Khẩu khí tranh luận khác biệt của Trump dưới phân tích khoa học
Donald Trump có phong cách dùng ngôn ngữ tranh luận đặc biệt: đơn giản, né tránh chi tiết nhưng lại đầy hung hăng.
Ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump phát biểu tranh luận trực tiếp với đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton tối 26/9. Ảnh: AP
Đêm tranh luận trực tiếp 26/9 giữa ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump và đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton tràn đầy lời lăng mạ và những tuyên bố không có mục đích từ nhà tài phiệt New York, theoBusiness Insider. Đặc biệt, ông Trump còn tranh luận với thái độ thiếu điềm tĩnh. Thay vì tập trung bàn về chính sách, ông cắt lời bà Clinton 51 lần, theo thống kê của Vox, đồng thời chê bai cựu ngoại trưởng Mỹ về “phong thái” và “khả năng chịu đựng áp lực”.
Khẩu khí của ông Trump trong cuộc tranh luận này không hề bất thường, theo Brad Hayes, nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), người đã lập trình một chương trình có khả năng giúp tài khoản Twitter với tên gọi DeepDrumpf tự động đăng những dòng bình luận bắt chước phong cách Donald Trump. Đây là một chương trình trí thông minh nhân tạo, hoạt động dựa trên ngôn ngữ mà tỷ phú Trump sử dụng trong hàng trăm giờ tranh luận suốt quá trình vận động tranh cử trước đó.
Hayes cho biết vài tháng qua, ông rút ra rất nhiều điều về cách mà Trump nói chuyện. Theo Hayes, khẩu khí của Trump khác xa với các ứng viên tổng thống Mỹ trước đây.
Nói chuyện như học sinh lớp 4
Đầu tiên, ông Trump sử dụng ngôn ngữ đơn giản. Hayes cho hay nhà tài phiệt New York thường dùng những câu ngắn mang tính chất mệnh lệnh. Theo một nghiên cứu ngôn ngữ học công bố gần đây, ông Trump nói chuyện như một học sinh lớp 4. Đó là một phần nguyên nhân vì sao, Hayes 6 tháng trước quyết định xây dựng chương trình tự động bắt chước Trump trên Twitter thay vì các ứng viên khác. Khi nói chuyện, ông thường chọn từ ít âm tiết do đó rất dễ bắt chước.
“Cách mà ông ấy nói…tự thân nó đã giúp ích đáng kể cho kiểu bắt chước dựa trên thống kê này bởi chúng không có nhiều tính liền mạch giữa các câu để giữ ý tứ xuyên suốt”, Hayes nhận xét. Bên cạnh đó, tỷ phú Mỹ còn thường xuyên “đá” câu trả lời sang cho đồng nghiệp, bạn bè hay cố vấn thân tín.
Mặt khác, theo Hayes, ông Trump còn có xu hướng trả lời thiếu chi tiết và bằng ngôn ngữ đơn giản.
“Cách phản đáp tranh luận của Trump không mấy chú trọng tới chi tiết liên quan đến việc ông sẽ thực hiện các mục tiêu đặt ra như thế nào. Ông ấy chủ yếu chỉ tái khẳng định, nhấn mạnh vào mục tiêu. Ông ấy thường lấp liếm bằng những câu chuyện lặt vặt khi bị truy hỏi về các chi tiết như vậy, chẳng hạn như lôi đồng nghiệp hay đối tác vào”, Hayes nói.
Video đang HOT
Ví dụ, trong cuộc tranh luận trực tiếp với bà Clinton tối 26/9, người dẫn dắt chương trình Lester Holt hỏi ông về lập trường trước cuộc chiến Iraq. Trump lại trả lời rằng “hãy gọi cho Sean Hannity” để xác minh ông không ủng hộ cuộc chiến Iraq. Hannity là bình luận viên từ đài truyền hình Fox News, người từng nhiều lần phỏng vấn nhà tài phiệt New York.
Một đặc điểm khác trong cách tranh luận của Trump là ông luôn lăng mạ đối thủ. Theo một phân tích từ New York Times, ngôn ngữ ông Trump sử dụng phần lớn thường cay độc và hung hăng hơn nhiều lần nếu so với 5 đời tổng thống Mỹ gần đây nhất. Hồi tháng 12/2015, chỉ trong một tuần, Trump dùng từ “ngu ngốc” để thóa mạ các đối thủ ít nhất 30 lần.
“Trump hoàn toàn không ngần ngại lăng mạ những người mà ông ấy không đồng tình”, Hayes nói.
Hayes tiết lộ ông thường xuyên phải gạn lọc những dòng tweet tự động của DeepDrumpf vì nó rất hay đưa ra những thông điệp đe dọa.
