Khát vọng mang tên Việt Nam
Bài phát biểu của Thủ tướng tại Phiên thảo luận cấp cao khóa 73 Đại hội đồng LHQ không chỉ cho thấy một Việt Nam tự tin sẽ đảm đương và hoàn thành tốt trọng trách này mà còn tràn đầy khát vọng sẽ tiếp tục đóng góp lớn hơn vào hòa bình, phát triển và thịnh vượng trên thế giới…
Liên tiếp góp mặt tại nhiều diễn đàn quan trọng, tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn, được đề cử vào vị trí ủy viên không thường trực HĐBA của LHQ nhiệm kỳ 2020-2021… năm 2018 là năm đất nước hình chữ S tiếp tục khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Từ dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế
Năm 2018 là tròn 41 năm Việt Nam trở thành thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ) và cũng là năm đánh dấu những bước tiến nổi bật của đối ngoại đa phương Việt Nam đồng thời chứng kiến uy tín, vị thế Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. 41 năm trước, với rất nhiều kiên trì và nỗ lực, Việt Nam mới được chấp thuận gia nhập vào đại gia đình LHQ. Nhưng 41 năm sau, Việt Nam đã là thành viên duy nhất của nhóm châu Á – Thái Bình Dương được đề cử vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) của LHQ dành cho Nhóm nhiệm kỳ 2020-2021. Chỉ điều này cũng đủ cho thấy vai trò, sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam đã gia tăng đến mức nào.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao khóa 73 Đại hội đồng LHQ.
Sự tín nhiệm ấy có cơ sở của nó. Từ chỗ phải vượt qua tình thế bị bao vây cấm vận, từng bước gia nhập các tổ chức quốc tế, tới nay, Việt Nam đã và đang dần chuyển từ việc chủ động tham gia các hoạt động đối ngoại đa phương trên thế giới, sang giai đoạn tham gia tích cực vào quá trình xây dựng, định hình, dẫn dắt các thể chế đa phương ở khu vực, liên khu vực và toàn cầu. Những đóng góp tích cực và đề xuất của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tại các diễn đàn đa phương trong năm 2018 vừa qua đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu đề xuất về việc ngăn ngừa xả rác thải nhựa, hướng tới mục tiêu các đại dương xanh, sạch và không còn rác thải nhựa tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng diễn ra tháng 6/2018 ở Quebec (Canada); hay như đề xuất về giải pháp cho vấn đề di cư quốc tế của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 138 (IPU-138) ở Geneve, Thụy Sĩ; đề xuất “trách nhiệm kép”, trong đó mỗi quốc gia có thêm trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, mỗi cá nhân có thêm vai trò công nhân toàn cầu tại Phiên thảo luận Cấp cao Khóa 73 Đại hội đồng LHQ ở New York tháng 9/2018…
Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực đóng góp và tạo dấu ấn trong các công việc chung khi là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Hội đồng Chấp hành Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hội đồng Chấp hành Liên minh Nghị viện thế giới, Hội đồng Kinh tế – Xã hội LHQ…
Một dấu ấn đối ngoại nổi bật nữa của năm 2018 là việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018). Theo đánh giá từ BTC cũng như đại diện WEF, trong 27 năm tổ chức diễn đàn WEF khu vực ASEAN và Đông Á, đây là diễn đàn thành công nhất. Việt Nam, với tư cách nước chủ nhà, đã ghi dấu ấn đặc biệt với vai trò kết nối và năng lực tổ chức. Chủ đề của Diễn đàn mà Việt Nam đưa ra đã đề cập trúng những vấn đề mà tất cả các quốc gia đang quan tâm, đó là làm thế nào để tận dụng cơ hội trước những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Những ý tưởng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Diễn đàn về việc lấy ASEAN làm trung tâm, xây dựng các quy tắc của ASEAN trong hợp tác chia sẻ dữ liệu, thành lập khuôn khổ kết nối các vườn ươm sáng tạo quốc gia với mạng lưới vườn ươm của toàn khu vực… đều nhận được sự đồng tình, sự đón nhận nồng nhiệt của bạn bè quốc tế.
Các nữ quân nhân Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc.
