Khi bác sỹ “ăn phim” X- quang
Bằng thủ đoạn cắt xén, tráo đổi và ghép phim X-quang, nhiều năm nay, một số bác sĩ ở bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM đã “móc túi” nhiều tỷ đồng từ hàng vạn bệnh nhân.
BV Chấn thương chỉnh hình.
“Ăn” phim
Sự việc vỡ lở khi một bác sĩ công tác ở bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM về thăm người thân ở Bến Tre. Khi xem phim X-quang cho một cụ già, bác sĩ này được biết cụ đau vùng vai và cổ, được người nhà đưa lên bệnh viện Chấn thương chỉnh hình chụp cột sống cổ ở bốn tư thế: thẳng, nghiêng, chếch 3/4 bên trái và bên phải. Bệnh nhân phải nộp 240.000 đồng để mua hai phim chụp X-quang. Nhưng khi xem hồ sơ, bác sĩ này phát hiện phiếu thu tiền chụp phim X-quang cho người bệnh là loại lớn, trong khi hai tấm phim chụp thực tế thì nhỏ, nhìn không rõ. Thay vì phải chụp trên hai phim, kỹ thuật viên đã ghép cả bốn tư thế chụp trên một phim rồi cắt làm hai.
Từ việc “lạ đời” này, một nhóm bác sĩ ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình đã đi tìm sự thật. Họ phát hiện một số bác sĩ ở khoa Chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện này đã “ăn phim” từ năm 2007, kéo dài đến năm 2012.
Theo bác sĩ V.B.L, khoa Chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ Hồ Văn Thạnh, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh cùng ông Bùi Văn Hải, Phó khoa và kỹ thuật viên trưởng Bùi Bảo Vinh đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền ghép, cắt, đổi, gian lận trong việc nhập và xuất phim cho bệnh nhân để hưởng lợi hàng tỉ đồng từ năm 2007 đến nay.
Thủ đoạn để ba người này “móc túi” người bệnh là khi bệnh nhân được chỉ định chụp X-quang loại phim A kích thước 35 x 43cm, kỹ thuật viên cắt xén một nửa khi chụp, chỉ còn kích thước 35 x 21,5cm.
Ngoài việc xén, kỹ thuật viên dùng thêm thủ thuật tráo đổi phim, bằng cách sử dụng hai loại phim A giá 42.000 đồng/tấm thay cho phim B có kích thước 26 x 36cm giá 23.000 đồng/tấm.
Đơn cử bệnh nhân được chỉ định chụp X-quang phim A, kỹ thuật viên phù phép thành phim B, trong khi bệnh nhân được chỉ định chụp hai phim B thì kỹ thuật viên chụp ghép trên một phim A.
Một bác sĩ nói, gian lận bằng cách đánh tráo phim X-quang diễn ra thường xuyên. Ví dụ, bác sĩ thu tiền của bệnh nhân với giá phim loại A nhưng lại chụp cho họ với phim loại B có giá rẻ hơn.
Video đang HOT
Trong khi đó, thủ thuật lắp ghép phim diễn ra còn dễ dàng hơn khi người bệnh đóng tiền chụp cho hai phim, nhưng khoa chụp ghép nhiều bộ phận cơ thể cần chụp trên 1 phim, rồi cắt nhỏ phim ra đưa cho bệnh nhân.
Một bệnh nhân bị các bác sĩ ghép xén phim X-quang ở BV
Móc túi
Mỗi tháng bệnh viện sử dụng từ 28.000 đến 30.000 tờ phim. Điều tréo ngoe là số phim B thực sử dụng là ba phần, trong khi phim A là hai phần, nhưng trong báo cáo, bệnh viện ghi ngược lại là phim A sử dụng ba phần, còn phim B hai phần.
Số phim được hoán đổi mỗi tháng là từ 5.000 đến 6.000 tờ. Riêng phần đổi phim, cứ lấy 5.000 tờ x 19.000 đồng, nhóm này hưởng chênh lệch khoảng 90 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể nhóm này hưởng chênh lệch từ số phim dư ra do ghép phim và xén phim.
