Khảo sát về tham nhũng: Dư luận nêu “bên tám lạng, bên nửa cân”
Mặc dù đối với dư luận, Báo cáo kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” thật ra chẳng có gì mới lạ. Nhưng nó lại rất được hoan nghênh bởi xưa nay biết vậy mà…ai dám động vào?
CSGT nhận “mãi lộ” của tài xế xe tải (ảnh: Vietnam )
Kiểu “cưa đôi”… thiệt cả dân và Nhà nước
Đây là điều trái với phản ứng thường trực trước đây, khi dư luận luôn bày tỏ nghi ngờ các kết quả khảo sát do chính phía các cơ quan chức năng VN ta thực hiện. Bởi nhìn từ phía người dân thì đa phần chỉ thấy… tô hồng: Thành tích là chính, khuyết điểm là phụ mà có khi còn… bói không ra điểm yếu ấy chứ. Không ít kết quả khảo sát của phía nước ngoài cũng lại rơi vào tình thế tương tự, song nguyên chính có lẽ vì khoảng cách giữa góc nhìn của họ quá khác so với cách nhìn nhận, đánh giá của phía VN.
Lần này, “danh sách 4 ông” (cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng) bị liệt vào dạng tham nhũng phổ biến nhất được đại đa số ý kiến bạn đọc đồng tình. Không những vậy còn có thêm cả một “phụ lục” dài được người dân viện dẫn ra thêm. Song “bốn anh” (bưu điện, báo chí, kho bạc và cảnh sát khu vực) được Thanh tra Chính phủ cùng Ngân hàng Thế giới (WB) cho là “ít tham nhũng nhất”, lại bị nhiều người đánh giá là vẫn có phần điểm chưa trúng huyệt bởi… bên này tám lạng thì bên kia chắc cũng tròm trèm nửa cân. Chả kém cạnh gì đâu nhưng vì không bị đặt ở các vị trí đầu sóng ngọn gió, nên ít bị săm soi hơn.
“Nhận định trên chưa đúng hoàn toàn. Phần 4 ngành tham nhũng nhất là đúng, còn 4 ngành ít tham nhũng là chưa chính xác. Tôi thấy có lẽ chỉ có Bưu điện là có thể không, còn Công an khu vực, Kho bạc và cả Báo chí đôi khi cũng còn có hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho dân và cả với cơ quan nhà nước nữa” – Vũ Ngọc Văn
“Đánh giá trên đúng được 70%. nhưng tôi đánh giá cao vì bài viết dám nói thật. Tôi xin đưa ra thêm một số ngành tham nhũng đứng ngay sau 4 ngành đó nữa là: Thuế, ngành Y, giáo dục, giới chức chính quyền, ngân hàng, quản lý thị trường, bảo hiểm. Tôi đồng ý quan điểm: Ngành bưu điện ít tham những nhất nhưng không phải là không có đâu. Còn đứng đầu tham nhũng thì đúng như báo cáo nêu…. Thật buồn là nhân dân và doanh nghiệp hàng ngày nộp thuế cho Nhà nước để trả lương cho những con người được trao trọng trách mà lại làm ngược lại với lợi ích của chính nhân dân như vậy!” - Hoàng Văn Hoan
“Đã có ai thống kê ra con số cụ thể trên toàn quốc vớitoàn bộ các ngành chưa ? Tôi thấy có lẽ chỉ có làm nông và buôn bán ve chai là không tham nhũng thôi, chứ chắc chẳng có ngành nào, người nào có cơ hội mà không tham nhũng cả. Và cũng chẳng thể nào biết được ai “ăn” nhiều hơn ai, vì nếu biết thì người đó chắc chắn phải ở tù rồi. Nói chung là không thể biết rõ được “ma ăn cỗ” thế nào và lúc nào cả đâu” – Ngọc Tú
Dù sao, được dư luận đánh giá cao như thế chứng tỏ cuộc khảo sát này đã có được những thành công nhất định.Vì dân mình hiện nay dường như có xu hướng nghi ngờ tất cả, dễ tin vào những tin xấu hơn là tin tốt. Hơn nữa kết quả được nêu ra cũng có thể nói là “sao y bản chính” những điều người dân đã gửi gắm qua phản hồi gửi tới báo chí hàng ngày.