Ngoài ra, Trump cũng thường nhắc đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và thể hiện thái độ giận dữ trong các phát biểu. Đây là một thói quen mà DeepDrumpf cũng nhận ra và nhái lại được.
“Vì không muốn chương trình tự động đe dọa bất kỳ ai, bản thân tôi phải giữ vai trò như một bộ lọc giữa nó với thế giới bên ngoài, ít nhất cho đến khi tôi có thể xây dựng một cơ chế hoạt động tốt hơn để bảo đảm những gì nó đưa ra là chấp nhận được”, Hayes nói.
Hồng Vân
Theo VNE
Lời lẽ thẳng thừng giúp Trump giành điểm sau cuộc đấu với Clinton
Phong cách tranh luận giống như chương trình truyền hình thực tế đã giúp ông Trump giành được cảm tình của nhiều người Mỹ.
Ông Trump và bà Clinton trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên. Ảnh: Ringer
Sau cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trong cuộc chạy đua bầu cử Tổng thống Mỹ, các quan sát viên đều nhất trí rằng bà Clinton đã tỏ ra điềm tĩnh, kỷ luật hơn, viện dẫn các số liệu, dữ liệu thực tế tốt hơn, có tầm nhìn về chính sách sáng sủa hơn, nhưng thứ mà bà không thể đọ được với ông Trump chính là cách ăn nói thẳng thừng, bất cần và nền tảng xuất thân của mình, theo Fox News.
Một loạt khảo sát trực tuyến do CNBC, Time, Beitbart, Fox News, Drudge Report thực hiện cho thấy sự "đảo chiều", khi đông đảo người được hỏi cho rằng ông Trump đã giành được lợi thế trong cuộc tranh luận.
Theo các chuyên gia, các cuộc khảo sát trực tuyến này không phải là những số liệu khoa học đáng tin cậy, bởi một người có thể tham gia khảo sát nhiều lần. Tuy nhiên, đây là những công cụ rất hiệu quả để thăm dò mức độ quan tâm, nhiệt tình của cử tri với ứng viên, bởi vậy các nhà phân tích đánh giá rằng ông Trump đã thể hiện đủ tốt trong cuộc tranh luận để có thể kích thích cử tri tham gia khảo sát và ủng hộ ông.
Chuyên gia Stuart Tarlow đến từ tổ chức tư vấn American Thinker cho rằng khoảnh khắc đẹp nhất của ông Trump trong cuộc tranh luận là lúc ông phân biệt mình với bà Clinton dựa trên hoàn cảnh xuất thân. Ông mô tả đối thủ của mình là một "chính trị gia điển hình", người biết làm thế nào để đưa ra những tuyên bố, những lời hứa hẹn nghe lọt tai nhất, nhưng lại không bao giờ biến những lời hứa thành hiện thực.
Hầu hết các chuyên gia đều nhất trí rằng kỹ năng tranh luận, tài ăn nói không phải là yếu tố quyết định thắng thua trong các sự kiện như thế này. Sứ mệnh của bà Clinton trong cuộc tranh luận là phải tỏ ra hiểu biết về thực tế, còn mục tiêu của ông Trump chỉ đơn giản là chứng tỏ mình có khả năng thực hiện vai trò của một người điều hành cao nhất.
Theo bình luận viên Tim Stanley của Telegraph, dù không có tài ăn nói của một chính trị gia lão luyện, ông Trump lại rất quen với vai trò "ông chủ" trong các show truyền hình thực tế mà ông đã thực hiện.
Kết quả khảo sát trực tuyến do CNBC thực hiện cho thấy 67% người được hỏi cho rằng ông Trump giành thắng lợi trong cuộc tranh luận. Ảnh: CNBC
Chuyên gia này cho rằng nền chính trị Mỹ hiện nay không phải là một sàn đấu nơi các chính trị gia tranh luận về các ý tưởng trước mặt các khán giả trung lập để họ đưa ra lựa chọn. Các cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai ứng viên ngày càng giống một show truyền hình thực tế hơn, nơi khán giả chú ý hơn tới các kịch tính, chứ không phải là những luận điểm, chứng cứ được đưa ra.
Trump từng đóng vai trò ông chủ trong chương trình truyền hình thực tế The Apprentice (Người tập sự), và đây là vai trò mà tỷ phú này sinh ra để đảm đương trong đời thực. Tỷ phú đã làm được điều đó tốt hơn bất cứ ứng viên nào khác trong các cuộc tranh luận giai đoạn bầu cử sơ bộ.
