‘Khe hở’ giúp biến thể Delta hoành hành tại Mỹ
Ngày 1/10, Mỹ đã ghi dấu cột mốc buồn trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, khi con số tử vong vượt mốc 700.000 người – cao hơn cả dân số của thành phố Boston, bang Massachusetts.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở bang California, Mỹ ngày 2/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo giới chuyên gia, 100.000 ca tử vong mới đây của Mỹ được ghi nhận trong bối cảnh vaccine ngừa COVID-19 – vốn được coi là “tấm khiên” ngăn tử vong, nhập viện và bệnh nặng, sẵn có ở Mỹ để tiêm cho những người từ 12 tuổi trở lên. Tuy nhiên, thực tế hàng chục triệu người dân Mỹ đã từ chối cơ hội tiêm vaccine ngừa COVID-19, tạo “khe hở” để biến thể Delta xâm nhập và sinh sôi ở nước này, khiến số ca tử vong tăng từ mức 600.000 lên 700.000 ca trong 3,5 tháng. Điều này thực sự khiến các bác sĩ, giới chuyên gia y tế và dân chúng Mỹ quan ngại bởi đại dịch vốn đã dịu đi trước đó vào mùa Hè, có nguy cơ u ám trở lại.
Bang Florida là bang có số ca tử vong cao nhất trong giai đoạn kể từ giữa tháng 6 vừa qua, với khoảng 17.000 người không qua khỏi. Tiếp đó là bang Texas, với 13.000 ca. Hai bang này có dân số chiếm khoảng 15% dân số cả nước, song chiếm hơn 30% số ca tử vong kể từ khi số ca tử vong tại Mỹ vượt mốc 600.000 ca.
Tiến sĩ David Dowdy, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, cho biết ít nhất 70.000 trong số 100.000 ca tử vong mới đây là những người chưa được tiêm chủng. Hầu hết những người được tiêm COVID-19 tử vong đều nhiễm virus SARS-CoV-2 từ người chưa được tiêm. Ông nhấn mạnh, nếu chiến dịch tiêm chủng tại Mỹ hiệu quả hơn, có lẽ đã có thể ngăn ngừa 90% số ca tử vong kể từ giữa tháng 6.
Con số tử vong tăng cao gắn liền với những câu chuyện bi thảm của mỗi gia đình. Anh Danny Baker, 28 tuổi, là một trong số đó. Anh đã mắc COVID-19 vào mùa Hè, được điều trị trong hơn 1 tháng tại bệnh viện, song không qua khỏi vào ngày 14/9 vừa qua, để lại người vợ và cô con gái nhỏ mới 7 tháng tuổi. Bố mẹ của Baker nhớ lại thời gian đầu xảy ra đại dịch, con trai của ông bà – từng vô địch bắn súng ở trường phổ thông trung học, yêu thích đi săn và câu cá, luôn khẳng định mình sẽ là người đầu tiên tham gia tiêm vaccine ngừa bệnh. Thế nhưng, ngay khi Chính phủ Mỹ cho phép triển khai tiêm vaccine cho những người trong độ tuổi của Baker, nhà chức trách khuyến cáo ngừng sử dụng vaccine của Johnson & Johnson để điều tra các thông tin về nguy cơ xuất hiện huyết khối hiếm gặp. Thông tin này, đặc biệt là các thông tin giả xuất hiện tràn lan trên mạng Internet, trong đó có việc vaccine có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản đã khiến Baker sợ hãi, không dám đi tiêm vaccine.
Vợ của Baker là Aubrea Baker, 27 tuổi, một nữ hộ sinh, khẳng định đã có rất nhiều tin giả đang được lan truyền trên mạng Internet và cái chết của chồng cô đã truyền cảm hứng trên Facebook, thúc đẩy được ít nhất 100 người đi tiêm vaccine phòng bệnh.
Trên thực tế, khi số ca tử vong vượt qua con số 600.000 vào giữa tháng 6, việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã phát huy hiệu quả, giảm số ca mắc, các biện pháp hạn chế đã được dỡ bỏ và người dân háo hức mong chờ cuộc sống trở lại bình thường trong mùa Hè. Số người tử vong mỗi ngày khi đó, giảm mạnh xuống mức trung bình khoảng 340, chỉ gần bằng 1/10 so với mức hơn 3.000 hồi giữa tháng 1/2021. Thế nhưng chỉ ít lâu sau đó, giới chức y tế Mỹ đã phải cảnh báo xảy ra đại dịch đối với những người chưa được tiêm chủng.
