Khẩu khí đối lập của Mỹ – Trung ở diễn đàn an ninh châu Á
Trong khi Washington đưa ra những bình luận đanh thép, lên án hành vi cải tạo đảo trên Biển Đông của Trung Quốc thì Bắc Kinh chỉ lặp lại những luận điểm đã cũ để bao biện cho hành động của mình tại Đối thoại Shangri-la năm nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Ảnh: NBC News.
“Trung Quốc đang lạc bước với những quy tắc và chuẩn mực quốc tế vốn tăng cường kiến trúc an ninh của châu Á – Thái Bình Dương và sự đồng thuận trong khu vực về việc sử dụng ngoại giao, phản đối bắt nạt”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 30/5 phát biểu trước các quan chức quân sự hàng đầu khu vực châu Á tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-la tổ chức ở Singapore.
Mỹ kiên quyết, mạch lạc
Dư luận thế giới trước đó đặt ra nhiều kịch bản về điều gì sẽ xảy ra ở Shangri-la năm nay. Mối quan tâm đổ dồn vào những hành động ngang ngược của Trung Quốc khi cố tình đẩy mạnh cải tạo các bãi đá ở Biển Đông để khẳng định tuyên bố chủ quyền phi lý. Bên cạnh đó, những động thái ngày càng quyết liệt của Mỹ nhằm thách thức hành vi gây hấn của Trung Quốc gần đây cũng là vấn đề khiến nhiều học giả chú ý.
Như để chỉ rõ quan điểm của Washington, ông Carter vài ngày trước phát biểu tại Hawaii, ngụ ý rằng sẽ không có bất kỳ thay đổi nào trong hoạt động của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và Hạm đội Thái Bình Dương. Đây không phải một tối hậu thư nhưng là tuyên bố rõ ràng nhất thể hiện thái độ kiên định của Mỹ trước những hành vi gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông, Medcalf bình luận.
Quân đội Mỹ hơn hai tuần trước còn cho phép đoàn phóng viên, nhà báo từ kênh CNN tham gia chuyến bay trinh sát trên các đảo nhân tạo Trung Quốc đang bồi đắp ở Biển Đông, nơi hải quân nước này 8 lần xua máy bay Mỹ ra khỏi “khu vực quân sự” của họ.
Các chuyên gia đánh giá chiến lược rào trước đón đầu này là một bước đi khéo léo. Chúng góp phần tạo dựng cho ông Carter một vũ đài vững vàng tại Singapore để đưa ra bài phát biểu, cho phép ông làm bật lên phương pháp tiếp cận có chủ đích của Mỹ.
Không trực tiếp răn đe nhưng ông chủ Lầu Năm Góc khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục làm hết sức và điều những khí tài quân sự hiện đại nhất đến châu Á để giữ bình ổn cho khu vực. Ông cũng kêu gọi Trung Quốc dừng ngay việc cải tạo đất ở Biển Đông vì việc làm ấy chỉ gây “xói mòn an ninh”.
“Mỹ cùng đồng minh và đối tác trong khu vực sẽ không từ bỏ quyền lợi. Sau cùng, việc biến một bãi đá ngầm thành đường băng đơn giản là không thể tạo ra chủ quyền hay cho phép một quốc gia nào áp đặt những giới hạn trên không phận quốc tế và các tuyến đường biển”, ông Carter nói.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều tàu Trung Quốc đang nạo hút cát tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AFP
Video đang HOT
Ông cũng không loại trừ khả năng Mỹ sẽ điều tàu và máy bay vào trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở Biển Đông. Ông một lần nữa ra đòn trực diện khi chỉ ra rằng hành động của Trung Quốc đang khiến họ dần bị cô lập.
Tuy nhiên, để không đẩy căng thẳng lên quá cao, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ làm mềm bài phát biểu của mình bằng việc khẳng định một châu Á ổn định là khu vực mà ở đó “tất cả cùng đi lên, tất cả cùng chiến thắng” đồng thời gợi ý về những triển vọng hợp tác với Trung Quốc trong tương lai.
Các bình luận viên tại Trung tâm nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Mỹ (CSIS) đánh giá bài diễn văn của ông Carter đã thể hiện rõ nét lập trường “cương quyết mà hợp lý” của Mỹ trong vấn đề an ninh Biển Đông.
