Khau Tinh – Bán đảo du lịch
Ai lên du lịch huyện vùng cao Na Hang đều muốn chụp ảnh ngọn núi Pác Tạ sừng sững. Núi Pác Tạ không những đẹp giữa khung cảnh nhà máy và hồ thủy điện Tuyên Quang mà còn là biểu tượng của phong cảnh, văn hóa, du lịch của huyện Na Hang nói riêng và toàn vùng khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang -Lâm Bình nói chung.
Ngọn núi độc đáo nằm chắn thủ ở đoạn ngã ba sông nơi tọa lạc của ngôi đền Pác Tạ linh thiêng.
Hiện nay, du khách hay đứng ở Bến thủy hay điểm cây cô đơn để “check in” núi Pác Tạ và Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang. Có lẽ đây là những “góc thần thánh” càng làm tôn vóc dáng kỳ bí của Pác Tạ. Ngọn núi nổi tiếng là vậy, song rất nhiều người nhầm tưởng ngọn Pác Tạ thuộc đất thị trấn Na Hang. Vì đứng ở thị trấn Na Hang đâu đâu cũng nhìn thấy ngọn Pác Tạ như núm vú của trời.
Đứng ở thị trấn Na Hang nhìn thấy rõ ngọn Pác Tạ của xã Khau Tinh.
Núi Pác Tạ thuộc xã Khau Tinh. Trước kia tôi từng lên huyện Na Hang công tác, nhiều lần “mường tượng” Khau Tinh là một xã rất xa trung tâm, đi lại khó khăn, vất vả. Quả đúng vậy, con đường ngoằn ngoèo từ thị trấn Na Hang đi qua xã Sơn Phú, Đà Vị, Yên Hoa đến trung tâm Khau Tinh dài 63 km, trong đó có nhiều đoạn dốc đứng, trơn trượt khó đi, đặc biệt vào mùa mưa. Mấy năm gần đây đường lên Khau Tinh được trải bê tông, ô tô các loại có thể lên xã dễ dàng. Tuy nhiên, cung đường ngoằn ngoèo, đi rất mất thời gian. Câu chuyện “gần nhà xa ngõ” đối với Khau Tinh quả thật đúng. Rất may kể từ khi công trình thủy điện Tuyên Quang được hoàn thành, giao thông đường thủy đi từ thị trấn Na Hang đi Bản Lãm, xã Khau Tinh mất khoảng 1 giờ 20 phút thuyền máy chạy. Song đi đường thủy chỉ thuận cho người đi bộ, xe đạp, xe máy, còn ô tô vẫn phải đi đường bộ.
Báu vật của rừng nguyên sinh xã Khau Tinh là quần thể cây nghiến nghìn năm tuổi.
Nhìn trên bản đồ, xã Khau Tinh như một bán đảo vây quanh là nước. Phía bên trái là dòng sông Gâm chảy theo lòng hồ từ Hà Giang xuống. Phía bên phải là dòng sông Năng chảy từ Bắc Kạn sang hợp lưu ở chân núi Pác Tạ. Ở bán đảo phía Bắc của xã chỉ còn giáp một phần đất của xã Côn Lôn và Yên Hoa. So với các xã trong vùng, xã Khau Tinh có nhiều núi, diện tích tự nhiện rộng 8.373 ha. Dân cư của địa phương sinh sống từ độ cao 400 đến 800 mét so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm, phù hợp với rau trái vụ và các loại cây ưa lạnh. Chính vì vậy mà Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ (Khau Tinh) – Bản Bung (Thanh Tương) trải dài qua nhiều xã được ra đời. Sau này được nâng cấp lên thành Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang – Lâm Bình – danh thắng Quốc gia đặc biệt. Báu vật rừng nguyên sinh của Khau Tinh là quần thể những cây nghiến nghìn năm tuổi, hệ động thực vật đa dạng. Sản phẩm từ rừng mang lại gồm mật ong rừng, măng, tai chua, nấm, mọc nhĩ, giảo cổ lam, sâm cau, thiên nhiên kiện, nguồn thảo dược phong phú với những bài thuốc nam, thuốc tắm quý…
Video đang HOT
Công đoàn cơ sở xã Khau Tinh vừa giành giải A Hội thi Ẩm thực huyện Na Hang năm 2022 với các món ăn mang bản sắc địa phương.
