Khi “bánh đúc có xương”…
Mẹ kế của Diệp đó, ánh mắt không trìu mến, lời lẽ chẳng ngọt ngào. Vậy mà cõi lòng vẫn đủ ấm để bảo bọc hai đứa con chồng.
Bạn tôi tên Diệp. Diệp có đến hai người mẹ.
Một người mẹ đã mất vì tai biến. Năm đó Diệp đang học lớp sáu và em gái học lớp bốn. Buổi chiều định mệnh đó trời mưa như trút nước, hai chị em đi học về thấy nhà xôn xao khác thường. Mẹ đột nhiên ngất, mấy người hàng xóm phát hiện kịp thời, xoa dầu, cạo gió một lúc mà chưa tỉnh. Ở cái vùng quê hẻo lánh này, chờ đợi một chiếc xe ra phố huyện khám thật khó. Mẹ nằm trên giường, lịm dần, lịm dần rồi ra đi trong tiếng khóc ai oán của hai đứa trẻ ăn chưa no lo chưa tới. Bố Diệp còn trong quân ngũ chưa về kịp.
Hai vành khăn tang quấn trên đầu hai đứa trẻ nheo nhóc bắt đầu biết cảm nhận nỗi đau mất mẹ. Đến tận bây giờ Diệp vẫn mãi xót xa, giá như ngày ấy, mẹ được đi viện kịp thời thì biết đâu…
Ảnh minh họa.
Một người mẹ nữa trong đời Diệp là mẹ Chi, cô giáo tiểu học ở phố thị. Ngày mẹ Chi quen ba Diệp, nhà ngoại phản đối kịch liệt vì con gái còn son lấy chồng góa vợ lại ôm đồm thêm hai đứa con gái nheo nhóc, bé tí teo. Hai chị em Diệp vốn đã nhỏ người lại thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ nên gầy đét, trông thật thảm thương. Rồi mẹ Chi cũng về được với bố Diệp và chị em Diệp bắt đầu có thêm một người mẹ thứ hai.
“Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng!”. Mấy cậu ruột của Diệp vẫn thường nhắc cháu phải sống thật khuôn phép, nhẫn nhịn và muôn vàn điều cần phải làm để yên ổn trong ngôi nhà to lớn do chính mẹ Chi và bên ngoại xây nên. Diệp và em chuyển về phố thị, để lại nắm mồ mẹ ở quê xa, mỗi năm về một lần vào ngày giỗ.
Bố thường vắng nhà. Mẹ Chi rất nghiêm khắc, ngay từ nhỏ chị em Diệp đã tập tính tự lập, đảm đang trong mọi việc nhà. Áo quần hai chị em phần lớn là đồ cũ mặc lại của người ta. Hiếm khi nào được cầm đồng tiền mua thứ này thứ nọ. Rồi hai đứa em trai lần lượt ra đời như hai quí tử bao bọc trong nhung gấm. Nhiều lúc tủi thân, em khóc. Diệp ôm em vào lòng vỗ về như bàn tay mẹ xoa đầu Diệp trong những giấc mơ.
Video đang HOT
Chị em Diệp lớn lên như thế đấy. Nỗi buồn đọng lại trên mắt. Mỗi lần Diệp cất lên tiếng hát, lũ bạn thân soi vào đôi mắt buồn thăm thẳm ấy và lòng rưng rưng, nghèn nghẹn. Diệp thường nói với chính mình và em gái: “Mẹ Chi cho chị em mình ăn học đến nơi đến chốn. Chị em mình phải biết ơn mẹ nhiều, nhiều lắm!”
Rồi Diệp tốt nghiệp ra trường và nhận nhiệm sở tại một làng quê cách nhà mấy chục cây số. Ngày nhận quyết định, cả nhà bàn luận mãi cùng không biết nên đi hay không. Đến ngày, Diệp xếp mọi thứ vào va li và xuất phát cùng chuyến xe khách vắng người.
Được nửa đường, Diệp nhận được điện thoại của mẹ Chi: “Xa xôi quá Diệp à. Mẹ nghĩ là con nên ở nhà rồi từ từ xin việc chỗ gần hơn…” Giọng mẹ nhỏ dần và nước mắt Diệp rơi. Nếu mẹ không thương, có lẽ mẹ đã muốn tống khứ Diệp đi thật xa…
Diệp xin được việc ở phố, mua xe và bắt đầu làm việc để kiếm tiền trả mẹ khoản xin việc, góp xe và giúp em học xong đại học, xin việc làm. Tuổi xuân trôi qua, ba mươi rồi vẫn chưa có ai ngấp nghé. Mẹ Chi suốt ngày thở ngắn than dài, lo hai đứa con gái ế, ra sức mai mối người này người nọ. Duyên chưa tới, Diệp vẫn lẻ bóng.