Video đang HOT
Đến khát vọng về một mùa xuân của “hòa bình tự do và thịnh vượng”
Từ thành công của WEF – Đông Á năm 2010, Năm APEC 2017 đến WEF – ASEAN 2018, Việt Nam đã để lại một dấu ấn Việt Nam mới rõ nét trong lòng bạn bè quốc tế. Đó là sự năng động, cởi mở, hiếu khách, năng lực kết nối, điều phối và tổ chức những sự kiện tầm cỡ quốc tế. Và trên hết, thành công của WEF ASEAN 2018 một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong của Việt Nam trong khối ASEAN, là thành viên tích cực trong việc gắn kết ASEAN với các đối tác bên ngoài, xây dựng một Cộng đồng ASEAN thịnh vượng.
Nhưng, những con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam giàu khát vọng vẫn mong mỏi tạo thêm những dấu ấn đậm nét hơn nữa của đối thoại Việt Nam, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Trên hết là khát vọng muốn góp thêm sức mình vào việc đắp xây một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững hơn nữa. Việc Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam đảm đương và hoàn thành tốt vai trò ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 cũng không ngoài mong muốn ấy. “Hòa bình, tự do và thịnh vượng luôn là mong mỏi, khát vọng của mọi dân tộc. Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tiến bộ của nhân loại không chỉ được đo bằng những thành tựu của công nghệ mà trước hết phải là hòa bình, thịnh vượng và phải biết chắt chiu, nắm lấy từng cơ hội dù nhỏ nhoi cho hòa bình. Từ quá khứ đấu tranh gian khổ, lâu dài giành độc lập, tự do, Việt Nam thấu hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình, quyền bình đẳng, “quyền dân tộc tự quyết”, “quyền mưu cầu hạnh phúc” và các giá trị dân chủ của Hiến chương LHQ. Tiếng nói của một nước nhỏ hay khát vọng của những người yếu thế cần phải được tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ. Đó là nền tảng cho phát triển bền vững, bao trùm và không để ai bị bỏ lại phía sau, là cơ sở của ổn định xã hội cũng như bảo đảm quyền và phát huy sức sáng tạo của mỗi người” - Bài phát biểu thấm đẫm tinh thần Việt Nam, khát vọng Việt Nam của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên thảo luận cấp cao khóa 73 Đại hội đồng LHQ đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của LHQ cũng như cộng đồng quốc tế.
Việt Nam đã sẵn sàng cho trọng trách và tự tin sẽ hoàn thành tốt trọng trách ấy. Minh chứng rõ nhất là việc Việt Nam từng hoàn thành tốt trọng trách Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008 – 2009 đồng thời đã tham gia chủ động, xây dựng và có trách nhiệm, đưa ra nhiều sáng kiến đóng góp vào hoạt động của HĐBA . “Tôi mong rằng, các cường quốc, các nước phát triển hãy bằng hành động thiết thực, hãy là những tấm gương đi đầu trong gìn giữ hòa bình và phát triển. Đại hội đồng LHQ hãy là trung tâm để các quốc gia, dân tộc hợp tác vì hoà bình, công bằng và phát triển bền vững” - lời chia sẻ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước Đại hội đồng hẳn cũng là niềm khát khao, vì kỳ vọng chung của tất cả các quốc gia yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
“Mọi người thường nói rằng, sau mỗi đỉnh cao sẽ rất khó khăn để đạt được những đỉnh cao tiếp theo. Nhưng với đà trưởng thành lớn mạnh của ngoại giao Việt Nam hiện nay, Việt Nam sẽ tạo được những điểm nhấn mới. Tôi mong muốn trong thời gian tới, chúng ta sẽ tạo được những mốc son mới trong bức tranh đối ngoại Việt Nam, trước hết đó là: Thành công trong cuộc bầu cử do Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức vào tháng 6/2019 và đảm nhiệm tốt cương vị thành viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021; Đảm nhiệm xuất sắc cương vị Chủ tịch ASEAN 2020″.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga
Hồng Hà
Theo NB&CL
Thủ tướng: Không đổ lỗi cho thể chế vì mọi chính sách đều do cán bộ làm ra
Gợi ý những vấn đề đặt ra với năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc phải tìm giải pháp mạnh mẽ khơi thông, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Thủ tướng cho rằng, không thể đổ lỗi cho thể chế hạn chế vì mọi chính sách đều do cán bộ nhà nước làm ra...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị
Sáng 28/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Hội nghị có sự tham dự, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đông đảo lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khái quát kết quả điều hành kinh tế xã hội đạt được trong năm 2018 với khẳng định, mọi kết quả Chính phủ đạt được đều là từ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các địa phương cả nước.