Video đang HOT
Biến thể Delta đã “lợi dụng” khoảng trống trong việc tiêm vaccine, tấn công nước Mỹ, khiến số ca mắc và tử vong tăng cao, nhất là những người chưa tiêm vaccine và trẻ tuổi, khiến nước Mỹ phải triển khai việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dễ bị tổn thương.
Hiện tỷ lệ tử vong theo ngày tại Mỹ vào khoảng 1.900 ca, các ca mắc bắt đầu giảm dần từ mức cao hồi tháng 9. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo tình hình dịch bệnh có thể xấu đi vào mùa Đông. Trong tuyên bố đưa ra ngày 2/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi người dân đi tiêm phòng để bảo vệ mạng sống. Theo ông, nước Mỹ đã đạt tiến triển trong cuộc chiến chống COVID-19 trong 8 tháng qua chính là nhờ việc triển khai tiêm vaccine.
Thống kê cho thấy, hiện 65% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 và khoảng 56% được tiêm đầy đủ. Hàng triệu người vẫn “quay lưng” với vaccine vì nhiều lý do, trong đó có do sợ hãi và những thông tin sai sự thật.
Lộ trình chắc chắn cho trạng thái 'bình thường mới'
Những vùng sáng đã xuất hiện nhiều hơn trên bản đồ dịch bệnh thế giới khi mà hầu hết các khu vực trên thế giới trong tuần qua ghi nhận số ca nhiễm mới thấp hơn so với tuần trước.
Trong đó khu vực châu Phi và châu Á có mức giảm cao nhất, lần lượt là 16% và 13%. Chỉ có châu Đại Dương và châu Âu chứng kiến số ca mắc mới tăng nhẹ lần lượt là 3% và 7%. Trên phạm vi toàn cầu, số ca mắc mới giảm 8% so với tuần trước đó. Trung bình mỗi ngày thế giới ghi nhận khoảng 457.000 ca nhiễm mới, thấp hơn 11% so với tuần trước và đây là tuần thứ năm liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới giảm.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Nga. Ảnh: Moskva News Agency/TTXVN
Những bước tiến về tiêm chủng và kiểm soát dịch đã tạo ra những thay đổi rõ rệt. Thêm nhiều quốc gia và khu vực đang trở lại trạng thái bình thường mới trong đời sống kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, những ổ dịch mới xuất hiện tại một số nước châu Á hay Nga tuần qua khiến lộ trình "trở lại cuộc sống bình thường" không phải lúc nào cũng suôn sẻ, buộc chính phủ các nước phải thực hiện từng bước một cách thận trọng.
Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày thế giới đã tiêm khoảng 27 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Thống kê của ourworldindata.com cho thấy tới ngày 3/10, đã có 6,27 tỷ liều vaccine được tiêm trên toàn thế giới, tỷ lệ tiêm ít nhất một mũi là 45,4% dân số toàn cầu. Châu Á đang có sự bứt tốc mạnh mẽ trong cuộc đua tiêm chủng. Sau khởi đầu tương đối chậm, Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia giờ đây đã vượt Mỹ về tỷ lệ tiêm chủng trên mỗi 100 dân, điều từng khó có thể nghĩ đến hồi đầu năm nay. Tỷ lệ này của Hàn Quốc là 1,49, Malaysia 0,92, Nhật Bản 0,9, trong khi Mỹ là 0,19.
Mặc dù vậy, châu Á vẫn phải cảnh giác với nguy cơ từ những biến thể của virus khi hầu hết các nước trong khu vực chưa thể tự sản xuất vaccine và có thể đối mặt với những vấn đề về nguồn cung trong thời gian tới, khi Liên minh châu Âu tiếp tục hạn chế xuất khẩu vaccine và nhiều nước bắt đầu triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường. Hạn chế nguồn cung vaccine cũng là vấn đề của châu Phi và khu vực Mỹ Latinh. Tiến độ tiêm chủng ở châu Phi vẫn chưa được cải thiện khi có một nửa các quốc gia trong châu lục mới chỉ tiêm đủ liều vaccine cho 2% dân số. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong tổng số 54 quốc gia ở châu Phi, chỉ có 15 quốc gia đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho ít nhất 10% dân số tính đến ngày 30/9. Tại Mỹ Latinh, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ước tính phải đến năm 2022 mới có thể hoàn thành tiêm chủng cho 70% dân số khu vực.