Ngoài phong cảnh đẹp mây bồng bềnh, có các ngọn núi cao hùng vĩ thì Khau Tinh có 3 dân tộc chính Mông 50%, Tày 34%. Dao 15%, các dân tộc khác 1%. Xã có 374 hộ với 1.743 nhân khẩu sống ở 4 thôn Tát Kẻ, Khau Tinh, Nà Lũng, Khau Phiêng. Giữ rừng, giữ gìn bản sắc được người Khau Tinh làm khá tốt ở kiến trúc nhà, phong tục, tập quán, trang phục, tiếng nói, ẩm thực, nhạc cụ. Từ khi Huyện ủy Na Hang điều động đồng chí Lê Hữu Thể làm Bí thư Đảng ủy xã Khau Tinh thì đường hướng phát triển du lịch đang dần rõ nét. Việc đầu tiên xã cho quy hoạch diện tích đất trồng rau xứ lạnh, trồng thử nghiệm cây dược liệu. Theo ý kiến của nhiều khách du lịch, nếu huyện Na Hang mở được con đường từ khu dân cư đội 5 thôn Tát Kẻ (Khau Tinh) qua hồ nước đoạn hẹp (xây cầu cứng) đến Quốc lộ 279 thuộc tổ nhân dân Nà Mỏ (thị trấn Na Hang) khoảng 5 km thì con đường từ thị trấn Na Hang đi trung tâm xã Khau Tinh lúc này rút ngắn còn khoảng 30 km. Từ tuyến đường này, du khách có thể ngắm cảnh lòng hồ trên cầu cứng, theo tuyến chinh phục đỉnh Pác Tạ hoặc đi dưới tán rừng nguyên sinh, qua các bản làng đến xã.
Tiềm năng du lịch của xã Khau Tinh là rất lớn. Việc “đánh thức” được Khau Tinh – một “bán đảo du lịch” đòi hỏi sự quyết tâm cao, cách làm sáng tạo, khoa học của cấp ủy, chính quyền và nhân dân từ huyện xuống xã.
Tuyên Quang: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ rừng
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Tuyên Quang có nguồn tài nguyên rừng qúy giá với nhiều hệ động thực vật phong phú, rất thuận lợi cho việc khai thác và phát triển du lịch.
Nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và phát triển bền vững, nhiệm vụ quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng được tỉnh Tuyên Quang chú trọng.
Phát triển những khu du lịch trọng điểm của tỉnh
Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình, điểm du lịch sinh thái trọng điểm của tỉnh có diện tích trên 21.000ha, với sự đa dạng về cảnh sắc thiên nhiên, phong phú về động, thực vật, trong đó có 8.000ha diện tích mặt nước.
Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình. Ảnh: Hoàng Hưng
Nơi đây được ví như "nàng tiên xanh giữa rừng đại ngàn" bởi cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, có độ đa dạng sinh học cao. Nơi đây có lợi thế rất lớn trong việc phát triển loại hình du lịch sinh thái.
Hiện nay, đây đang là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế đến khám phá rừng nguyên sinh kết hợp tham quan vùng lòng hồ thủy điện với những khung cảnh thơ mộng và huyền bí với những danh lam thắng cảnh như núi Pắc Tạ, danh thắng 99 ngọn núi Thượng Lâm huyền thoại, hòn Cọc Vài phạ, Núi Đổ...
Đặc biệt ẩn chứa trong những cánh rừng nguyên sinh là hệ thống các thác nước, hang động nguyên sơ, kỳ vĩ chứa đựng những sự tích, huyền thoại gắn với sinh hoạt đời sống lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, khiến nơi đây trở thành điểm đến ưa thích của du khách.
Ruộng bậc thang tại Hồng Thái, Na Hang. Ảnh: Hoàng Hưng
Những năm gần đây, chính quyền địa phương và người dân đã đồng hành khai thác tiềm năng của địa phương để phát triển du lịch sinh thái. Với các tour tuyến du lịch, trải nghiệm rừng nguyên sinh, du lịch lòng hồ, khám phá hang động, thác nước...
