ca hát. Anh nhấn mạnh chủ yếu thời lượng của chương trình sẽ dành cho nhạc bolero trữ tình quê hương.
Một trường hợp khác là Chế Linh. Ông bầu Hùng Tiến – người chịu trách nhiệm tất cả các show diễn của danh ca này tại Việt Nam cho biết trong vòng gần 5 năm kể từ ngày Chế Linh chính thức được về nước trình diễn, ông đã thực hiện hơn 100 show khắp các thành phố lớn, tỉnh thành trải dài từ Nam ra Bắc. Đặc biệt, show nào cũng cháy vé cũng như nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả. Nhiều người nói đùa với nhau rằng những ca sĩ trẻ đang hot nhất thời điểm này chẳng ai làm được như cụ ông gần 75 tuổi này.
Các show diễn của Chế Linh tại Việt Nam luôn cháy vé. Ảnh: Ái Vân
Video đang HOT
Hay như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, anh được xem như một trong những ca sĩ có công mang bolero đến gần hơn với lớp khán giả sau này. Nhưng nhiều năm qua, nam ca sĩ vẫn chưa mạnh dạn tổ chức một đêm nhạc bolero. Mãi cho đến đầu năm nay, Mr. Đàm mới quyết định thực hiện live show dành phần lớn cho bolero trữ tình.
Trong live show riêng Ô cửa màu xanh diễn ra vào đầu năm nay, ca sĩ Mỹ Tâm, người vốn không sở trường với bolero nhưng cũng gây bất ngờ khi “thử lòng” khán giả bằng chùm ca khúc “sến” nổi tiếng. Khách quan mà đánh giá, giọng hát của cô còn cứng, cách luyến láy cũng chưa đạt được độ mùi mẫn. Tuy nhiên, nhờ thể nghiệm này mà nhiều fan của nữ ca sĩ vốn phần lớn là người trẻ, hiện đại cũng dần biết đến và tìm nghe những ca khúc mà trước đây, họ thường mặc định “chỉ là nhạc cho người già”.
Rất nhiều ca sĩ trước đây theo đuổi dòng nhạc trẻ nhưng tìm bắt đầu tìm hiểu các album bolero như Phương Thanh, Quách Tuấn Du, Phan Đinh Tùng… Trong đó, một vài các tên được khán giả đón nhận khi chuyển hướng có thể kể đến Lệ Quyên, Cẩm Ly hoặc Đàm Vĩnh Hưng.
Vì sao bolero hot hơn The Remix?
Lý giải về sức sống lâu bền của bolero, nữ danh ca Phương Dung – một trong những giọng hát gắn liền với bolero thời kỳ đầu tâm sự: “Nếu ví ca khúc bolero là một câu chuyện thì người nhạc sĩ chính là vai chính. Từng lời hát, nốt nhạc là tất cả tâm tư, tình cảm của họ”. Chính từ những tâm sự có thật đó, người nghe cũng cảm thấy sự đồng điệu hay thậm chí là tìm thấy chính mình trong bài hát. Bên cạnh đó, nhạc “sến” đi vào lòng người còn nhờ ca từ giản dị, giai điệu dễ tạo cảm xúc.
Bolero là bình dân nhưng cũng vì thế mà sức sống của bolero bền vững. Bolero ra đời từ chính đời sống của con người Việt. Điều đó lý giải tại sao trong sự lên ngôi rồi thay phiên nhau tắt ngấm của nhiều dòng nhạc trẻ từ pop mang âm hưởng Hong Kong vào thập niên 1990 – 2000, nhạc Nhật, Hàn Quốc cho đến gần đây nhất là xu hướng EDM (nhạc điện tử), bolero vẫn có chỗ đứng riêng.
“Nhạn trắng Gò Công” Phương Dung cho biết bà vẫn chưa ấn tượng với giọng ca bolero nào đủ sức kế thừa lớp đầu tiên. Ảnh: Lê Bá Chánh
Nhưng sự “ nóng lại” của bolero cũng kéo theo mối lo về một trào lưu không bền vững khi nhiều giọng ca trẻ tìm đến dòng nhạc này như một cách để chiều lòng khán giả, kiếm tiền, chạy show thay vì đầu tư tìm hiểu nghiêm túc về dòng nhạc.
