Khắp nơi viếng Đại tướng
Hôm qua, Văn phòng T.Ư Đảng đã ra thông báo về thời gian viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội, Quảng Bình và TP.HCM.
Cựu chiến binh Cần Thơ tưởng niệm Đại tướng
Tại Hà Nội, lễ viếng tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia Trần Thánh Tông, bắt đầu từ 7 giờ 30 phút đến 21 giờ ngày 12.10. Cụ thể, buổi sáng từ 7 giờ 30 phút đến 12 giờ các đoàn của BCH T.Ư, Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ VN, Quân ủy T.Ư, gia quyến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các đồng chí lão thành cách mạng, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; các đoàn lãnh đạo cấp cao nước ngoài, các đoàn quốc tế và ngoại giao; các đoàn viếng của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP.Hà Nội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Cựu chiến binh VN. Buổi chiều từ 12 giờ đến 14 giờ các đoàn các tỉnh, thành phố; từ 14 giờ đến 15 giờ các đoàn của các ban, bộ, ngành đoàn thể T.Ư; từ 15 giờ đến 21 giờ các cá nhân đến viếng.
Cùng thời điểm, lễ viếng được tổ chức tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình và Hội trường Thống Nhất (TP.HCM).
Theo thông báo chính thức, sau lễ truy điệu, đoàn xe đưa linh cữu Đại tướng sẽ đi theo lộ trình từ Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông – Tràng Tiền – Tràng Thi – Điện Biên Phủ để qua nhà 30 Hoàng Diệu, trước khi tiếp tục lộ trình theo đường Kim Mã – Cầu Giấy – Xuân Thủy – Phạm Văn Đồng – cầu Thăng Long đến sân bay Nội Bài.
Sau đó, từ sân bay Đồng Hới, linh cữu Đại tướng tiếp tục được đưa bằng ô tô đến địa điểm an táng tại khu vực Vũng Chùa – Đảo Yến thuộc xã Quảng Đông ( H.Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Vietnam Airlines (VNA) hôm qua cũng chính thức xác nhận việc đưa linh cữu Đại tướng từ sân bay Nội Bài về Quảng Bình được đơn vị này đảm nhận, với máy bay dân sự ATR 72. Lý do là các máy bay cỡ lớn như Boeing và Airbus đều không sử dụng được. Cụ thể, tại sân bay Đồng Hới máy bay Boeing không vào sân đỗ được. Máy bay Airbus phải nâng quan tài lên bằng máy, trong khi sử dụng máy bay ATR 72 vẫn giữ được hình thức trang trọng của tang lễ, khi đội tiêu binh vẫn có thể nâng quan tài bằng tay lên máy bay. Do số chỗ trên máy bay ATR 72 rất hạn chế nên Ban tang lễ và người nhà Đại tướng sẽ di chuyển trên một máy bay Airbus 321.
Trong khi đó, nhiều nơi cũng tổ chức viếng Đại tướng.
Đà Nẵng: Hội Cựu chiến binh Đà Nẵng tổ chức lễ viếng và Lễ tưởng niệm Đại tướng tại số 68 Quang Trung (Q.Hải Châu), bắt đầu từ 7 giờ 30 ngày 12.10 đến 10 giờ ngày 13.10.
Quảng Nam: Từ 7 giờ 30 đến 17 giờ ngày 12.10, Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức lễ viếng tại Nhà truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh (số 54 Trần Phú, TP.Tam Kỳ).
Quảng Ngãi: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp Hội Cựu chiến binh và Tỉnh đoàn lập bàn thờ Đại tướng tại hội trường T50 (số 142 đường Lê Trung Đình, TP.Quảng Ngãi). Lễ viếng bắt đầu từ 7 giờ 30 ngày 12.10. Lễ truy điệu vào lúc 7 giờ ngày 13.10.
Bình Định: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh lập bàn thờ Đại tướng tại Nhà truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh để quân, dân và các tầng lớp xã hội khác đến dâng hương tưởng niệm vào hai ngày 12 và 13.10.
Phú Yên: Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tỉnh có thể đến thắp hương tưởng nhớ Đại tướng tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (01A đường Độc Lập, P.6, TP.Tuy Hòa).
Cần Thơ: Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố lập bàn thờ Đại tướng tại hội trường để các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đến viếng, tưởng niệm. Hội Cựu chiến binh cũng lập bàn thờ Đại tướng tại trụ sở hội (số 22 đường Trần Văn Hoài, Q.Ninh Kiều).
Video đang HOT
Vĩnh Long: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh lập bàn thờ và tổ chức lễ thắp hương tưởng niệm Đại tướng đến hết ngày 13.10.