Điển hình như huyện Na Hang đang thí điểm mô hình du lịch trải nghiệm đưa du khách đi thăm những cây nghiến, rừng nghiến cổ thụ, tour khám phá vẻ đẹp của khu rừng già nguyên sinh Đồng Man - Lũng Tẩu, thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ, được ngắm nhìn rừng hoa phách tím nở...
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, tận dụng nguồn tài nguyên rừng để phục vụ du lịch cần đặt lợi ích bảo tồn lên trên lợi ích kinh tế. Phát triển du lịch phải đi đôi với bảo vệ cảnh quan, môi trường và phát triển rừng. Các địa phương tại Tuyên Quang cần có một chiến lược phát triển du lịch phù hợp, có sự quản lý theo hệ thống để khai thác tốt, bền vững và hài hòa giữa mục tiêu phát triển du lịch với mục tiêu bảo tồn thiên nhiên.
Nhiều giải pháp bảo vệ rừng
Tuyên Quang có 448.680ha rừng và đất lâm nghiệp (gồm đất rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất). Tổng diện tích rừng hiện có là hơn 422.400 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 281.700 ha; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt hơn 65%, đứng thứ ba cả nước, theo báo Tuyên Quang.
Với hệ sinh thái rừng đa dạng và phong phú, có trên 2.000 loài động, thực vật, trong đó có nhiều loại được ghi trong sách đỏ Việt Nam như trai, nghiến, bách xanh đá, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn, trầm gió, thông Pà Cò... đặc biệt nơi đây vẫn còn giữ được những cá thể nghiến nghìn năm tuổi với đường kính rộng từ 4 - 5m.
Nhiều loài động vật ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Thế giới như voọc mũi hếch, voọc đen má trắng, khỉ lông vàng, khỉ mặt đỏ, cu li lớn, cu li nhỏ, tắc kè, rắn hổ mang...
Đặc biệt, mỗi cánh rừng nguyên sinh ở các huyện Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên, Sơn Dương... đều có những đặc trưng riêng mang đến tiềm năng du lịch sinh thái độc đáo.
Thác Nặm Me (Tuyên Quang) có vẻ đẹp ấn tượng với 15 tầng thác, xen giữa các tầng thác lớn là những tầng thác nhỏ, tạo nên "dải lụa trắng mềm mại" nổi bật giữa xanh thẳm núi rừng.
Huyện Sơn Dương có 3.100 ha rừng đặc dụng được bảo vệ nghiêm ngặt. Mặc dù địa bàn rộng nhưng nhờ làm tốt công tác tuần tra bảo vệ, kết hợp với đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ gia đình về ý nghĩa, tầm quan trọng trong công tác bảo vệ rừng đặc dụng gắn với các địa danh lịch sử, từ đó các hộ đã tự nguyện ký cam kết bảo vệ rừng.
Huyện Lâm Bình thực hiện nhiều giải pháp quản lý bảo vệ rừng, trong đó có giải pháp dựa vào dân để giữ rừng. Tỷ lệ che phủ rừng của huyện khá lớn, lên đến gần 78%.
Xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ rừng, bằng cách đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về rừng cho chính quyền các xã, thị trấn và người dân là cách huyện Na Hang thực hiện. Đến nay, toàn bộ các xã, thị trấn của huyện đã thành lập ban chỉ đạo quản lý, bảo vệ rừng với 281 thành viên.
Cùng với khu rừng đặc dụng của huyện Na Hang, Tuyên Quang còn có những cánh rừng đặc dụng Tân Trào (huyện Sơn Dương), rừng đặc dụng Cham Chu (huyện Hàm Yên).
Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về rừng thì các ngành, địa phương phổ biến đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách mới của nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp, người dân được hưởng lợi, từ đó nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ rừng.
Khám phá vẻ đẹp đảo Pù Hoanh Đảo Pù Hoanh là một đảo nhỏ nằm trong vùng lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình thuộc địa bàn xã Năng Khả (Na Hang). Đây là một trong những điểm du lịch hấp dẫn có phong cảnh sơn thủy hữu tình, núi rừng thơ mộng. Đến đảo Pù Hoanh du khách sẽ được trải nghiệm ngủ đêm ở các lều...