Danh ca Phương Dung thẳng thắn chia sẻ đến nay, bà vẫn chưa thật sự tìm ra một giọng hát bolero có thể kế thừa những lớp ca sĩ đầu tiên.
“Ngày xưa vào thời của chúng tôi, khi nhạc sĩ sáng tác một ca khúc họ thường nhắm trước một ca sĩ, sau đó còn lên nhà để ngồi tâm sự, kể lại câu chuyện phía sau mỗi ca khúc. Còn ngày nay, các em không quá chú trọng cũng không có cơ hội được sống trong thời gian đó để có thể thấm thía nỗi lòng của người sáng tác. Do đó tôi thấy một vài em có giọng tốt nhưng không thể chuyên chở được tình cảm, tâm tình của tác giả. Phải đam mê, chứ nói yêu thích bolero cũng chưa đủ”.
Không bác bỏ việc bolero cần phải thay đổi để trở nên tươi mới, gần gũi với giới trẻ, nhưng giọng ca Nỗi buồn gác trọ nhấn mạnh: “Làm gì thì làm, vẫn phải giữ được phần hồn, cái chất nguyên thủy của người nhạc sĩ. Nếu nắm bắt được điều này họ sẽ thành công nhiều hơn. Đặc biệt, hát bolero không được quên lời và phải nhớ cả tác giả”.
Đồng tình với ý kiến trên, danh ca Chế Linh cũng chia sẻ nhiều trường hợp thể hiện các ca khúc có nội dung chia ly, đau khổ nhưng người ca sĩ khi trình diễn lại hay cười. Hoặc có tiết mục hát nhạc buồn nhưng lại dàn dựng có cảnh vũ đoàn nhảy múa tưng bừng. Ông khẳng định: “Như vậy là mất chất!”
Ví bolero như một huyền thoại âm nhạc, ca sĩ Phương Dung đặt niềm tin dòng nhạc này sẽ bất tử. Tuy nhiên, bà cho biết thêm những ca khúc bolero được hát tại Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 25% trong kho tàng dòng nhạc này. Nếu nhiều ca khúc được lưu hành và thể hiện hơn, chắc chắn bolero sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn thời điểm hiện tại.
Theo Zing
Chế Linh: 'Đừng nghĩ hát Bolero dễ kiếm tiền'
Danh ca không vui khi một số nghệ sĩ trẻ cho rằng hát nhạc vàng dễ có show và tự tiện pha chế bài hát, cười nhảy tưng bừng dù thể hiện một khúc tình buồn.
Danh ca Chế Linh vừa về nước để chuẩn bị cho tour diễn tại các tỉnh miền Nam. Trong buổi họp báo diễn ra đầu tháng 3, ông có những chia sẻ sâu sắc và khá thẳng thắn về việc dòng nhạc Bolero đang bị nhiều bạn trẻ hiểu lầm là "nhạc để chạy show, kiếm tiền".
Ở tuổi gần 75, Chế Linh vẫn còn cháy lửa nghề và nhiều tâm huyết tình cảm với dòng nhạc Bolero. Ảnh: Ái Vân
- Nổi danh từ thập niên 1960, đến nay, cái tên Chế Linh vẫn đủ sức lôi kéo khán giả mọi tầng lớp khán giả. Theo ông, điều gì tạo nên sức hút mãnh liệt này?
- Tôi nghĩ mình có may mắn khi những bài hát từng thể hiện trước đây, qua bao nhiêu năm vẫn còn đọng lại trong lòng khán giả. Có khi họ nghe đi nghe lại rất lại rất nhiều lần từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành rồi thấm lúc nào không hay.
Trong giới ca sĩ, người hát dòng nhạc Bolero trữ tình không còn nhiều nên khi nhắc đến cái tên Chế Linh, tôi tin mọi người vẫn tìm đến để mong mỏi được nghe và được khơi gợi lại những kỷ niệm. Những bài hát xa xưa đã vài lần gắn liền với họ khi đi qua yêu thương đẹp đẽ hoặc cũng có khi là đổ vỡ. Tôi hiểu rằng khán giả đến với mình không phải để mua vui, cũng không phải thưởng ngoạn riêng tư mà để tìm lại những cảm giác thân thuộc.