Đồng Tháp: Lễ viếng được tổ chức tại Khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (P.4, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp), bắt đầu từ 8 giờ ngày 10.10 và kéo dài đến 12 giờ ngày 13.10. Ban tổ chức cũng đã chuẩn bị 10.000 bức ảnh chân dung Đại tướng để tặng người đến viếng.
Trường Sa: Trên các đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết, Song Tử Tây quân và dân đã lập bàn thờ viếng Đại tướng; các đảo khác đều dành những vị trí trang trọng để thắp hương tưởng niệm Đại tướng.
Mở diễn đàn Đại tướng trong trái tim tuổi trẻ VN T.Ư Đoàn hôm qua đã có thông báo gửi các tỉnh, thành đoàn và Đoàn trực thuộc, các ban đơn vị tại T.Ư Đoàn… nêu rõ để bày tỏ tình cảm kính trọng, tri ân của thế hệ trẻ với Đại tướng, T.Ư Đoàn đề nghị mặc áo đồng phục thanh niên VN khi tổ chức các đoàn đi viếng. Thành đoàn Hà Nội có hình thức, phương án phối hợp với cơ quan chức năng đảm bảo trật tự, giúp đỡ và hỗ trợ nhân dân đến viếng Đại tướng tại số nhà 30 phố Hoàng Diệu. Các cấp bộ Đoàn tuyên truyền, khuyến khích thanh niên có hình thức bày tỏ tình cảm với Đại tướng thông qua các công việc cụ thể như: vẽ tranh, điêu khắc, sáng tác thơ, nhạc, sưu tầm hình ảnh, hiện vật… về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các đơn vị báo chí của T.Ư Đoàn, các tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc mở diễn đàn: Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim tuổi trẻ VN và chọn chủ đề này để thảo luận trong sinh hoạt chi đoàn; tổ chức giao lưu, trao đổi về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Đại tướng.
Thông tin cần biết Ban tổ chức lễ tang thành lập bộ phận thường trực giúp việc và tiếp nhận, cung cấp thông tin liên quan, tại số 51B phố Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội, ĐT 069552574. Cán bộ phụ trách cung cấp thông tin, thiếu tướng Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tổng tham mưu, ĐTDĐ: 0973639955; 0913309336; ông Nguyễn Xuân Sùng, Vụ trưởng Vụ Chính sách cán bộ, Ban Tổ chức T.Ư, ĐTDĐ 0912417048. Đại tá Cao Minh Thành, Phó chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tổng tham mưu, ĐTDĐ: 0979373168. Đại tá Ngô Hồng Quang, Giám đốc Trạm 66 Bộ Quốc phòng, ĐTDĐ: 0983446577.
Theo TNO
Đẫm lệ sổ tang viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Từng dòng, từng dòng trong 11 cuốn sổ tang đều thấm đẫm sự thương tiếc vô hạn khiĐại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi mãi mãi, niềm tự hào về vị tướng huyền thoại, tình yêu và sự tôn kính với vị Đại tướng huyền thoại trong lòng dân.
Bên trong khuôn viên căn nhà 30 Hoàng Diệu, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình đã sống từ năm 1954 có 11 cuốn sổ tang trên 7 chiếc bàn được kê dọc lối đi phủ khăn trắng trang trọng để người dân được viết những dòng chữ tiễn biệt Đại tướng.
Ngày viếng đầu tiên (6-10) chỉ có 2 cuốn sổ tang khiến những người muốn viết phải xếp hàng dài chờ tới lượt mình. Vì thế nên đến ngày thứ 3 (8-10), đã có tới 11 cuốn sổ để đồng bào không phải chờ đợi lâu. Song vẫn luôn có hàng dài chờ bày tỏ những tình cảm của mình với vị Đại tướng huyền thoại trong lòng dân
Mỗi người một cách bày tỏ khác nhau, từ các cựu chiến binh vào sinh ra tử, từng được chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đại tướng cho đến những học sinh mới chỉ nghe về Đại tướng qua bài giảng.
Có lẽ những cựu binh là những người mang nhiều xúc cảm hơn cả với những tâm sự gửi Đại tướng gắn với một thời đạn bom máu lửa. Ông Mai Xuân Văn, quê ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình vừa viết vừa khóc rưng rức với những dòng chữ: "Cháu là người lính D9 E102 F308 tham gia đánh chiến dịch đường 9 Nam Lào năm 1971. Giờ bác đã đi xa, lòng cháu thương tiếc vô hạn với vị tướng quân đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Mong bác thanh thản nơi cõi vĩnh hằng. Cháu là người lính trung thành vô hạn của bác".
