‘Khẩu trang sẽ không có tác dụng nếu học sinh đeo không đúng cách’
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tế tư nhân TP.HCM, cho rằng với lứa tuổi tiểu học, khẩu trang sẽ không có tác dụng nếu học sinh đeo không đúng cách…
Học sinh THPT đeo khẩu trang phù hợp hơn học sinh tiểu học? – HOÀNG GIÁP
Nhiều tranh luận xảy ra xung quanh việc Sở GD-ĐT TP.HCM thực hiện khảo sát ý kiến phụ huynh về việc đeo khẩu trang trong trường để phòng chống dịch Covid-19.
Khó chịu nếu đeo suốt buổi học
Bên cạnh việc nhiều phụ huynh đồng ý cho con đeo khẩu trang trong suốt thời gian ở trường để phòng dịch Covid-19, thì nhiều bậc cha mẹ lại cho rằng không cần thiết, nhất là với học sinh tiểu học.
Chị Hoàng Minh Xuân, ngụ tại lô B, chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM có con học lớp 3 Trường tiểu học Võ Thị Sáu, Q.Tân Phú, cho biết: “Chiều qua tôi nhận được tin nhắn của trường thông báo lấy ý kiến về việc đồng ý hay không đồng ý cho học sinh đeo khẩu trang trong trường để phòng chống dịch Covid-19. Tôi thấy ở lứa tuổi các bé, phần lớn đều rất khó chịu mỗi lần đeo khẩu trang do cảm thấy nóng nực hoặc bị cọ sát vào mặt. Nhất là đeo trong suốt buổi học thì càng không khả quan. Chắc chắn con tôi sẽ không chịu đeo lâu như thế mà sẽ tháo ra cất vào ba lô”.
Video đang HOT
Theo chị Minh Xuân, việc đeo khẩu trang để phòng dịch Covid-19 là rất tốt, nhưng chỉ là một phần chứ khẩu trang khổng phải là “phép thần thông” ngăn chặn virus Corona không xâm nhập vào cơ thể. Vì thế, nếu như có mầm bệnh xuất hiện thì nguy cơ lây lan có thể thông qua nhiều cách như chạm tay vào khẩu trang, chạm vào mắt, mũi… “Tay các bé không sạch, tháo khẩu trang ra rồi lại đeo vào nhiều lần trong ngày còn nguy hiểm hơn. Tôi đã đánh dấu không đồng ý vì những lý do trên. Mà tôi mong muốn khi nào công bố hết dịch thì hãy cho học sinh đi học lại, lúc đó an toàn rồi, chỉ cần nhà trường thường xuyên nhắc nhở các con vệ sinh sạch sẽ là được”.
Đồng quan điểm, anh Hữu Phước, nhân viên ngân hàng Techcombank tại Q.3, TP.HCM, có con học lớp 4, Trường tiểu học Cửu Long, Q.Bình Thạnh, cho rằng con mình cũng sẽ không chịu đeo khẩu trang suốt buổi học. Anh Phước nhìn nhận: “Tôi không rõ vì sao lại phải khảo sát việc này vì nếu Sở yêu cầu tất cả học sinh đều phải đeo khẩu trang để phòng dịch Covid-19 thì các con bắt buộc phải đeo thôi. Còn hỏi phụ huynh có đồng ý hay không thì tôi không đồng ý vì nó không phù hợp. Lứa tuổi tiểu học sẽ hiếm có bé nào đủ ý thức để chịu khó mang khẩu trang thời gian lâu như thế. Có khi còn vứt lung tung tạo nên lượng rác thải lớn. Nếu là các học sinh THCS hay THPT sẽ phù hợp hơn”.
Với chị Quỳnh Lan, có con học lớp 1, Trường tiểu học Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM thì việc đeo khẩu trang sẽ không có tác dụng nhiều bằng việc giáo dục con ý thức phòng bệnh như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn, che mũi miệng khi ho hay hắt xì. “Quan trọng nhất là bé nào có dấu hiệu ho, khó thở, sốt thì không nên cho tới trường. Còn đeo khẩu trang thì cũng phải hướng dẫn các con đeo đúng cách, tháo đúng cách. Nhưng tôi tin học sinh tiểu học sẽ không thực hiện được”, chị Lan chia sẻ thêm.
“Với học sinh tiểu học, khẩu trang sẽ không có tác dụng nhiều”
Bác sĩ Trần Thị Hồng Diễm (Bệnh viện Q.Thủ Đức, TP.HCM) nhận định: “Với học sinh trung học, các em lớn rồi, hiểu được vai trò của khẩu trang và có ý thức sử dụng đúng cách. Còn với học sinh tiểu học, khẩu trang sẽ không có tác dụng nhiều. Chúng ta đều biết khẩu trang chỉ hạn chế được phần nào nếu như có nguồn lây nhiễm chứ không phòng chống được tuyệt đối. Tuy nhiên, nếu có nguồn lây nhiễm thì với trẻ em còn hiếu động, không biết sử dụng khẩu trang cũng không phòng chống được. Thậm chí còn nguy hiểm hơn vì thấy khó chịu, các trẻ tháo ra tháo vào, tay chạm lung tung vào các đồ vật rồi lại chạm lên khẩu trang. Chưa kể trẻ thường xuyên giụi mắt, mũi, cắn tay…”.