Ba mươi tư tuổi, Diệp gặp anh. Hiểu hoàn cảnh của Diệp, anh thương Diệp hơn. Nhưng anh không được lòng mẹ Chi vì tính anh hay huyên thuyên, mẹ nói anh không thật bụng. Thuyết phục gia đình một thời gian, đám cưới diễn ra. Mẹ Chi đứng cạnh bố, khuôn mặt nghiêm trang đại diện họ nhà gái. Giây phút rót rượu mời bố mẹ, Diệp run run đưa ly rượu vang sóng sánh đến tay mẹ. “Con cảm ơn mẹ!”. Câu nói bật ra và nước mắt lăn dài trên má Diệp. Mắt mẹ cũng đong đầy nước…
Khi Diệp đang lâng lâng niềm hạnh phúc chuẩn bị làm mẹ thì nỗi lo trong lòng cũng lớn dần. “Nhà mình không có phòng đẻ!”. Câu nói bâng quơ của mẹ Chi cản bước chân Diệp. Nằm ở cữ ở đâu? Nhà nội quá xa xôi. Phòng trọ hai vợ chồng đang sống bé bằng nắm tay, chủ trọ ý tứ dặn dò việc không thể sinh nở ở đây…
Thế rồi căn phòng cho khách thuê được dọn dẹp đón Diệp về. Vượt cạn, ở cữ rồi nuôi con lớn, chăm con ốm, may mắn là Diệp vẫn có mẹ Chi bên cạnh. Lặng lẽ mà đầy yêu thương, trách nhiệm!
Mẹ kế của Diệp đó, ánh mắt không trìu mến, lời lẽ chẳng ngọt ngào. Vậy mà cõi lòng vẫn đủ ấm để bảo bọc hai đứa con chồng. Thì ra, khi “bánh đúc” có “xương”, người dưng bỗng hóa người thương đến lạ lùng…/.
Khao khát về sự sống và ước mong gần con cháu của người già
Khi giới hạn của sự sống ngày càng thu hẹp dần, người ta khao khát sống trọn vẹn từng giây phút bên người thân, muốn trao đi yêu thương nhiều hơn.
Tôi thường gọi mẹ chồng bằng hai tiếng "bà nội" theo cách gọi của con gái mình. Hôm qua, khi đón cháu từ trường, tôi đưa cháu ra thăm nhà bà sau hơn một tuần không gặp. Bé con sau khi tắm gội vội chạy đi tìm bà và cất tiếng hỏi: "Bà ơi, cái lược chải đầu bà cất ở đâu?".
Bà hơi khựng lại rồi nói nhỏ: "Bà... không có lược". Bé con tròn xoe mắt ngạc nhiên, còn chúng tôi lại ngậm ngùi cả cõi lòng. Và như để phá tan cái bầu không khí có phần xụi lơ ấy, bà bật cười: "Lâu lắm rồi bà không thấy cái lược và cũng chẳng biết cái lược ở đâu?". Mọi người nhoẻn miệng cười hùa theo nhưng ai nấy đều cảm thấy nghèn nghẹn nơi giọng cười, khóe mắt.
Khi giới hạn của sự sống ngày càng thu hẹp dần, người ta khao khát sống trọn vẹn từng giây phút bên người thân, muốn trao đi yêu thương nhiều hơn. Ảnh minh họa.
"Bà chải tóc cho cháu nào...". Những ngón tay xương xẩu đan vào mái tóc xanh của bé thơ, bà vuốt nhẹ những lọn tóc ướt nhẹp vào nếp, từng chút một yêu thương.
Bà nội của cháu vừa bước qua ngưỡng cửa "sáu mươi năm cuộc đời". Hơn nửa năm nay, bà gắn liền với căn phòng số 308 ở khoa ung bướu bệnh viện Trung Ương. Sau một vài đợt hóa trị đầu tiên với những lần truyền hóa chất, từng cục tóc rối tinh cứ rơi rụng dần. Tóc bà lưa thưa, lởm chởm rồi cạo trọc cho dễ nhìn. Mái tóc giả đen tuyền được bà dùng thường xuyên mỗi khi nhà có khách hoặc đi đâu đó. Và tóc giả thì... không cần lược.
