Khát vọng hoàn lương
Những ngày thụ án, sự kinh hoàng, tuyệt vọng của nạn nhân, ánh mắt căm phẫn của thân nhân họ và cả những giọt nước mắt tủi thân, cam chịu của người mẹ già lặn lội hàng trăm cây số lên thăm con… đã không thôi ám ảnh phạm nhân Nguyễn Minh Dũng.
Được giám thị và các cán bộ quản giáo trại giam động viên, Dũng và nhiều phạm nhân khác dần xóa bỏ mặc cảm, quyết tâm cải tạo, làm lại cuộc đời.
Đoạn tuyệt với quá khứ lỗi lầm
Mới đây, tháp tùng Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác đặc xá năm 2015 tại trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai), chúng tôi tình cờ gặp lại Nguyễn Minh Dũng (42 tuổi, nhà ở TPHCM).
Điển trai, công việc ổn định, nhà mặt tiền đường Phùng Khắc Khoan thuộc trung tâm quận 1, Nguyễn Minh Dũng từng là niềm mơ ước của nhiều cô gái ngày ấy. Vậy mà, chỉ một phút sai lầm, cậu phải trả giá bằng án tù chung thân về tội giết người vào năm 2000.
“Những ngày đầu, không đêm nào em ngủ ngon. Cứ nhắm mắt là khuôn mặt của nạn nhân, của thân nhân người bị hại lại hiện ra. Thảng thốt, đau đớn, kinh hoàng, tuyệt vọng. Tỉnh giấc, cả người ướt đẫm mồ hôi” – Dũng nhớ lại.
Bị giày vò bởi tội ác mình gây ra, đã có lần Dũng nghĩ đến cái chết để tự giải thoát. Nhưng, chính những giọt nước mắt tủi thân, cam chịu của người mẹ tần tảo, sự gần gũi, động viên của cán bộ quản giáo và giám thị trại giam Xuân Lộc đã giúp cậu nhận ra sự quý giá của cuộc sống cũng như phải mạnh mẽ đối diện để đoạn tuyệt với quá khứ tội lỗi.
“Tôi kêu gọi các doanh nhân, doanh nghiệp tạo điều kiện để người trở về sớm có việc làm ổn định, đẩy lùi nguy cơ tái phạm, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Video đang HOT
Nguyễn Minh Dũng quyết tâm cải tạo và được giảm án. Sau gần 16 năm thụ án, cậu được các phạm nhân giới thiệu, trại giam đề xuất đặc xá nhân dịp lễ Quốc khánh 2/9 sắp tới.
“Tôi đã viết thư xin lỗi, xin thân nhân của người bị hại tha thứ. Tôi biết không có gì bù đắp được nỗi đau và sự mất mát của họ. Lá thư của tôi được trại giam lựa chọn, gửi cho gia đình người bị hại. Được đặc xá, tôi sẽ trở về làm lại cuộc đời và không bao giờ lặp lại sai lầm” – Dũng bày tỏ.
Đại tá Hồ Phi Thắng, Giám thị trại giam Xuân Lộc cho biết Nguyễn Minh Dũng nằm trong số 525 phạm nhân được xét đặc xá trong dịp này. Trạm giam đã tổ chức cho các phạm nhân giới thiệu và bỏ phiếu bầu chọn các phạm nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá. Nhiều phạm nhân được xếp loại khá, tốt, lập công, có nhiều thành tích, sáng kiến được công nhận trong quá trình cải tạo…
Tuyệt đại đa số phạm nhân sau khi được đặc xá không tái phạm dù họ gặp không ít khó khăn. Anh Đỗ Tân Dụng (ấp 12, xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) sau khi chấp hành xong án tù về tội chống người thi hành công vụ đã mạnh dạn vay vốn, mở xưởng làm cửa sắt, gây dựng đàn heo và trồng các loại nông sản có giá trị cao. Đến nay, gia đình anh đã có cuộc sống ổn định, các con được ăn học đầy đủ.
