Khẩu trang bất lương!
“1 triệu/4 hộp khẩu trang cháu ạ. Chúng nó bán đắt gấp 6, 7 lần bình thường mà cô vẫn phải mua, bọn bất lương quá!” – cô An than thở với tôi trong tình trạng sợ hãi vì con quỷ mang tên virus corona tấn công.
“Chém đẹp” giá khẩu trang
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Câu thành ngữ của ông cha ta nhằm răn dạy con người sống phải biết yêu thương, hỗ trợ, giúp đỡ nhau đặc biệt là mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Vậy mà giờ đây, không ít người của thời @ chỉ chăm chăm tìm cách trục lợi, tận thu mỗi khi người xung quanh gặp khó khăn, hoạn nạn…
Tôi cứ nhớ mãi cái năm 2008 khi thủ đô Hà Nội lụt lội, xe chết máy hàng loạt. Nhẽ thấy người gặp hoạn nạn thì cùng xúm vào giúp đỡ, đằng này mấy bác sửa xe chém đẹp các bà các cô: 20.000/1 lần thổi bugi trong khi giá thị trường lúc đó chỉ khoảng 2.500/1 lần thao tác tương tự. Ngày Tết đi lại xe đò cũng tăng giá 200%, thậm chí 300% giá vé thường ngày mà chất lượng dịch vụ có lẽ không bằng.
Và bây giờ là khẩu trang y tế! Ém hàng, tăng giá… nhằm trục lợi từ ngay chính đồng bào mình khi đang trong hoạn nạn. Thật sự là không bàn phím nào tả xiết cái sự khốn nạn của những con người như thế” – Tôi đang đọc dòng trạng thái của một người bạn trên Facebook.
Chưa kịp định thần, vọng dưới cầu thang lên là tiếng của cô An hàng xóm: “Giời ơi, mua khẩu trang mà như đi đánh trận cháu ạ, 1 triệu/4 hộp – đắt gấp 6, 7 lần bình thường mà cô vẫn phải ngậm đắng nuốt cay”. Và có lẽ khi nỗi ám ảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (nCoV) chưa dứt thì vẫn còn hàng trăm, hàng nghìn người dân đang đi mua khẩu trang với cái giá ngậm bồ hòn làm ngọt.
Người dân tìm mua khẩu trang y tế tại một cửa hàng thiết bị y tế trên phố Ngọc Khánh, Hà Nội.
Đấy được gọi là bất lương!
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Hoàng Ánh Dương cho biết, Tổng cục Quản lý thị trường vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố cùng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường nhanh chóng phát hiện, xử lý các hành vi lợi dụng dịch bệnh viêm phổi do virus Corona để thu lợi trái phép. Tổng cục Quản lý thị trường cũng giao Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường là đầu mối theo dõi, phối hợp kiểm tra, thường xuyên tổng hợp báo cáo khi được yêu cầu và sau khi công tác chống dịch kết thúc.
Thực tế lại cho thấy, mặc dù điều 196 Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định “người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Tuy nhiên theo quy định tại Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá thì mặt hàng khẩu trang y tế không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá, điều này gây khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, ngăn chặn tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán mặt hàng khẩu trang.
Ngoài “chống dịch như chống giặc” theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây, cơ quan chức năng cần ngay lập tức có các chế tài nghiêm trị những gian thương bán khẩu trang giá cắt cổ cho người dân. Bởi dù theo nghĩa nào đi chăng nữa, đấy được gọi là bất lương!
Cả thế giới đang sục sôi ngăn chặn virus corona với “tâm dịch” tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc). Đồng thời Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) đối với sự lây lan của virus corona bên ngoài Trung Quốc, mô tả đây là “sự bùng phát chưa từng có tiền lệ”.
Thế nhưng trước những thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận về virus Corona, người dân cần tỉnh táo chọn lựa các nguồn tin chính thống nhằm trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để phòng, chống dịch. Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Bộ Y tế cho hay, bắt đầu từ 0h ngày 1/2, miễn phí khi người dân gọi tới đường dây nóng cung cấp thông tin và phòng dịch do virus corona gây ra với số máy: 19003228. Đây là đường dây nóng hoạt động 24/7 để tiếp nhận mọi thông tin liên quan đến công tác phòng chống dịch.