- Ông có nhận xét gì về những biến tấu sau này của các ca sĩ trẻ khi muốn làm mới Bolero?
- Khi hát nhạc Bolero điều tối kỵ nhất là pha chế. Có những bài hết sức bình thường, không sôi động thì nhất định không được chuyển tiết tấu để trở nên vui nhộn hơn. Nhiều trường hợp các ca khúc có nội dung chia ly, đau khổ nhưng người ca sĩ khi trình diễn lại hay cười. Hoặc có tiết mục hát nhạc buồn nhưng lại dàn dựng có cảnh vũ đoàn nhảy múa tưng bừng. Như vậy là mất chất.
Dĩ nhiên có một số biến tấu mới rất hay và đáng khuyến khích để lớp trẻ sau này có thể tiếp nhận. Nhưng biến tấu thế nào cũng nhất định không được phá tiết tấu nguyên thủy của bài hát.
Do đó tôi cũng có một số trao đổi với các em, các cháu có theo đuổi dòng nhạc này phải có ý thức và nghiên cứu kỹ từ phần lời, cách nhấn nhá của từng bài hát cũng như ý tứ của nhạc sĩ để có thể chuyên chở một cách đúng đắn. Thậm chí cần phải đặt mình vào hoàn cảnh sáng tác. Có như vậy khán giả mới chấp nhận, nếu không màn trình diễn sẽ rất khô khan.
- Một vài chương trình truyền hình thực tế được tổ chức nhằm tìm kiếm tài năng biểu diễn Bolero. Ông nhận xét thế nào về điều này?
- Tôi rất vui khi các đơn vị bắt đầu tổ chức những sân chơi nhằm tìm ra thế hệ mới nối tiếp chúng tôi, nhưng các chương trình này giúp các cháu thỏa mãn đam mê là chính.
Có một số em nghĩ đi hát Bolero sẽ dễ đi diễn, dễ kiếm tiền nhưng thật ra không phải. Đi một chặng đường đủ xa, họ sẽ cảm thấy chới với và nhận ra mình đi sai hướng, nên chọn một ngã rẽ khác. Như tôi nói ở trên, nếu chỉ vì để chiều khán giả hay phù hợp với tính chất chương trình mà biến tấu khác đi là không nên.
- Trong các chương trình truyền hình, thành phần ban giám khảo gây khá nhiều tranh cãi vì khán giả cho rằng họ không phải là ca sĩ lão làng về Bolero như Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng, Đan Trường... Ông nghĩ sao về điều này?
- Chắc là được, nhưng có thể không chính xác lắm. Trong tương lai nếu Nhà nước cho phép, tôi ấp ủ mở một trường dạy tại Việt Nam. Tôi biết không chỉ riêng mình mà rất nhiều anh em muốn đào tạo và truyền lửa cho thế hệ sau này.
- Bản thân ông có hứng thú ngồi vào ghế giám khảo của một cuộc thi dành cho giọng ca trữ tình?
- Tôi sẵn sàng nếu có lời mời. Khi các bạn trẻ dám xuất hiện và hát Bolero trước khán giả đã là điều đáng mừng vô cùng. Được khán giả thương, họ phải trang bị thêm, tìm một người thầy để trang bị thêm, đáp ứng cho những người yêu mến.
Ngọc Sơn là một trong những giọng ca khiến Chế Linh ấn tượng. Ảnh: K hánh Vy
- Trong các lớp kế cận mình, ông ấn tượng với gương mặt nào?
- Một vài cái tên hát rất hay, trong đó đặc biệt ấn tượng với Ngọc Sơn vì có giọng vô cùng đẹp. Cậu ấy nổi lên từ khi thể hiện ca khúc Tiền khô cháy túi của tôi. Có thời điểm đáng tiếc khi Sơn chạy theo hát quá nhiều thể loại thay vì trung thành với một con đường vừa rộng vừa dài. Nhưng sau này Ngọc Sơn cũng trở về lại như ban đầu. Ngoài ra còn có Mai Quốc Huy cũng hát khá ổn.
