Khép chuỗi giá trị, mãng cầu Tây Ninh kì vọng cho thu nhập nghìn tỉ
Mãng cầu cho hiệu quả cao nhất trong các loại cây ăn trái trồng truyền thống nhưng hạn chế khả năng mở rộng diện tích. Khép kín chuỗi giá trị mãng cầu ở Tây Ninh là cách tối ưu giúp nông dân trồng mãng cầu tăng thêm lợi nhuận.
Theo thống kê, diện tích sản xuất mãng cầu ở Tây Ninh khoảng hơn 4.700ha, tạo ra hơn 5.000 việc làm, tỉ lệ 0,9ha/người. Đây là tỷ lệ thấp nhất nhưng lại cho lợi nhuận 169 triệu đồng/ha, cao nhất trong các cây ăn trái trồng truyền thống đã có vị trí ở tỉnh Tây Ninh.
Khó mở rộng diện tích
Mãng cầu cho hiệu quả cao nhất trong các loại cây ăn trái trồng truyền thống. Ảnh: N.V
Thực tế, mãng cầu là loại sản phẩm đầu tiên được xây dựng chỉ dẫn địa lý. Vì khả năng mang lại giá trị gia tăng cao nên nhiều nông dân muốn mở rộng diện tích và các doanh nghiệp đã có ý định đầu tư bài bản.
Ông Huỳnh Biển Chiêu – nông dân trồng mãng cầu ở TP.Tây Ninh cho biết, mãng cầu là một trong những trái cây đặc sản và chủ lực của tỉnh do có giá trị dinh dưỡng và đáp ứng được thị hiếu. Chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm ở khu vực núi Bà Đen cũng như giữa các mùa trong năm khá ổn định, tạo thuận lợi cho việc phát triển cây mãng cầu. Nhất là loại đất trồng quanh chân núi Bà Đen cho mãng cầu hương vị đặc trưng, khác hẳn các vùng trồng khác.
Đến nay, Tây Ninh vẫn là tỉnh có diện tích trồng mãng cầu lớn nhất nước. Nhờ làm chủ được mùa vụ nên sản lượng mãng cầu hầu như có quanh năm. Đây là điều kiện có thể chi phối giá và thị trường tiêu thụ, tạo nên chất lượng và uy tín cho nhãn hiệu mãng cầu Bà Đen.
Video đang HOT
Tuy nhiên, do đặc điểm thổ nhưỡng nên khả năng mở rộng diện tích không cao. Chỉ có khu vực xung quanh núi Bà Đen là phù hợp với cây trồng này và cho ra chất lượng khác biệt, trong khi mãng cầu trồng ở các vùng khác có tính thích nghi thấp. Hiện nay, diện tích mãng cầu toàn tỉnh có tăng nhẹ, một phần do nhu cầu chuyển đổi từ cao su, mì sang. Tuy nhiên, định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh dự kiến đến năm 2030 cũng chỉ tăng lên khoảng 6.000ha.
Khép chuỗi giá trị
Phần lớn mãng cầu ở Tây Ninh sau thu hoạch được vận chuyển đi TP.HCM và các tỉnh lân cận. Thị trường trong tỉnh chỉ giữ lại một phần hoặc một số ít cung cấp theo hợp đồng cho siêu thị. Tuy được đánh giá khá đồng đều ở khả năng áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhưng đầu ra và tiêu chuẩn an toàn cho mãng cầu Tây Ninh còn khá nhiều hạn chế. Việc tiêu thụ hiện nay chủ yếu là qua thương lái. Sự đồng nhất về chất lượng cũng như tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm vì thế chưa đảm bảo.
“Lượng hàng vào được các chuỗi cung ứng hay thị trường khó tính của nội địa chưa nhiều. Trên đồng ruộng, sự liên kết trong sản xuất còn yếu nên giá cả thị trường dễ biến động do sự thay đổi về cung cầu trong năm” – ông Huỳnh Biển Chiêu nói.
Bên cạnh đó, nhiều nông dân chưa hiểu được tầm quan trọng của việc sản xuất theo quy trình VietGAP hay GlobalGAP. Thậm chí nhiều nông dân đã được cấp chứng nhận VietGAP rồi nhưng đến hạn lại không thiết tha tái đăng ký chứng nhận.
Theo anh Trần Trung Kiên – Tổ trưởng Tổ hợp tác mãng cầu Suối Đá ( huyện Dương Minh Châu), nguyên nhân chủ yếu do giá mãng cầu VietGAP bán ra không khác gì mãng cầu sản xuất theo kiểu truyền thống.
Theo ông Võ Đức Trong – Giám đốc Sở NNPTNT Tây Ninh, do mãng cầu chỉ trồng đạt năng suất và chất lượng ở khu vực ven chân núi Bà Đen nên cần tăng diện tích mãng cầu có áp dụng các quy trình GAP, để đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Việc tập trung chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng, đưa được mãng cầu vào các chuỗi tiêu thụ vẫn là nỗ lực và định hướng chung của Tây Ninh. Ngoài tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết để cân đối cung cầu trên thị trường nội địa, việc khép chuỗi và phát triển cụm ngành sẽ giúp cây mãng cầu có giá trị gia tăng cao hơn.