Cùng với đó, cuộc đua sản xuất vắc xin chống chủng virus Corona mới đã bắt đầu chỉ vài giờ sau khi xác định được chủng virus.
Theo Viet Q
Tăng giá khẩu trang: Xin đừng kinh doanh kiểu 'Thạch Sùng' trên đại dịch
Khắp các trang mạng xã hội, người trẻ bức xúc về vấn nạn tăng giá khẩu trang. Nhiều bạn trẻ kêu gọi hơn lúc nào hết chúng ta cần chung tay phòng chống dịch chứ không phải lợi dụng cơ hội tăng giá, trục lợi.
Người trẻ bức xúc khi mua khẩu trang với giá cao ngất ngưởng Ảnh HOA NỮ
Tăng giá khẩu trang lúc này là hành động không nhân đạo
Là một người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, anh Cao Trung Hiếu (sáng lập và điều hành Dân Trí Soft) bức xúc về việc tăng giá khẩu trang lên cao ngất ngưởng, bày tỏ quan điểm: "Đó là kiểu kinh doanh Thạch Sùng như truyện cổ tích của Việt Nam. Còn theo kinh tế học thì đó là cách kinh doanh của sự hoang dại, người làm kinh doanh chỉ biết đến đồng tiền và lợi nhuận. Ai đó bảo do quy luật cung cầu mà ra, ừ thì đúng là vậy vì chẳng ai đưa dao hay súng ép bạn phải mua, nhưng nói thẳng "nơi nào có tình yêu thương nơi đó có hạnh phúc". Thấy buồn cho văn hóa kinh doanh của một bộ phận người kinh doanh Việt Nam".
TP.HCM không thiếu tiền, không thiếu khẩu trang để chống virus corona
Tỏ ra rất khó chịu trước vấn nạn này, TS-BS Phạm Lê Duy (bác sĩ tại phòng khám dị ứng và miễn dịch lâm sàng, giảng viên bộ môn sinh lý - sinh lý bệnh - miễn dịch của Trường ĐH Y Dược TP.HCM) cho rằng trong khi đại đa số chúng ta đang cố gắng tuyên truyền các thông tin có ích trong việc phòng chống sự lây lan của dịch bệnh viêm phổi do virus Corona, một số người đang nhìn nhận "thảm hoạ" CoV trước mắt như một cơ hội để có thể tìm được một lợi ích nào đó cho bản thân mình. Có người tranh thủ liên tục viết hoặc share những bài hướng dẫn cách phòng bệnh, cách tự điều trị, cách đeo khẩu trang... để tranh thủ "nổi tiếng". Điều đáng quan ngại là các chia sẻ này không dựa vào các bằng chứng khoa học rõ ràng, có các thông tin sai lệch, sẽ gây ra những hậu quả bất lợi cho việc phòng chống dịch bệnh lây lan.
Bạn trẻ hài hước bày tỏ quan điểm trước việc tăng giá khẩu trang
Cũng theo bác sĩ Duy điều đáng sợ hơn, nhiều người lợi dụng sự gia tăng đột biến về nhu cầu mua và sử dụng các trang thiết bị bảo vệ sức khỏe như khẩu trang, nước rửa tay nhanh, nước súc miệng diệt khuẩn... của người dân để thu gom nguồn hàng, rồi bán ra với mức giá bất hợp lý, thu lại lợi nhuận tăng gấp 4-5 thậm chí 10 lần so với những ngày trước.
"Mặc dù khi cung không đủ cầu thì sẽ đẩy giá cả tăng lên, nhưng khi người bán đẩy giá sản phẩm lên thêm nữa để lấy lời cao hơn là hành động thiếu tính nhân đạo, không văn minh...", bác sĩ Duy bức xúc.