Nói thẳng vấn đề
Bình luận viên Ramesh Ponnuru nhận định ông Trump có cách truyền đạt thông điệp đến người xem tốt hơn bà Clinton, bởi thông điệp của ông đơn giản hơn rất nhiều. Ông tuyên bố người Mỹ cần thêm trật tự và luật pháp, trong khi bà Clinton cố diễn giải rằng họ cần phải tôn trọng cảnh sát ngay cả khi cải cách lực lượng này. Trump khẳng định các đồng minh đang lợi dụng nước Mỹ, còn bà Clinton lại nói về giá trị của các đồng minh mà không đáp trả trực tiếp luận điệu đó.
Trump nói rằng bà Clinton đã làm chính trị quá lâu, và bà thừa nhận điều đó. Ngay cả với những vấn đề mà hai người có quan điểm gần giống nhau, chẳng hạn như tăng cường luật thương mại, phản đối các hiệp định tự do thương mại, trong khi ông Trump đưa ra những tuyên bố đơn giản, thẳng thừng, bà Clinton lại gây cảm giác như đang cố chiều lòng tất cả các bên, Ponnuru nói.
Trong cuộc tranh luận, bà Clinton đã tung ra những cú đòn hiểm vào đúng thời điểm, tấn công vào hồ sơ thuế, quá khứ kinh doanh và những lời xúc phạm phụ nữ của ông. Ông Trump không có tài ứng biến, xoay xở như một chính trị gia. Ông đáp lại bằng những chiến thuật mà ông thường dùng trong các chương trình truyền hình thực tế, như ngắt lời, át lời, quấy nhiễu đối thủ, và có lúc ông phải co cụm để phòng thủ.
Rõ ràng chiến lược của bà Clinton trong cuộc tranh luận là tự để ông Trump bộc lộ hết bản thân, để ông sa đà vào những chủ đề không quan trọng và bỏ qua những vấn đề nóng. Bà đứng đó mỉm cười, như thể đang giữ thế thượng phong và không chấp nhặt những lời cáo buộc của đối thủ.
Thế nhưng cách truy vấn thẳng thừng của ông Trump cũng có lúc phát huy hiệu quả, đó là khi bà Clinton phạm sai lầm và đáp trả cáo buộc của ông về vấn đề phân biệt chủng tộc. Bà nói về tầm quan trọng của mối quan hệ tốt đẹp giữa các chủng tộc, về việc xử lý những vụ nổ súng của cảnh sát vào người da màu. Đây chỉ là vấn đề được một số ít người quan tâm, trong khi nỗi lo lắng của đa số cử tri Mỹ chính là những mối đe dọa với mạng sống và tài sản của họ trong các cuộc bạo loạn sau những vụ nổ súng đó.
Trump luôn tung ra những lời lẽ thẳng thừng, trực diện trong cuộc tranh luận. Ảnh:CNN
Bình luận viên Dan Roberts của Guardian cho rằng ông Trump chỉ giữ được sự bình tĩnh trong thời gian đầu của cuộc tranh luận. Khi bị đối thủ dồn ép, ông tỏ ra mất bình tĩnh, và liên tục sa vào những chiếc bẫy mà bà Clinton giăng ra. Khi bà Clinton nói rằng ông có hành vi trốn thuế, Trump dường như đã tự hại mình khi nói rằng "Thế mới là khôn ngoan".
Dù vậy, kết quả các cuộc khảo sát trực tuyến cho thấy rất nhiều người dân Mỹ vẫn cho rằng ông Trump đang hướng về họ, nói lên những nỗi quan tâm trực tiếp của họ bằng những lời thẳng thắn, không phải là những lời hứa hão mang tính chính trị.
Tuy nhiên, Tarlow cũng lưu ý rằng việc giành được cảm tình của dân chúng thông qua phong cách "truyền hình thực tế" trong các cuộc tranh luận như vậy khó có thể đảm bảo rằng ông Trump sẽ thắng trong cuộc bầu cử. Với việc đối đầu với bà Clinton như một đối thủ trong chương trình truyền hình thực tế hơn là một cuộc đua tranh ghế tổng thống, ông lại vô tình cho mọi người thấy rằng bà Clinton lại là người đáng tin cậy hơn để họ giao phó mã hạt nhân.
"Đã có lúc ông ấy hét lên rằng 'Tôi có khả năng kiềm chế rất tốt'. Nhưng tôi không nghĩ rằng những người hét lên trong cuộc tranh luận trực tiếp như vậy lại có khả năng kiềm chế cao, và họ khó có thể vào được trong Phòng Bầu dục", Tarlow nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Ông Trump quyên hơn 18 triệu USD sau cuộc tranh luận với bà Clinton Ứng viên tổng thống Donald Trump và Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa quyên được hơn 18 triệu USD trong chưa đầy 24 giờ sau cuộc tranh luận với đối thủ. Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Reuters Giám đốc tài chính của ông Trump, Steven Mnuchin, cho hay số tiền trên là "kết quả từ thắng lợi...