Khi bác sĩ cùng nhau… cà phê
Đó là Doctor Coffee – nơi các bác sĩ cùng nhau uống cà phê, chia sẻ. Chương trình mới được sáng lập bởi bác sĩ, nhà khởi nghiệp lĩnh vực y tế – sức khỏe Lâm Quang Thư.
Các bác sĩ và cả những bạn không làm trong ngành y trao đổi với nhau bên trong Doctor Coffee – Ảnh: Thúy Hằng
Mỗi tháng 2 buổi, chương trình được tổ chức hoàn toàn miễn phí tại TP.HCM, thu hút đông đảo các y bác sĩ, dược sĩ, sinh viên ngành y, và cả các luật sư, kỹ sư công nghệ thông tin, nhân viên kế toán… cùng tham gia.
Khác với hiểu lầm của mọi người rằng các bác sĩ rất nghiêm nghị, luôn lạnh lùng trong màu áo blouse, thì trái lại, hơn 2 giờ đồng hồ diễn ra mỗi sự kiện cà phê bác sĩ đều đầy ắp tiếng cười. 30 phút đầu tiên, ban tổ chức để mỗi người tự kết nối, trò chuyện với nhau bên bàn trà có cà phê, đồ ăn nhẹ.
Tiếp theo, mỗi người có 30 giây để đứng lên chia sẻ về mình, làm sao để phần chào hỏi ban đầu dí dỏm, gây ấn tượng nhiều nhất. Ngọc Trân, nữ bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược TP.HCM năm 2018, đang công tác tại một spa ở Q.1, TP.HCM, chia sẻ: “Em tới đây mong được gặp gỡ, giao lưu với các bác sĩ để học hỏi thêm nhiều điều. Đồng thời, em cũng muốn làm sao thoát… ế”. Hội trường rộ lên những tiếng cười…
Bác sĩ Lâm Quang Thư, đồng thời là nhà khởi nghiệp (người sáng lập Homedoctors, Doctor Bear) cho biết ý tưởng để anh tổ chức Doctor Coffee là mong muốn tạo nên một cộng đồng bác sĩ với các hoạt động hiệu quả dựa trên việc cung cấp các giá trị, lợi ích và đáp ứng nhu cầu cho giới bác sĩ.
Sau 2 lần tổ chức, chương trình thu hút hơn 70 bác sĩ và các bạn trẻ lĩnh vực khác cùng tham gia. Mỗi chương trình đều có phần chia sẻ trực tiếp những ý kiến, nguyện vọng mong muốn được hỗ trợ của các bác sĩ. Tuy nhiên, nếu người tham gia còn e ngại, các ý kiến này có thể gửi lại để những người tổ chức cùng tổng hợp và đưa ra những phương án giúp đỡ sau đó. Nhân ngày Thầy thuốc VN 27.2 vừa qua, chương trình còn tổ chức cuộc thi ảnh Khoảnh khắc nghề y, hơn 160 bức ảnh xúc động về nghề y được các y bác sĩ khắp nơi gửi về.
“Không chỉ tạo ra một sân chơi vui vẻ thoải mái cho các y bác sĩ, chúng tôi mong muốn tham gia chương trình, các bác sĩ sẽ được cung cấp, bổ sung kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ thông qua các buổi trò chuyện và giao lưu với các diễn giả khách mời. Đây cũng mở ra những cơ hội lớn để các bác sĩ, những người bạn làm trong các lĩnh vực khác có thể chia sẻ cùng nhau những câu chuyện trong ngành, cũng như trao đổi các cơ hội nghề nghiệp”, bác sĩ Lâm Quang Thư nói.
Bác sĩ Tiểu Vũ, 30 tuổi, chuyên ngành siêu âm, nội soi, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, chia sẻ sân chơi Doctor Coffee giúp mở mang kiến thức ngành y cho chị, đồng thời là khoảng thời gian để các bác sĩ tạm quên áp lực công việc, được kết nối với những người bạn mới.
Video đang HOT
Trong khi đó, bác sĩ Tường Vũ, Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết chương trình có ý nghĩa, đặc biệt với những người trẻ. Các bạn có thể nằm trong ban tổ chức, đóng góp ý tưởng để chương trình hấp dẫn hơn.
“Các bạn trẻ chắc đã từng nghe câu nói, đừng bao giờ đi ăn một mình. Trong những sự kiện được gặp gỡ giao lưu trực tiếp với đồng nghiệp như thế này, hãy đừng bỏ qua cơ hội được hỏi, được trao đổi trực tiếp để mở mang mối quan hệ. Tôi cho rằng những người trẻ càng có mối quan hệ rộng bên ngoài (networking), các bạn càng có cơ hội thành công hơn”, bác sĩ Vũ nói.
Theo Thanh niên
Hết lòng vì những bệnh nhân 'đặc biệt'
Vất vả, áp lực đến mấy nhưng bằng lòng yêu nghề, sự tận tâm với người bệnh, những thầy thuốc công tác tại Cơ sở cai nghiện ma túy, Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần, người có công và xã hội Hải Dương vẫn đang ngày đêm lặng lẽ, hết mình với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho những người có hoàn cảnh đặc biệt.