“Chỉ mong sao những cuộc khảo sát như thế này thường xuyên được công bố kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng” – Bùi Thành
Video đang HOT
“Tôi hoàn toàn nhất trí với nhận xét trên và rất hoan nghênh những cuộc khảo sát như vậy. Cho dù còn thiếu chính xác đi chăng nữa thì cũng là dư luận xã hội, ít nhiều phản ánh đúng thực trạng tham nhũng rõ ràng là đang tràn lan ở nước ta hiện nay. Là người sử dụng ôtô đi làm xa, tôi thường xuyên tiếp xúc với CSGT. Những người được coi là “Con em nhân dân, thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi”, những người “Đối với dân phải kính trọng lễ phép”. Nhưng mỗi khi bị CSGT dừng xe là đa số dân đã thấy khó chịu, bởi vì nếu không vi phạm thì cũng mất thì giờ. Còn nếu vi phạm thì là gặp “hạn”. Khi đó CSGT rất trịch thượng, hống hách, hạch sách…thôi thì đủ chiêu với mục đích cuối cùng để đi đến thoả thuận “chặt đôi ” tiền phạt, hoặc chí ít cũng mặc cả ” tự xử”. Và khi đó để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại (thời gian, công sức, tiền bạc…), với bản năng người vi phạm sẽ chọn “chặt đôi”.
Như vậy Nhà nước sẽ mất một khoản thu, người vi phạm mất 1/2 số tiền, chỉ có CSGT là được lợi. Nhưng họ có biết đâu là đã ngày càng đánh mất đi hình ảnh đẹp đẽ của lực lượng mình trong mắt người dân. Đến giờ ít ra tôi cũng đã đưa tiền cho CSGT Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương…(biết làm như vậy là chưa đúng nhưng tại sao vẫn phải làm thì chắc ai cũng hiểu). Lúc đưa tiền tôi buồn một, đưa tiền xong tôi cảm thấy đau mười vì những lời nói, cử chỉ ,hành vi của CSGT. Ví dụ: “Sáng ra gặp bác mở hàng thế này thì buồn”, “Để tiền vào sổ Đăng kiểm rồi cầm ra”, ” À này, sao ông đưa ít vậy?”, “À thông cảm nhé, chỉ tiêu… giao cao quá, những hơn 9 tỷ năm nay”, “Ông này nhố nhăng, đưa tiền cũng phải có cách chứ, ra sau xe kia”… Rồi… giật tiền, vo viên trong lòng bàn tay…Thật buồn quá đi thôi, và đôi lúc vì không nén lòng được nữa, tôi cũng to tiếng lại với CSGT sau khi đã đưa tiền…” – Công dân
(minh họa: Vũ Toản)
Phạt cao tham nhũng càng… khó giảm
Rất nhanh nhạy, người dân đã có ngay mối liên hệ từ kết quả khảo sát này với “quả bom tấn” mang tên “Nghị định 71″ vẫn đang khiến dân tình mất ăn mất ngủ vì lo lắng. Để rồi chẳng biết làm gì hơn là đành vẫn cố tự trấn an mình…
