Khắp Hà Nội cháy hàng khẩu trang, tranh thủ ‘chém’, tăng giá gấp đôi
Người dân đổ xô đi mua nước muối sinh lý, khẩu trang y tế để phòng ngừa bệnh viêm phổi cấp do virus corona. Nhiều cửa hàng dịp này tranh thủ đẩy giá tăng gấp đôi, song vẫn xảy ra tình trạng “cháy hàng”.
Đua nhau tăng giá khẩu trang
Lo sợ dịch viêm phổi cấp do virus corona, những ngày này, người dân đang cuống cuồng tìm mua khẩu trang y tế, nước muối sinh lý súc miệng hay cồn rửa tay,… để phòng ngừa dịch bệnh.
Do đó, những mặt hàng này bắt đầu lên cơn sốt ngay từ trước Tết, khi dịch bệnh này bùng phát ở Trung Quốc. Đáng chú ý, khoảng 2 ngày gần đây, lượng hàng tiêu thụ bất ngờ tăng mạnh, giá tăng phi mã, thậm chí mặt hàng khẩu trang y tế có loại giá tăng gấp đôi vẫn “cháy hàng”.
Chị Lê Thanh Hương – một đầu mối bán khẩu trang unicharm Nhật Bản – cho biết, trước Tết, giá khẩu trang loại này một hộp có 100 chiếc giá chỉ 270.000 đồng, song hai hôm nay người mua phải chấp nhận giá 350.000 đồng/hộp. Theo chị, các nguồn cung khẩu trang bắt đầu khan hiếm nên giá cả cũng bị đẩy lên cao từ kho tổng.
Người dân đổ xô đi mua các loại khẩu trang y tế về dùng để phòng tránh virus corona (ảnh: Giadinh.net)
Một số đầu mối khác cũng tranh thủ tăng giá khẩu trang 3D lên mức giá 60.000-70.000 đồng/hộp 50 chiếc thay vì giá 45.000-50.000 đồng/chiếc như ngày thường.
Tương tự, khẩu trang 3M cũng đang loạn giá, mỗi nơi bán một mức giá khác nhau. Trên mạng xã hội, một số đầu mối bán khẩu trang 3M loại 1 hộp 10 chiếc có giá dao động từ 250.000-300.000 đồng/hộp, loại 25 chiếc/hộp có giá 280.000 đồng/hộp,…
Chị Đào Thị Hào – nhân viên một tiệm thuốc tại Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) thừa nhận, giá khẩu trang đang tăng mạnh. Chỉ vào hộp khẩu trang y tế dùng một lần còn sót lại tại tiệm thuốc của mình, chị nói: “Trước gía 1.500 đồng/chiếc, nay đã tăng lên 3.000 đồng/chiếc rồi mà giờ vẫn cháy hàng. Chưa biết ngay mai có nhập được hàng thêm không”.
Theo chị, tiệm thuốc đã bắt đầu mở bán lại từ ngày mùng 5 Tết, có bao nhiêu khẩu trang khách đều mua hết sạch. Trưa nay, chị nhập thêm 800 hộp khẩu trang y tế và khẩu trang 3D dùng một lần để bán dịp này, ai ngờ chỉ trong nửa buổi chiều đã “cháy hàng”.
“Nhà nào cũng mua 2-3 hộp. Nước muối sinh lý thì mua cả thùng 20 chai về dùng dần”. Chị nói và cho biết, dịp này chỉ có khẩu trang là tăng giá gấp đôi do đầu nguồn cung tăng, còn nước muối sinh lý vẫn giữ giá 7.000 đồng/chai. Song, chỉ trong ngày hôm nay chị cũng bán hết khoảng 250 thùng.
“Cửa hàng chỉ còn đúng 3 thùng nước muối sinh lý nữa là hết”, chị nói.