"Có những thời điểm chúng ta đứng trước khó khăn rất lớn, không nằm trong kịch bản nhưng cả nước đã vượt qua hành trình gian nan, đầy thách thức để đi tới kết quả tốt đẹp" - Thủ tướng nhận định.
Người lãnh đạo Chính phủ điểm lại nhiều con số kỷ lục đã đạt được như tốc độ tăng trưởng kinh tế tới 7,08%, cao nhất 10 năm qua; nền nông nghiệp đạt mức tăng trưởng kỷ lục; cả nước xuất siêu kỷ lục với mức 7,7 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với kỷ lục vừa lập năm ngoái...
Thủ tướng cũng nhấn mạnh về việc chất lượng tăng trưởng có sự cải thiện rõ nét. Tốc độ tăng trưởng cao kỷ lục nhưng mức tăng trưởng tín dụng lại thấp hơn các năm trước, theo Thủ tướng, cho thấy sự cải thiện rõ ràng về mô hình tăng trưởng, gia tăng chuỗi giá trị sản xuất.
Ngoài ra, vượt qua thời điểm lo lắng về sự sập đổ tài chính quốc gia, đến hôm nay, Việt Nam đã có thặng dư ngân sách 3,8 tỷ USD.
Thủ tướng khẳng định, các vấn đề an ninh xã hội được đảm bảo. Đặc biệt thành tích thể thao rất ấn tượng. Đất nước đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Nhiều vụ án lớn được thanh tra, điều tra, đưa ra xét xử nghiêm minh.
Hội nghị chào mừng sự có mặt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. (Ảnh: N.H)
Người lãnh đạo đứng đầu Chính phủ cho rằng: "Niềm tin của nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng đã được củng cố, chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này. Điều này thêm một lần nữa khẳng định con đường chúng ta chọn là đúng, đưa đến cho chúng ta khả năng chủ động trong điều hành nền kinh tế đất nước".
Từ nền tảng thuận lợi đó, Thủ tướng nhận định, năm 2019 sẽ càng quan trọng hơn với đất nước, trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội.
Thủ tướng gợi ý, cần tìm giải pháp mạnh mẽ khơi thông, huy động mọi nguồn lực cho phát triển trong năm tới.
"Không thể đổ lỗi cho thể chế hạn chế vì mọi chính sách đều do cán bộ nhà nước làm ra..." - Thủ tướng quán triệt.
Quang cảnh hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng nay (Ảnh: N.H)
Theo đó, yêu cầu đề ra với hội nghị là cần thảo luận để đi đến thống nhất về quan điểm, tư duy, xây dựng cho được cơ chế kiểm soát quyền lực, sửa ngay quy định còn sơ hở, có khả năng phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, không đánh đổi chất lượng với tốc độ tăng trưởng mà phát đạt được cả 2, nghĩa là tăng trưởng nhanh và bền vững với 3 trụ cột kinh tế, môi trường, xã hội.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề, cần tăng trưởng dựa vào tăng năng suất lao động và công nghệ, thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vì dư địa tăng trưởng ở đây rất lớn.
Khái quát "slogan" của Chính phủ năm 2019 trong 12 chữ "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá", Thủ tướng mong muốn, tinh thần và cảm hứng đóng góp của 100 triệu người dân Việt Nam cần được khuyến khích, huy động tối đa.
P.Thảo
Theo Dantri
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dự họp Chính phủ với các địa phương Đây là lần thứ hai trong nhiệm kỳ này, phiên họp của Chính phủ với các địa phương có sự tham dự của các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước và Quốc hội. Ảnh Như Ý Sáng 28/12, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương. Tham dự Hội nghị có Tổng Bí thư, Chủ tịch...