Khẩu hiệu ủng hộ tạp chí Pháp bị lợi dụng để kiếm tiền
“Je Suis Charlie”, khẩu hiệu thể hiện sự ủng hộ với tạp chí Charlie Hebdo, đang trở nên phổ biến trên thế giới và có khả năng bị thương mại hóa, buộc người sáng tạo ra cụm từ, phải tìm kiếm biện pháp pháp lý bảo vệ.
Người dân cầm khẩu hiệu có dòng chữ “Je Suis Charlie” trong một buổi tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công tạp chí Charlie Hebdo tổ chức ở thành phố Medllin, Colombia. Ảnh: Reuters.
“Je Suis Charlie” (Tôi là Charlie) đã trở thành biểu tượng đấu tranh cho tự do ngôn luận từ sau vụ tấn công đẫm máu hôm 7/1 nhằm vào tạp chí trào phúng Charlie Hebdo làm 12 người thiệt mạng. Cụm từ, với dòng chữ màu trắng và xám trên nền đen, đang trở thành công cụ kiếm tiền cho những kẻ cơ hội. Nó được in trên mọi thứ từ cốc cà phê tới áo phông.
AFP dẫn thông tin từ cơ quan cấp bằng sáng chế Pháp cho biết họ đã từ chối 120 đơn xin cấp chứng nhận, trong đó có hai trường hợp muốn sử dụng cụm từ “Je Suis Charlie” để hỗ trợ bán vũ khí.
Joachim Roncin, nhà thiết kế đồ họa 39 tuổi tại tạp chí Stylist, là người đã sáng tạo ra “Je Suis Charlie”. Ông cảm thấy khiếp sợ với xu hướng thương mại hóa cụm từ.
“Thành thật mà nói, tôi thực sự bị tổn thương bởi việc mà những người muốn kiếm tiền từ cụm từ đã làm. Nó làm suy giảm giá trị ý nghĩa của khẩu hiệu”, ông Roncin nói trong một cuộc phỏng vấn. “Tôi đang làm việc với các luật sư để chống lại điều này nhiều nhất có thể, để đảm bảo rằng khẩu hiệu chỉ có mục đích duy nhất là ủng hộ tự do ngôn luận”.
Myriam Sebban, luật sư của Roncin, cho biết thân chủ của bà “sẽ dựa vào yếu tố bản quyền để cố gắng và kiểm soát việc sử dụng khẩu hiệu, đồng thời giữ cho thông điệp ban đầu nguyên vẹn” bằng cách hợp tác với Charlie Hebdo. Roncin không muốn thu lợi từ sử dụng cụm từ, bà Sebban nói.
Roncin cùng các đồng nghiệp cũng đang trong một cuộc họp khi hai tay súng xông vào tòa soạn Charlie Hebdo, hét lớn “Allahu Akbar” (đấng tối cao vĩ đại) rồi nã đạn. Một đồng nghiệp của Roncin đọc được thông tin vụ việc trên Twitter và Roncin có cảm hứng vẽ ra biểu tượng.
“Tôi không nghĩ rằng điều tôi nói sẽ có ảnh hưởng như vậy. Tôi tạo ra hình ảnh này để bày tỏ nỗi đau của bản thân và tôi bị sốc khi có vụ tấn công nhằm vào các nhà báo”, Roncin nói. Những diễn biến tiếp theo, như cách mọi người mô tả, mang tính lịch sử bởi khẩu hiệu “Je Suis Charlie” nhanh chóng lan truyền trên Internet và phát triển thành một phong trào.
Các bản sao số đầu tiên của Charlie Hebdo còn xuất hiện trên eBay với giá hàng nghìn USD sau vụ tấn công, buộc trang mua bán trực tuyến này phải thông báo sẽ chuyển lợi nhuận thu được về cho tạp chí.
Như Tâm
Video đang HOT
Theo VNE
Cộng đồng Hồi giáo nổi giận trước tranh biếm họa mới về Mohammed
Việc tạp chí Charlie Hebdo đã đăng một bức tranh biếm họa mới về nhà tiên tri Mohammed trên trang bìa của ấn phẩm đầu tiên sau các vụ tấn công tại Paris vừa qua đã làm cộng đồng Hồi giáo nổi giận.
Trên trang bìa của tờ Charlie Hebdo số ra ngày 14/1 là bức tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed rơm rớm nước mắt, tay cầm biểu ngữ "Tôi là Charlie" và phía trên là dòng chữ "Mọi chuyện đều được tha thứ".
Người Hồi giáo tại nhiều nước trên thế giới gọi việc tiếp tục đăng tranh châm biếm Mohammed của tạp chí Charlie Hebdo là hành động "phỉ báng" tôn giáo của họ.
