Khát vọng kim tiền của trùm lừa đảo XKLĐ
Chỉ trong 1 thời gian ngắn, Dương Lê Thắng đã lừa đảo 36 người có nhu cầu xuất khẩu lao động ra nước ngoài, chiếm đoạt 2,1 tỷ đồng. Khi không còn khả năng hoàn trả, Thắng phải trả giá bằng 17 năm đằng đẵng trong tù.
Những ngày đằng đẵng trả án trong trại giam, Dương Lê Thắng mới thấm thía những gì mình đã mất
Bước qua cái tuổi 50, đáng lẽ ra Dương Lê Thắng (SN 1960, trú tại xã Thanh Tiên, Thanh Chương, Nghệ An) có thể nghỉ ngơi nếu biết bằng lòng với những gì mình đang có. Thế nhưng, với lòng tham của mình, Thắng đã “lấn sân” sang lĩnh vực xuất khẩu lao động khi không có một chút kinh nghiệm hay mối quan hệ nào ở lĩnh vực này. Từ giám đốc, Thắng bước chân vào tù với cái án 17 năm về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Gặp Thắng ở đội sản xuất mây tre đan thuộc phân trại số 2, Trại giam số 6 – Bộ Công an (huyện Thanh Chương, Nghệ An), dù khoác tấm áo sọc dọc nhưng Thắng vẫn giữ dáng dấp của một ông chủ. Thụ án chưa lâu nhưng nhờ cải tạo tốt, Dương Lê Thắng được giao làm đội trưởng đội phạm nhân. Nhớ về thời vàng son đã qua, Thắng không khỏi chua chát…
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo nên chỉ học hết trung học, sau đó đi bộ đội. Không cam chịu số phận, Thắng thi đậu vào khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ra trường, Thắng được nhận vào công tác tại một cơ quan nhà nước cấp tỉnh và cưới một cô vợ xinh xắn. Thế nhưng mái ấm đó không duy trì được lâu, sau nhiều khúc mắc không thể cứu vãn, Thắng và vợ đường ai nấy đi. Bi kịch cuộc đời của Thắng cũng bắt đầu từ đó.
Sau khi chia tay vợ, Thắng ôm con ra Hà Nội, thành lập công ty chuyên xây dựng các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi. Năm 2007, Thắng đổi tên công ty và bổ sung ngành nghề kinh doanh “xây dựng công trình xử lý rác thải”. Dốc hết vốn liếng, Thắng nhập dây chuyền xử lý rác thải từ Đức về để triển khai dự án xây dựng nhà máy xử lý rác ở Bắc Giang. Do dự án này còn quá mới mẻ nên chưa được triển khai. Vốn ứ đọng, không có tiền quay vòng sản xuất.
“Thời điểm đó, xuất khẩu lao động đang rộ lên, nhu cầu đi làm ăn ở nước ngoài nhiều lắm. Đang lúc kẹt vốn, nghe bạn bè rủ rê ngon ngọt nghề này dễ kiếm ra tiền nên dù không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này tôi vẫn lao theo, chấp nhận làm đại lý cho các công ty môi giới xuất khẩu lao động”, Thắng cho biết.
Bằng các mối quan hệ quen biết từ trước, Thắng thâm nhập các làng quê nghèo ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hưng Yên, Hà Nội để môi giới, đào tạo đưa người đi lao động trái phép tại nước ngoài. Để tạo lòng tin với người lao động, Thắng lấy danh nghĩa của công ty cũ rồi thông báo có khả năng đưa người sang Hàn Quốc lao động. Người lao động sẽ phải nộp từ 6.500 – 12.000 USD, phải đặt cọc trước 1.000 USD để làm hồ sơ. Số tiền còn lại người lao động sẽ nộp dần trong thời gian đào tạo và chờ bay. Với cách làm này, Thắng thu hút được rất nhiều lao động tìm đăng ký tham gia.
Để tạo lòng tin, các lao động sau khi nộp hồ sơ và tiền cọc, Thắng đều tổ chức cho họ học tiếng Hàn Quốc và đào tạo nghề trong thời gian 3 tháng. Học xong nhưng vẫn chưa thể kiếm mối cho người lao động đi, bị thúc giục, Thắng tổ chức cho người lao động đi học định hướng. Đợi mãi, đợi mãi vẫn không thấy lịch bay, người lao động bắt đầu nghi ngờ rồi tìm Thắng để đòi lại tiền. Bán hết sản nghiệp, Thắng chỉ hoàn trả được một phần nhỏ trong số tiền đã thu của người lao động. Cực chẳng đã, hàng loạt đơn tố cáo Dương Lê Thắng được gửi tới cơ quan điều tra Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội).
Kết quả điều tra cho thấy, từ tháng 11/2005 đến tháng 6/2007, Dương Lê Thắng đã nhận hồ sơ của 36 lao động với số tiền 109.100 USD và hơn 382 triệu đồng tiền mặt. Tổng cộng số tiền mà Thắng thu và chiếm đoạt của những người này lên tới hơn 2,1 tỷ đồng. Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàng Mai đã ra quyết định khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và bắt giam Dương Lê Thắng. Với số tiền chiếm đoạt lớn, Dương Lê Thắng đã bị TAND quận Hoàng Mai tuyên phạt 17 năm tù giam.
Từ ngày về đây thụ án, chỉ một lần duy nhất Thắng được đón vợ con lên thăm. “Thực ra thì không hẳn là thăm mà cô ấy đưa con lên gặp tôi và thông báo hai mẹ con sẽ chuyển vào Vũng Tàu sinh sống. Hiện giờ con tôi cũng chuẩn bị tốt nghiệp và cháu cũng đã quyết định lập nghiệp trong đó. Quá nửa đời người, ngoảnh lại tôi vẫn là kẻ tay trắng, đó là chưa kể tới món nợ đang mang trên người và món nợ cực lớn sẽ phải trả khi ra trại”, Dương Lê Thắng buồn bã lắc đầu.
Thực ra thì con đường trở về của Dương Lê Thắng không hẳn đã hết nhưng ở cái tuổi này, để làm lại từ đầu chắc hẳn không mấy ai làm được huống hồ là một tù nhân như Thắng. Những ngày tháng đẵng đẵng đối diện với 4 bức tường trại giam, Thắng mới thấm thía hơn ai hết cái giá phải trả cho khát vọng kim tiền mù quáng, bất chấp thủ đoạn trên thương trường nghiệt ngã…
Theo Dantri