Theo tìm hiểu, chỉ trong 3 tháng cuối năm 2011, số lượng phim dư là 10.860 tờ, tương đương 3.620 tấm phim/tháng. Với giá thành 42.000 đồng/tấm, tổng cộng số tiền mà nhóm bác sĩ này thu được hơn là 152 triệu đồng/tháng. “Bằng cách này mỗi tháng tổng số tiền bệnh nhân bị móc túi lên tới hơn 240 triệu đồng”- một bác sĩ tố cáo lên tiếng.
Thực ra, theo bác sĩ L. việc tráo, cắt xén và ghép phim này không gây thất thoát tiền phim cho bệnh viện, nhưng rõ ràng bệnh nhân đã bị móc túi một cách không thương tiếc. Sự việc được phát giác vào cuối năm 2012 và một số người nằm trong “nhóm lợi ích” ở khoa Chẩn đoán hình ảnh thừa nhận có sự tráo đổi phim và cắt phim theo chỉ đạo của lãnh đạo khoa. Tuy nhiên, sau đó lãnh đạo bệnh viện đã không xử lý rốt ráo.
Quá bức xúc với việc bệnh nhân bị móc túi hàng tỷ đồng mỗi năm, nhưng không hề hay biết, một số bác sĩ đã gửi đơn tố cáo sự việc sang Công an TPHCM.
Sau khi điều tra, Công an TPHCM thông báo: “Có một số phim A được chụp ghép hai bộ phận và một số chứng từ bác sĩ chỉ định chụp phim B nhưng khi in ghép vào phim A”. Cơ quan này đã chuyển vụ việc sang Thanh tra Sở Y tế TPHCM để giải quyết bởi theo đơn vị này “để có cơ sở xác định có chụp ghép các bộ phận cơ thể bệnh nhân trong phim, đổi phim hay không cần phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật về phim ảnh của ngành y tế”.
Sai phạm nghiêm trọng Sở Y tế TPHCM đã thành lập đoàn kiểm tra do bác sĩ Nguyễn Minh Trạng – Chánh Thanh tra Sở làm trưởng đoàn thanh tra bệnh viện này. Nguồn tin của Tiền Phong cho biết, ngày 21/8 tới Sở Y tế sẽ có kết luận ban đầu về vụ việc “ăn phim” và “nhóm lợi ích” tại bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM. “Đây là vụ việc nghiêm trọng, việc cắt, xén phim và tráo phim diễn ra từ năm 2007 và có hệ thống, liên quan một số lãnh đạo bệnh viện”- nguồn tin tiết lộ.
Theo Lê Nguyễn
Tiền Phong
Lợi ích nhóm ở Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình
Có dấu hiệu ghép phim, tráo phim để thu lợi riêng hàng trăm triệu đồng/tháng.
Thanh tra Sở Y tế TPHCM đang trình kế hoạch thanh tra BV Chấn thương Chỉnh hình lên giám đốc sở phê duyệt để làm rõ tố cáo liên quan đến "lợi ích nhóm" tại khoa Chẩn đoán hình ảnh (CĐHA). Dự kiến trong tuần sẽ có quyết định thanh tra.
Theo tố cáo của bác sĩ VBL, khoa CĐHA, BV Chấn thương Chỉnh hình, các BS Hồ Văn Thạnh, Trưởng khoa CĐHA, ông Bùi Văn Hải, Phó khoa và kỹ thuật viên trưởng Bùi Bảo Vinh có hành vi tham ô tài sản. Theo đơn tố cáo, từ năm 2007 đến nay, nhóm ba người của khoa CĐHA đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền ghép phim, cắt phim, đổi phim, gian lận phim trong việc nhập và xuất phim cho bệnh nhân để hưởng lợi hàng tỉ đồng.
Cụ thể, nếu bệnh nhân được chỉ định chụp cột sống cổ bốn tư thế: thẳng, nghiêng và chếch 3/4 hai bên thì bệnh viện sẽ thu tiền bệnh nhân là chụp hai phim nhưng khi chụp thì kỹ thuật viên thực hiện ghép chụp hai hoặc bốn bộ phận cơ thể trên một phim, rồi cắt làm đôi thành "hai phim" mà bệnh nhân hoàn toàn không biết. "Chúng tôi thống kê ngẫu nhiên trong ba tháng cuối năm 2011, số phim dư là 3.620 tờ/tháng x 42.000 đồng/phim loại A, thì số lợi nhuận nhóm này hưởng là hơn 152 triệu đồng" - đơn tố cáo nêu.