Trong khi đó, chương trình tiêm phòng tại một số nước phát triển đang chậm lại khiến số ca mắc mới tăng. Sau 2 tuần giảm, số ca mắc mới trong 7 ngày qua ở Đức đã tăng trở lại. Các chuyên gia lo ngại Đức có thể phải hứng chịu một làn sóng dịch bệnh Thu-Đông vào tháng 10. Tại Nga, số ca mắc mới và tử vong trong 7 ngày liên tục tăng. Nga hiện đứng đầu châu Âu về số ca tử vong do COVID-19 trong bối cảnh mới chỉ khoảng 30% dân số Nga được tiêm vaccine COVID-19. Tại Mỹ, mặc dù số ca mắc mới có xu hướng giảm và phần lớn các ca mắc mới là những người chưa tiêm vaccine, song Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Nhà Trắng, cảnh báo, một số người coi việc dịch bệnh chứng bệnh là lý do để tiếp tục không tiêm chủng. Đáng chú ý, số bệnh nhân tử vong vì COVID-19 ở Mỹ tuần qua đã vượt qua con số 700.000.
Theo số liệu do hãng tin Reuters công bố, số ca tử vong vì COVID-19 trên thế giới đã vượt qua ngưỡng 5 triệu ca, trong bối cảnh biến thể Delta đang khiến số ca nhiễm và tử vong ở những người chưa tiêm phòng tăng cao.
Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại Apple Valley, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Phân tích của Reuters cho thấy nếu mốc 2,5 triệu ca tử vong đầu tiên đã được ghi nhận trong hơn một năm kể từ khi dịch bùng phát, thì mốc 2,5 triệu ca tiếp theo được ghi nhận sau khoảng 8 tháng. Hơn một nửa số ca tử vong toàn cầu được ghi nhận ở Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nga và Mexico. Trong tuần qua, trung bình 8.000 ca tử vong được ghi nhận mỗi ngày trên toàn cầu, tức là 5 ca/phút.
Một trong những diễn biến gây lo ngại trong tuần qua là việc một số quốc gia châu Á có tỷ lệ tiêm chủng cao lại đối mặt với dịch bệnh phức tạp hơn với số ca mắc mới tăng đột biến sau một thời gian có sự cải thiện. Singapore chứng kiến số ca mắc mới trong tuần tăng 70% so với tuần trước đó. Dịch bệnh phức tạp ở Singapore diễn ra trong bối cảnh nước này vừa nới lỏng các hạn chế sau khi được ghi nhận là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao trong khu vực và thế giới, với hơn 80% dân số đã được tiêm vaccine. Trước tình hình trên, Singapore đã phải siết chặt lại một số hạn chế, trong đó giới hạn không được tụ tập quá 2 người và yêu cầu người dân làm việc tại nhà, đồng thời hoãn một phần kế hoạch mở cửa trở lại. Tỷ lệ lây nhiễm mới tại Hàn Quốc cũng tăng mạnh 41% so với 7 ngày trước đó. Sự gia tăng đột biến số ca mắc mới là người dân Hàn Quốc di chuyển nhiều, tập trung đông trong kỳ nghỉ Trung thu (Chuseok) tuần trước.
Nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu buộc các nước phải thận trọng, mở cửa từng bước theo lộ trình. Chính phủ Hàn Quốc đang tiến tới áp dụng một kế hoạch "sống chung với dịch bệnh", theo đó COVID-19 được điều trị như một bệnh hô hấp truyền nhiễm giống như cúm mùa cùng với việc nới lỏng các quy định giãn cách xã hội "theo từng giai đoạn và dần dần" khi tỷ lệ người được tiêm chủng đầy đủ vượt ngưỡng 70%.
Ngày 1/10 được xem là cột mốc đáng nhớ đối với người dân Tokyo và 18 tỉnh của Nhật Bản khi chính phủ nước này quyết định dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp tại những vùng này, từng bước chuyển sang giai đoạn mới -sống chung an toàn với COVID-19. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 4/2021, toàn bộ 47 tỉnh tại Nhật Bản không phải áp dụng tình trạng khẩn cấp ở bất kỳ hình thức nào.