“Khảo sát xong rồi có biện pháp gì không mới là vấn đề. Bởi thực ra hiện trạng này quá là phổ biến. Một điều mà bất kỳ người có nhận thức nào cũng hiểu rõ…. Trước đây cũng đã có kết quả thăm dò ý kiến cho thấy tới 99% người được khảo sát cho rằng CSGT nhận hối lộ, chiếm tỉ lệ rất cao. Liên hệ với tình hình mới nhất liên quan tới lĩnh vực giao thông, tôi thấy người tham mưu ban hành Nghị định 34 đã kém, giờ lại tới Nghị định 71 càng cho thấy khả năng hiểu biết về pháp luật và thực tế VN rõ ràng là kém hơn. Quản lí không được nên đưa ra mức phạt tiền cao, nhưng nhận thức của người dân về pháp luật khi tham gia giao thông vẫn không thể vì thế mà cao hơn. Người dân chỉ sợ mức phạt thôi, lỡ vi phạm mất cả tấn lúa. Bên cạnh đó, khả năng tạo điều kiện cho tham nhũng sẽ nhiều hơn…” – Lê Phương
“Đành hy vọng sẽ có biện pháp giải quyết trong thời gian tới” – Nguyễn Việt Anh
Và để có thêm cơ sở củng cố lập luận cho mình, những điểm bất cập tiếp tục được vạch ra:
“Có thể nói tham nhũng trong CSGT có… từ nhiều năm nay… Giờ nếu qui định xử phạt càng cao, họ càng kiếm được bộn tiền vì đã lâu rồi vẫn tồn tại cái gọi là luật bất thành văn là cứ “cưa đôi – 50/50″ … Cho nên xử phạt càng cao thì chỉ càng làm giàu cho CSGT thôi (chứ chẳng nộp thêm vào ngân sách nhà nước được bao nhiêu đâu), mà dân vẫn cho rằng vĩnh viễn không bao giờ hạn chế được tai nạn giao thông… Thậm chí còn có thể gây ra phản ứng cực đoan nhiều hơn, vô hình trung càng gia tăng tình trạng coi thường pháp luật” – Linhduong278
Phản ứng chung là như vậy, nhưng người dân cũng không vơ đũa cả nắm và vẫn có nhiều ý kiến phân biệt rõ đúng/sai từ cả hai phía liên quan:
“Tôi lại thấy, nếu như mình không sai thì chẳng ai bắt phạt được mình. Các bạn đi đường có lẽ bị phạt vài lần đâm ra chán ghét họ. Có khi còn là do cố tình vi phạm, thế thì bị phạt là đúng rồi. Cũng nhiều khi là do chính mình lơ đãng không để ý….Xin hỏi bạn có biết chỉ do mình lơ đãng sẽ có thể gây ra hậu quả thế nào không? Nếu có bị phạt cũng là để lần sau tiếc tiền mà cẩn thận hơn để không đi sai nữa thôi …Đừng vơ đũa cả nắm nhé. Nhất là đừng vì tiếc tiền rồi lại quay ra phê phán người ta là tham nhũng….Thế thì… bó tay!” – Anry
“Bạn thử về miền Tây xem! Bạn vi phạm mà đưa tiền thì CSGT sẽ đưa cho bạn một tờ biên bản vi phạm hành chính, ngoài các lỗi vi phạm giao thông còn có thêm lỗi đưa hối lộ đấy. Nói gì thì nói, CSGT cũng có nơi, có người liêm khiết chứ. Miền Đông, Trung, Bắc, Sài Gòn thì chính xác như các bác phản ánh rồi” - Buihaibangcatplx
Đúng như nhiều bạn đọc đã phản ánh, có đi khắp thế gian ngày chắc cũng không thấy ở nơi đâu mà lực lượng CSGT lại hùng hậu như tại các TP ở VN. Sắc áo vàng gần như hiện diện ở khắp nơi, nhưng bài toán vấn nạn giao thông không vì thế mà có được lời giải . Tình cảm và sự yêu mến của người dân với các lực lượng chức năng cũng ngày càng giảm sút.