Khó khăn, hiểm nguy
Bác sĩ Nguyễn Hồng Quân kiểm tra sức khỏe cho các học viên tại cơ sở cai nghiện ma túy Hải Dương.
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương thường xuyên tiếp nhận, cai nghiện cho khoảng 500 học viên thuộc diện cai nghiện bắt buộc và tự nguyện. Hiện cơ sở có 30 cán bộ chuyên môn y tế gồm 2 bác sĩ, 8 y sĩ và đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên, dược sĩ.
Theo ông Vũ Thành Phương, Giám đốc cơ sở, đội ngũ y, bác sĩ có vai trò rất lớn quyết định hiệu quả cai nghiện cho học viên. Làm việc trong môi trường đặc thù này, nếu không yêu nghề rất khó có thể vượt qua những khó khăn và áp lực.
Cảm thông với công việc của các y, bác sĩ, ông Vũ Thành Phương cho biết: Nhiệm vụ nặng nề nhất ở cơ sở là nhiệm vụ của bộ phận y tế, từ giai đoạn tiếp nhận, cắt cơn cho đến hậu cắt cơn cho các học viên. Công việc của cán bộ y tế nơi đây rất căng thẳng vì thường xuyên tiếp cận với những người nghiện ma túy tổng hợp thường bị ảo giác, ảo thính, ảo thanh và trầm cảm nên rất khó điều trị, có những hành vi thiếu kiểm soát, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tốt nghiệp chuyên ngành đa khoa - Đại học Y Hải Phòng, bác sĩ Nguyễn Hồng Quân đầu quân về cơ sở cai nghiện ma túy Hải Dương. Thấm thoắt tới nay, anh đã có 10 năm gắn bó với đơn vị.
Chia sẻ về những đặc thù nghề nghiệp, bác sĩ Quân bồi hồi nói: "Khó có thể nói hết những khó khăn của việc điều trị cho người nghiện ma túy". Theo bác sĩ Quân, hiện nay đối tượng nghiện chủ yếu là nghiện ma túy tổng hợp, trong khi đó chưa có phác đồ chuẩn điều trị cho những người nghiện ma túy tổng hợp nên phải vừa điều trị bằng biện pháp tâm lý vừa dùng các loại thuốc hỗ trợ. Tại khu vực điều trị cắt cơn, các y, bác sĩ thường trực nguy cơ đối diện với hành vi đập phá, la hét của các học viên bị ảo giác do hệ lụy từ quá trình sử dụng ma túy. Trong những tình huống đó, đòi hỏi các y, bác sĩ bình tĩnh vừa đảm bảo an toàn cho bản thân vừa phải ổn định tinh thần cho học viên, có can thiệp y tế phù hợp.
Một khó khăn khác với công việc của các y, bác sĩ tại cơ sở cai nghiện ma túy là người nghiện ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng. Nhiều học viên đến cơ sở cai nghiện thường mắc thêm một số bệnh như lao, viêm gan B, viêm gan C, nhiều ca nặng vượt quá khả năng chữa trị tại chỗ. Lãnh đạo cơ sở cai nghiện ma túy Hải Dương mong đơn vị sẽ nhận được sự quan tâm đầu tư hơn về cơ sở vật chất, tăng cường tập huấn nâng cao trình độ để các y bác sĩ có điều kiện phát huy tay nghề, từ đó nâng cao hiệu quả cai nghiện.
Những ngày này, khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tại Cơ sở cai nghiện ma túy Hải Dương, việc phòng chống dịch được đơn vị triển khai nghiêm túc theo hướng dẫn của ngành Y tế. Do đó, bên cạnh công tác chuyên môn, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ có thêm nhiệm vụ triển khai các biện pháp vệ sinh dịch tễ, giám sát chặt chẽ và tăng cường chăm sóc sức khỏe học viên.
Tương tự, công việc của các y, bác sĩ, nhân viên y tế tại Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương cũng có những đặc thù không giống bất kỳ cơ sở y tế nào khác. Hiện Trung tâm có 96 y, bác sĩ, nhân viên y tế đang công tác.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm, bệnh nhân tâm thần rất đặc biệt nên việc điều trị cho người bệnh khó khăn. Người thầy thuốc phải thăm khám toàn diện, bằng nhiều kênh để khám và chẩn đoán chính xác cho người bệnh. Nhiều lúc, trong những cơn loạn thần, bệnh nhân có những hành vi bất thường, đánh người nên y, bác sĩ phải tận tâm và kinh nghiệm mới có thể vượt qua để làm tốt nhiệm vụ chuyên môn. Thực tế, một số nhân viên y tế không chịu nổi áp lực công việc, đã chuyển công tác.
Coi người bệnh, học viên như người thân
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Minh Hương thăm khám cho bệnh nhân tại Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần, người có công và xã hội tỉnh Hải Dương.