Theo AFP, trong ngày hôm qua, có khoảng 1.500 người tại thành phố Marawi, một trong những nơi có cộng đồng hồi giáo lớn nhất tại Philippines, đã xuống đường biểu tình suốt 3 giờ đồng hồ để phản đối tờ Charlie Hebdo.
Các tín đồ đạo Hồi tại thành phố Marawi, Philippines, phản đối tranh biếm họa Mohammed mới (Ảnh: Getty Images)
Các chính trị gia địa phương, các học sinh và phụ nữ đeo mạng che mặt đã tập trung kín quảng trường chính ở Marawi, nhiều người giơ cao những khẩu hiệu như, "Bạn là Charlie, tôi tôn thờ nhà tiên tri Mohammed"; "Nước Pháp phải đưa ra một lời xin lỗi"; "Nếu bạn là Charlie thì hãy tôn trọng đạo Hồi"...
Trong một tuyên bố tại cuộc biểu tình, các nhà tổ chức cho biết, "Những gì xảy ra ở Pháp, vụ thảm sát vào Charlie Hebdo là một bài học cảnh báo thế giới hãy tôn trọng bất cứ tôn giáo nào, đặc biệt là đạo Hồi".
"Tự do ngôn luận không đồng nghĩa với việc xúc phạm những người đáng kính, và thánh Allah vĩ đại", tuyên bố cho hay.
Những người biểu tình còn đốt tấm áp phích quảng cáo của tờ Charlie Hebdo có in hình của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ông Netanyahu đã trở thành nhân vật trung tâm bị người Hồi giáo lên án vì phản ứng của ông với các vụ tấn công khủng bố ở Paris.
Một tấm áp phích của tờ Charlie Hebdo in hình Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bị đốt (Ảnh: Getty Images)
Cũng trong ngày 14/1, nhiều người ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đã hô vang các khẩu hiệu phản đối kịch liệt việc tờ báo Cumhuriyet của nước này cho đăng 4 trang về tranh châm biếm theo "số báo của những người còn sống sót", ấn phẩm đầu tiên của tờ Charlie Hebdo sau các vụ tấn công khủng bố tại Paris.
Cảnh sát Istanbul đã phải khống chế dòng người đang giận dữ, la ó trước cửa tòa báo Cumhuriyet.
Làn sóng phản đối tạp chí Charlie Hebdo về việc đăng tranh châm biếm mới về nhà tiên tri Mohammed cũng nổ ra tại một số quốc gia khác như Iran và Ai Cập.
Theo trang Times of Israel, Tổ chức Hồi giáo Ai Cập Dar al-Ifta cho rằng quyết định này của tạp chí Charlie Hebdo "là hành vi khiêu khích 1,5 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran, bà Marzieh Afkham, nói "Tạp chí Charlie Hebdo đã lăng mạ và làm tổn thương người Hồi giáo và có thể làm dấy lên một làn sóng phản đối của các phần tử đạo Hồi cực đoan".
Người dân Hồi giáo tại Marawi, Philippines, giơ cao khẩu hiệu "Bạn là Charlie, tôi là Mohammed" (Ảnh: Getty Images)
Khẩu hiệu yêu cầu "Nước Pháp phải xin lỗi" (Ảnh: Getty Images)
Các tín đồ Hồi giáo cho rằng tờ Charlie Hebdo đang lăng mạ tôn giáo của họ (Ảnh: Getty Images)
Người dân ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, phản đối báo Cumhuriyet đăng tranh biếm họa Mohammed (Ảnh: AFP/Getty Images)
Một tờ báo Cumhuriyet bị đốt trước cửa tòa soạn (Ảnh: EPA)
Cảnh sát đang cố gắng khống chế người biểu tình tại một đường phố của Istanbul (Ảnh: AFP/Getty Images)
Những hàng rào bảo vệ xung quanh báo Cumhuriyet (Ảnh: EPA)
Một người biểu tình tại Istanbul bị cảnh sát mặc thường phục bắt (Ảnh: AFP/Getty Images)
Minh Việt
Tổng hợp
Theo Dantri
Bốn hiệu sách Bỉ bị đe dọa vì bán ấn phẩm của Charlie Hebdo Bốn hiệu sách tại thủ đô Brussels, Bỉ, cho biết đã nhận được một số bức thư đe dọa trả đũa nếu họ bán ấn phẩm vừa ra mắt của tờ báo châm biếm Charlie Hebdo. Đây là ấn phẩm đầu tiên mà tạp chí Charlie Hebdo xuất bản sau các vụ tấn công khủng bố vừa qua tại Paris với hình ảnh...