“Không hiểu sao các anh CSGT ở ta đều chỉ khoái thổi phạt? Có nhiều trường hợp chỉ cần nhắc nhở người đi đường như cảnh sát nước ngoài họ thường làm, như vậy người dân sẽ yêu mến các anh biết bao nhiêu. Chứ giờ nói đến CSGT gần như ai ai cũng lắc đầu chê…Hãy là người công an nhân dân đích thực, mọi chuyện sẽ khác…” – Chi Tai
“Vì tham nhũng mới gây ra lạm phát, vì tham nhũng đất nước mới phát sinh tiêu cực. Một ví dụ cụ thể: xe tải chạy hành trình Bắc – Nam qua bao nhiêu chốt cảnh sát. Mỗi lần bị chặn là phải hối lộ, thay vì một tấn hàng chuyên chở trả 200 ngàn, bây giờ phải tăng lên gấp đôi hay gấp 3. Muốn có lợi nhuận dân buôn phải tăng giá và người dân tiêu dùng là người gánh chịu cuối cùng…
Còn bao nhiêu chuyện đau lòng khác từ bệnh viện, đường sá… Xót xa quá! Muốn chống tham nhũng, theo tôi nghĩ, thì chỉ có một con đường duy nhất. Đó là hãy học hỏi kinh nghiệm làm tốt của các nước văn minh hơn, để áp dụng thì người dân ta mới được sống trong bình an, hạnh phúc. Ai cũng chỉ sinh ra một lần và được sống một lần trong đời. Dân Việt Nam mình đều là những người giỏi chịu thương chịu khó, tại sao lại không được hưởng những gì tốt nhất như bao người khác trên thế gian này?…” – Ha Lan Nguyen
Cán bộ hay giới chức cũng là từ nhân dân mà ra, chắc cũng hiểu tất cả những điều tiếng mà họ gây ra với dân để tới mức giờ đây dân phải xác định đành “sống chung với… lũ”. Từ “lũ” ở đây có lẽ muốn hiểu sao cũng được. Cũng như nhận xét từ phía Thanh tra Chính phủ cho rằng: khảo sát này chưa phản ánh một cách toàn diện, đầy đủ và chính xác về thực trạng phòng, chống tham nhũng của Việt Nam và cũng không phải là ý kiến đánh giá của các cơ quan nhà nước. Nhưng dư luận chỉ bày tỏ ủng hộ vế thứ hai cũng của nhận xét đó, rằng kết quả khảo sát này vẫn rất có ý nghĩa.
Theo Dantri
4 ngành tham nhũng nhiều nhất
Theo kết quả khảo sát được Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới công bố sáng 20/11, 4 lĩnh vực bị đánh giá tham nhũng nhiều nhất là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng.
Sáng 20/11, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới đã công bố Báo cáo kết quả khảo sát xã hội học "Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức" do hai cơ quan này thực hiện.
Cuộc khảo sát quy mô này được tiến hành trên 5.460 người, trong đó có 2.601 người dân, 1.058 doanh nhân và 1.801 cán bộ công chức tại 10 tỉnh thành và 5 bộ ngành. 10 tỉnh trong cuộc khảo sát này có dân số chiếm 30% dân số cả nước và đóng góp 65% GDP.
Kết quả khảo sát cho thấy, tham nhũng là một trong 3 vấn đề được quan tâm nhất của dư luận, bên cạnh mối quan tâm về giá cả sinh hoạt, an toàn thực phẩm. 82% người được hỏi cho rằng tham nhũng phổ biến hoặc rất phổ biến ở phạm vi cả nước. Hơn 75% người được hỏi cho rằng tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng, 45% cán bộ công chức chứng kiến hành vi tham nhũng, 44% doanh nghiệp và 28% người dân trả chi phí không chính thức.
Đại diện các cơ quan tiến hành khảo sát về tham nhũng. Ảnh: ĐL
Theo ý kiến của các nhóm người được phỏng vấn, bốn ngành tham nhũng phổ biến nhất là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan, xây dựng. Trên 75% số người cho rằng tham nhũng trong những ngành này là phổ biến.
Về hình thức tham nhũng, có khoảng 5% số doanh nghiệp cho biết, họ bị các công chức yêu cầu bán tài sản giá rẻ hoặc thuê tài sản, đề nghị doanh nghiệp chi trả chi phí nghiên cứu, tham quan hoặc chi tiêu cá nhân. Hơn 15% doanh nghiệp bị cán bộ "vòi vĩnh" tiền, quà tặng.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, chi phí không chính thức khá tốn kém song lợi ích mà doanh nghiệp nhận được lớn hơn chi phí bỏ ra. Gần 63% doanh nghiệp tin rằng, chi phí không chính thức "tạo ra cơ chế ngầm giải quyết công việc một cách nhanh chóng" và hơn 50% ý kiến cho rằng nó khiến cán bộ tích cực làm việc. 70% trường hợp trả phí ngoài quy định do doanh nghiệp chủ động đề nghị, còn 30% trường hợp là cán bộ yêu cầu.