Còn chị Nguyễn Ngọc Phượng (ấp Phước Hòa, xã Long Phước huyện Long Thành, Đồng Nai) bị phạt 13 tháng tù về tội đánh bạc. Sau khi ra tù, bị kẻ xấu rủ rê, lôi kéo nhưng chị cương quyết từ chối. Chị Phương vay vốn mua xe nước mía, vợ chồng chí thú làm ăn, ổn định cuộc sống gia đình.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) cho biết sẽ có khoảng 18.000 phạm nhân được đặc xá đợt này. Thực tế tỷ lệ tái phạm sau những lần đặc xá trước đây chỉ chiếm 0,73%.
Cần chia sẻ, cảm thông
Anh Dụng, chị Phượng và hàng trăm phạm nhân hoàn lương ở Đồng Nai may mắn được Quỹ “Doanh nhân với an ninh trật tự” cho vay lãi suất ưu đãi để làm kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Chị Nguyễn Ngọc Phượng (huyện Long Thành, Đồng Nai)
Theo đại diện Công an tỉnh Đồng Nai, sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, quỹ đã huy động được hàng trăm lượt doanh nghiệp đóng góp với số tiền hơn 11 tỷ đồng. Hội đồng quản lý Quỹ đã xét chọn trao vốn cho trên 600 phạm nhân được đặc xá có nhu cầu vay vốn. Mức vay thấp nhất là 5 triệu đồng, cao nhất là 30 triệu đồng, thời hạn vay là 36 tháng, lãi suất 3% một năm.
Đặc biệt “Quỹ doanh nhân với an ninh trật tự” cho vay vốn ngay khi công bố quyết định chấp hành xong hình phạt tù, quyết định đặc xá tại trại tạm giam, giúp phạm nhân có vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ổn định cuộc sống, đồng thời dẹp bỏ tâm lý tự ti, mặc cảm.
Tại TPHCM, Quỹ “Hòa nhập và phát triển cộng đồng” đã tư vấn cho hàng trăm người chấp hành xong án phạt tù các vấn đề pháp lý, như làm lại giấy tờ tùy thân, thủ tục xóa án tích, giải quyết việc làm. Một số doanh nghiệp còn tài trợ trao xe “bánh mì cộng đồng”, xe “thực phẩm cộng đồng”, xe “cà phê cộng đồng” cho các đối tượng của quỹ.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ những người hoàn lương tái hoà nhập cộng đồng. Xưởng mộc của ông Lê Thừa Như (huyện Hóc Môn, TPHCM) dạy nghề cho hơn 50 người chấp hành xong án phạt tù. Doanh nghiệp may gia công Trường Tùng (quận 7) nhận hàng chục người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc. Ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty Cám Thanh Bình (Đồng Nai) không chỉ đóng góp hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho Quỹ “Doanh nhân với an ninh trật tự” mà còn nhận hàng chục người mãn hạn tù vào công ty làm việc…
Kiểm tra công tác đặc xá tại Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị mỗi gia đình, người dân không kỳ thị, xa lánh những người được đặc xá trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Theo Huy Thịnh
Tiền phong
Trốn nã, sống cuộc đời mới vẫn không thoát tội
Phải thụ án về tội "Trộm cắp tài sản", Thiện đã nhân lúc cán bộ quản giáo sơ hở tìm cách bỏ trốn đi biệt xứ. Gần chục năm trời làm ăn chí thú có một gia đình với 3 mặt con, nhưng kẻ phạm tội vẫn sa lưới và phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Sinh ra trong một gia đình đông anh em, kinh tế có phần eo hẹp nên Nguyễn Chánh Thiện (SN 1982, trú tại Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị) sớm bỏ ngang việc học đi làm thuê để kiếm tiền nuôi sống bản thân. Theo chúng bạn, Thiện như con thiêu thân sa vào con đường cá độ bóng đá không có điểm dừng. Lâu dần thành nghiện, anh ta tìm cách lấy tài sản của gia đình đem bán được bao nhiêu "đốt" vào trò đỏ đen bấy nhiêu. Khi nguồn tiền trở nên khánh kiệt, anh ta lang thang khắp nơi lợi dụng sơ hở của người khác để trộm cắp.