Như để làm nổi bật hơn sự “cương quyết”, nhiều quan chức Mỹ góp mặt trong hội nghị cũng phát đi những tín hiệu cứng rắn gửi tới Trung Quốc khi cho rằng Washington cuối cùng vẫn sẽ phải dùng đến biện pháp quân sự để giải quyết mọi rắc rối dù nguy cơ tính toán nhầm dẫn đến xung đột leo thang là không thể tránh khỏi, theo Wall Street Journal.
Thượng nghị sĩ John McCain, cũng tham dự Đối thoại Shangri-la, kêu gọi Mỹ phải hành động quyết đoán hơn. “Chúng ta cần biết rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện những hành vi gây bất ổn chỉ cho đến khi họ nhận ra rằng cái giá phải trả lớn hơn nhiều so với lợi ích trước mắt”, ông McCain nói sau bài diễn văn của Bộ trưởng Carter.
Ngoài Mỹ, các quốc gia khác có tiếng nói trong khu vực cũng bày tỏ thái độ phản đối. Australia tuyên bố tiếp tục điều máy bay quân sự tuần tra trên vùng tranh chấp ở Biển Đông và phát đi tín hiệu rằng Canberra sẽ cùng các nước khác hành động để kìm hãm hoạt động cải tạo của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cảnh báo các dự án cải tạo đất ở Biển Đông có nguy cơ đẩy khu vực vào tình trạng hỗn loạn, đồng thời kêu gọi các nước, trong đó có Trung Quốc, hành xử có trách nhiệm.
Trung Quốc nói cho mình nghe
Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Ảnh: CNR
Phát biểu trước những quan chức quốc phòng hàng đầu khu vực châu Á,một ngày sau bài diễn văn của Bộ trưởng Quốc phòng Carter yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc cải tạo các công trình ở Biển Đông, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), vẫn bao biện cho hành động xây đảo trái phép của nước mình.
“Tình hình Biển Đông nhìn chung vẫn ổn định”, ông Tôn nói. Trung Quốc tiến hành xây dựng trên một số đá và rạn san hô ở Biển Đông “chủ yếu nhằm cải thiện chức năng của những nơi này và điều kiện sống, làm việc của nhân viên đóng ở đó”
Ông còn lý luận rằng “ngoài việc đáp ứng các nhu cầu quốc phòng cần thiết, thì những cơ sở này thiên về mục đích thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc” như cứu hộ, cứu nạn, quan trắc khí tượng. Trung Quốc “đã kiềm chế rất nhiều” trong tranh chấp Biển Đông và “đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới”.
Theo Diplomat, giọng điệu trong bài phát biểu của ông Tôn có phần e dè và nội dung vẫn chỉ là sự lặp lại những luận điểm đã cũ của Trung Quốc. Cây bút Bonnie Glaser từ CSIS cho biết ông Tôn thậm chí còn mang theo cả “một cuốn sổ tay với nhiều đầu mục khác nhau để có thể dễ dàng mở ra và trích dẫn chính sách của Trung Quốc trước bất kỳ vấn đề nào”. Ông liên tục phải dùng đến công cụ này khi trả lời các câu hỏi từ khách mời.
Rõ ràng phó tổng tham mưu trưởng PLA đến hội nghị chỉ để đọc lại những chính sách hiện có chứ không hề đưa ra những bối cảnh hay lời giải thích nào mới cho hành động gây nhiều hoài nghi của Trung Quốc, chuyên gia phân tích Shannon Tiezzi nhận xét.
Lý giải của ông về các dự án xây đảo nhân tạo trên Biển Đông được lấy gần như nguyên văn từ các cuộc họp báo Bộ Ngoại giao trước đó cũng như những tuyên bố chính thức khác. Ông thực sự dành nhiều thời gian hơn để nhấn mạnh rằng hoạt động cải tạo của Trung Quốc sẽ không “ảnh hưởng đến tự do hàng hải” trên Biển Đông nhưng khi được yêu cầu trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề này thì lại lảng tránh và từ chối bình luận.
Theo Merriden Varrrall, chủ nhiệm Chương trình Đông Á tại Viện Chính sách Quốc tế Lowy, sự mơ hồ trong bài diễn văn cùng với cách trả lời bị động của ông Tôn là điều không bất ngờ, chính vì thế nó gây nhiều thất vọng. Thực tế này cho thấy Trung Quốc vẫn “đuối lý” và không thể tìm ra bằng chứng đủ thuyết phục để biện bạch cho hành động của mình. Bắc Kinh đã đánh mất cơ hội để tự khắc họa bản thân như một quốc gia toàn cầu tự tin và tinh tế, hành động vì lợi ích của khu vực như bấy lâu nay nước này tuyên bố trước bạn bè quốc tế.