Trong các ngành được khảo sát, quản lý thị trường đứng đầu trong danh sách cơ quan đòi phí ngoài quy định, thứ hai là cảnh sát giao thông, sau đó là công an kinh tế, quản lý tài nguyên, xây dựng. Việc chi trả tiền, quà biếu thường diễn ra vào dịp lễ, tết, trả tiền cho tiệc hoặc vui chơi giải trí. Một số doanh nghiệp cho biết họ phải tiếp đón các chuyến viếng thăm không chính thức từ cơ quan kế hoạch đầu tư, thanh tra kiểm tra.
Về phương pháp phòng chống tham nhũng, phần lớn cán bộ công chức đồng tình rằng cần công khai, minh bạch và thực hiện các chế độ định mức, tiêu chuẩn là biện pháp hiệu quả. Cải cách hành chính và thực hiện các quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp đứng vị trí tiếp theo. 24% cán bộ cho rằng, quy định nộp lại quà biếu của cán bộ công chức là có hiệu quả.
Điều tra cũng ghi nhận có 52% số doanh nghiệp có các hoạt động phòng chống tham nhũng, 43% người dân sẽ tố cáo tham nhũng và 85% số cán bộ công chức cho biết nhận thức về tham nhũng đã được nâng cao.
90% số người được hỏi tin rằng đối tượng tham nhũng chưa phải chịu những hình phạt thích đáng, 80% người cho rằng chưa có sự chú trọng làm trong sạch đội ngũ cán bộ, ngoài ra các biện pháp chống tham nhũng còn dàn trải, thiếu trọng tâm trọng điểm và người có thẩm quyền chưa thực sự quyết tâm. Người dân còn gay gắt khi tin rằng có sự tiếp tay giữa công chức và đối tượng tham nhũng, cấp trên bao che cho cấp dưới và cán bộ thiếu năng lực.
Dù UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo xóa nhà siêu mỏng, nhưng ngay sát trụ sở UBND xã, ngôi nhà siêu mỏng này vẫn được xây dựng. Ảnh: Hoàng Hà.
Theo bà Fiona Lappin, Trưởng đại diện, Bộ Phát triển quốc tế Anh, kết quả khảo sát cho thấy vai trò quan trọng của tính minh bạch trong công tác chống tham nhũng. Vấn đề này đã được nên lên song việc thực thi chưa nhất quán, người dân và doanh nghiệp có thể tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và thực thi chính sách, điển hình như TP HCM, Đồng Tháp, Tây Ninh. Những nơi thực hiện tốt minh bạch có tỷ lệ hối lộ giảm 40%.
Cũng theo bà Fiona, những nơi thực hiện cải cách hành chính tốt có mức độ hối lộ giảm 30-40%. Ngoài ra, cũng cần có biện pháp hướng đến những nhóm ngành cụ thể và thực hiện phòng chống tham nhũng trong ngành như cảnh sát giao thông, y tế, giáo viên, cán bộ ở cấp trung ương.
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho rằng, kết quả trong báo cáo khảo sát không đại diện cho ý kiến của tổng thể nhân dân, doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ công chức của Việt Nam và cũng không phải là ý kiến đánh giá của cơ quan nhà nước. Nhưng kết quả này có ý nghĩa để các cơ quan, tổ chức, cá nhân, những người làm công tác hoạch định chính sách về phòng, chống tham nhũng tham khảo, phục vụ nghiên cứu nhằm mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng ở Việt Nam.
Theo VNE
Tham nhũng phổ biến nhất là ở CSGT Theo ý kiến khảo sát với 5.460 cán bộ công chức, người dân và doanh nghiệp, 4 ngành, lĩnh vực được họ nhìn nhận tham nhũng phổ biến nhất là Cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng. Ngược lại, 4 ngành, lĩnh vực mà những người tham gia khảo sát nhìn nhận ít tham nhũng nhất là...