Trên thị trường có hàng trăm loại khẩu trang khác nhau, giá đang tăng phi mã, nhiều loại tăng giá gấp đôi vẫn cháy hàng
Trong khi đó, anh Lê Văn Kế ở Đường Láng (Đống Đa, Hà Nội) cũng tiết lộ, anh gom được 3.000 hộp khẩu trang 3M bán từ trước Tết, đến mùng 5 Tết thì “cháy hàng”. Hôm nay, khách chấp nhận đặt hàng, chờ thêm 1-2 ngày nữa anh mới có để giao vì khẩu trang không về kịp.
Chị Bùi Thị Chuyên ở Minh Khai (Hà Nội) than thở, suốt từ Tết đến giờ đọc tin về viêm phổi cấp thấy quá nguy hiểm nên nay chị phải tìm mua ngay khẩu trang và nước muối súc miệng. Kết quả, đi đến tiệm thuốc thứ 5 mới mua được những mặt hàng mình cần.
“Bốn cửa hàng thuốc trước báo hết hàng, chờ mai quay lại. Đi đến cửa hàng thứ 5 may mua được 3 hộp khẩu trang y tế dùng một lần và 5 chai nước muối sinh lý để về súc miệng. Tuy nhiên, tôi cũng phải mua khẩu trang này với giá đắt gấp đôi ngày thường”, chị Chuyên chia sẻ.
Video đang HOT
Dùng loại khẩu trang nào để phòng tránh virus corona?
Trước thực trạng virus corona hoành hành, thị trường xuất hiện hàng trăm loại khẩu trang với đủ mẫu mã, xuất xứ khác nhau. Đa phần các loại khẩu trang được quảng cáo có tác dụng lọc được bụi mịn, vi khuẩn, virus, nhưng nhiều người vẫn không biết chọn lựa nào loại để có thể phòng tránh được virus corona.
Nước muối sinh lý để súc miệng hàng ngày cũng được nhiều người mua tích trữ nên hai ngày nay “cháy hàng”
Trong cuộc họp báo ngày 22/1, ông Koh Peng Keng – Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore – khuyến cáo: “Chúng ta nên đeo khẩu trang y tế và các loại có tác dụng phòng bệnh truyền nhiễm tương tự, không nên sử dụng N95 vì nó không có hiệu quả ngăn ngừa virus này”.
Người dân nên chọn loại khẩu trang 2-3 lớp, thường được các bác sĩ sử dụng khi phẫu thuật. Nó giúp giảm sự lây lan của virus. Đồng thời, khẩu trang phẫu thuật còn ngăn ngừa các hạt nước bọt chứa vi khuẩn văng khỏi miệng, mũi người đeo, giảm tiếp xúc của nước bọt với dịch tiết của người sử dụng tới người khác.
Trong khi đó, ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, việc sử dụng khẩu trang để phòng các bệnh lây truyền qua đường hô hấp là rất đúng. Tuy nhiên, người dân cần cân nhắc nên dùng ở đâu và dùng khi nào.
Theo đó, người dân nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với những người có dấu hiệu bệnh đường hô hấp, khi đi đến những vùng có nguy cơ dịch bệnh hoặc khi ở trong bệnh viện chứ không nhất thiết phải sử dụng chúng mọi lúc, mọi nơi.
Ông Phu cũng nhấn mạnh, các loại khẩu trang đặc biệt được khuyến nghị sử dụng khi đi đến vùng có nguy cơ dịch. Nếu không phải vùng có dịch, người dân chỉ cần dùng những loại khẩu trang y tế thông thường.
Châu Giang
Theo vietnamnet
Bộ Y tế yêu cầu phòng, kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm phổi cấp do virus Corona trong bệnh viện
Ngày 24/1/2020, cục Quản lý Khám chữa bệnh (bộ Y tế) đã ban hành công văn số 96/KCB-ĐD&KSNK về việc phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm phổi cấp do virus Corona trong bệnh viện.