Anh Nguyễn Trọng Công, Bộ tư lệnh cảnh vệ (Bộ Công an), viết: "Tất cả có thể thay đổi nhưng với nhân dân Việt Nam, Đại tướng mãi là vị tướng của nhân dân. Hôm nay con nguyện hứa với bác rằng sẽ phát huy truyền thống anh hùng đó để bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp".
Có cụ đến nhờ các bạn sinh viên tình nguyện viết dùm vì tay run rồi đọc vang cả một bài thơ ca ngợi Đại tướng.
Những người con quê hương Quảng Bình của Đại tướng mang nhiều xúc cảm hơn hết về sự gắn bó của người. Chị Ngô Nguyễn Hoài Hương, quê ở Quảng Bình, viết:"Từ nhỏ cháu thường được bố mẹ kể nhiều chuyện về Bác. Cháu rất cảm động, khâm phục và biết hơn bác. Hôm nay cháu từ Quảng Bình đến viếng bác, cầu mong bác bình an ở thế giới bên kia".
Sổ tang đầy ăm ắp những tình cảm chân thành. Từng câu, từng lời giản dị song ai đọc cũng phải xúc động.
"Người vẫn ở quanh đây với chúng con. Chỉ là người đang ngủ một giấc thật sâu. Con và mọi người sẽ rất nhớ người" - chị Lê Thị Đào viết.
Có những dòng tâm sự rất trong sáng, hồn nhiên như: "Cháu là Nguyễn Trung Hiếu. Từ nhỏ, cháu đã dược nghe rất nhiều về ông. Ông như một tượng đài đối với cháu. Cháu cầu mong đất nước này sẽ mãi còn có những tượng đài như ông. Cháu cầu mong ông hãy an nghỉ và phù hộ cho đất nước".
Chị Nguyễn Khánh Vân (ở Hà Nội) lại rưng rưng: "Đã từ lâu cháu mơ được một lần đến thăm bác, được nghe bác kể về những trận đánh lịch sử. Đến bây giờ, sau 30 năm cháu mới được đến đây nhưng không phải được gặp bác mà là thắp hương cho bác. Hôm nay cháu cùng mẹ và con trai đến viếng bác. Con trai cháu mới 10 tháng tuổi, sau này lớn lên, cháu sẽ kể cho bé nghe để bé có thể mãi tự hào về một trong những vị tướng tài ba nhất thế giới".
Những bạn thanh niên tình nguyện của Thành đoàn Hà Nội đều thấy vinh dự khi được trông coi và giúp người dân ghi sổ. Do cuốn sổ khá cứng nên đa phần các bạn phải giữ để cho mọi người viết.
Một sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm thứ 2 kể: "2 ngày ở đây, được chứng kiến tình cảm thực sự của người dân dành cho Đại tướng. Có những lúc một người đang viết bật khóc khiến mấy người ngồi bên cũng khóc theo. Mấy sinh viên tình nguyện đứng cạnh, nhìn cảnh ấy cũng không cầm được nước mắt".
Những hình ảnh phóng viên ghi bên những trang sổ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
Có tới 11 cuốn sổ tang để người dân lưu lại tình cảm của mình dành cho Đại tướng mà không phải đợi quá lâu
Ông Mai Xuân Văn, cựu chiến binh người Quảng Bình, vừa viết vừa khóc rưng rức
Từ già tới trẻ, ai cũng muốn gửi những tình cảm của mình tới vong linh Đại tướng, mong người an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng
Người cựu nữ thanh niên xung phong bồi hồi bên cuốn sổ tang
Run tay không viết được, một cụ già tay run nhờ bạn thanh niên tình nguyện ghi dùm...
... đến cháu học sinh còn mặc đồng phục, tất cả đều muốn gửi gắm những tình cảm của mình đối với người đã ra đi
Có lẽ đây là nơi thấm nhiều nước mắt người dân nhất trong suốt hành trình vào viếng vị tướng huyền thoại
Nhiều người gửi tâm sự trong những dòng thơ
Có bài thơ được lồng khung rất trang trọng và đẹp
Người nước ngoài cũng muốn viếng Đại tướng tại nhà và ghi sổ tang
Các bạn thanh niên tình nguyện của Thành đoàn Hà Nội giúp người dân giữ sổ tang trong khi viết
Theo Người lao động
André Menras: 'Con người huyền thoại, Tướng Giáp không còn nữa' Năm 2009, có một người Pháp đã đạt được mong mỏi đến nhà thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội. Lần đầu tiên, ông được nắm tay, nói chuyện với vị tướng huyền thoại mà ông ngưỡng mộ và tôn kính. Chuyên đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp Trang nhất của tờ La Marseillaise. Bài viết của ông Hồ Cương Quyết...