Hành vi sai trái của Nguyễn Chánh Thiện phải trả giá bằng bản án 30 tháng tù và được chuyển đến Phân Trại quản lý phạm nhân thuộc Trại tạm giam công an tỉnh Quảng Trị để thi hành án. Những ngày đầu phải giam mình sau song sắt, Thiện tỏ ra hoang mang lo sợ, tinh thần bất ổn nên có những suy nghĩ tiêu cực, cộng thêm người thân không có ai thăm hỏi càng khiến y vừa tủi thân, vừa uất ức nên đã nhen nhóm ý định tẩu thoát.
Thụ án được 7 tháng, trong lúc đi lao động Thiện lợi dụng sơ hở của quản giáo rồi bỏ trốn vào Bình Định. Được một thời gian, cảm thấy bất an nên Thiện tiếp tục di chuyển lên Đắk Lắk tìm chốn dung thân. Tại đây, anh ta xin vào làm công nhân xây dựng công trình tại cơ quan Dân vận huyện Đắk Lắk. Với tài ăn nói khéo léo, lại luôn thể hiện là người chịu thương chịu khó, Thiện đã dễ dàng chiếm trọn niềm tin và cảm tình của con gái chủ thầu, hai người chuyển về sinh sống như vợ chồng và có với nhau 3 mặt con.
Nguyễn Chánh Thiện tỏ ra ăn năn về hành vi của mình
Đến năm 2010, Thiện thuyết phục đưa vợ con vào làm ăn, sinh sống tại Bình Dương. Sau bao năm dành dụm tích góp, hai vợ chồng cũng mua được một miếng đất làm vốn dắt lưng. Chán ngán với cảnh trốn chui trốn lủi, Thiện dự định rằng, sau khi lo lắng cuộc sống cho vợ con tương đối ổn định, một đến hai năm nữa anh ta sẽ quay trở về quê đầu thú. Tuy nhiên, viễn cảnh vẽ ra chưa kịp thực hiện thì ngày 22/12/2014, y bị Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm - Công an tỉnh Quảng Trị phát hiện và bắt giữ, kết thúc hành trình 8 năm bôn ba trốn nã.
Tại phiên tòa xét xử, hội trường vắng hoe người dự khán, thoáng chốc người ta thấy trên khuôn mặt Nguyễn Chánh Thiện có chút muộn phiền. Đứng trước vành móng ngựa, dáng người Thiện nhỏ thó, gầy gò, tóc cũng điểm nhiều sợi bạc, trông y khá già hơn so với tuổi. Những phút trải lòng mình, Thiện tâm sự rằng, giờ đây anh ta cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều và ngày càng trân trọng hơn giá trị của cuộc sống. Y nói trong hớn hở: "Lúc trở về trại giam để tiếp tục thụ án, bố mẹ lên thăm em và thường xuyên động viên, an ủi. Vợ con ở xa cũng dần chấp nhận và thu xếp thời gian ra tận ngoài này thăm nom. Nhận được sự quan tâm của mọi người em mừng lắm".
Ngày 21/5, TAND tỉnh Quảng Trị đã tuyên phạt Nguyễn Chánh Thiện 18 tháng tù về tội "Trốn khỏi nơi giam" cộng với 23 tháng tù về hành vi "Trộm cắp tài sản" chưa chấp hành xong. Tổng cộng mức Thiện phải thụ án là 41 tháng tù giam. Lần này, Thiện hạ quyết tâm sẽ tu tâm, cải tạo thật tốt để sớm trở về hòa nhập cộng đồng, chăm lo cho vợ con và phụng dưỡng cha mẹ già.
Đây không chỉ là bài học đắt giá dành cho Thiện, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh đối với nhiều người rằng, mọi điều sai trái sẽ phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.
Theo Công lý
Trộm trong bệnh viện, cha con dắt nhau vào tù Dũng cùng con trai đã thực hiện hàng loạt các vụ trộm tài sản của các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Sáng 31.12, TAND tỉnh Quảng Trị tuyên án đối với Nguyễn Minh Dũng (SN 1964, trú tại Tiến Thành, Phan Thiết, Bình Thuận) và Võ Trọng Nghĩa (SN 1992, trú tại...