Công văn nêu rõ, hiện nay bệnh dịch viêm phổi cấp do virus Corona mới (nCoV) đang có diễn biến phức tạp. Theo số liệu của cục Y tế dự phòng, tính đến ngày 23/01/2020 tại Trung Quốc: Số ca mắc và tử vong tăng nhanh (571 trường hợp mắc, 17 trường hợp tử vong tại Vũ Hán); đã ghi nhận các trường hợp mắc tại 23 địa phương khác như Bắc Kinh, Quảng Đông, Thâm Quyến, Thượng Hải...; đã xác định có sự lây truyền nCoV từ người sang người và đã có 15 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh.
Một số nước, vùng lãnh thổ trong khu vực đã ghi nhận các trường hợp bệnh xâm nhập như: Thái Lan (04 trường hợp), Nhật Bản (01 trường hợp), Hàn Quốc (01 trường hợp), Đài Loan (01), Hoa Kỳ (01), Ma Cao (01), Hồng Kông (01). Tại Việt Nam đã ghi nhận 02 ca dương tính với nCoV đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy (02 bố con người Trung Quốc).
Để chủ động phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh dịch trong bệnh viện, cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu giám đốc sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng ytế các ngành; Giám đốc các bệnh viện trực thuộc bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt các yêu cầu sau đây:
Bộ Y tế yêu cầu phòng, kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm phổi cấp do virus Corona trong bệnh viện (Ảnh minh hoạ).
Tại khoa Khám bệnh, khoa Cấp cứu
Tổ chức sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV ngay tại nơi đón tiếp.
Bảo đảm đủ các phương tiện phục vụ phòng ngừa, đặc biệt trang phục phòng hộ cá nhân, dung dịch vệ sinh tay và khẩu trang y tế.
Bố trí khu vực chờ, khu vực khám riêng cho người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV (có biển báo và chỉ dẫn rõ ràng).
Khi phát hiện có người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV đủ tiêu chuẩn nhập viện, chuyển người bệnh vào nơi thu nhận người bệnh đúng quy định.
Người bệnh cấp cứu đến thẳng khoa cấp cứu, thực hiện như các nội dung trên.
Tuân thủ phòng ngừa chuẩn (vệ sinh tay và vệ sinh hô hấp; sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân; phòng ngừa chấn thương do vật sắc nhọn; quản lý chất thải; vệ sinh bề mặt...) và phòng ngừa dựa theo đường lây truyền (đường tiếp xúc, đường giọt bắn và đường không khí).
Tuyên truyền, hướng dẫn người bệnh và người nhà người bệnh mang khẩu trang, vệ sinh hô hấp; khuyến khích tất cả người bệnh và người nhà mang khẩu trang khi đến khoa Khám bệnh (qua loa đài, hướng dẫn trực tiếp bằng poster, tờ rơi...).
Tăng cường vệ sinh sàn, bề mặt buồng bệnh bằng hóa chất khử khuẩn. Bảo đảm các phòng khám, phòng lưu người bệnh nhiễm nCoV được thông khí tốt.
Tờ rơi phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại cửa khẩu được in ra 3 thứ tiếng (Việt/Anh/Trung).
Tại các khoa thu nhận, điều trị người nhiễm nCoV
Có biển cảnh báo tại khu vực cách ly. Hạn chế tối đa người ra vào khu vực cách ly.
Tuân thủ phòng ngừa chuẩn. Áp dụng cách ly phòng ngừa theo cả 3 đường lây, đặc biệt lưu ý phòng ngừa cách ly lây truyền theo đường tiếp xúc và giọt bắn. Áp dụng phòng ngừa cách ly lây truyền qua đường không khí khi có các thủ thuật có thể tạo ra hạt khí dung. Bảo đảm đủ các phương tiện phục vụ phòng ngừa, đặc biệt dung dịch vệ sinh tay và khẩu trang y tế.