Mái đầu không còn sợi tóc nào ấy đã trải qua một đời người chăm bẵm nuôi con khôn lớn, dựng vợ gả chồng. Giờ đây, cháu nội, cháu ngoại đều đủ cả. Và ước ao của người bà hết lòng yêu thương con cháu ấy đơn giản lắm - kéo dài sự sống để nhìn cháu lớn hơn.
Vậy nhưng, sau sáu đợt truyền hóa chất với niềm hy vọng lớn lao về sự chiến thắng bệnh tật, bệnh án với ba chữ "K tái phát" như một án tử hình đến lần thứ hai. Lần này, sức người gần như kiệt quệ, ý chí đang bị đục khoét một cách dữ dội và bi thương nhất. Bà lại gắn với căn phòng ấy, với những lần truyền hóa chất đến rũ rượi cả người.
Bà hay lướt iPab, lặng im ngắm những khung hình vui vầy bên con cháu, bạn bè. Thỉnh thoảng dừng lại lâu hơn ở một tấm ảnh chụp chân dung của mình và nói bâng quơ: "Sau này dùng tấm này làm ảnh thờ...". Không gian như thinh lặng, lòng người chùng xuống đến tận cùng.
Càng ngày tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn nỗi khát khao về sự sống và ước muốn được gần con, gần cháu của bà.
Một buổi chiều muộn, bà xuất hiện ở cổng với chiếc xe máy cùng mấy bộ áo quần mới tặng cháu. Thấy bà bị choáng và hơi thở mệt mỏi, tôi trách nhẹ bà sao không nhắn để tôi chở cháu ra thăm thay vì bà cố gắng chạy xe một mình gần chục cây số. Bà nói khẽ: "Tự nhiên thấy nhớ cháu muốn vào thôi...".
Ngày sinh nhật cháu, dù đang ở viện, bà vẫn gửi nhờ mua bánh kem, đôi giày mới làm quà, gọi về nhà nhắn ông làm thịt con gà mái và hái mấy quả bưởi... Một mái đầu cột nơ thắt bím, một mái đầu "trọc" giấu dưới chiếc mũ hẹp vành. Khung hình hai bà cháu tựa đầu vào nhau trên giường bệnh của bà với chiếc bánh kem công chúa ấy xót xa lắm.
Mấy hôm trước bà mệt nhiều sau đợt hóa trị ở viện. Tôi chở cháu ra nhà và từ một người bệnh nằm liền mấy hôm trên giường, bà loay hoay dậy cắt bầu, bẻ măng cho cháu đem về hôm sau nấu ăn. Rồi bữa cơm tối bên mâm cơm bà ăn ngon miệng hơn. Ông nói đùa: "Có cháu ra, bà ngoan hơn hẳn!".
Không ai biết được mỗi người sẽ sống bao lâu và đi được bao xa. Nhưng dường như chúng ta hay gặp nhau ở một nếp nghĩ rằng: "Yêu thương không cần thiết phải thể hiện bằng lời nói, hành động!", "Thăm ông bà ư? Ít hôm nữa hãy đi!", "Chúng ta bận bịu quá, người lớn sẽ hiểu mà!"...
Để rồi khi giới hạn của sự sống ngày càng ít ỏi và thu hẹp dần, người ta khao khát sống trọn vẹn từng giây phút bên người thân, muốn trao đi yêu thương nhiều hơn và cảm thấy nuối tiếc, ân hận về những chuyện đã qua.
Ai ơi, xin trân quý mỗi phút giây bên nhau...
CTV Trang Hiếu
Đêm trước ngày ra tòa, chồng ân cần pha cho 2 con ly ca cao nóng rồi dỗ chúng ngủ, sau đó anh dịu dàng hát cho tôi nghe một bản tình ca khiến tôi bật khóc Ai mà nghĩ được ngày mai chúng tôi sẽ cùng nhau ra tòa chứ... Tôi và chồng từng có quãng thời gian yêu nhau 10 năm trước khi chính thức là vợ chồng. Tình yêu từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đẹp lắm, ngây thơ và vụng dại nhưng đáng nhớ vô cùng. Từng ấy năm bên nhau, trải qua đủ...