Để có thể tiến tới mốc này, Chính phủ Nhật Bản đã đẩy mạnh chiến dịch phủ sóng vaccine theo lộ trình. Thống kê cho thấy hơn 70% dân số Nhật Bản đã tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19, vượt cả Mỹ (64%), thậm chí một số vùng nông thôn tại nước này còn đạt mức 100%.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Osaka, Nhật Bản, ngày 13/9/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Vừa kiểm soát dịch vừa đảm bảo hoạt động kinh tế đòi hỏi Chính phủ Nhật Bản chuẩn bị kỹ một lộ trình nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với các lĩnh vực. Trước mắt, trong vòng 1 tháng, Nhật Bản thử nghiệm cho phép các cửa hàng và cơ sở ăn uống, bán đồ uống có cồn ở Tokyo và các tỉnh khác mở cửa đến 21h, song phải đảm bảo các điều kiện an toàn như lắp đặt tấm chắn, cải thiện hệ thống thông gió. Điểm đáng chú ý trong kế hoạch mở cửa trở lại của Nhật Bản là chủ trương phong tỏa cục bộ, tức là chỉ thực hiện biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt tại những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao, nhờ đó các cơ sở kinh doanh mới có thể hoạt động trở lại.
Tại Malaysia, chính phủ nước này cũng bắt đầu triển khai Kế hoạch phục hồi quốc gia gồm 4 giai đoạn, theo đó trong giai đoạn 1 sẽ có 11 lĩnh vực kinh doanh ở các bang được mở cửa trở lại. Ở giai đoạn 2, các hoạt động kinh tế sẽ từng bước mở cửa và 80% lao động đi làm. Ở giai đoạn 3, mọi hoạt động kinh tế được phục hồi, trừ những lĩnh vực nguy cơ lây nhiễm COVID-19 và buộc phải tập trung đông người. Chính phủ sẽ cân nhắc giai đoạn 4, cũng là giai đoạn cuối cùng, mở cửa mọi hoạt động thường ngày, cho phép nhiều hoạt động xã hội hơn và phục hồi đi lại liên bang, du lịch nội địa.
Thái Lan cũng công bố kế hoạch mở cửa trở lại đất nước trong vòng vài tháng tới theo 4 giai đoạn tùy theo các yếu tố, bao gồm doanh thu du lịch, địa lý và các biện pháp phòng ngừa COVID-19.
Mặc dù Thái Lan vẫn kéo dài tình trạng khẩn cấp để phòng chống COVID-19 cho tới ngày 30/11, nhưng sẽ cho phép thêm các doanh nghiệp mở cửa trở lại và rút ngắn thời gian giới nghiêm ban đêm. Việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh này được áp dụng cho 29 tỉnh thuộc vùng đỏ sẫm thuộc diện kiểm soát tối đa và nghiêm ngặt từ ngày 1/10.
Có thể thấy, từng bước nới lỏng hạn chế để dần mở cửa nền kinh tế, từng bước đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường trên cơ sở bảo đảm an toàn hiện là xu thế được nhiều quốc gia lựa chọn trong bối cảnh những biến thể mới của COVID-19 vẫn đang xuất hiện và thế giới chưa thể đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Trên thực tế, một nghiên cứu chính sách do hãng CNN thực hiện tại gần 20 quốc gia cho thấy việc "nóng vội" mở cửa trở lại nền kinh tế ngay khi dịch bệnh có dấu hiệu lắng dịu là một phần nguyên nhân khiến các làn sóng lây nhiễm mới tái bùng phát mạnh tại Mỹ, Brazil và Ấn Độ cuối năm ngoái và đầu năm nay.
Một lộ trình thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn và có kiểm soát sẽ là "chìa khóa" để mở cánh cửa hướng cuộc sống bình thường mới an toàn với COVID-19.
Thế giới vượt 234,2 triệu ca mắc COVID-19; dịch bệnh vẫn phức tạp tại Đông Nam Á Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 30/9, thế giới ghi nhận tổng cộng 234.240.846 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.791.252 ca tử vong. Trên 211,04 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn trên 18,4 triệu bệnh nhân đang điều trị. Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN Tại khu vực Đông Nam Á,...