Có thể bố trí kíp nhân viên y tế riêng để điều trị và chăm sóc người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV. Kíp nhân viên y tế này không tham gia điều trị, chăm sóc các người bệnh khác nhằm phòng ngừa lây nhiễm.
Bảo đảm thông khí buồng bệnh tối thiểu 3 lần/ngày.
Áp dụng triệt để gói biện pháp phòng ngừa viêm phổi liên quan đến thở máy, nếu người bệnh có đặt nội khí quản và gói giải pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn huyết bệnh viện.
Hạn chế di chuyển người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoVra khỏi khu vực cách ly. Nếu cần vận chuyển, bố trí đường vận chuyển riêng, ít người lưu thông.
Người bệnh và người nhà mang khẩu trang y tế, đặc biệt khi vận chuyển người bệnh ra ngoài khu vực cách ly.
Dụng cụ sau khi sử dụng được thu gom, vận chuyển kín và xử lý tập trung tại Trung tâm Khử khuẩn - Tiệt khuẩn.
Đồ vải sau khi sử dụng được thu gom, vận chuyển kín và xử lý tập trung tại nhà giặt.
Tất cả chất thải rắn phát sinh trong khu vực cách ly được quản lý, xử lý như chất thải y tế nguy hại.
Tăng cường vệ sinh sàn, bề mặt buồng bệnh bằng hóa chất khử khuẩn theo quy định.
Tại các khoa phòng khác
Tuân thủ nội dung phòng ngừa chuẩn. Bảo đảm đủ các phương tiện phục vụ phòng ngừa, đặc biệt dung dịch vệ sinh tay và khẩu trang y tế.
Bảo đảm thông khí buồng bệnh.
Phổ biến các poster, tờ rơi về các dấu hiệu nhận biết sớm bệnh. Hướng dẫn người bệnh và người nhà người bệnh mang khẩu trang y tế khi có các dấu hiệu ho, sốt...; thực hiện quy tắc che miệng khi ho, hắt hơi. Yêu cầu tất cả người bệnh và người nhà người bệnh của khoa Hô hấp mang khẩu trang.
Khi phát hiện có người bệnh có dấu hiệu nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễmnCoV, chuyển người bệnh đến khoa tiếp nhận theo quy định.
Tăng cường vệ sinh sàn, bề mặt buồng bệnh bằng hóa chất khử khuẩn theo quy định.
Thu thập, đóng gói, vận chuyển và xử lý bệnh phẩm xét nghiệm của người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoVbảo đảm an toàn theo đúng quy định.
Phòng ngừa cho nhân viên y tế, người nhà người bệnh và khách đến thăm
Hạn chế tối đa nhân viên y tế, người nhà người bệnh và khách thăm vào buồng cách ly. Người vào buồng cách ly phải tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn về dự phòng khi vào khu vực cách ly.
Ngoài ra, bảo đảm đủ các phương tiện phục vụ phòng ngừa, đặc biệt trang phục phòng hộ cá nhân, dung dịch vệ sinh tay và khẩu trang y tế.
Tổ chức tập huấn cho các nhân viên y tế về sàng lọc, phát hiện và xử trí khi có người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV.
Tăng cường giám sát tuân thủ thực hành của nhân viên y tế. Đặc biệt là tuân thủ thực hành phòng ngừa chuẩn, phòng ngừa dựa theo đường lây truyền tại các khu vực tiếp nhận, điều trị và chăm sóc người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV.
Báo cáo khi có ca bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV theo quy định.
Theo nguoiduatin
Chuyên gia đầu ngành về bệnh truyền nhiễm đưa ra nguyên tắc hàng đầu phòng chống virus corona mới Đến thời điểm hiện tại (ngày 24/1) đã có 2 ca bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra được phát hiện ở Việt Nam đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh viêm phổi lạ tại Vũ Hán do virus corona mới là bệnh lây qua đường hô hấp. Đến thời điểm hiện tại (ngày 24/1) đã có 2 ca...