Theo bác sĩ Diễm, trong thời gian trẻ đi học trở lại, cha mẹ và giáo viên cần tiếp tục giáo dục con ý thức phòng chống dịch, cho con biết về những con đường lây nhiễm. Đầu giờ học, giờ ra chơi, giáo viên nên tuyên truyền và nhắc nhở các trẻ rửa tay, không đưa tay lên mặt…
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tế tư nhân TP.HCM, cũng cho rằng với lứa tuổi tiểu học, khẩu trang sẽ không có tác dụng nếu học sinh đeo không đúng cách, thường xuyên sờ tay vào khẩu trang, tháo ra đeo vô nhiều lần… “Quan trọng nhất vẫn là hướng dẫn các bé có ý thức phòng chống dịch Covid-19 bằng nhiều phương pháp chứ không chỉ là đeo khẩu trang”, bác sĩ Tùng lưu ý.
Theo Thanh niên
Nhà trường cần làm gì khi phát hiện học sinh sốt, ho, khó thở?
Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho rằng, thông tin dịch tễ là rất quan trọng để quyết định ứng xử thế nào nếu phát hiện học sinh sốt, ho, khó thở.
Trước khi học sinh có thể quay lại trường học sau thời gian nghỉ phòng chống dịch Covid-19, TS Nguyễn Thị Kiều Anh, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội khuyến cáo tình huống có thể xảy ra là việc phát hiện học sinh có biểu hiện sốt, ho khi cha mẹ đưa đến trường.
Theo bà Kiều Anh, bình thường, các phụ huynh sẽ theo dõi sức khỏe và đo nhiệt độ thường xuyên cho các con, nếu phát hiện trẻ có vấn đề thì sẽ cho nghỉ học. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nhiệt độ của học sinh tăng lên trên đường đến lớp học mà bố mẹ không hề biết.
Vị tiến sĩ đưa ra giả thuyết: "Có học sinh Nguyễn Văn A (lớp 4, trường Tiểu học B, quận C, TP Hà Nội) được mẹ đưa đến cổng trường rồi sau đấy mẹ đi về luôn. Tuy nhiên, trong lúc các cô đo nhiệt độ thì phát hiện A có biểu hiện sốt 37,5 độ C. Vậy trong trường hợp này nhà trường cần xử lý như thế nào?"
TS Nguyễn Thị Kiều Anh, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đưa ra tình huống về theo dõi sức khỏe học sinh sau khi đi học trở lại.
Nếu trường hợp trên xảy ra thì nhà trường phải thực hiện theo 4 bước sau:
Bước 1: Tại vị trí đo nhiệt độ có khẩu trang hoặc gần đấy có khẩu trang thì phải lấy khẩu trang đeo ngay cho học sinh và giáo viên.
Bước 2: Đưa học sinh vào phòng y tế và nhắc những ai đang ở đó đều phải đeo khẩu trang để kiểm tra cho trẻ.
Bước 3: Các giáo viên phải hỏi thông tin từ phụ huynh xem cha mẹ có đi từ Trung Quốc, Hàn Quốc hay Vĩnh Phúc hoặc có tiếp xúc với người mắc, người nghi nhiễm bệnh không. Giáo viên cần gọi ngay cho trạm y tế địa phương để được hỗ trợ, nếu cần thiết sẽ đưa trẻ đến bệnh viện.
Bước 4: Nếu học sinh chỉ sốt bình thường và gia đình không đi đâu trong thời gian dịch bệnh, không tiếp xúc với ai thì nhà trường gọi điện cho cha mẹ đưa con về, nhắc cha mẹ đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và điều trị. Cho học sinh nghỉ học nhưng phải giữ liên lạc với cha mẹ học sinh để nắm thông tin sức khỏe của học sinh. Thông tin cho cán bộ y tế khi phát hiện có trường hợp nghi ngờ.
Bà Kiều Anh lưu ý, với tất cả các học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc có dấu hiệu bất thường về sức khỏe đều phải thực hiện như các bước trong tình huống trên. Thông tin dịch tễ là rất quan trọng để quyết định ứng xử trong tình huống xảy ra.
Theo VTC
Đốt bồ kết, xông tinh dầu mong "diệt sạch" virus corona: Chuyên gia có lời giải đáp chính xác nhất Liệu việc sử dụng tinh dầu hoặc xông hơi bằng những nguyên liệu thiên nhiên có đem lại tác dụng vi diệu trong việc phòng chống hay chữa trị virus corona hay không? Mỗi ngày trôi qua, số lượng trường hợp nhiễm virus corona (2019-nCoV) vẫn tiếp tục tăng đáng kể. Tính đến sáng ngày 4/2, tại Trung Quốc đã có 425 người...