Nhưng đây không phải là mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc khi đưa ra bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-la năm nay. Điều quyết định thành công của nó nằm ở cách mà dân chúng Trung Quốc hiểu về sự kiện. Việc ông Tôn lặp lại các nguyên tắc và nêu ví dụ về trách nhiệm toàn cầu của Bắc Kinh trái lại rất được người dân đón nhận. Điều này cho thấy Trung Quốc rõ ràng đang “nói cho chính mình nghe”, bà Varrrall nhận định.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Mỹ - Trung dự kiến đối đầu nảy lửa tại diễn đàn an ninh châu Á
Giới chức Mỹ dự kiến nêu bật mối quan ngại về hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông, trong khi Bắc Kinh cũng sẵn sàng để đáp trả những chỉ trích trong Đối thoại Shangri-La khai mạc hôm nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Ảnh: Politico
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ cùng những người đồng cấp của các nước châu Á và châu Âu tham dự Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương, tại Singapore ngày 29 - 31/5.
Ông Alexander Neill, chuyên gia cấp cao về an ninh khu vực của Đối thoại Shangri-La, cho hay hải quân Mỹ đã nhiều lần bày tỏ mối quan ngại về hoạt động xây dựng ở quần đảo Trường Sa cũng như những nỗ lực cản trở tự do lưu thông của Trung Quốc tại đây.
Tại diễn đàn hôm nay, ông Carter cũng chắc chắn sẽ nhắc lại quan điểm trên và có thể "nói thẳng thắng hơn về những gì Mỹ mong muốn nhằm giảm leo thang hoặc tránh những hành động thù địch".
Bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter tại Đối thoại Shangri-La cũng có thể sẽ đặt ra đường hướng cho mối quan hệ tương lai giữa Washington và Bắc Kinh trong căng thẳng Biển Đông.
"Liệu ông Carter sẽ dùng giọng điệu hòa giải cho mối quan ngại của Mỹ hay cứng rắn và khiêu khích thì chúng tôi không biết", Stars and Stripes dẫn lời ông Neill nói.
Hôm 27/5, ông Carter thẳng thắn lên án Trung Quốc "đi ngược lại những tiêu chuẩn quốc tế" và yêu cầu nước này dừng ngay hoạt động cải tạo các đá, chấm dứt hành vi quân sự hóa tại những khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Ông chủ Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ tiếp tục điều tàu chiến và máy bay quân sự đến Biển Đông, bất chấp cảnh báo của Trung Quốc.
Tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông cũng là chủ đề nóng của Đối thoại Shangri-La năm ngoái. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khi đó và các quan chức khác đã lên án mạnh mẽ những hành động vũ lực và cưỡng chế của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền trên Biển Đông.
Trong khi đó, trung tướng Vương Quán Trung, trưởng đoàn Trung Quốc, tỏ ra bị động, không đưa ra được luận điểm biện minh cho hành động ngang ngược của mình và quay sang chỉ trích giọng điệu của Mỹ, Nhật là "đầy đe dọa."
Tuy nhiên, dường như năm nay Bắc Kinh đã có sự chuẩn bị kỹ càng hơn để sẵn sàng đối phó với những công kích từ các bên.
"Phái đoàn Trung Quốc năm nay rõ ràng mạnh hơn so với những năm trước cộng lại", ông Neill nhận định. "Đó là một đoàn đại biểu có quyền lực khá cao".
Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân, sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu 29 thành viên của Trung Quốc.
"Ông Tôn nắm chắc luật biển quốc tế và chiến lược hàng hải dài hạn của Trung Quốc. Ông ta sẽ biện hộ về kế hoạch mở rộng đảo của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như nhiệm vụ tương lai của hải quân Trung Quốc trên biển với các đối tác nước ngoài", Li Jie, một chuyên gia hải quân người Bắc Kinh nói.
Năm nay, Đối thoại Shangri-La dự kiến có Bộ trưởng Quốc phòng của 30 nước tham dự như Australia, Nhật Bản, Anh, Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia và nhiều nước khác.
Anh Ngọc
Theo VNE
Biển Đông dậy sóng, vũ khí Nga thâm nhập Đông Nam Á Nga tuyên bố đã sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác quân sự-kỹ thuật và buôn bán vũ khí với các thị trường mới nổi của khu vực Đông Nam Á. Máy bay chiến đấu Su-30 MK2 và Su-27 của không quân Indonesia Nga đẩy mạnh hợp tác quân sự và cung cấp vũ khí cho đông nam Á Phát biểu bên lề Diễn...