Nếu được, tôi mong các em các cháu có đam mê với Bolero nên tìm lại những bản thu của những ca sĩ lớp đầu tiên. Nghe thật kỹ xem họ nhả chữ, phát âm, đặt để tình cảm như thế nào. Tuy nhiên, cũng không nên "lậm" vào một cá nhân nào mà hãy đi tìm con đường riêng mình. Những bài Bolero đa phần đều rất buồn, gắn liền với những kỷ niệm của tác giả chứ không phải vô thưởng, vô phạt, do đó nếu hát không ra sẽ rất uổng phí.
- Đi hát nhiều, đến nay Chế Linh vẫn chưa tìm ra một đệ tử ruột để truyền bí kiếp. Lý do là gì thưa ông?
- Từ trước đến nay, em nào muốn trao đổi, hỏi han thêm đều có thể đến gặp trực tiếp, tôi không hề ngần ngại vấn đề này. Ví dụ như Trường Vũ, khi đã nổi tiếng nhưng vẫn hay hỏi thăm. Lúc đó, tôi nhiệt tình truyền thêm kinh nghiệm cho các em. Tôi đặt vị trí của mình là người tuyên truyền văn hóa, chứ không chỉ đơn thuần là ca sĩ đi hát lấy tiền.
Còn để tìm một học trò có lẽ tôi chưa có duyên. Ngoài giọng hát và văn hóa cơ bản, tôi muốn người đó còn phải có đạo đức, bản tính hiền hòa. Không phải đi hát được nhiều người biết đến thì đặt cho mình vị trí "khán giả cần mình chứ mình không cần khán giả".
- Có thời điểm Bolero được xem như dòng nhạc bình dân, nhạc sến. Là một trong "tứ trụ nhạc Vàng" cùng với Duy Khánh, Nhât Trường và Hùng Cường, có bao giờ ông cảm thấy chạnh lòng?
- Trong văn hóa nghệ thuật, không có khía cạnh gì là xấu hổ. Trong vườn hoa thì bông hoa nào cũng đẹp. Nhưng có nhiều ca sĩ, họ vì muốn chiều theo xu hướng mà đi theo nhiều dòng nhạc, nhưng đến giữa dòng họ chới với, không biết phải xuôi theo hướng nào. Do đó, mỗi người phải tự tìm cho mình con đường riêng biệt. Như một người muốn làm luận án tiến sĩ, muốn thành công cũng phải tự tìm cho mình chủ đề riêng chứ không thể sao chép được.
Nói thật lòng, tôi có thể hát tất cả các dòng nhạc, trong đó có nhiều dòng dễ dàng hơn Bolero rất nhiều vì chỉ cần hát bằng phổi chứ không phải bằng cảm xúc. Nhưng bao nhiêu thập kỷ qua, tôi chưa bao giờ lung lay vì lựa chọn của mình.
- Ở tuổi gần 75, vẫn đi hát đều đặn, được khán giả yêu thương, có bà xã luôn đồng hành trên mọi nẻo đường, lúc này, điều ông mong muốn nhất là gì?
- Đến thời điểm này dù không còn trẻ, nhưng tôi vẫn cho phép mình được hát để đi trả ơn những người thân yêu. Do đó, tôi chỉ mong ơn trên ban cho mình sức khỏe để có thể gặp gỡ những người dành cho mình tình cảm. Tôi biết mình vẫn chưa đi hết chặng đường để được quyền nghỉ ngơi.
Theo Zing
Những kỷ niệm khó quên về nhạc sĩ Lương Minh Nhạc sĩ Lương Minh đột ngột qua đời vào đêm 28/2 ở tuổi 49 khiến cho nhiều nghệ sĩ, đồng nghiệp bất ngờ và tiếc nuối. Nhạc sĩ Lương Minh tên thật là: Lương Ngọc Minh - sinh ngày 28/7/1967 tại Hà Nội. Nhạc sĩ Lương Minh sinh trưởng trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, bố là nhạc sĩ, liệt sĩ...