Một tấm phim A (bên trái) được ghép và xén thành hai phim B (bên phải). Ảnh: Tùng Sơn
Còn đối với thủ thuật đổi, tráo phim, thường bệnh viện chụp hai loại phim A và B (phim B giá 23.000 đồng/phim). Khi bệnh nhân đóng tiền chụp phim A (trên 90% bệnh nhân chụp loại phim này) thì bị chụp phim B hoặc bệnh nhân được chỉ định chụp hai phim B thì chỉ lại chụp hai nửa phim A để hưởng chênh lệch là 19.000 đồng.
Mỗi tháng bệnh viện sử dụng từ 28.000 đến 30.000 tờ phim, trong đó số phim B thực sử dụng là ba phần, phim A là hai phần nhưng báo cáo bệnh viện thì ghi ngược lại là phim A sử dụng ba phần, phim B hai phần. Như vậy, số phim được hoán đổi mỗi tháng là từ 5.000 đến 6.000 tờ. Riêng phần đổi phim, nhóm này hưởng chênh lệch khoảng 90 triệu đồng/tháng (5.000 tờ x 19.000 đồng).
Theo tố cáo, việc giao nhận và cấp phim là do khoa Dược quản lý. Tuy nhiên, khoa Dược lại giao thẳng cho khoa CĐHA đặt và nhận hàng trực tiếp từ nhà cung cấp và khoa Dược chỉ việc ký tên xác nhận. Việc làm này đã tạo kẽ hở cho nhóm lợi ích gian lận trong việc nhập phim A và phim B.
Theo bác sĩ L., số tiền mà nhóm này hưởng lợi mỗi năm là gần 3 tỉ đồng, nếu tính từ năm 2007 đến nay thì số tiền họ hưởng lợi rất lớn và ông đã tố cáo đến Công an TP, Sở Y tế TP để làm rõ.
Có chứng cứ ghép phim
Thông báo của Công an TP.HCM gửi bác sĩ VBL nêu: Sau khi xác minh những nội dung tố cáo, nhận thấy có một số phim A được chụp ghép hai bộ phận và một số chứng từ bác sĩ chỉ định chụp phim B nhưng khi in ghép vào phim A. Để có cơ sở xác định có chụp ghép các bộ phận cơ thể bệnh nhân trong phim, đổi phim hay không cần phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật về phim ảnh của ngành y tế. Vì vậy, cơ quan điều tra chuyển đơn và tài liệu đến Thanh tra Sở Y tế để giải quyết theo thẩm quyền.
Trích băng ghi âm
. Trong quá trình chụp phim, có ghép hai phim A trên một phim A không?
Lúc trước thì có.
. Lúc trước là khi nào?
Lúc còn BS Nam (nguyên trưởng khoa). Thời gian đầu BS Nam rất tiết kiệm!
. Năm 2011 BS Nam không còn làm việc nữa.
Khoa không có chủ trương, yêu cầu. Phải hỏi mấy anh chụp (...). Có trường hợp người mẹ đóng tiền cho đứa con 10 tuổi chụp hai phim lớn, giá 120.000 đồng/phim. Chụp xong bác sĩ đọc không rõ nên lại cho đi chụp thêm hai phim nữa, người mẹ đi đóng tiền tiếp. Kết quả chụp lần hai bác sĩ vẫn nói đọc không được nên phải chụp lần thứ ba. Tôi rất bực và mở hồ sơ người mẹ đang cầm thì thấy chỉ có một tấm phim lớn và ba tờ phim nhỏ, trong khi thu tiền đến bốn tờ phim lớn.
(Cuộc làm việc giữa Ban Thanh tra bệnh viện với khoa CĐHA)
Theo Dantri
Bệnh viện 19-8: Phổ biến kỹ thuật mổ nội soi Trong 2 ngày 19 và 20-7, BV 19-8 Bộ Công an tổ chức tập huấn, chẩn đoán điều trị bằng phương pháp nội soi tái tạo dây chằng khớp gối và bệnh lý khớp vai cho hơn 70 bác sĩ chỉnh hình đang công tác tại BV, Bệnh xá công an các tỉnh phía Bắc và một số BV ngành như BV 199,...