Và gửi gắm: "Trong thời điểm này, tất cả chúng ta phải hỗ trợ lẫn nhau, giúp người khác chính là giúp mình, vì chỉ cần thêm một người mắc bệnh, là sẽ lây lan thêm cho nhiều người khác nữa, mà trong số đó có thể có chính chúng ta. Hiện tại, ý nghĩa của 'miễn dịch cộng đồng' lại rõ ràng hơn bao giờ hết. Càng nhiều người được bảo hộ, thì sẽ làm tăng khả năng bảo vệ những đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao, không có điều kiện và khả năng tự bảo vệ mình. Cho nên, rất mong mọi người sẽ thực hiện một phương châm giúp người là giúp mình, giúp mình là giúp người".
Lối tư duy nguy hiểm của một số người kinh doanh
Chàng họa sĩ trẻ Phạm Hồng Minh, cựu sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, kêu gọi: "Ôi nghĩ trong lúc này cộng đồng chúng ta cần chia sẻ và hỗ trợ nhau nhiều hơn là kinh doanh vì tý lợi ích cá nhân. Đại dịch corona thật sự đang rất nghiêm trọng và đáng báo động. Nhà nhà người người muốn tìm mọi cách để bảo vệ cho mình và gia đình. Và thật sự buồn vì có nhiều cửa hàng kinh doanh tăng giá khẩu trang lên cao gấp 3 đến 4 lần giá ngày thường. Nhưng nếu bạn đọc những điều này, tôi chỉ mong trong giai đoạn này hãy chia sẻ nhiều hơn là vì lợi ích cá nhân, để cùng nhau vượt qua lúc khó khăn. Để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Và nếu các bạn đọc được những dòng này hãy dừng lại việc kinh doanh khẩu trang, đừng dự trữ quá nhiều khẩu trang riêng cho mình, hãy thông minh và sáng suốt để cùng nhau chống lại đại dịch này".
Họa sĩ Phạm Hồng Minh cũng bức xúc bày tỏ trên trang cá nhân
Trên trang cá nhân của mình, chàng trai Mạc Văn Trung (cựu sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM) đăng những dòng trạng thái: "Bán khẩu trang y tế bình ổn giá thị trường. Tui rất ghét kinh doanh trên sự khốn khổ của người khác. Sáng mai tui bán đúng giá gốc 10.000 đồng/túi 15 cái khẩu trang 3 lớp tại 2 điểm để hỗ trợ bà con là 22 Hoàng Diệu 2 và số 13 đường 7 (Linh Chiểu, Thủ Đức, TP.HCM)".
Trao đổi với người viết, Trung bày tỏ: "Mình làm như vậy một phần là để những người bán giá cao suy nghĩ lại, 2 là để cùng một số anh chị em kinh doanh tử tế đồng hành với người dân trong những ngày nhiều nỗi lo lắng về đại dịch này".
Theo Trung việc cố gắng đẩy cao giá để kiếm lời này dựa vào sự sợ hãi của phần đông mọi người về dịch bệnh corona. Điều này không thiếu ở xã hội hiện tại thể hiện lối suy nghĩ "Ăn xổi ở thì" của một bộ phận người kinh doanh...
"Lối tư duy này rất nguy hiểm với một người kinh doanh nhất là thời đại công nghệ thông tin hiện tại. Việc kinh doanh kiểu tăng giá vô tội vạ sẽ là con dao 2 lưỡi có thể giúp họ kiếm một khoản lời trong thời gian ngắn nhưng cũng có thể bị cả xã hội tẩy chay, lên án và khả năng cũng sẽ bị cơ quan chức năng xử lý nếu đủ cơ sở. Mình cũng kinh doanh nên mình thấy việc tăng giá khẩu trang là không tử tế và sẽ gây hại cho cả người bán và người mua", Trung chia sẻ.
Theo thanhnien.vn
TP.HCM lập các đội phản ứng nhanh đối phó dịch Coronavirus Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đã có chỉ đạo khẩn đối với các cơ sở y tế của thành phố trong việc phòng chống dịch do virus Corona. Theo Giám đốc Sở Y tế TP, hiện TP.HCM chưa có người Việt Nam nhiễm virus Corona ngoài 2 ca người Trung Quốc điều trị cách ly tại Bệnh viện Chợ...