Nếu không có lòng yêu nghề và tình thương đối với những người bệnh, học viên, những thầy thuốc công tác tại Cơ sở cai nghiện, Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương khó có thể trụ nổi. Khác với y bác sĩ làm tại các bệnh viện thông thường, tại Cơ sở cai nghiện hay Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương, ngoài các công việc thăm khám, điều trị, việc các y bác sĩ đỡ học viên dậy, bón cơm, đưa từng viên thuốc, săn sóc từng bữa ăn giấc ngủ cho các học viên là điều diễn ra hàng ngày.
Từ buổi đầu chập chững về làm tại cơ sở cai nghiện ma túy đến nay, bác sĩ Nguyễn Hồng Quân đã là Phó trưởng Phòng Y tế - Phục hồi sức khỏe. Điều xuyên suốt trong tâm niệm của anh là tình thương đối với các học viên.
Bác sĩ Quân bộc bạch: "Rất nhiều bạn bè thắc mắc tại sao tôi không làm nơi khác? Tuy nhiên, tôi vẫn gắn bó với công việc nơi đây bởi tôi yêu nghề và cũng vì tôi rất thương những người vào đây cai nghiện. Bạn bè tôi có nhiều người rơi vào hoàn cảnh nghiện. Tôi luôn nghĩ họ là những người lầm lỡ, đã vào đây là họ rất muốn làm lại cuộc đời. Chính vì vậy, tôi muốn chính tay mình được điều trị cho những người quen và những người nghiện khác để họ có thể cai nghiện thành công, sớm về với gia đình, học tập, lao động sản xuất".
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Minh Hương chia sẻ: Bệnh nhân là người tâm thần rất đặc biệt. Trừ những lúc bị loạn thần, hoang tưởng ra, họ là những người rất tình cảm, chia sẻ nhiều và coi các y, bác sĩ như người nhà. Đó chính là những động lực để các y, bác sĩ gắn bó với công việc. Thỉnh thoảng, cán bộ và nhân viên trung tâm cũng có những buổi tập luyện thể thao cùng học viên hoặc nấu những món ăn ở nhà mang đến chia sẻ với học viên.
Điều dưỡng viên Bùi Thị Huế, Trưởng Khoa Sa sút - Cách ly, Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần, người có công và xã hội Hải Dương đã có 25 năm công tác tại đây. Mặc dù đã có cơ hội nghề nghiệp tốt hơn nhưng chị vẫn chọn ở lại trung tâm. "25 năm công tác tại đơn vị, niềm vui của tôi là thấy bệnh nhân tâm thần ngày càng được quan tâm hơn, bệnh nhân được sử dụng thuốc tốt hơn, thể trạng ổn định hơn và các gia đình bệnh nhân tin tưởng gửi con em vào trung tâm để điều trị", chị Huế tươi cười nói.
Điều dưỡng viên Bùi Thị Huế bón cơm cho người bệnh tại Khoa Sa sút - Cách ly, Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần, người có công và xã hội tỉnh Hải Dương.
Nhờ sự tận tâm của các y bác sĩ, người nghiện ma túy dần cải thiện thể trạng, suy nghĩ tích cực hơn, thay đổi hành vi, chuyên tâm cai nghiện. Anh Đào Mạnh H. (thành phố Hải Dương) nhớ lại: Thời gian đầu mới đến, sức khỏe em suy kiệt. Vào đây, anh em học viên có vấn đề gì về tâm lý hay sức khỏe, các y bác sĩ đều chăm sóc tận tình. Nhờ vậy, sức khỏe em đã tốt lên nhiều, tăng từ 10 - 15 kg so với ngày đầu. Giờ tâm lý em thoải mái và thấy trách nhiệm với bản thân, nhận ra lỗi lầm và có niềm tin, có định hướng sau khi tái hòa nhập cộng đồng để trở thành một công dân tốt hơn.
Chị Nguyễn Thị Đào (quê ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), một học viên tại Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần, người có công và xã hội Hải Dương xúc động kể: "Tôi vào trung tâm đã được 5 năm. Ngày trước, khi mới vào, tôi rất buồn, hay đau ốm. Ở đây, các y bác sĩ rất chu đáo, quan tâm, tình cảm, hỏi han và động viên, khám chữa bệnh rất nhiệt tình. Tôi cảm thấy vui và sức khỏe giờ đã tốt hơn trước nhiều".
Hơn cả một người thầy thuốc, mỗi y, bác sĩ như anh Quân, chị Hương, chị Huế và nhiều đồng nghiệp còn là người bạn, người thân của những người nghiện, người mắc bệnh tâm thần. Họ đã bền bỉ từng ngày mang trong mình tâm niệm "lương y như từ mẫu", gieo tình người và niềm tin cho những mảnh đời lầm lỗi, bất hạnh.
Bài và ảnh: Mạnh Minh
Theo TTXVN/baotintuc
Nghĩa cử bác sĩ mùa dịch Covid-19 là động lực cho bác sĩ tương lai Những hy sinh, vất vả của các y bác sĩ mùa dịch Covid-19 làm cho sinh viên ngành y càng có thêm động lực để tiếp nối là đội ngũ y bác sĩ hết lòng vì nghề. Các tân bác sĩ khám chữa bệnh miễn phí cho người dân trong chiến dịch tình nguyện hè tại Tây Ninh - Ảnh: Nữ Vương Nghĩa...