Theo Danviet
Bức xúc vì tiếng ồn, Tây Ninh tăng kiểm soát nuôi chim yến tự phát
Mật độ xây dựng nhà nuôi yến tự phát ở Tây Ninh tăng khá nhanh thời gian qua đã gây ra không ít bức xúc do ô nhiễm tiếng ồn và điều kiện vệ sinh thú y chưa đảm bảo ngay trong khu dân cư.
Bức xúc vì ô nhiễm tiếng ồn
Sở NNPTNT Tây Ninh đánh giá, địa bàn tỉnh có diện tích trồng trọt lớn, lượng côn trùng làm mồi cho yến khá phong phú. Người chăn nuôi yến nếu tổ chức tốt sẽ có lợi nhuận rất cao do chỉ tốn chi phí ban đầu để xây dựng, không tốn chi phí thức ăn, giá bán tổ yến cao và ổn định.
Ngoài việc xây dựng nhà nuôi, người nuôi phải có máy phát âm thanh giống tiếng kêu chim yến để dẫn dụ chim về làm tổ.
Một nhà nuôi chim yến xây dựng ngay trong khu dân cư. Ảnh: N.V
Qua khảo sát, âm thanh từ thiết bị dẫn dụ chim yến phát tiếng kêu ở một số nơi mở lớn, mở suốt ngày đêm. Một số người nuôi đã chọn xây dựng nhà nuôi ở xa khu dân cư vì không muốn ảnh hưởng đến người dân xung quanh, nhưng cũng có không ít người xây dựng trong khu dân cư.
Bà Nguyễn Hiền Thục (ngụ huyện Dương Minh Châu) kể, thời gian trước, một hộ dân kế bên đã cải tạo lại căn nhà thành nhà "2 trong 1", vừa ở vừa nuôi chim. "Nhà này mở loa dẫn dụ chim yến suốt ngày đêm, âm thanh lớn đến nỗi đi xa khoảng 1km rồi mà vẫn còn nghe tiếng. Phân chim, lông chim rơi khắp cả khu vực này" - bà Thục bức xúc.
Tại TP.Tây Ninh, một người dân cho hay, chỉ cách chưa đầy 100m nơi chị sống là hộ nuôi yến. Người dân xung quanh phải chịu đựng tiếng ồn suốt cả ngày lẫn đêm, vì quá bức xúc nên chị phải nhờ chính quyền can thiệp.
Hoàn thiện khung pháp lý
Theo báo cáo của Sở NNPTNT Tây Ninh, trong những năm gần đây, số lượng nhà nuôi yến phát triển khá nhanh. Năm 2017, toàn tỉnh có 27 nhà yến thì hiện nay đã tăng lên 152 nhà yến, tăng hơn 5 lần, với tổng diện tích nuôi gần 19.427m2, tập trung chủ yếu tại huyện Dương Minh Châu, Trảng Bàng, Hòa Thành và Tân Biên.
Hầu hết các hộ nuôi chim yến mang tính chất tự phát, người dân tìm hiểu thông tin và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Khảo sát cho thấy, diện tích xây dựng một nhà yến tối thiểu là 50m2 sàn. Người dân thường xây nhà nhiều tầng với chi phí xây thô khoảng 2,3 triệu đồng/m2, chi phí cho hệ thống dẫn dụ chim khoảng 1,2 - 1,4 triệu đồng/m2. Tổng chi phí xây nhà yến khoảng 3,5 - 3,7 triệu đồng/m2, do đó, chỉ có các hộ có điều kiện kinh tế mới có thể nuôi yến.
Ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở NNPTNT Tây Ninh cho rằng, đây là ngành chăn nuôi khá mới mẻ trên địa bàn. Tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng chỉ mang tính chất tự phát, số lượng hộ nuôi chưa nhiều và cũng chưa có một nghiên cứu khảo sát nào cụ thể nên cần phải có thêm thời gian thu thập thông tin.
Luật Chăn nuôi do Quốc hội thông qua năm 2018 và có hiệu lực từ 1/1/2020. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn của Trung ương về việc thực hiện quản lý nuôi chim yến. Trong khi đó, tình hình nuôi chim yến phát triển nhanh và tự phát gây bức xúc trong nhân dân.
Sở NNPTNT Tây Ninh đã căn cứ những văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để xây dựng quy định tạm thời, trong đó có liên kết với Luật Chăn nuôi để khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực thì quy định này cũng phát huy được hiệu quả quản lý.
Ông Trong cho biết, Sở NNPTNT đang tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Dự kiến, quy định sẽ được ban hành vào tháng 10/2019.
Theo Danviet
Đấu đầu với xe tải, 4 người thương vong Xe tải và xe ô tô 4 chỗ dính chặt vào nhau sau cú đấu đầu, khiến 2 người tử vong. Vụ tai nạn xảy ra vào sáng ngày 17-2, trên đường tỉnh lộ 789, đoạn qua xã Bến Củi (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh). Cú va chạm mạnh khiến hai xe dính chặt vào nhau, hai người tử vong tại chỗ....